Mới đây nhất việc cơ quan công an khởi tố vụ án hình sự “nhái nhãn hiệu Bia Saigon” cho thấy sự phức tạp của loại tội phạm này…
Trong các chế tài đối với hành vi vi phạm SHTT, chế tài hình sự là biện pháp xử lý mạnh nhất, nghiêm khắc nhất đối với các đối tượng thực hiện hành vi, bao gồm cả PNTM. Tuy nhiên, so với hàng nghìn vụ vi phạm SHTT thời gian qua, số vụ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đặc biệt đối với PNTM còn rất ít, chủ yếu chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính. Trong khi mức xử phạt hành chính thì lại quá thấp (cao nhất chỉ là 500 triệu đồng đối tổ chức vi phạm), không đủ sức răn đe. Điều này dẫn đến tình trạng nhờn luật, khiến vi phạm SHTTdiễn ra ngày càng nhiều.
Theo ông Nguyễn Khắc Khang (chuyên gia cao cấp SHTT, Trung tâm Quyền tác giải Việt Nam – VCOP), nguyên nhân là do pháp luật tồn tại 3 điểm yếu cốt tử , gây khó khăn khi xử lý hình sự đối với hành vi xâm phạm SHTT, đặc biệt đối với PNTM. Do đó kiến nghị cơ quan chức năng cần sớm rà soát sửa đổi cũng như ban hành các văn bản hướng dẫn làm cơ sở cho việc xử lý nghiêm các hành vi phạm pháp liên quan đến lĩnh vực SHTT.
Ông Nguyễn Khắc Khang (chuyên gia cao cấp SHTT, Trung tâm Quyền tác giả Việt Nam – VCOP) trao đổi với PV Pháp lý
Nhức nhối tình trạng xâm phạm SHTT
Thời gian qua, cùng với quá trình phát triển của nền kinh tế thị trường, hàng hóa phong phú và đa dạng thì vấn đề xâm phạm quyền SHTT xảy ra ngày càng nhiều với nhiều thủ đoạn tinh vi. Thực tế cho thấy, các hành vi sản xuất, nhập khẩu, tiếp thị, mua bán các hàng hóa giả mạo, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp nói riêng, sở hữu trí tuệ nói chung tại Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp.
Cụ thể, năm 2018, lực lượng Cảnh sát kinh tế toàn quốc đã phát hiện, điều tra xử lý 407 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả và xâm phạm sở hữu trí tuệ, trong đó khởi tố 50 vụ/63 bị can.
Trong báo cáo được đưa ra hồi cuối năm 2019, đại diện Tổng cục QLTT cho biết tính đến hết tháng 11/2019, cơ quan này kiểm tra 141.000 vụ; phát hiện, xử lý 82.300 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước 430 tỷ đồng. Trong đó, giá trị hàng tịch thu chưa bán gần 150 tỷ, chuyển hồ sơ 107 vụ sang cơ quan công an.
Riêng đối với hàng giả, xâm phạm quyền SHTT , đến tháng 10/2019 cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý 6.597 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách trên 19 tỷ đồng. Trong đó, các ngành hàng may mặc như quần áo, túi xách,… đứng đầu danh sách vi phạm SHTT, ngoài ra là các sản phẩm như đồ điện tử, điện thoại.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, trước đây đối tượng vi phạm thường chỉ là những người có trình độ dân trí thấp, thất nghiệp hoạt động nhỏ lẻ, nhưng nay đối tượng có xu hướng chuyển sang thành phần có trình độ nhận thức, học vấn, thậm chí có trình độ chuyên môn cao, hiểu biết chính sách, am hiểu nhu cầu thị trường và thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn để trốn tránh sự phát hiện, xử lý của lực lượng chức năng.
Khởi tố vụ án hình sự “xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” đối với Bia Sai gon Viet nam
Chế tài nhẹ, các đối tượng “ nhờn luật”
Theo tìm hiểu của Phóng viên, pháp luật hiện hành quy định 3 chế tài đối với hành vi vi phạm SHTT bao gồm chế tài hành chính, chế tài hình sự, chế tài dân sự. Trong đó, chế tài hình sự là biện pháp xử lý mạnh nhất, nghiêm khắc nhất đối với các hành vi phạm tội, được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức có hành vi cố ý thực hiện các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, xâm phạm sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại.
Các biện pháp xử lý có thể áp dụng là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm, phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm đối với cá nhân. Với PNTM, có thể bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 5 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm.
Theo nhiều chuyên gia số lượng các vụ vi phạm SHTT bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đặc biệt đối với PNTM còn rất ít mà chủ yếu mới chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính. Nhưng, mức xử phạt hành chính cao nhất chỉ 500 triệu đồng, với PNTM, có thể bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 5 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm, trong khi lợi nhuận thu được cao hơn rất nhiều lần, dẫn đến tình trạng “nhờn luật”, thiếu sức răn đe , khiến vi phạm SHTT diễn ra ngày càng nhiều.
Chỉ mới khởi tố 2 vụ án vi phạm SHTT liên quan đến PNTM
Vụ mới đây nhất, ngày 14/9, Tổng cục QLTT – Bộ Công Thương cho biết, căn cứ vào hồ sơ chuyển giao từ Cục QLTT Bà Rịa – Vũng Tàu, Cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự: “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” đối với BIA SAIGON VIETNAM xảy ra tại ấp Bắc 2, xã Hòa Long, thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu .
Nhãn hiệu Bia Sài Gòn đã được bảo hộ, thuộc sở hữu của Tổng công ty Cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (SABECO). Nhưng nhãn hiệu này đã bị xâm phạm, nhái lại một cách công khai, trắng trợn
Trước đó, căn cứ đơn đề nghị của chủ thể quyền và hồ sơ kèm theo, ngày 23/6/2020, Đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 1, Cục QLTT Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức kiểm tra đột xuất đối với cơ sở sản xuất bia BIVA, địa chỉ Ô4, ấp Bắc 2, xã Hòa Long, thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu do ông Vũ Tuấn Châu, sinh năm 1963, làm chủ cơ sở.
Qua kiểm tra phát hiện tại cơ sở có 4.712 thùng bia BIA SAIGON VIETNAM thành phẩm (01 thùng = 24 lon, 01 lon = 330ml), 116.700 vỏ lon bia (loại 330ml) và 3.300 vỏ thùng bia (thùng giấy carton) có dấu hiệu xâm phạm quyền đã được bảo hộ.
Tại buổi kiểm tra, chủ cơ sở Bia BIVA đã cung cấp hợp đồng hợp tác sản xuất ngày 15/4/2020 với công ty Cổ phần Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam (trụ sở tại quận 1, TP.HCM). Cục QLTT tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy tờ liên quan. Đồng thời có kiến nghị chuyển hồ sơ vụ việc sang Cơ quan CSĐT công an tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu để xử lý theo quy định pháp luật.
Phía SABECO cũng đã có đơn yêu cầu khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của công ty Bia Sài Gòn Việt Nam.
Theo SABECO, việc vi phạm ở mức độ lớn. Cụ thể trong ngày 23/6/2020, Cục QLTT tỉnh Bình Phước cũng phát hiện một doanh nghiệp trữ hơn 600 thùng BIA SÀI GÒN VIỆT NAM có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp như trên.Doanh nghiệp này cũng cung cấp hóa đơn công ty Bia Sài Gòn Việt Nam bán cho họ 1.300 thùng bia với giá gần 160 nghìn đồng/1 thùng…
Cơ quan CSĐT công an tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, sau khi tiếp nhận công văn chuyển hồ sơ vụ việc của Cục QLTT tỉnh, công an đã tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ. Công an cũng đã yêu cầu các cơ quan chuyên môn giám định nhãn hiệu đối với BIA SÀI GÒN VIỆT NAM.
Căn cứ kết quả xác minh, Cơ quan CSĐT nhận thấy có căn cứ việc công ty cổ phần Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam hợp tác để sản xuất bia mang nhãn hiệu BIA SÀI GÒN VIỆT NAM bán ra thị trường với quy mô thương mại, có kiểu dáng, nhãn hiệu sản phẩm có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa đối với nhãn hiệu BIA SÀI GÒN đã được bảo hộ, thuộc sở hữu của SABECO. Số lượng hơn 8.000 thùng.
Sau khi xác định có dấu hiệu tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp quy định tại Khoản 2, Điều 226 Bộ Luật Hình sự, Cơ quan CSĐT công an tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu quyết định khởi tố vụ án để điều tra.
Đáng lưu ý là tính đến thời điểm hiện tại, đây mới chỉ là vụ án thứ 2 bị khởi tố liên quan đến PNTM về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
Trước đó, hồi tháng 2 năm 2020, cơ quan tố tụng Phú Thọ đã khởi tố, truy tố và xét xử vụ “xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” đối với Công ty cổ phần nhôm Việt Pháp – Nhà máy nhôm Việt Pháp và giám đốc công ty với lý do sử dụng bất hợp pháp nhãn hiệu “Nhôm Việt Pháp SHAL”. Nhãn hiệu này trước đó đã được Công ty nhôm Việt Pháp SHAL đăng ký bảo hộ và sử dụng trên các sản phẩm thanh nhôm định hình mà công ty sản xuất.
Vụ án bắt nguồn từ việc Công ty cổ phần sản xuất nhôm Việt Pháp Shal (địa chỉ tại TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) tố giác Công ty cổ phần nhôm Việt Pháp – Nhà máy nhôm Việt Pháp, có trụ sở tại phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội và Chi nhánh tại Khu công nghiệp Trung Hà, Tam Nông, Phú Thọ, đã có hành vi xâm phạm sở hữu công nghiệp.
Tại phiên sơ thẩm ngày 14/1/2020, TAND tỉnh Phú Thọ tuyên phạt Cty CP Nhôm Việt Pháp 5 tỷ đồng; buộc bồi thường thiệt hại về vật chất và uy tín cho Nhôm Việt Pháp SHAL-Ninh Bình hơn 514 triệu.
Kiến nghị sửa nhanh 3 điểm yếu cốt tử của luật có liên quan
Trao đổi với PV Pháp lý, ông Nguyễn Khắc Khang (chuyên gia cao cấp SHTT, Trung tâm Quyền tác giả Việt Nam – VCOP) cho biết, hiện nay, xử lý hình sự đối với các tội xâm phạm SHTT đang gặp nhiều khó khăn do tồn tại 3 “nút thắt” lớn của pháp luật.
Thứ nhất, quy định của pháp luật về xử lý hình sự trong xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp cũng chưa đầy đủ và thiếu rõ ràng. Theo đó, Điều 226 trong Bộ Luật Hình sự hiện hành có quy định tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp mà đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý với quy mô thương mại. Tuy nhiên, trong các văn bản pháp luật hiện nay, chưa có khái niệm rõ ràng thế nào là quy mô thương mại, dẫn đến không ít khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc xử lý.
Thứ hai, quy định thiếu thống nhất trong trong xử lý vi phạm. Cụ thể, Điều 226 quy định về Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp “đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý”, nhưng tại Điều 12, Nghị định 99/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp cũng quy định về đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý, mức phạt 250 triệu đồng mức phạt tối đa với cá nhân, nếu là tổ chức, mức phạt tối đa là 500 triệu đồng (K1. Điều 2 Nghị định 99/2013/NĐ-CP).
Tuy nhiên, lại không quy định mức trị giá hàng hóa tối đa để chuyển sang xử lý hình sự , nên dù trị giá hàng hóa vi phạm có thể lên đến hàng tỷ đồng hoặc nhiều hơn cơ quan chức năng vẫn có thể xử lý hành chính. Việc quy định xử phạt vi phạm hành chính tại nghị định 99 có phần chồng chéo với quy định tại điều 226 BLHS về mức độ hành vi xâm phạm, dẫn tới việc cơ quan chức năng “nhát tay” trong việc xử lý hình sự các vụ việc xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với hành vi giả mạo nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định, – chuyên gia SHTT Nguyễn Khắc Khang phân tích.
Bên cạnh đó, quá trình mua bán, giao dich hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ, không ghi chép sổ sách. Do vậy, công tác xác định giá trị hàng hóa vi phạm gặp khó khăn, thông thường phải thuê thẩm định giá, tiến hành theo đúng trình tự nên rất mất thời gian. Việc xác định và chứng minh thiệt hại thức tế của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý để làm cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự hiện nay cũng rất khó khăn.
Công tác phối hợp phát hiện, điều tra, xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn chưa được chặt chẽ, đặc biệt có những vi phạm để có thể xử lý được thì cần phải chờ kết luận của nhiều cơ quan liên quan khác dẫn đến vụ việc kéo dài. Điều này khiến các cơ quan chắc năng thường chọn việc áp dụng chế tài xử phạt hành chính.
Theo chuyên gia SHTT Nguyễn Khắc Khang: Việc pháp luật không quy định mức trị giá hàng hóa tối đa để chuyển sang xử lý hình sự , nên dù trị giá hàng hóa vi phạm có thể lên đến hàng tỷ đồng hoặc nhiều hơn cơ quan chức năng vẫn có thể xử lý hành chính. Việc quy định xử phạt vi phạm hành chính tại nghị định 99 có phần chồng chéo với quy định tại điều 226 BLHS về mức độ hành vi xâm phạm, dẫn tới việc cơ quan chức năng “nhát tay” trong việc xử lý hình sự các vụ việc xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với hành vi giả mạo nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định.
Ngoài ra, theo chuyên gia Khang chỉ ra một thực tế cũng rất đáng lưu ý, đó là không chỉ đối với các tội xâm phạm SHTT, mà rất nhiều tội khác hiện nay, cơ quan tố tụng cũng đang gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với PNTM phạm tội.
Với sự phát triển của công nghệ thông tin, cùng sự phát triển của thương mại điện tử, một hành vi xậm phạm quyền có thể diễn ra trong thời gian ngắn, và tinh vi hơn. Đặc biệt, các tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm ngày càng “tinh khôn” hơn, khi không thực hiện hành vi làm giả nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý, mà chỉ dừng lại ở mức độ xâm phạm quyền để “né, tránh” trường hợp xử lý hình sự. Chính vì việc xâm phạm quyền diễn ra nhiều, nhưng mức xử phạt vi phạm hành chính thấp, không đủ sức răn đe, trong khi đó, hành vi này lại không bị xử lý hình sự (do không làm giả nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý), đã vô tình “tiếp tay” cho hoạt động xâm phạm quyền như hiện nay, – Chuyên gia SHTT Nguyễn Khắc Khang nhận định.
Trước những tồn tại, khó khăn nói trên, để công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thực sự mang lại hiệu quả, theo Chuyên gia Nguyễn Khắc Khang cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung một số giải pháp như:
Cần xem xét ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng pháp luật trong điều tra, truy tố, xét xử các điều khoản liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ quy định trong BLHS, trong đó có quy định cụ thể về “quy mô thương mại” tại điều 226 BLHS. Đặc biệt hướng dẫn việc áp dụng chế tài hình sự đối với PNTM phạm tội nói chung, tội liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ nói riêng.
Kịp thời rà soát sửa đổi những quy định pháp luật còn chồng chéo, chưa rõ ràng để làm cơ sở cho các cơ quan chức năng có thể hiểu và áp dụng một cách thống nhất. Trong đó, cần có những quy định rõ ràng ở mức độ nào thì xử phạt hành chính, mức độ nào thì phải truy cứu TNHS.
Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực thực thi pháp luật của các lực lượng chức năng, truyền thông nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, sự nỗ lực của các nhãn hàng, các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần tăng cường quản lý, giám sát tiêu thụ hàng hoá và chủ động khiếu nại khi bị xâm phạm. Công khai các cá nhân, tổ chức bị xử lý về hành vi này để nhân dân, doanh nghiệp, người tiêu dùng biết, chủ động phòng tránh.