Đồng thời xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, DN, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề vững chắc để hội nhập sâu hơn vào kinh tế khu vực và thế giới - Thủ tướng Chính phủ nêu rõ trong Chiến lược Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phát triển thương mại trong nước hiện đại, văn minh - Ảnh minh họa: TTXVN
Phấn đấu thương mại trong nước đóng góp khoảng 15% GDP
Thủ tướng Chính phủ đề ra mục tiêu cụ thể, trong giai đoạn 2021-2030, giá trị tăng thêm thương mại trong nước đạt tốc độ tăng bình quân khoảng 9-9,5%/năm; đến năm 2030 đóng góp khoảng 15-15,5% vào GDP cả nước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (chưa loại trừ yếu tố giá) đạt tốc độ tăng bình quân 13-13,5%/năm.
Đến năm 2030, tổng mức bán lẻ hàng hóa của các khu vực kinh tế trong nước chiếm tỷ trọng khoảng 85%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 15%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trao đổi qua các cơ sở bán lẻ hiện đại chiếm tỷ trọng khoảng 38-42%.
Ở giai đoạn tiếp theo (2031-2045), Thủ tướng Chính phủ kỳ vọng, giá trị tăng thêm thương mại trong nước đạt tốc độ tăng bình quân 8,5-9%/năm, đến năm 2045 đóng góp khoảng 15,5-15,7% vào GDP cả nước. Đến năm 2045, tốc độ tăng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 12-12,5%.
Cũng đến năm 2045, tỷ trọng tổng mức bán lẻ hàng hóa của khu vực kinh tế trong nước chiếm khoảng 75% và của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 25%. Kinh doanh hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng qua các cơ sở bán lẻ hiện đại chiếm khoảng 50% tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nền kinh tế.
Đáng chú ý, thương mại điện tử được dự báo sẽ phát triển nhanh, tạo thuận lợi cho DN và người tiêu dùng trong giao dịch. Đến năm 2030, doanh thu trao đổi qua thương mại điện tử sẽ chiếm khoảng 10,5-11% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nền kinh tế, đạt tốc độ tăng bình quân khoảng 20-21%/năm. Phấn đấu 40-45% số DN nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực thương mại tham gia các sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước.
Kết hợp bán hàng theo phương thức truyền thống với bán hàng online là một xu hướng của DN Việt - Ảnh: H.THOAN
Bước lên một nấc thang mới, thương mại điện tử sẽ phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò chủ đạo trong giao dịch thương mại. Đến năm 2045, doanh thu trao đổi qua thương mại điện tử sẽ chiếm khoảng 15-16% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, đạt tốc độ tăng bình quân 12-13%/năm. Khi đó, trên 70% số DN nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực thương mại sẽ tham gia các sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước.
Hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp
Để đạt được những mục tiêu trên, giải pháp quan trọng hàng đầu đã được các chuyên gia chỉ rõ là phải hoàn thiện thể chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và quản lý hoạt động thương mại theo cam kết quốc tế.
Đánh giá thị trường trong nước là quan trọng, do đó việc gia tăng cầu tiêu dùng trong nước, phát triển DN phân phối, gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết các chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa chính là một giải pháp thiết thực và hữu hiệu.
Do đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, phải tăng cường phát huy các sáng kiến kết nối cung cầu hàng hóa, hình thành các chuỗi liên kết giữa các nhà sản xuất, phân phối và cung ứng dịch vụ. Đặc biệt, cần triển khai hiệu quả Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh, tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025, định hướng tới 2030 và Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025; Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo.
Thúc đẩy người Việt ưu tiên dùng hàng Việt - Ảnh: H.THOAN
Trong khi đại đa số các DN Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, vì thế đẩy mạnh các hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ DN nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi phân phối sản phẩm Việt Nam tại thị trường trong nước, DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị là một trong những giải pháp cần phải thực hiện.
Bên cạnh đó, cần đổi mới phương thức, lồng ghép các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường trong nước vào các chương trình kích cầu tiêu dùng, các sáng kiến kết nối cung cầu hàng hóa.
Một giải pháp lâu dài khác, cũng thuộc về vai trò của các cơ quan chức năng, đó là cần phải khảo sát, đánh giá thực trạng và triển khai giải pháp phát triển hệ thống phân phối xanh và tiêu dùng xanh, phát triển bền vững kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực thương mại. Đồng thời đẩy mạnh liên kết bền vững giữa sản xuất - phân phối - tiêu dùng, cũng như tăng sự hiện diện của sản phẩm được dán nhãn sinh thái, thân thiện môi trường xanh tại cơ sở phân phối hiện đại và truyền thống.
Đồng bộ với đó là đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thương mại trong nước, nâng cao nhận thức trong cộng đồng DN và xã hội về phân phối xanh, tiêu dùng xanh và phát triển bền vững…
Để phù hợp với xu thế phát triển, cần hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại; thúc đẩy thương mại điện tử và các loại hình thương mại dựa trên nền tảng số hóa; cũng như tập trung phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thương mại, đáp ứng yêu cầu hội nhập và yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
HỒNG THOAN
Link nội dung: https://phapluatbanquyen.phaply.vn/phat-trien-thuong-mai-trong-nuoc-hien-dai-van-minh-tang-truong-nhanh-va-ben-vung-a416.html