Quy định của Bộ luật hình sự (BLHS) hiện nay đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn một số điểm chưa hợp lý, đó là một trong những lý do dẫn đến thời gian gần đây hầu như không có vụ án về hình sự về tội phạm này trên cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn nói riêng, vì vậy xin được trao đổi một số khó khăn trong việc áp dụng pháp luật hình sự đối với việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Bộ luật hình sự năm 1999 quy định các tội phạm và hình phạt liên quan đến việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ: Tội xâm phạm quyền tác giả (Điều 131) và Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (Điều 171).
Để việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được đúng đắn và thống nhất, góp phần bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam; Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư Liên tịch số 01/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP, ngày 29/ 02/2008 hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, với một số điểm đáng chú ý như sau:
1. Hành vi cố ý xâm phạm quyền tác giả hoặc quyền liên quan quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị coi là "gây hậu quả nghiêm trọng" và nếu có đủ các yếu tố khác cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "xâm phạm quyền tác giả" theo khoản 1 Điều 131 của Bộ luật hình sự, với mức phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến hai năm:
- Với quy mô và mục đích thương mại;
- Gây thiệt hại vật chất cho chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan từ 50.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng (bao gồm thiệt hại do xâm phạm quyền tác giả hoặc quyền liên quan và thiệt hại mà chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan phải chi phí cho việc khắc phục hậu quả do hành vi xâm phạm gây ra);
- Hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng.
2. Hành vi cố ý xâm phạm quyền tác giả hoặc quyền liên quan quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị coi là "gây hậu quả rất nghiêm trọng" và nếu có đủ các yếu tố khác cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "xâm phạm quyền tác giả" theo khoản 2 Điều 131 của Bộ luật hình sự, với hình phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
- Với quy mô và mục đích thương mại và đã thu được lợi nhuận từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
- Gây thiệt hại vật chất cho chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan từ 150.000.000 đồng đến dưới 450.000.000 đồng (bao gồm thiệt hại do xâm phạm quyền tác giả hoặc quyền liên quan và thiệt hại mà chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan phải chi phí cho việc khắc phục hậu quả do hành vi xâm phạm gây ra);
- Hàng hóa vi phạm có giá trị từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
3. Hành vi cố ý xâm phạm quyền tác giả hoặc quyền liên quan quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị coi là "gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng" và nếu có đủ các yếu tố khác cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "xâm phạm quyền tác giả" theo khoản 2 Điều 131 của Bộ luật hình sự, với hình phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
- Với quy mô và mục đích thương mại và đã thu được lợi nhuận từ 100.000.000 đồng trở lên;
- Gây thiệt hại vật chất cho chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan từ 450.000.000 đồng trở lên (bao gồm thiệt hại do xâm phạm quyền tác giả hoặc quyền liên quan và thiệt hại mà chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan phải chi phí cho việc khắc phục hậu quả do hành vi xâm phạm gây ra);
- Hàng hóa vi phạm có giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên.
4. Hành vi cố ý xâm phạm quyền tác giả hoặc quyền liên quan quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ mà không có đủ các yếu tố cấu thành tội “xâm phạm quyền tác giả”, nhưng có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm khác quy định tại Bộ luật Hình sự thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng quy định tại của Bộ luật Hình sự.
5. Hành vi vì mục đích kinh doanh mà cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp có đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ và thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị coi là "gây hậu quả nghiêm trọng" và bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp" theo khoản 1 Điều 171 của Bộ luật Hình sự với hình phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến hai năm:
- Đã thu được lợi nhuận từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
- Gây thiệt hại về vật chất cho chủ sở hữu nhãn hiệu từ 50.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng;
- Hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng.
6. Hành vi vì mục đích kinh doanh mà cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp có đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ và thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị coi là "gây hậu quả rất nghiêm trọng" và bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp" theo khoản 2 Điều 171 của Bộ luật Hình sự với hình phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
- Đã thu được lợi nhuận từ 50.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng;
- Gây thiệt hại về vật chất cho chủ sở hữu nhãn hiệu từ 150.000.000 đồng đến dưới 450.000.000 đồng;
- Hàng hóa vi phạm có giá trị từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
7. Hành vi vì mục đích kinh doanh mà cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp có đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ và thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị coi là "gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng" và bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp" theo khoản 2 Điều 171 của Bộ luật Hình sự với hình phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
- Đã thu được lợi nhuận từ 150.000.000 đồng trở lên;
- Gây thiệt hại về vật chất cho chủ sở hữu nhãn hiệu từ 450.000.000 đồng trở lên;
- Hàng hóa vi phạm có giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên.
8. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự là chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự khi: có yêu cầu của chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan (đối với tội xâm phạm quyền tác giả) hoặc có yêu cầu của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý (đối với tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp).
Thực tế quy định của BLHS hiện nay đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn một số điểm chưa hợp lý, nhất là đối với tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, đó là một trong những lý do dẫn đến thời gian gần đây hầu như không có vụ án về hình sự về tội phạm này trên cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn nói riêng. Những điểm chưa hợp lý đó là: chỉ xử lý hình sự hành vi xâm phạm nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý; sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và các đối tượng sở hữu công nghiệp khác không được liệt kê. Bên cạnh đó BLHS và các văn bản hướng dẫn cũng không giải thích thế nào là đạt “quy mô thương mại” theo quy định.Điều này dẫn đến hành vi xâm phạm hoặc không bị xử lý (xâm phạm đối với sáng chế, kiểu dáng …) hoặc có thể được xử lý theo một tội danh khác (Tội sản xuất,buôn bán hàng giả). Bởi hàng giả theo quy định của pháp luật vốn cũng bao hàm trong đó cả những hàng hóa xâm phạm nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý.
Điều 171 BLHSnăm 1999 chỉ xử lý hình sựđối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trong trường hợp hành vi này thực hiện vì mục đích kinh doanh và gây hậu quả nghiêm trọng hoặc người vi phạm đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án mà còn vi phạm. Yếu tố quy mô thương mại chưa được giải thích một cách chính thức, tuy nhiên, quy mô thương mại cóthể được hiểu là nhằm mục đích kinh doanh và hàng hoá vi phạm được đưa ra thị trường với số lượng lớn hoặc người vi phạm thu lời bất chính lớn từ việc kinh doanh này. Như vậy yếu tố quy mô thương mại đã bao gồm cả mục đích thương mại.Đồng thời, xuất phát từ quan điểm việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ chủ yếu được thực hiện bằng các biện pháp pháp luật dân sự và hành chính, còn biện pháp hình sự chỉ áp dụng trong phạm vi hẹp, trong trường hợp thật cần thiết khi vi phạm có tính chất, mức độ nguy hiểm cao cho xã hội, quy mô vi phạm xảy ra lớn. Phạm vi xử lý về hình sự đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp cả về đối tượng sở hữu công nghiệp lẫn tính chất, mức độ và quy mô vi phạm: chỉ xử lý về hình sự hành vi cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý với quy mô thương mại; trường hợp vi phạm chưa thuộc phạm vi "quy mô thương mại" thì áp dụng các biện pháp dân sự, hành chính để xử lý. Như vậy, các hành vi phạm tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp hoặc các đối tượng sở hữu công nghiệp khác (ngoài nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý) theo quy định tại Điều 171 BLHS năm 1999 đã được phi hình sự hoá để xử lý bằng các biện pháp khác.
Những bất hợp lý trên đã gây khó khăn trong việc xử lý về hình sự đối với các hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ ở một số phương diện sau:
Một là:Khó khăn trong việc xác định “quy mô thương mại”. Hiện nay, khái niệm này vẫn chưa được quy định trong BLHS, cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành. Vì vậy, khi vận dụng các quy định của Điều 171, các cơ quan tiến hành tố tụng khó có thể áp dụng thống nhất và dẫn đến tình trạng mỗi cơ quan hiểu nội hàm của khái niệm “quy mô thương mại” theo những cách khác nhau.
Hai là: Về quy định tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và các tội về sản xuất, buôn bán hàng giả(Điều 156, Điều 157, Điều 158). Các quy định pháp luật hình sự hiện hành chưa làm rõ được sự khác biệt giữa tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và tội sản xuất và buôn bán hàng giả, trong đó, vấn đề mấu chốt là chưa quy định sự khác biệt giữa hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
Theo Thông tư liên tịch số 10/2000/TTLT-BTM-BTC-BCA-BKHCNMT ngày 27/4/2000 của Bộ Thương mại, Tài chính, Công an, Khoa học Công nghệ và Môi trường hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 31/1999/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đấu tranh chống sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng giả gồm có: Hàng giả về nội dung (giả về chất lượng hoặc công dụng) thường là những hàng hoá không có giá trị sử dụng hoặc giá trị sử dụng không đúng với tên gọi, công dụng của nó, không đảm bảo tính năng, tiêu chuẩn kỹ thuật của sản phẩm đã được quy định; Hàng giả về hình thức là hàng giả về nhãn hiệu hàng hoá, kiểu dáng công nghiệp, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; Hàng giả cả về nội dung và hình thức.Mặc dù không có quy định cụ thể, tuy nhiên có thể hiểu hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp là hàng có được từ những hành vi sử dụng trái phép các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp (nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý).Rõ ràng, quy định của pháp luật hiện hành về hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp có một bộ phận trùng nhau. Đó là trường hợp hàng giả về hình thức và hàng xâm phạm quyền sở hữu sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hàng hoá, chỉ dẫn địa lý.Việc áp dụng tội danh nào ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người phạm tội và cả chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp.Nếu nhầm lẫn giữa hai điều luật này có thể dẫn đến hệ quả là áp dụng hình phạt thiếu cơ sở và không phù hợp đối với người phạm tội, ví dụ như: mặc dù hành vi thoả mãn đầy đủ các dấu hiệu cấu thành của tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng lại truy tố, xét xử theo tội sản xuất, buôn bán hàng giả; Hoặc ngược lại, hành vi đã thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành của các tội sản xuất, buôn bán hàng giả nhưng chỉ bị xử lý theo tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
Ba là: BLHSchỉ cho phép các cơ quan tiến hành tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân vi phạm pháp luật hình sự mà chưa quy định đối với pháp nhân. Trong khi đó, chủ thể thực hiện các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp thường do các doanh nghiệp có tư cách pháp nhân nên trong quá trình giải quyết vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng gặp rất nhiều khó khăn, không thể xử lý hình sự đối với doanh nghiệp thực hiện hành vi vi phạm được.
Bốn là:Khoản 1, Điều 105, BLTTHS năm 2003 quy định: “Những vụ án về các tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171 của Bộ luật Hình sự năm 1999 thì chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất”. Như vậy, các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp tuy đã đủ các yếu tố cấu thành tội phạm nhưng chỉ bị khởi tố khi có yêu cầu của chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp. Lợi dụng quy định này, các đối tượng thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp sở hữu công nghiệp khi bị phát hiện thì sử dụng thủ đoạn thỏa thuận, mua chuộc các chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp để họ không yêu cầu khởi tố vụ án. Điều này đã tạo ra khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra, xử lý các hành vi trên, đồng thời không đảm bảo tính răn đe của pháp luật. Ngoài ra, có nhiều trường hợp không thể xử lý hình sự các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với các nhãn hiệu nổi tiếng do các chủ các nhãn hiệu này không có văn phòng đại diện ở Việt Nam, khó khăn trong việc liên lạc với chủ sở hữu hợp pháp của các nhãn hiệu này.
Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực từ 01/01/2018, có một số thay đổi quan trọng về các tội phạm về sở hữu trí tuệ, có thể khắc phục cơ bản những khó khăn, bất cập nêu trên, đó là:
Thứ nhất: Bộ luật hình sự 2015 đã bỏ Tội vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, trong Bộ luật hình sự 1999 thì tội danh này nằm trong Điều 170.
Việc bỏ tội danh này là một điều hợp lý vì hiện nay, với cơ chế tố tụng hành chính, khi người có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp mà vi phạm quy định của pháp luật về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, gây thiệt hại cho các tổ chức và cá nhân thì các chủ thể quyền có thể khởi kiện vụ án hành chính nhằm xem xét tính hợp pháp của các quyết định hành chính và hành vi hành chính trong lĩnh vực này.
Thứ hai: Bộ luật hình sự 2015 đã sửa đổi và bổ sung Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan tại Điều 225.
Trước đây, theo Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 thì tội phạm này được quy định tại Điều 170a, theo đó cơ quan chức năng có thể khởi tố khi người vi phạm thực hiện hành vi với quy mô thương mại, tuy nhiên không có quy định hướng dẫn thế nào là quy mô thương mại, gây khó khăn cho quy trình tố tụng, xử lý bằng biện pháp hình sự với tội danh này.
Theo quy định mới tại điều 225 BLHS 2015 đã nêu rõ từng số tiền cụ thể và căn cứ vào đó, có quan chức năng có thể định khung và định hình phạt khi thực hiện đấu tranh với hành vi vi phạm này, điều này đã mang tính răn đe cao hơn cho các đối tượng vi phạm bản quyền và cũng phù hợp với các cam kết của Việt Nam khi gia nhập các Hiệp ước kinh tế song phương và đa phương.
Thứ ba: Bộ luật hình sự 2015 đã sửa đổi bổ sung quy định về Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Điều 226 của BLHS 2015 đã quy định rõ khung giá trị vi phạm để làm cơ sở xử lý hình sự.Điều này cũng sẽ phù hợp với các cam kết của Việt Nam khi ra nhập các Hiệp định kinh tế song phương và đa phương.
Thứ tư: Bộ luật hình sự 2015 đã quy định trách nhiệm của pháp nhân khi vi phạm sở hữu công nghiệp.
Pháp luật sở hữu trí tuệ là một lĩnh vực pháp luật mới ở nước ta, bởi vậy không tránh khỏi hạn chế. Chúng ta cần phải tích cực hoàn thiện pháp luật sở hữu trí tuệ với mục tiêu nhằm làm cho lĩnh vực pháp luật này thúc đẩy việc cải tiến, chuyển giao và phổ biến công nghệ, góp phần đem lại lợi ích chung cho người tạo ra và người sử dụng kiến thức công nghệ, đem lại lợi ích xã hội và lợi ích kinh tế, tạo sự cân bằng giữa quyền và nghĩa vụ, trong đó phải bảo đảm mọi vi phạm và tội phạm đều bị phát hiện và xử lý theo đúng quy định của pháp luật./.
Trịnh Ngọc Chính-Viện kiểm sát nhân dân huyện Văn Lãng
Link nội dung: https://phapluatbanquyen.phaply.vn/mot-so-van-de-ve-ap-dung-phap-luat-hinh-su-doi-voi-viec-bao-ve-quyen-so-huu-tri-tue-a351.html