Từ Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công thương cho biết EU đã ban hành Quy định thực thi (EU) 2021/760 vào ngày 07/05/2021 và quy định này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 11/05/2021.
Tuy nhiên, đối với gạo nhập khẩu có nguồn gốc từ Việt Nam trong hạn ngạch thuế quan theo Hiệp định EVFTA, thì quy định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.
Việc thực thi hạn ngạch EU dành cho Việt Nam 80.000 tấn gạo/năm, gồm: 30.000 tấn gạo xát, 20.000 tấn gạo chưa xát và 30.000 tấn gạo thơm...
Cụ thể, theo khoản f, mục 3, Phụ lục I của Quy định số 2021/760, việc phân bổ và thực thi hạn ngạch thuế quan của EU dành cho Việt Nam đối với 80.000 tấn gạo/năm theo Hiệp định EVFTA như sau:
Đối với 20.000 tấn gạo xay:
- 10.000 tấn phân bổ cho giai đoạn từ ngày 01/01/2022 đến 31/03/2022
- 5.000 tấn phân bổ cho giai đoạn từ ngày 01/04/2022 đến 30/06/2022
- 5.000 tấn phân bổ cho giai đoạn từ ngày 01/07/2022 đến 30/09/2022
Đối với 30.000 tấn gạo xát thường:
- 15.000 tấn phân bổ cho giai đoạn ngày 01/01/2022 đến 31/03/2022
- 7.500 tấn phân bổ cho giai đoạn từ ngày 01/04/2022 đến 30/06/2022
- 7.500 tấn phân bổ cho giai đoạn từ ngày 01/07/2022 đến 30/09/2022
Đối với 30.000 tấn gạo thơm
Có 9 giống bao gồm: Jasmine 85, ST 5, ST 20, Nàng Hoa 9,VD 20, RVT, OM 4900, OM 5451 và Tài nguyên Chợ Đào. Việc phân bổ hạn ngạch cũng chia làm 3 giai đoạn như sau:
- 15.000 tấn phân bổ cho giai đoạn từ ngày 01/01/2022 đến 31/03/2022
- 7.500 tấn phân bổ cho giai đoạn từ ngày 01/04/2022 đến 30/06/2022
- 7.500 tấn phân bổ cho giai đoạn ngày 01/07/2022 đến 30/09/2022
Có thể thấy, việc phân bổ và thực thi hạn ngạch thuế quan của EU dành cho Việt Nam đối với 80.000 tấn gạo/năm theo Hiệp định EVFTA sẽ không phân bổ hạn ngạch vào giai đoạn từ ngày 01/10/2022 đến 31/12/2022.
Việc đặt cọc bảo đảm thực thi giấy phép hạn ngạch gạo là 30 Euro/tấn.
Theo Bộ Công Thương, Hiệp định thương mại tự do EVFTA đã mở ra một ô cửa nhỏ cho gạo Việt, khi dành lượng hạn ngạch thuế quan 80.000 tấn mỗi năm, lượng gạo trong phạm vi này được hưởng thuế suất 0%, tức là dỡ bỏ hoàn toàn thuế quan.
Việc này góp phần tạo lợi thế cho gạo Việt Nam trước các sản phầm gạo của các nước khác trên thị trường EU. Đây cũng là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu các loại gạo chất lượng cao và đặc sản trong thời gian tới.
Đối với quy định về Giấy chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu vào EU đã được Việt Nam và EU thống nhất, được quy định tại Nghị định số 103/2020/NĐ-CP ngày 4/9/2020 của Chính phủ về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang Liên minh châu Âu.
NGUYỄN LAN (tổng hợp)
Link nội dung: https://phapluatbanquyen.phaply.vn/quy-dinh-thuc-thi-eu-2021760-ve-han-ngach-thue-quan-cho-gao-viet-nam-a367.html