Tranh chấp sở hữu trí tuệ là một trong những tranh chấp xảy ra nhiều trên thực tế nhưng chưa được lưu tâm và nghiên cứu, giải quyết một cách triệt để trong giai đoạn vừa qua. Các vụ án về giải quyết tranh chấp về sở hữu trí tuệ tại các cơ quan tố tụng, đặc biệt là Tòa án diễn ra không nhiều trên thực tế, mặc dù tranh chấp và các sai phạm về Sở hữu trí tuệ diễn ra khá phổ biến tại Việt Nam trong thời gian vừa qua. Có thể nói, tranh chấp về Sở hữu trí tuệ là một một loại tranh chấp dân sự hoặc tranh chấp thương mại tùy thuộc vào các đương sự, các bên trong quan hệ tranh chấp.
Đây là một loại tranh chấp khá đặc thù và còn nhiều tranh cãi bởi nó xuất phát từ tính chất vô hình của các đối tượng Sở hữu trí tuệ. Chính vì điều đó mà việc giải quyết những tranh chấp về Sở hữu trí tuệ cũng gặp khá nhiều khó khăn trên thực tế xét xử, đặc biệt là khi cơ sở pháp lý về bản quyền và Sở hữu trí tuệ ở nước ta vẫn chưa hoàn thiện, còn nhiều thiếu sót cho các đối tượng lợi dụng, xâm phạm. Không chỉ các quy định pháp luật về Sở hữu trí tuệ nói chung tại Việt Nam mà các quy định về Bản quyền hay quyền Sở hữu trí tuệ nói riêng còn nhiều vấn đề cần hoàn thiện mà ngay cả vấn đề xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp của loại tranh chấp này trong quan hệ tố tụng cũng còn nhiều vấn đề pháp lý cần được xem xét và nghiên cứu một cách cụ thể.
Xét về thẩm quyền của Tòa án trong giải quyết tranh chấp về Sở hữu trí tuệ được pháp luật Tố tụng dân sự qui định theo phân cấp tòa xét xử, theo lãnh thổ và theo sự lựa chọn của nguyên đơn, trong đó:
Đối với thẩm quyền của Tòa án nhân dân theo quy định tại Khoản 2 Điều 30 BLTTDS 2015 quy định đối với các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận, thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân.
Điểm b khoản 1 Điều 35 BLTTDS 2015 quy định, Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp được qui định tại khoản 1 Điều 30 BLTTDS 2015. Đối với toà án nhân dân cấp huyện chưa có tòa chuyên trách thì chánh án tòa án có trách nhiệm tổ chức công tác xét xử và phân công thẩm phán giải quyết vụ việc thuộc thẩm quyền của tòa án nhân dân cấp huyện. Đây là qui định hoàn toàn mới của BLTTDS 2015 so với các qui định tố tụng dân sự trước đây. Qui định này nhằm đảm bảo tính thống nhất với cơ cấu của tổ chức tòa án cấp huyện theo Luật tổ chức tòa án nhân dân 2014, đảm bảo chuyên môn hóa trong việc giải quyết, xét xử…Trên cơ sở đó có thể thấy, đối với các tranh chấp về sở hữu trí tuệ nhưng là tranh chấp dân sự thuần túy sẽ do Tòa án nhân dân cấp huyện giải quyết nếu không thuộc các trường hợp thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh như: Đương sự tranh chấp có yếu tố nước ngoài, đối tượng tranh chấp ở nước ngoài hoặc có yếu tố nước ngoài.
Theo qui định tại Điều 37 BLTTDS Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ có mục đích lợi nhuận, đây là các tranh chấp về sở hữu trí tuệ có mục đích kinh doanh, mục đích lợi nhuận mà không thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện theo quy định tại khoản 2 Điều 30 và khoản 1 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự. Thực tế các tranh chấp hoặc các hành vi về xâm phạm Sở hữu trí tuệ cho thấy các bên đều có mục đích lợi nhuận, mục đích kinh doanh trong đó dù có hoặc động đăng ký kinh doanh hay không.
Do đó, khi thụ lý vụ án về tranh chấp đối với loại hình tranh chấp này Tòa án rất khó để xác định được cả 02 bên đều có mục đích lợi nhuận mà chủ yếu dựa vào yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn trong vụ án. Ở đó, thông thường các nguyên đơn đều xác định bị đơn có lục đích lợi nhuận khi xâm phạm, khi có tranh chấp còn bản thân của nguyên đơn chỉ xác nhận và làm rõ được khi chính nguyên đơn khẳng định tính lợi nhuận, mục đích tranh chấp là gì. Đây là một trong những vấn đề gây nhiều khó khăn không chỉ cho cơ quan tiến hành tố tụng là Tòa án mà còn rất khó khăn cho các đương sự, đặc biệt là nguyên đơn bởi có Tòa sẽ xác định là tranh chấp dân sự, có Tòa lại xác định tranh chấp kinh doanh thương mại để đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, gây khó khăn cho quá trình giải quyết, hạn chế hành vi xâm phạm.
Đối với thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ, theo quy định tại Điều 39 BLTTDS quy định Tòa án có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục các tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ là nơi bị đơn cư trú, làm việc (nếu bị đơn là cá nhân) hoặc nơi bị đơn có trụ sở (nếu bị đơn là cơ quan tổ chức) trừ trường hợp các bên có sự thống nhất, thỏa thuận với nhau bằng văn bản về việc lựa chọn Tòa án nơi nguyên đơn cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn là Tòa án có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp dân sự, trong đó có tranh chấp về Sở hữu trí tuệ
Thẩm quyền của tòa án theo sự lựa chọn của nguyên đơn được qui định cụ thể tại Điều 40 BLTTDS 2015 có quy định về một số trường hợp cụ thể nguyên đơn được quyền lựa chọn Tòa án có thẩm quyền giải quyết, tuy nhiên thực tế cho thấy đối với tranh chấp về sở hữu trí tuệ, nhất là tranh chấp được xác định là kinh doanh thương mại và có mục đích lợi nhuận như BLTTDS quy định thì rất khó có thể xảy ra trường hợp nguyên đơn có thể lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp mà họ gặp phải.
Mặc dù BLTTDS 2015 đã có một số tiến bộ về xác định thẩm quyền của Tòa án so với BLTTDS 2004 trước đó, tuy nhiên riêng đối với các loại hình tranh chấp về sở hữu trí tuệ các tồn đọng về xác định thẩm quyền của Tòa án nhất là xác định thẩm quyền theo cấp tòa (Cấp huyện, cấp tỉnh) còn nhiều vướng mắc và cần có sự thống nhất để từ đó đưa ra được các quy định phù hợp. Đặc biệt trong giai đoạn phát triển hiện nay, khi mà nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ, về bản quyền, hình ảnh, thương hiệu đã được nâng cao và coi trọng thì các tranh chấp đối với loại quan hệ này sẽ nhiều và vô cùng phức tạp. Nếu chúng ta không sớm có sự thống nhất sẽ gây những khó khăn nhất định cho cơ quan tố tụng và các chủ sở hữu quyền hợp pháp.
Đình Đức – Hà Trung
Link nội dung: https://phapluatbanquyen.phaply.vn/thuc-tien-xac-dinh-tham-quyen-giai-quyet-tranh-chap-so-huu-tri-tue-cua-toa-an-a36.html