Mối quan hệ giữa quyền bảo vệ toàn vẹn tác phẩm và quyền làm tác phẩm phái sinh

Quyền bảo vệ toàn vẹn tác phẩm là một trong những quyền tinh thần thuộc về tác giả, trong khi đó, quyền làm tác phẩm phái sinh là một trong những quyền kinh tế thuộc về chủ sở hữu quyền tác giả và có thể chuyển giao cho người khác.

Tranh chấp có thể phát sinh khi người làm tác phẩm phái sinh sửa chữa, thay đổi tác phẩm gốc mà không được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả, làm ảnh hưởng đến chủ đề, ý tưởng sáng tạo của tác giả tác phẩm gốc. Thông qua việc bình luận quy định của pháp luật cũng như một số vụ việc xung đột giữa quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm của tác giả và quyền làm tác phẩm phái sinh, tác giả đưa ra một số kiến nghị nhằm giải quyết mối quan hệ trên.
Công ước Berne là Công ước quốc tế nền tảng về quyền tác giả có phạm vi quốc gia thành viên đông đảo nhất quy định các quốc gia phải dành cho tác giả của tác phẩm văn học, nghệ thuật một phạm vi bảo hộ tối thiểu bao gồm các quyền kinh tế và quyền tinh thần. Một trong các quyền tinh thần mà các quốc gia thành viên Công ước Berne có nghĩa vụ phải quy định trong pháp luật của mình là “quyền phản đối bất kỳ sự cắt xén, bóp méo hoặc sửa đổi tác phẩm, hoặc các hành vi xúc phạm khác liên quan đến tác phẩm mà có thể phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả”[1]. Điều 6bis Công ước Berne cũng khẳng định, quyền tinh thần này độc lập với quyền kinh tế của tác giả và ngay cả khi quyền tác giả được chuyển nhượng, tác giả vẫn giữ nguyên quyền được phản đối bất kỳ sự xuyên tạc, cắt xén hay sửa đổi tác phẩm có thể làm phương hại đến danh dự và tiếng tăm tác giả. Một trong các quyền kinh tế tạo thành tiêu chuẩn bảo hộ tối thiểu trong Công ước Berne là quyền thực hiện phóng tác, cải biên, chuyển thể tác phẩm. Nếu như các quyền tinh thần như quyền bảo vệ tính toàn vẹn của tác phẩm luôn gắn liền với tác giả, thì những quyền phóng tác, cải biên, chuyển thể lại có thể được chuyển giao cho người khác. Như vậy, người được chuyển giao các quyền kinh tế thuộc quyền tác giả, cụ thể là quyền làm tác phẩm phái sinh có thể tác động vào tác phẩm gốc (như cắt xén, sửa chữa, thay đổi) để tạo ra những tác phẩm mới như tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể. Điều này làm biến đổi nội dung hay cách trình bày, thể hiện tác phẩm của tác giả, nó có thể làm phương hại đến ý đồ, tư tưởng của tác giả khi sáng tạo tác phẩm, dẫn tới xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm.

Để nội luật hóa quy định của Công ước Berne, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam quy định, quyền tác giả bao gồm các nhóm quyền nhân thân được quy định tại Điều 19 và quyền tài sản được quy định tại Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành. Khoản 4 Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ quy định tác giả có quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm của mình: “Quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén tác phẩm hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín cuả tác giả”. “Quyền làm tác phẩm phái sinh” là một trong những quyền tài sản thuộc về chủ sở hữu quyền tác giả. Chủ sở hữu quyền tác giả được độc quyền thực hiện quyền này hoặc cho phép người khác thực hiện [2]. Điều này đặt ra các vấn đề sau đây:

1. Thế nào là xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm?
Tác phẩm là sản phẩm sáng tạo tinh thần, là một chỉnh thể thống nhất thể hiện nội dung, tư tưởng, ý đồ nghệ thuật của tác giả. Nội dung, giá trị nghệ thuật của tác phẩm gắn liền với uy tín và làm nên danh tiếng của tác giả. Khi sáng tạo ra tác phẩm, tác giả phải chịu trách nhiệm trước xã hội và những chủ thể khác về nội dung, chất lượng của tác phẩm. Việc người khác tự ý sửa chữa, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào có thể làm ảnh hưởng đến giá trị nội dung cũng như nghệ thuật của tác phẩm, thậm chí, làm sai lệch, bóp méo tư tưởng, chủ đề mà tác giả gửi gắm trong tác phẩm của họ. Do đó, cũng tương đồng với Công ước Berne, pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam quy định tác giả được quyền bảo vệ tính toàn vẹn của tác phẩm, bao gồm quyền bảo vệ tuyệt đối “đứa con tinh thần” của mình và ngăn cấm không cho chủ thể nào khác được làm thay đổi tác phẩm, kể cả trong trường hợp sự thay đổi đó, có thể làm tăng giá trị nghệ thuật hay thực tiễn của tác phẩm, trừ khi được tác giả đồng ý.

Trên thực tế, yếu tố “gây phương hại đến danh dự, uy tín của tác giả” thường rất khó xác định. Bản thân giá trị của tác phẩm văn học nghệ thuật rất khó xác định vì không có tiêu chí chung để đánh giá. Việc đánh giá tác phẩm văn học, nghệ thuật chủ yếu dựa vào ý chí chủ quan và quan điểm của mỗi người. Trong các vụ kiện tranh chấp liên quan đến quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, tác giả khó có thể thu thập và cung cấp được chứng cứ để chứng minh việc cắt xén, sửa chữa tác phẩm gây phương hại đến danh dự, uy tín của mình. Hơn nữa, trong tình huống đó, quan điểm của tác giả và người sửa chữa tác phẩm thường không thống nhất. Người sửa chữa thì cho rằng, việc sửa chữa như vậy làm cho tác phẩm hay hơn, có giá trị hơn; ngược lại tác giả lại cho rằng, việc sửa chữa làm sai lệch ý tưởng của tác giả, làm ảnh hưởng đến chất lượng, giá trị của tác phẩm. Quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm cho đến nay vẫn là vấn đề gây nhiều tranh cãi trong pháp luật cũng như thực tiễn tranh chấp về quyền tác giả trên thế giới cũng như Việt Nam.
Ví dụ 1: Vụ nhà điêu khắc Michael Snow kiện Trung tâm Eaton liên quan tác phẩm điêu khắc Flight Stop[3]. Năm 1979, Michael Snow, một nhà điêu khắc nổi tiếng thế giới người Canada được giao nhiệm vụ tạo ra một tác phẩm điêu khắc để lắp đặt tại Trung tâm Eaton - một khu phức hợp trung tâm mua sắm và cao ốc văn phòng lớn ở trung tâm thành phố Toronto. Tác phẩm điêu khắc có tên “Flight Stop” gồm 60 con ngỗng đặc trưng của Canada với nhiều kích cỡ khác nhau và ở tư thế đang bay. Tác phẩm điêu khắc này đã được tài trợ một phần từ tiền xổ số của địa phương và được người sở hữu Trung tâm Eaton mua lại, treo trên trần của phòng trưng bày bên trong khu phức hợp mua sắm dưới sự giám sát của Snow, kèm theo một tấm bảng ghi rõ Michael Snow là nghệ sĩ sáng tạo ra tác phẩm điêu khắc kể trên. Tác phẩm điêu khắc nhanh chóng trở thành tiêu điểm của Trung tâm và nhận được nhiều lời khen ngợi từ công chúng và giới phê bình nghệ thuật.
Đến năm 1982, để đón đầu mùa mua sắm Giáng sinh, giám đốc tiếp thị của Trung tâm Eaton đã bắt đầu kế hoạch trang trí khu phức hợp bằng sáng kiến đeo 60 dải ruy băng màu đỏ lên cổ của 60 con ngỗng và sử dụng biểu tượng này trên các áp phích, biểu ngữ và túi mua hàng mà không hỏi ý kiến của Michael Snow. Tác giả đã khiếu nại yêu cầu người điều hành Trung tâm Eaton gỡ bỏ các dải ruy băng vì cho rằng, cách trang trí đó phá vỡ tính hài hòa tự nhiên của tác phẩm, làm thay đổi ý tưởng nghệ thuật của tác phẩm và làm ảnh hưởng đến danh tiếng nghệ thuật của ông. Tuy nhiên, người quản lý Trung tâm Eaton đã từ chối việc gỡ các dải ruy băng trang trí trên cổ các chú ngỗng với các lý do: Trung tâm đã chi một khoản tiền lớn cho việc quảng cáo liên quan đến biểu tượng này và tin rằng các dải ruy băng không hề làm giảm giá trị của tác phẩm như suy nghĩ của Michael Snow. Hơn nữa, tác phẩm “Flight Stop” là tài sản của Trung tâm Eaton, nên Trung tâm được quyền khai thác thương mại cho hoạt động của trung tâm mua sắm và tác giả Michael Snow đã biết về điều đó. Michael Snow đã khởi kiện đến Tòa án để buộc Trung tâm Eaton phải gỡ dải ruy băng với lập luận rằng việc gắn dải ruy băng là xâm phạm tính toàn vẹn và làm biến dạng tác phẩm của ông, căn cứ Điều 12(7) Luật Bản quyền tác giả của Canada năm 1970, trong đó nêu rõ: “Độc lập với bản quyền của tác giả và ngay cả sau khi chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần bản quyền nói trên, tác giả có quyền bảo vệ tính toàn vẹn của tác phẩm, cũng như có quyền hạn chế mọi sự bóp méo, cắt xén hoặc sửa đổi khác đối với tác phẩm nếu điều đó gây phương hại đến danh dự hoặc danh tiếng của anh ta”. Một số chuyên gia trong giới nghệ thuật cũng ủng hộ quan điểm của Michael Snow khi họ cho rằng, việc trang trí những dải ruy băng đã bóp méo hình ảnh của tác phẩm, làm ảnh hưởng đến danh dự và danh tiếng nghệ thuật của Michael Snow. Ngược lại, một số khác lại cho rằng, những dải ruy băng không hề gây ra sự khó chịu và chỉ một “tuyên bố Giáng sinh vui vẻ”. Trong vụ việc này, Tòa án cho rằng, việc có vi phạm theo Điều 12 (7) Luật Bản quyền tác giả của Canada hay không phụ thuộc vào nhận thức của chính tác giả. Do đó, Tòa án ra phán quyết ủng hộ Michael Snow và lệnh buộc Trung tâm Eaton phải tháo gỡ dải ruy băng vì việc sửa đổi tác phẩm khi chưa có sự đồng ý của tác giả có thể bóp méo tác phẩm, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của tác giả.

Trong vụ việc kể trên, Tòa án đã áp dụng pháp luật với hai luận điểm quan trọng: (i) Tác giả có quyền bảo vệ sự toàn vẹn đối với tác phẩm, mọi sự cắt xén tác phẩm mà không được sự đồng ý của tác giả có thể làm ảnh hưởng đến danh dự của tác giả và bị coi là xâm phạm; (ii) Quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm độc lập với các quyền kinh tế thuộc quyền tác giả nên kể cả khi tác giả chuyển nhượng các quyền kinh tế thì tác giả vẫn được bảo lưu quyền này.
Quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm là quyền nhân thân được bảo hộ vô thời hạn. Do đó, việc xác định hành vi xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm sẽ càng khó khăn hơn trong trường hợp tác giả đã qua đời. Ai sẽ là người chứng minh hành vi cắt xén, sửa chữa gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả và chứng minh như thế nào? Sau đây là một vụ kiện có liên quan.

Ví dụ 2: Vụ kiện về việc sáng tác tác phẩm “Những người khốn khổ II” [4]. Vụ kiện bắt đầu từ năm 2001, khi Nhà xuất bản Plon (Cộng hòa Pháp) quyết định cho xuất bản phần tiếp theo của tác phẩm bất hủ “Những người khốn khổ” do nhà văn Pháp Francois Ceresa thực hiện. 136 năm sau cái chết của Victor Hugo, 149 năm sau ngày xuất bản lần đầu của “Những người khốn khổ”. Francois Ceresa chia “Những người khốn khổ II” thành hai phần: Phần thứ nhất “Cosette, hay thời đại của những ảo tưởng” và phần thứ hai “Marius, hay kẻ chạy trốn”. Tác phẩm hậu “Những người khốn khổ” được Ceresa viết theo tinh thần giữ nguyên bút pháp của Hugo nhưng bổ sung những sắc thái của ngày hôm nay. Nhưng cuốn sách “cải biên” này đã khiến những người bảo vệ di sản của Victor Hugo hết sức phẫn nộ và người chắt của Victor Hugo là Pierre Hugo và Hiệp hội những người yêu văn học Pháp đã kiện tác giả của cuốn sách và Nhà xuất bản Plon về hành vi xâm hại nguyên tác, yêu cầu cấm ngay lập tức việc xuất bản ấn phẩm đồi bại này và đòi bồi thường thiệt hại đến danh dự của Victor Hugo là 675.000 Euro.
Quyền tinh thần được quy định tại Điều L111-1 của Bộ luật Sở hữu trí tuệ Pháp là quyền không được thương mại hóa đối với bất kỳ ai ngoài tác giả vì nó chính là hiện thân của cái tôi tác giả trong tác phẩm của mình. Trong vụ kiện này, mặc dù các quyền kinh tế của tác giả ở Pháp đã kết thúc thời hạn bảo hộ nhưng vẫn còn xung đột liên quan đến các quyền phi kinh tế vì những quyền này là vô thời hạn theo giải thích của Điều L121-7 Bộ luật Sở hữu trí tuệ. Tòa Phúc thẩm khi xét xử vụ kiện đã công nhận quyền tinh thần của Hugo bị vi phạm theo Điều L111 -1, L121 Bộ luật Sở hữu trí tuệ và Điều 10 của Công ước Châu Âu về Nhân quyền. Tòa án chấp nhận rằng, Pierre Hugo (cháu gọi Hugo bằng cố) có quyền khởi kiện theo luật của Pháp nhưng không theo bản quyền truyền thống, vì những quyền đó đã hết hạn vào năm 1957 và thừa nhận quyền khởi kiện của Hiệp hội những người yêu văn học Pháp. Tòa Phúc thẩm đã đưa ra phán quyết về quyền tinh thần của Hugo: Một là, mặc dù các quyền theo bản quyền (quyền kinh tế) của Hugo, bao gồm quyền chuyển thể tác phẩm của ông đã hết thời hạn bảo hộ độc quyền, nhưng bất kỳ sự chuyển thể nào cũng có thể ảnh hưởng đến quyền tinh thần Victor Hugo ở một mức độ nào đó. Hai là, Tòa phúc thẩm không xác định được căn cứ để cho rằng, việc Ceresa làm tác phẩm chuyển thể “Những người khốn khổ II” khiến hình ảnh cũng như danh dự của Victor Hugo bị hoen ố và do đó không gây ra thiệt hại cụ thể. Những người bảo vệ quyền tinh thần của Victo Hugo vẫn tiếp tục theo đuổi vụ kiện.

Tháng 12 năm 2008, Tòa Thượng thẩm Paris đã xem xét lại bản án của Tòa phúc thẩm và kết luận rằng, việc Ceresa sáng tác cuốn hậu “Những người khốn khổ” không bôi nhọ hay làm ảnh hưởng đến thanh danh của Victor Hugo, rằng việc xuất bản cuốn sách này là hợp pháp. Tòa Thượng thẩm Paris đã đưa ra phán quyết cuối cùng bênh vực tác giả tác phẩm phái sinh Francois Ceresa dựa trên luận chứng là tuyên bố của Hugo về quyền sở hữu những đứa con tinh thần của mình trong bài diễn văn của Victor Hugo tại Hội nghị Văn học Quốc tế ngày 21/6/1878: “Trước lúc công bố tác phẩm, tác giả có mọi quyền hiển nhiên và vô hạn đối với tác phẩm của mình, nhưng khi cuốn sách đã rời nhà in, tác giả không còn là người chủ của nó nữa”. Vụ kiện kể trên cũng gây nhiều tranh cãi trong việc xác định quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm. Bản án của Tòa Phúc thẩm công nhận việc làm tác phẩm phái sinh có thể làm ảnh hưởng đến quyền tinh thần (trong đó có quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm) của tác giả - quyền được bảo hộ vô thời hạn, nhưng tuyên bố không nhận thấy việc sáng tác “Những người khốn khổ II” làm tổn hại đến danh dự của tác giả tác phẩm gốc. Bản án Giám đốc thẩm lại có phán quyết cho rằng, việc làm tác phẩm phái sinh là hoàn toàn hợp pháp.

Qua hai vụ kiện kể trên, chúng ta có thể nhận thấy, trên thế giới đang tồn tại hai quan điểm khác nhau về việc xác định hành vi xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm: (i) Quan điểm thứ nhất tuyệt đối hoá quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm, thể hiện trong phán quyết của Tòa án trong vụ kiện tác phẩm “Flight Stop”. Theo quan điểm này, mọi hành vi sửa chữa, thay đổi tác phẩm mà không được tác giả cho phép bị coi là xâm phạm quyền của tác giả, kể cả khi tác giả đã chuyển nhượng các quyền khai thác tác phẩm cho người khác, hay người sửa chữa là chủ sở hữu quyền tác giả. (ii) Quan điểm thứ hai lại mở ra một khả năng cho những người làm tác phẩm phái sinh khi họ có thể thay đổi tác phẩm gốc mà không bị coi là xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, mặc dù quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm là quyền được bảo hộ vô thời hạn. 

Theo quy định tại khoản 4 Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam, việc sửa chữa, cắt xén tác phẩm kèm theo yếu tố “gây phương hại đến danh dự, uy tín của tác giả”.  Tiếp đó, khoản 5 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ quy định, hành vi “sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả” là hành vi xâm phạm quyền tác giả. Với những quy định trên có thể giải thích theo Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam, hành vi sửa chữa, cắt xén, xuyên tạc tác phẩm chỉ bị coi là xâm phạm khi tác giả chứng minh hành vi đó “gây phương hại đến danh dự, uy tín của tác giả”. Với cách giải thích này, tác giả khó có thể kiện người khác xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm của mình khi người này đưa ra lập luận việc họ sửa chữa để tác phẩm hay hơn, có giá trị nghệ thuật hơn, không xâm phạm đến danh dự, uy tín của tác giả. Khoản 3 Điều 20 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả hướng dẫn như sau: “Quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén tác phẩm quy định tại khoản 4 Điều 19 của Luật sở hữu trí tuệ là việc không cho người khác sửa chữa, cắt xén tác phẩm hoặc sửa chữa, nâng cấp chương trình máy tính trừ trường hợp có thỏa thuận của tác giả”. Theo quy định này, các hành vi sửa chữa, cắt xén tác phẩm mà không được sự chấp thuận của tác giả đều bị coi là xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cần xem xét đến yếu tố có xâm phạm đến danh dự, uy tín của tác giả hay không. Quy định này đã giảm nhẹ nghĩa vụ chứng minh cho tác giả, đồng thời, đề cao quyền năng tuyệt đối của tác giả đối với “đứa con tinh thần của mình”. Chỉ có tác giả là người duy nhất của quyền quyết định về nội dung, hình thức thể hiện của tác phẩm, có quyền thay đổi hay cho phép người khác được sửa chữa sản phẩm sáng tạo của mình.

Có thể thấy, hướng dẫn tại khoản 3 Điều 20 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP hiện nay không đồng nhất với quan điểm thể hiện trong khoản 4 Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ. Dưới góc độ lý luận, có thể suy luận rằng, hành vi cắt xén, sửa chữa tác phẩm mà không xin phép tác giả đã gây phương hại đến danh dự, uy tín của tác giả rồi, vì tác phẩm là sản phẩm sáng tạo của tác giả và tác giả là người duy nhất có quyền quyết định về sản phẩm sáng tạo của mình. Dưới góc độ thực tiễn, hướng dẫn tại khoản 3 Điều 20 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP khiến cho quy định về quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm có tính khả thi, tạo điều kiện thuận lợi để tác giả bảo vệ quyền nhân thân của mình. Với những lý do đó, tác giả ủng hộ cách tiếp cận theo khoản 3 Điều 20 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP, theo đó, hành vi sửa chữa, cắt xén tác phẩm mà không được tác giả cho phép là xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cần xem xét đến yếu tố có xâm phạm đến danh dự, uy tín của tác giả hay không.

2. Xung đột giữa quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm và quyền làm tác phẩm phái sinh
Quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm là quyền nhân thân tuyệt đối thuộc về tác giả, trong khi đó quyền làm tác phẩm phái sinh thuộc về chủ sở hữu quyền tác giả. Làm tác phẩm phái sinh là việc tạo ra tác phẩm mới dựa trên sự thay đổi tác phẩm gốc (có thể là thay đổi về nội dung, hình thức thể hiện hay ngôn ngữ trình bày của tác phẩm gốc). Chủ sở hữu quyền tác giả có quyền tạo ra tác phẩm phái sinh trên cơ sở tác phẩm gốc nhưng với nội dung, hình thức, cách thức trình bày mới so với tác phẩm gốc như: Dịch, phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn... tác phẩm. Việc người khác tạo ra tác phẩm phái sinh bằng việc thay đổi tác phẩm gốc có thể làm ảnh hưởng đến quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm, khiến cho tác giả cảm thấy danh sự, uy tín của mình liên quan đến tác phẩm bị xâm phạm. Xung đột giữa quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm của tác giả và quyền làm tác phẩm phái sinh của chủ sở hữu có thể xảy ra khi tác giả không đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả, ví dụ trường hợp tác giả sáng tạo tác phẩm theo nhiệm vụ lao động hoặc theo hợp đồng đặt hàng sáng tạo tác phẩm; hoặc quyền tác giả đã được chuyển nhượng cho người khác. Thậm chí, kể cả khi tác giả đã qua đời, thời hạn bảo hộ các quyền tài sản đã hết nhưng vẫn có thể nảy sinh xung đột khi công chúng tiếp tục sáng tạo tác phẩm phái sinh dựa trên tác phẩm đã kết thúc thời hạn bảo hộ như vụ kiện “Những người khốn khổ II” kể trên.
Pháp luật sở hữu trí tuệ luôn hướng tới mục tiêu khuyến khích sáng tạo nhưng phải bảo đảm cân bằng lợi ích giữa các bên chủ thể. Do đó, bên cạnh việc bảo vệ quyền nhân thân của tác giả, pháp luật cũng cần bảo đảm quyền lợi của các chủ thể khác như chủ sở hữu quyền tác giả hay quyền tự do sáng tạo tác phẩm (bao gồm cả việc sáng tạo tác phẩm phái sinh) của công chúng khi tác phẩm đã thuộc về công chúng. Luật sư Lê Quang Vinh trong bài viết của mình đã bình luận: “Một nghịch lý có thể xuất hiện là ngay cả khi tác giả đã chuyển nhượng hết sạch quyền tài sản của mình cho người khác thì tác giả đó vẫn được pháp luật cho phép can thiệp vào quyền định đoạt của người mua (nhà đầu tư) đối với tác phẩm đã bán, chẳng hạn như người bán cho rằng việc người mua sửa chữa, cắt xén hoặc chuyển thể, phóng tác, cải biên tác phẩm đã bán là đang gây tổn hại tới hai đặc quyền đã nêu trên, thậm chí ngay cả khi có căn cứ cho rằng tác phẩm được chuyển thể đó bởi người mua là tác phẩm phái sinh  (quyền làm tác phẩm phái sinh là quyền tài sản, không thuộc quyền của tác giả trong trường hợp tác giả không đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả)”[5]. Ví dụ sau đây cũng cho thấy nghịch lý đó:

Ví dụ 3: Trong vụ tranh chấp bộ truyện tranh “Thần đồng đất Việt” gần đây, việc xác định quyền của tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả cũng là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Việc Công ty Phan Thị sử dụng các hình tượng nhân vật trong Thần đồng đất Việt do Lê Linh sáng tác để thực hiện tiếp các tập tiếp theo của Thần đồng đất Việt (từ tập 79 trở đi) và tạo ra các ấn phẩm khác từ Thần đồng đất Việt có phải là làm tác phẩm phái sinh? Trong vụ tranh chấp này, họa sĩ Lê Linh được công nhận là tác giả hình tượng 4 nhân vật trong Thần đồng đất Việt nên có quyền “bảo vệ sự toàn vẹn đối với tác phẩm”; nhưng Công ty Phan Thị là chủ sở hữu của tác phẩm Thần đồng đất Việt nên theo quy định của pháp luật, Công ty này có quyền làm tác phẩm phái sinh. Việc Công ty Phan Thị sử dụng các hình tượng nhân vật trong Thần đồng đất Việt để thực hiện tiếp các tập tiếp theo của Thần đồng đất Việt và làm các biến thể khác trong ấn phẩm Thần đồng đất Việt khoa học, Thần đồng đất Việt Toán học, Thần đồng đất Việt Mỹ thuật… chính là hành vi “làm tác phẩm phái sinh” – một trong những độc quyền của chủ sở hữu quyền tác giả. Tuy nhiên, khi đối chiếu với quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, Tòa án cho rằng Công ty Phan Thị chưa chỉ ra được việc tạo ra các tác phẩm kể trên là hình thức nào trong các hình thức làm tác phẩm phái sinh như: Dịch, phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải. Do đó, Toà án đã không công nhận quyền làm tác phẩm phái sinh cho Công ty Phan Thị khi Công ty này xây dựng các tập tiếp theo của Thần đồng đất Việt từ tập 79 trở đi cũng như các ấn bản khác được tạo ra từ Thần đồng đất Việt. Trong vụ tranh chấp này, tồn tại xung đột giữa quyền bảo vệ sự toàn vẹn đối với tác phẩm của tác giả Lê Linh và quyền làm tác phẩm phái sinh của chủ sở hữu là Công ty Phan Thị. Việc Tòa án nghiêng về bảo vệ quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác giả vô hình chung đã không bảo vệ được quyền tài sản hợp pháp của chủ sở hữu là quyền làm tác phẩm phái sinh. Đây cũng chính là một lỗ hổng của pháp luật Việt Nam khi giải quyết mối quan hệ giữa tác giả và chủ sở hữu tác phẩm.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 45, khoản 2 Điều 47 Luật Sở hữu trí tuệ, tác giả không được chuyển giao các quyền nhân thân (trong đó có quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm) cho người khác, trừ quyền công bố tác phẩm. Nói cách khác, quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học là một quyền nhân thân tuyệt đối, luôn gắn liền với tác giả, không thể chuyển dịch cho người khác, thậm chí kể cả khi tác giả đã chết. Người khác chỉ có thể sửa chữa, cắt xén tác phẩm nếu được sự cho phép của tác giả. Mặc dù Điều 45 và Điều 47 Luật Sở hữu trí tuệ quy định quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm không thể chuyển giao, nhưng khoản 4 Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ lại quy định tác giả có quyền “không cho người khác sửa chữa, cắt xén tác phẩm”; khoản 3 Điều 20 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP hướng dẫn thêm “trừ trường hợp có thỏa thuận của tác giả”. Như vậy, nếu như tác giả cho phép, người khác có thể sửa chữa, cắt xén, thậm chí xuyên tạc tác phẩm (ví dụ làm “nhạc chế”), nói một cách khác là trong trường hợp này tác giả đã chuyển giao quyền sửa chữa tác phẩm cho người khác.

Hiện nay pháp luật sở hữu trí tuệ chưa có quy định cụ thể giải quyết mối quan hệ giữa quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm với quyền sử dụng, khai thác của chủ sở hữu, trong đó có quyền làm tác phẩm phái sinh, dẫn đến gây khó khăn cho việc giải quyết tranh chấp. Vì vậy, kiến nghị pháp luật sở hữu trí tuệ cần bổ sung quy định hướng dẫn cụ thể: “Trong trường hợp tác giả không đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả thì chủ sở hữu quyền tác giả có quyền làm tác phẩm phái sinh hoặc cho phép người khác làm tác phẩm phái sinh mà không cần phải có sự cho phép của tác giả, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”.

ThS. Nguyễn Huy Hoàng
Tòa án nhân dân quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh

 
 
[1]. Điều 6 Bis Công ước Berne.
[2]. Xem khoản 2 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005.
[3]. https://www.cipil.law.cam.ac.uk/virtual-museum/snow-v-eaton-centre-ltd-1982-70-cpr-2d-105. 
[4]. https://wikivisually.com/wiki/Société_Plon_et_autres_v._Pierre_Hugo_et_autres.
[5]. http://bross.vn/newsletter/ip-news-update/Khong-the-tuy-y-dinh-doat-tai-san-so-huu-tri-tue-da-mua-dut-hay-la-nghich-ly-phat-sinh-tu-xung-dot-noi-sinh-giua-quyen-nhan-than-va-quyen-tai-san-nhin-tu-2-vu-tranh-chap-ban-quyen-tac-gia-o-Phap-va-Canada.

Link nội dung: https://phapluatbanquyen.phaply.vn/moi-quan-he-giua-quyen-bao-ve-toan-ven-tac-pham-va-quyen-lam-tac-pham-phai-sinh-a335.html