Sáng chế, công nghệ và sự vận dụng trong hoạt động sản xuất kinh doanh

(PLBQ). Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, việc áp dụng các sáng chế, công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng được chú trọng. Những sản phẩm trí tuệ này ra đời gắn liền với nhu cầu từ thực tế và giải quyết các vấn đề cấp thiết của mọi hoạt động sản xuất kinh doanh.

Sáng chế, công nghệ là gì?

Khái niệm vể sáng chế được quy định tại khoản 12 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ: “Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên”.

Sáng chế được bảo hộ độc quyền dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế hoặc Bằng độc quyền giải pháp hữu ích. Thuộc tính cơ bản của sáng chế là đặc tính kỹ thuật. Sáng chế có thể được thể hiện dưới dạng sản phẩm (vật thể, chất thể, vật liệu sinh học) hoặc quy trình hay phương pháp.

Trong khi đó, khái niệm công nghệ được quy định tại khoản 1 điều 2 Luật chuyển giao công nghệ năm 2017: “Công nghệ là giải pháp, quy trình, bí quyết có kèm hoặc không kèm công cụ, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm”.

Lợi ích của áp dụng sáng chế, công nghệ trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp

Nâng cao năng lực sản xuất, cải tiến quy trình sản xuất của doanh nghiệp.

Trong sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp luôn cần đến những sáng chế và giải pháp công nghệ để tăng năng suất và hiệu quả hoạt động.

Với việc áp dụng các sản phẩm trí tuệ thì việc tạo ra một sản phẩm mới, hoặc cải tiến các sản phẩm truyền thống trở nên dễ dàng thực hiện hơn. Các sáng chế, công nghệ cho phép nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sản lượng, tăng năng suất lao động, sử dụng hợp lý tiết kiệm nguyên vật liệu… Nhờ đó, sẽ tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Việc không kịp thời nắm bắt công nghệ, sáng tạo mới sẽ khiến các doanh nghiệp có nguy cơ bị loại khỏi thị trường.

Việc áp dụng sáng chế, công nghệ mới còn tạo ra đổi mới trong việc phân tích hành vi của khách hàng, quảng bá sản phẩm, tư vấn trực tuyến, kiểm soát sản xuất và chất lượng tự động, quản lý tài chính, làm việc từ xa... để doanh nghiệp có thể sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả hơn. Việc tăng tỷ lệ chất xám trong sản xuất sản phẩm đã thúc đẩy tiêu dùng, góp phần vào tăng trưởng, phát triển kinh tế.

Nâng cao vị thế doanh nghiệp.

Những sáng chế, công nghệ khi được áp dụng đúng với nhu cầu và tình hình thực tế tạo nên thành công sẽ khẳng định được vai trò và ý nghĩa của tài sản trí tuệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Khi được chú trọng, phát triển và khai thác một cách tối ưu, tài sản vô hình này sẽ giúp các doanh nghiệp tăng cường sức mạnh, nâng cao vị thế, uy tín và khả năng cạnh tranh nhằm tăng doanh thu và lợi nhuận. Một doanh nghiệp có khả năng sử dụng sáng chế và công nghệ để nghiên cứu thì sẽ luôn đi trước các đối thủ một bước, tự tạo cơ hội phát triển và giành được những cơ hội mới cho mình.

Thúc đẩy phát triển và tái cơ cấu nền kinh tế.

Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy, sáng chế, công nghệ được sử dụng trong các ngành công nghiệp thuộc khu vực châu Âu giai đoạn 2008 - 2010 đã tạo ra 1,7 nghìn tỷ ơ-rô, chiếm 14% GDP của Liên hiệp châu Âu. Đối với các ngành công nghiệp của Mỹ, trong năm 2010, riêng sáng chế đã mang lại 763 tỷ USD, chiếm 5,3% GDP.

Nhờ việc áp dụng sáng chế, công nghệ mà mô hình tăng trưởng kinh tế được chuyển đổi từ chiều rộng sang chiều sâu, từ việc dựa vào mở rộng khai thác nguồn lực sẵn có (lao động, vốn, tài nguyên thiên nhiên...) sang việc dựa vào hiệu quả sử dụng các nguồn lực bằng cách ứng dụng công nghệ. Sáng chế, công nghệ không chỉ làm gia tăng sản lượng sản phẩm mà còn làm tăng nhu cầu tiêu dùng nhờ làm gia tăng thu nhập từ các nguồn lực và kích thích tiêu dùng. Mức độ sử dụng sáng chế, công nghệ trong các ngành công nghiệp gia tăng có khả năng làm biến đổi cơ cấu kinh tế. Đây được coi là một trong những nguồn lực nội sinh dồi dào phục vụ phát triển kinh tế và xã hội của mỗi quốc gia trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt đang diễn ra trên quy mô toàn cầu.

Thực trạng sự vận dụng sáng chế, công nghệ vào sản xuất kinh doanh

Thời gian qua, Việt Nam đã xây dựng hành lang pháp lý, đưa ra các chương trình phát triển tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp. Nhiều sáng chế, công nghệ sau khi được áp dụng đã phát huy hiệu quả, phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tăng lợi nhuận và khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa. Hiện nay, mức độ đóng góp của ngành công nghiệp có áp dụng sáng chế, công nghệ ở Việt Nam là khá khác biệt. Tuy nhiên, việc áp dụng sáng chế, công nghệ vào sản xuất kinh doanh vẫn còn nhiều vấn đề đáng quan tâm.

Khảo sát mới đây của Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, chỉ có 23% số các doanh nghiệp được điều tra có hoạt động đổi mới, áp dụng cải tiến công nghệ. Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn vốn đầu tư còn hạn chế, trong khi cơ chế tài chính hỗ trợ vay vốn, bảo lãnh vốn vay và các hỗ trợ khác chưa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp không ưu tiên đầu tư, áp dụng sáng chế công nghệ cũng như không nhận thức chính xác giá trị và lợi ích của việc này. Từ đó dẫn đến thiếu bài bản và tầm nhìn trong phát triển công nghệ, thiếu sự đầu tư một cách đồng bộ, dẫn đến tốn kém và mất thời gian để chuyển đổi công nghệ, khó tăng quy mô sản xuất.

Nhiều sáng chế, công nghệ khi đưa vào thực tế lại chưa thể hiện được vai trò to lớn của mình trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Nhất là nhiều ngành công nghiệp được coi là có triển vọng, lợi thế lại là những ngành công nghiệp tạo ra giá trị gia tăng thấp nhất tính theo đầu người lao động điển hình như ngành công nghiệp gia công lắp ráp sản phẩm, nhất là công nghiệp gia công lắp ráp phục vụ xuất khẩu. Một số ngành công nghiệp có khả năng mang lại giá trị gia tăng cao nhờ sử dụng sáng chế, công nghệ hiện đại lại có đóng góp vào GDP thấp.

Một số giải pháp gia tăng hiệu quả áp dụng sáng chế, công nghệ vào sản xuất kinh doanh

Nhà nước cần cải thiện cơ chế quản lý, hỗ trợ sử dụng sáng chế, công nghệ.

Cải thiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ đối với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nghiên cứu thêm các chính sách cụ thể về vấn đề sáng chế, công nghệ mới giống như các quỹ đầu tư mạo hiểm chấp nhận rủi ro trong lĩnh vực công nghệ mới, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận vốn.

Tạo ra nguồn cơ sở dữ liệu về sáng chế, công nghệ mới và lực lượng chuyên gia chuyên môn cao, để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khai thác, sử dụng phục vụ đổi mới công nghệ. Từ đó, hỗ trợ nghiên cứu, sản xuất, ứng dụng sáng chế công nghệ vào sản xuất sản phẩm và thay đổi quy trình công nghệ.

Làm rõ vai trò và tầm quan trọng của sáng chế, công nghệ tới các doanh nghiệp để nâng cao nhận thức cũng như thúc đẩy việc áp dụng vào sản xuất. Các giải pháp kỹ thuật mới, các sáng chế, công nghệ được chuyển giao từ nước ngoài cần được tiếp nhận và tiến tới làm chủ để tự đổi mới, sáng tạo công nghệ mới.

Các doanh nghiệp chủ động, sáng tạo trong áp dụng sáng chế, công nghệ.

Doanh nghiệp cần nâng cao tiềm lực tài chính của mình từ việc tận dụng các nguồn vốn vay ngân hàng, vốn hỗ trợ từ Nhà nước để nghiên cứu, đầu tư những công nghệ thích hợp phục vụ cho quá trình sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ cần xem xét việc áp dụng đổi mới công nghệ theo từng giai đoạn để phân nhỏ quá trình đầu tư theo chu kỳ kinh doanh hoặc xem xét cải tiến từng công đoạn nhằm giảm sức ép về vốn đầu tư. Đồng thời cần tăng cường liên kết, hợp tác tốt với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để thuận lợi hơn trong nắm bắt tiêu chuẩn, kỹ thuật mới, tiếp cận tri thức và công nghệ mới. Bên cạnh đó, tự chuẩn bị cho mình nguồn nhân lực có khả năng hấp thụ thành quả của tiến bộ công nghệ toàn cầu.

Nâng cao trình độ lao động để tiếp nhận và áp dụng công nghệ.

Hiện nay, nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật cao, công nhân lành nghề, nhất là ở những ngành trọng điểm như cơ khí, điện và điện tử... còn thiếu hụt tạo ra cản trở lớn để tiếp thu và áp dụng công nghệ tiên tiến được chuyển giao vào Việt Nam. Do đó, các cấp có thẩm quyền, trường đại học, cao đẳng cần đổi mới mục tiêu, phương thức đào tạo nhân lực gắn liền với nhu cầu thực tế và đòi hỏi của các doanh nghiệp công nghiệp, với cơ cấu lao động của mỗi ngành công nghiệp và thị trường lao động để đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao, đủ khả năng làm chủ khoa học, công nghệ mới.

Sáng chế, công nghệ nói riêng và các sản phẩm trí tuệ nói là đòn bẩy quan trọng để tăng cường sức mạnh, nâng cao vị thế, uy tín và khả năng cạnh tranh của không chỉ các doanh nghiệp mà với cả nền kinh tế. Với sự chú trọng và các chính sách phát triển, việc sử dụng sáng chế và công nghệ trong sản xuất kinh doanh sẽ trở thành công cụ đắc lực đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong tương lai, đặc biệt trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Ngọc Hà

Link nội dung: https://phapluatbanquyen.phaply.vn/sang-che-cong-nghe-va-su-van-dung-trong-hoat-dong-san-xuat-kinh-doanh-a420.html