Từ vụ Pate Minh Chay: Kiến nghị tăng cường các giải pháp, chế tài hình sự, xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm

Những vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP) thường sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và tính mạng người dân. Tuy nhiên, từ trước tới nay, đa số các vụ việc chỉ mới dừng lại ở mức xử phạt hành chính mà rất ít khi bị xử lý hình sự.

Kể từ khi Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2015 có hiệu lực, tình hình có tiến triển hơn, nhưng số vụ vi phạm ATTP được đưa ra xử lý hình sự cũng chưa tăng đáng kể. Điều này không đủ sức răn đe, dẫn đến tình trạng “ nhờn luật”, vi phạm ATTP vẫn có dấu hiệu gia tăng.

Cục An toàn thực phẩm phát đi thông báo khẩn cấp sản phẩm pate Minh Chay có độc tố gây hại sức khỏe con người, có khả năng dẫn đến tử vong

Từ vụ Pate Minh Chay, nhiều chuyên gia thông qua Tạp chí điện tử Pháp lý đề nghị đăng tải kiến nghị gửi tới các cơ quan chức năng tăng cường các giải pháp, chế tài hình sự , xử lý nghiêm đối với các vi phạm về an toàn thực phẩm, các chủ DN, chủ cơ sở thực phẩm vi phạm.

Dù mỗi năm có nghìn vụ vi phạm ATTP, nhưng rất ít khi bị xử lý hình sự

Pate Minh Chay chỉ là một trong những trường hợp thực phẩm “bẩn” được đưa ra thị trường và đến tay người tiêu dùng gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.

Theo thống kê, trong năm 2019, toàn quốc ghi nhận 76 vụ ngộ độc thực phẩm làm gần 2.000 người mắc bệnh, 1.918 người đi viện và 8 trường hợp tử vong. Tính đến hết tháng 7/2019, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 3.256 vụ, xử lý 2.103 vụ việc vi phạm về an toàn thực phẩm, xử phạt hành chính hơn 6,1 tỷ đồng, giá trị tang vật thu giữ hơn 9,6 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là vi phạm về điều kiện ATTP, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ….

Điều đáng quan ngại, những vi phạm về ATTP thường sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và tính mạng người dân. Tuy nhiên, từ trước tới nay đa số các vụ việc chỉ mới dừng lại ở mức xử phạt hành chính. Cho đến nay cơ quan chức năng mới khởi tố 28 vụ với 42 bị can về tội vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm và buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm. Đây là một con số quá ít ỏi so với hàng nghìn vụ vụ việc vi phạm về an toàn thực phẩm bị xử lý hàng năm.

Vì sao vi phạm ATTP ít xử lý bị hình sự ?

Trao đổi với PV Pháp lý, ông Trần Ngọc Tụ, Giám đốc Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, về nguyên tắc khi kiểm tra xác minh những vụ việc có dấu hiệu vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, cơ quan quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ chuyển hồ sơ qua bên các cơ quan tố tụng – tức là cơ quan công an những trường hợp như sản phẩm không đảm bảo chất lượng theo như công bố mà mang tính chất làm giả hoặc là trong những trường hợp an toàn thực phẩm không đảm bảo, gây nguy hại đến sức khỏe nghiêm trọng… tuy nhiên thường bị cơ quan công an trả lại do chưa đến mức độ xử lý hình sự.

Còn theo bà Phạm Khánh Phong Lan -Trưởng Ban Quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh, cho rằng Luật của ta hiện nay “hở” quá nhiều, khiến khi phát hiện việc đưa phụ gia hoá chất vào thực phẩm mà không đưa vào xử lý Hình sự được. Điển hình như vụ heo bị tiêm thuốc an thần phát hiện vào 2017, hay gần 27 tấn thực phẩm bị phát hiện tại Tp. HCM có trộn phụ gia hoá chất công nghiệp. Do lỗi của người vi phạm lại nằm “ngoài khung”.

Luật chỉ qui định, chỉ xử lý tội Hình sự với người vi phạm sử dụng phụ gia hoá chất cấm, ngoài danh mục. Thuốc an thần theo qui định được phép sử dụng trong chăn nuôi, vậy họ sử dụng đúng loại cho phép, nhưng đã sử dụng “sai mục đích”.

Ngoài ra, việc kiểm nghiệm và kết quả mẫu kiểm nghiệm thực phẩm lâu nay còn phải đợi chờ quá lâu, khi có kết quả chủ vi phạm đã tẩu tán hết số hàng. Luật ATTP và các văn bản, qui phạm pháp luật liên quan hiện không cho phép xử lý việc vi phạm ATTP dựa trên kết quả test nhanh mẫu thực phẩm. Mà chỉ có tính chất sàng lọc, sau đó dương tính mới lấy mẫu lần nữa đi kiểm nghiệm ở nơi có phòng Labor cao cấp. Như vậy, cơ chế giám sát để “định tội” thực phẩm mất an toàn còn phải chạy theo diễn biến thực tế, kém hiệu quả.

Theo quan điểm của Luật sư Phạm Công Hùng (Đoàn luật sư Tp HCM – Nguyên Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao) cho rằng, trong những năm qua người thực hiện hành vi phạm tội “Vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm” khá nhiều, nhưng việc xử lý hình sự thì rất ít. Bởi lẽ:

Về mặt tố tụng: Phần lớn những người tiêu dùng không biết hoặc họ cam chịu nên không tố giác người có hành vi phạm tội. Các phương tiện thông tin đại chúng đã phát hiện và đăng tải nhiều vụ việc nhưng vẫn chưa phản ánh được hết các hành vi của tội danh này trên thực tiễn. Một nguyên nhân quan trọng nữa có thể là do các cơ quan điều tra có thẩm quyền chưa xử lý tin tố giác tội phạm một cách kịp thời để khởi tố và điều tra vụ án hình sự khi có tin tố giác.

Về mặt luật nội dung: Bộ luật Hình sự quy định hành vi khách quan của tội phạm là phải biết rõ thực phẩm không vệ sinh an toàn… mới bị xử lý hình sự đã dẫn đến không xử lý được nhiều hành vi phạm tội. Lý do bởi các cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được người bị nghi phạm tội có biết là họ vi phạm pháp luật hay không.

So sánh Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 đã sửa đổi, bổ sung với quy định tương ứng tại Bộ luật Hình sự 1999, Luật sư Phạm Công Hùng cho rằng, Bộ luật Hình sự 2015 quy định chi tiết hơn nhưng cũng rất khó xử lý người phạm tội.

Bởi, theo LS. Hùng, hành vi khách quan của tội phạm phải thỏa mãn các dấu hiệu người phạm tội biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm; dư lượng vượt ngưỡng cho phép; thực phẩm không bảo đảm quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm và ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ… thì mới bị xử lý hình sự. Trong khi với những người buôn bán nhỏ lẻ, các cửa hàng đại lý, thậm chí các siêu thị lớn mà đặt ra tiêu chí buộc họ phải biết các thông số trên là một điều rất xa rời thực tiễn.

Mặt khác tại điểm d khoản 1 Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 quy định mức thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng mới bị xử lý hình sự là bỏ lọt một số lượng người phạm tội rất lớn khi họ là những người buôn bán nhỏ lẻ và cơ quan điều tra cũng khó lượng hóa số tiền thu lợi bất chính của họ.

Luật sư Phạm Công Hùng (Đoàn luật sư Tp HCM – Nguyên Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao) trao đổi với PV Pháp lý

Ngoài ra, theo Luật sư Phạm Công Hùng, về cấu tạo của điều luật còn một vấn đề, đó là đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm từ Điểm a đến đ của Khoản 1 là còn chưa đánh giá đúng được mức độ nguy hiểm của loạt tội phạm này và chưa đủ sức răn đe.

“Báo chí, cộng đồng lo ngại đủ các kiểu, thuốc sâu, thực phẩm bẩn…. nhưng mà chờ bị xử lý hành chính rồi mới xử lý hình sự thì điều luật này không đủ tác dụ răn đe…” Luật sư Phạm Công Hùng nêu quan điểm.

Tuy nhiên, ở góc độ khác , TS Đinh Thế Hưng(Trưởng Bộ môn Luật hình sự – Viện Nhà nước và Pháp luật) cho rằng về cấu thành tội phạm của tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm quy định tại Điều 317, BLHS, thì tính nguy hiểm của tội phạm nằm ở yếu tố lỗi cố ý.

 

TS. Đinh Thế Hưng (Trưởng Bộ môn Luật hình sự – Viện Nhà nước và Pháp luật) trao đổi với PV Pháp lý

Về mặt nhận thức người thực hiện các hành vi phạm tội phải biết rõ thực phẩm đó không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thì mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này. Đây cũng là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này…. cũng giống như tội buôn bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, lỗi cố ý … dù biết nhưng vẫn làm thì mới xử lý hình sự được, còn nếu không biết mà sản xuất hoặc bán thì là lỗi vô ý nên không thể xử lý hình sự được.

Theo TS Đinh Thế Hưng, vi phạm ATTP ít xử lý bị hình sự phần lớn nằm ở công tác tố tụng, việc không thể chứng minh được các hành vi thỏa mãn cấu thành tội phạm hay nói cách khác là chứng minh tội phạm của các cơ quan tố tụng còn hạn chế. Đặc biệt trong việc thu thập chứng cứ, công tác giám định…. còn hạn chế. TS Hưng thẳng thắn góp ý.

Từ vụ Pate Minh Chay, nhiều chuyên gia thông qua Tạp chí điện tử Pháp lý đề nghị đăng tải kiến nghị gửi tới các cơ quan chức năng tăng cường các giải pháp, chế tài hình sự đối với các vi phạm về an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm minh các chủ DN, chủ cơ sở thực phẩm vi phạm.

Ngoài bồi thường, Pate Minh Chay còn có thể bị xử lý hình sự

Cho đến thời điểm ngày 1.9, đã có 9 trường hợp ngộ độc được đưa vào các bệnh viện lớn ở Hà Nội và TP HCM cấp cứu, điều trị sau khi ăn Pate Minh Chay. Tất cả các bệnh nhân này dù ở nhiều tỉnh, thành khác nhau đều có biểu hiện lâm sàng tương đồng nhau, đều cùng sử dụng một sản phẩm là Pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới.

Kết quả kiểm nghiệm ban đầu đối với một số sản phẩm Pate Minh Chay của các lô khác nhau do Công ty Lối Sống Mới sản xuất cho thấy sự hiện diện của vi khuẩn Clostridium Botulinum type B. Vi khuẩn Clostridium Botulinum có độc lực rất mạnh, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, kéo dài và dễ tử vong.

Hiện chưa có kết luận chính thức của cơ quan chức năng về việc vì sao trong sản phẩm Pate Minh Chay lại chứa vi khuẩn cực độc Clostridium Botulinum type B. Tuy nhiên, Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế đã có công văn khẩn yêu cầu thu hồi 13 sản phẩm của Công ty Lối Sống Mới.

Theo các chuyên gia, để xảy ra vụ việc nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng của người tiêu dùng, nhà sản xuất pate Minh Chay phải chịu trách nhiệm trong việc bồi thường thiệt hại. Ngoài việc phải bồi thường thiệt hại, tổ chức, cá nhân gây ngộ độc còn bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 178/2013/NĐ-CP hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm theo điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017). Trách nhiệm này sẽ tùy thuộc vào mức độ nguy hiểm của hành vi sẽ được cơ quan nhà nước làm rõ như nguy cơ đến từ đâu, tắc trách ở khâu vận chuyển, sản xuất hay từ nguồn nguy liệu không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Cho đến nay cơ quan chức năng mới khởi tố 28 vụ với 42 bị can về tội vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm và buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm

Pháp luật nhiều nước đã có quy định rất nghiêm khắc về ATTP

Trên thế giới, từ những năm 50, 60 của thế kỷ trước nhiều nước đã ban hành những đạo luật về đảm bảo an toàn thực thực phẩm. Trong đó, hầu hết đều quy đinh những hình phạt rất nghiêm khắc đối với hành vi sản xuất, kinh doanh buôn bán thực phẩm không đảm bảo an toàn.

Điển hình như tại Thái Lan, đã ban hành Pháp lệnh thực phẩm năm 1963. Theo đó, Không ai có thể sản xuất thực phẩm để bán, nhập khẩu thực phẩm mà không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền. Đơn xin cấp giấy phép và việc cấp giấy phép được tiến hành theo nguyên tắc , thủ tục do Bộ Y tế quy định . Có tất cả 54 loại thực phẩm phải kiểm tra theo luật .

Có 4 loại thực phẩm cấm sản xuất, nhập khẩu đó là: Thực phẩm không sạch; Thực phẩm giả mạo; Thực phẩm không đủ tiêu chuẩn; Thực phẩm khác với thực phẩm đã được Bộ trưởng quy định. Bất kỳ vi phạm sẽ bị phạt tù từ 02 đến 10 năm.

Còn tại Hàn Quốc, Quốc hội ban hành Luật vệ sinh thực phẩm từ năm 1962 đồng thời kèm theo Nghị định thi hành luật vệ sinh thực phẩm thể hiện bằng lệnh của Tổng thống và quy tắc thi hành luật vệ sinh thực phẩm thể hiện bằng lệnh của Bộ Y tế. Giấy phép kinh doanh thực phẩm do Giám đốc Cục thực phẩm và dược phân cấp hoặc do Chủ tịch tỉnh , thành , quận cấp . Quy định về điều tra ngộ độc thực phẩm, về kiểm tra, xét nghiệm thực phẩm: nhóm, chúng loại thực phẩm, loại hình, hạng mục quy định, các hạng mục kiểm tra trọng điểm và quy định rõ đối tượng lấy mẫu, số lượng lấy mẫu của thực phẩm, phụ gia thực phẩm và bao bì thực phẩm… Mức phạt đối với các vi phạm có thể lên tới 300 triệu won và 5 năm tù giam.

Theo Pháp lệnh ngăn ngừa thực phẩm kém chất lượng năm 1954 của Ấn Độ, những hành vi vi phạm có thể bị phạt tù từ 2 tháng đến 6 năm. Đặc biệt nếu doanh nghiệp vi phạm thì người chịu trách nhiệm ở doanh nghiệp đó sẽ bị coi là phạm tội và kết án theo luật định.

Kết mở

ATTP không chỉ bảo đảm sức khỏe, chất lượng cuộc sống mà còn bảo đảm cho sự phát triển nòi giống của dân tộc. Ngộ độc thực phẩm và các bệnh do thực phẩm kém chất lượng gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, cuộc sống của mỗi người và gây thiệt hại lớn về kinh tế, là gánh nặng chi phí an sinh xã hội.

Bảo đảm được ATTP đồng nghĩa với việc bảo đảm sức khỏe của cộng đồng. Chính vì vậy, rất cần các cơ quan chức năng, những người có trách nhiệm tích cực thường xuyên hơn nữa trong công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm những đối tượng coi thường pháp luật, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Kịp thời xử lý nghiêm khắc những hành vi vi phạm quy định ATTP.

Đồng thời, kiến nghị cơ quan chức năng nghiên cứu sửa đổi pháp luật, “trám” kịp thời những kẽ hở trong Luật ATTP đang áp dụng, với mục đích củng cố những công cụ hiệu quả trong xử lý vi phạm ATTP. Kiến nghị tăng cường chế tài hình sự , nghiêm khắc trừng trị đối với những kẻ đang tâm đưa cả những chất độc hại vào thực phẩm, đánh đổi cả sức khỏe, tính mạng đồng loại để có thu nhập bất chính

 

 

 

Link nội dung: https://phapluatbanquyen.phaply.vn/tu-vu-pate-minh-chay-kien-nghi-tang-cuong-cac-giai-phap-che-tai-hinh-su-xu-ly-nghiem-cac-vi-pham-ve-an-toan-thuc-pham-a41.html