Chúng ta đang nghĩ đến việc thương mại hóa ý tưởng và ngăn người khác sử dụng nó nếu không được phép. Theo luật Sở hữu trí tuệ, liệu chúng ta có được cấp bằng sáng chế để bảo vệ quyền lợi của mình?
Chúng ta có thể được cấp bằng sáng chế cho một ý tưởng chế biến thực phẩm?
Câu trả lời ngắn gọn là KHÔNG, bởi vì Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam (NOIP) không cấp bằng sáng chế cho một ý tưởng đơn thuần. Tuy nhiên, chúng ta có thể được cấp bằng sáng chế cho một quy trình sản xuất hoặc công thức chế biến độc đáo cho một món ăn.
Theo quy định tại Điều 12 Luật Sở hữu trí tuệ: “Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên”. Điều này có nghĩa là ý tưởng của chúng ta chỉ có thể được bảo hộ khi và chỉ khi đưa ra các giải pháp cụ thể để hiện thực hóa ý tưởng của mình thành sản phẩm hay quy trình cụ thể (nếu ở dạng quy trình phải chứng minh được có thể áp dụng trong thực tế và hữu ích). Hơn nữa, để được bảo hộ dưới dạng đối tượng của quyền Sở hữu công nghiệp là sáng chế, quy trình sản xuất hay công thức chế biến của chúng ta cần phải đáp ứng các yêu cầu tại Điều 58, 60, 61 và 62 Luật Sở hữu trí tuệ.
Vì vậy, nếu chúng ta có một quy trình sản xuất hay công thức chế biến thực phẩm tuyệt vời mà muốn được cấp bằng sáng chế, thì nó phải: có tính mới, có tính sáng tạo cao và có khả năng áp dụng công nghiệp.
Có tính mới
Cách tốt nhất để xác định xem công thức chế biến thực phẩm của chúng ta có mới hay không là kiểm tra xem đã ai được cấp bằng sáng chế cho nó chưa? Công cụ tốt nhất để tra cứu đầy đủ thông tin về các sáng chế đã được công bố hàng tháng bởi NOIP là Thư viện số về sở hữu công nghiệp trên nền tảng WIPO Publish. Đây là cơ sở dữ liệu do Cục Sở hữu trí tuệ hợp tác với WIPO xây dựng.
(Màn hình giao diện Thư viện số về sở hữu công nghiệp trên nền tảng WIPO Publish)
Chúng ta nên sử dụng nhiều từ khóa khác nhau, một số từ khóa rộng và những từ khóa khác hẹp hơn khi tiến hành tìm kiếm để đảm bảo rằng sẽ phát hiện ra bất kỳ bằng sáng chế nào có thể đã tồn tại cho quy trình sản xuất hay công thức của chúng ta.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, ngay cả khi quy trình sản xuất hay công thức đó có tính mới, chúng ta cũng không thể được cấp bằng sáng chế nếu nó là hiển nhiên. Một quy trình sản xuất hay công thức hiển nhiên là một ý tưởng mà ai đó trong ngành công nghiệp thực phẩm cũng sẽ xem như một phần mở rộng của một ý tưởng đã tồn tại.
Ví dụ: Việc sản xuất mật mía bằng cách ép lấy nước từ cây mía, sau đó đem sấy khô sẽ không được cấp bằng sáng chế vì nó không phải là một sự cải tiến hoặc thay đổi rõ ràng. Mặt khác, một quy trình đặc biệt, độc đáo để chế biến thực phẩm, chẳng hạn như quy trình làm nóng và làm lạnh với nhiệt độ chính xác, giúp làm tăng hạn sử dụng của thực phẩm một cách bất ngờ có thể được cấp bằng sáng chế.
Tính sáng tạo cao
Để được cấp bằng sáng chế, quy trình sản xuất hay công thức thực phẩm đó phải có tính sáng tạo cao. Nói cách khác, người phát minh ra quy trình sản xuất hay công thức sẽ phải chứng minh rằng sáng chế đó là một bước tiến sáng tạo, không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình trong lĩnh vực thực phẩm vào thời điểm nộp đơn đăng ký sáng chế.
Chẳng hạn như, nếu chúng ta nghĩ ra công thức đặc biệt để làm món ăn Châu Âu, người thẩm định đơn đăng ký sáng chế sẽ đánh giá dựa trên hiểu biết của một người bình thường quen thuộc với văn hóa ẩm thực nơi đó, thêm nhiều hoặc ít hơn một thành phần thường được sử dụng là không đủ để chúng ta có được bằng sáng chế.
Ví dụ: thêm nhiều đường hoặc muối vào một công thức đã biết khi làm bánh ngọt sẽ không đáp ứng yêu cầu về tính sáng tạo, vì một người hiểu biết bình thường trong lĩnh vực thực phẩm hoàn toàn có thể nghĩ ra được.
Do vậy, để công thức có tính sáng tạo cao, nó phải kết hợp với các thành phần mà không một công thức nào khác trước đó từng kết hợp. Công thức của chúng ta càng khác biệt so với bất kỳ công thức nào đã có sẵn, thì càng có nhiều khả năng được cấp bằng sáng chế.
Có khả năng áp dụng công nghiệp
Để được cấp bằng sáng chế, quy trình sản xuất hay công thức chế biến thực phẩm đó phải thực sự hữu dụng trên thực tế, có khả năng thực hiện được, chứ không thể chỉ là một ý tưởng hay lý thuyết.
Dưới góc độ pháp lý, khả năng áp dụng công nghiệp của sáng chế được qui định theo Điều 62 Luật Sở hữu trí tuệ: "Sáng chế được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu có thể thực hiện được việc chế tạo, sản xuất hàng loạt sản phẩm hoặc áp dụng lặp đi lặp lại qui trình là nội dung của sáng chế và thu được kết quả ổn định".
Việc đánh giá xem quy trình sản xuất hay công thức chế biến thực phẩm có khả năng áp dụng công nghiệp hay không sẽ được thực hiện trước khi đánh giá tính mới và tính sáng tạo.
Nộp đơn xin cấp bằng sáng chế
Khi chúng ta xác định rằng, quy trình sản xuất hay công thức chế biến thực phẩm của mình đáp ứng các yêu cầu để được cấp bằng sáng chế, thì cần nộp đơn đăng ký tại NOIP càng sớm càng tốt. Bởi vì, pháp luật sở hữu trí tuệ quy định ai nộp đơn đăng ký sáng chế trước sẽ có quyền ưu tiên được đăng ký bảo hộ trước (first come - first serve).
Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý, trong hồ sơ xin cấp sáng chế, phần mô tả ý tưởng được đánh giá là quan trọng nhất, do vậy cần đặc biệt quan tâm. Phần mô tả nên đọc giống như một cuốn sách khoa học, hơn là một công thức chúng ta tìm thấy trên tạp chí nấu ăn. Nó phải chứa các chi tiết liên quan đến quy trình chế biến, quá trình hóa học và được chia nhỏ đến cấp độ phân tử. Tất nhiên, đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng đối với một người bình thường không được đào tạo khoa học, vì vậy chúng ta có thể cần thuê người hỗ trợ viết mô tả. Ngoài phần mô tả ý tưởng, chúng ta cũng cần hoàn thành các biểu mẫu mà NOIP yêu cầu và trả phí nộp đơn.
Sau khi nộp đơn đăng ký, chúng ta sẽ phải đợi phản hồi từ NOIP, quá trình này thường mất khoảng 18 tháng. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi, chúng ta có thể sử dụng thuật ngữ "Đang chờ cấp bằng sáng chế" trên các sản phẩm thực phẩm của mình để thông báo rằng, sản phẩm đã nộp đơn đăng ký sáng chế và ngăn cản những người khác cố gắng sử dụng quy trình sản xuất hay công thức của chúng ta mà không được phép.
Có thể bảo hộ công thức chế biến thực phẩm dưới dạng bí mật kinh doanh
Nhiều người không muốn nộp đơn xin cấp bằng sáng chế cho các công thức chế biến thực phẩm với lý do: Khi hết thời hạn bảo hộ, tất cả các thành phần mà họ đang sử dụng trong công thức, cũng như cách kết hợp các thành phần đó để tạo ra sản phẩm cuối cùng sẽ được tiết lộ.
Bên cạnh đó, bằng độc quyền sáng chế có hiệu lực từ ngày cấp và chỉ kéo dài trong vòng hai mươi năm kể từ ngày nộp đơn, trong khi bí mật kinh doanh có thời gian bảo hộ là vô thời hạn (Đến khi bí mật kinh doanh bị bộc lộ). Chính vì vậy, họ chọn bảo hộ quy trình sản xuất hay công thức chế biến thực phẩm là Bí mật ký doanh, thay vì dưới dạng sáng chế.
Ví dụ: Coca Cola đã bảo vệ công thức cho đồ uống của họ là Bí mật kinh doanh vì họ không muốn tiết lộ cho công chúng bí quyết sản xuất sản phẩm của mình. Chính vì quyết định giữ bí mật về công thức, đến nay, công ty Coca Cola vẫn là doanh nghiệp duy nhất sản xuất được loại nước uống đặc biệt được toàn cầu ưa chuộng này.
Quy trình sản xuất hay công thức chế biến là những thành tố quan trọng trong lĩnh vực kinh doanh ẩm thực. Một quy trình sản xuất hay công thức tạo ra hương vị đặc trưng thu hút người tiêu dùng, không những tạo được lợi thế trong kinh doanh, mà còn là chìa khóa để đưa danh tiếng của chủ sở hữu lên một tầm vóc mới. Vì vậy, các Startup trong lĩnh vực ẩm thực cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề này.
Kỳ Anh
Link nội dung: https://phapluatbanquyen.phaply.vn/mot-y-tuong-che-bien-thuc-pham-co-the-duoc-bao-ho-duoi-dang-sang-che-a370.html