Thủy sản là mặt hàng xuất khẩu chủ lực vào thị trường EVFTA
Lợi thế trước 4 đối thủ
Trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩutôm Việt Nam sang EU đạt 255,6 triệu USD, tăng 27,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo VASEP, tôm Việt Nam sang thị trường này trong năm nay đã có sự tăng trưởng tốt hơn so với năm ngoái.
Kể từ khi EVFTA có hiệu lực, một số mặt hàng tôm Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu có mức thuế 12 - 20% đã về 0% như tôm sú đông lạnh. Đây là lý do tác động tới nhà nhập khẩu giúp họ đẩy nhanh tiến độ nhập khẩu tôm và kéo kim ngạch xuất khẩu ở thị trường này tăng lên.
Theo đánh giá, tôm không chỉ là một trong những mặt hàng đầu tiên được giảm thuế ngay về 0%, mà còn được đánh giá là mặt hàng có tính cạnh tranh nhất.
Trong khi 4 đối thủ cạnh tranh xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam tại thị trường EU, gồm: Thái Lan - không được hưởng GSP (chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập), không có FTA nên có mức thuế cơ bản 12%; Ấn Độ không có FTA, chịu thuế GSP 4,2%; Indonesia chịu thuế GSP 4,2% và Ecuador chịu mức thuế cơ bản 12%; thì tôm sú của Việt Nam được giảm từ mức thuế GSP 4,2% về 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực, tôm chân trắng đông lạnh sẽ giảm dần về 0% sau 5 năm.
Không chỉ có tôm, nhiều mặt hàng thủy sản khác cũng có sức cạnh tranh nhờ các cam kết từ EVFTA. EU đã xóa bỏ thuế quan cho các sản phẩm cá ngừ tươi sống, đông lạnh ngay khi EVFTA có hiệu lực; các sản phẩm thăn, philê cá ngừ hấp được xóa bỏ thuế quan về 0% theo lộ trình 7 năm, từ mức thuế cơ bản 24%; các sản phẩm cá ngừ chế biến đóng hộp được miễn thuế trong mức hạn ngạch 11.500 tấn/năm; cá tra được giảm từ 5,5% hiện nay về 0% vào năm thứ 3.
Ta còn có cơ hội đáng kể đối với các sản phẩm mực, bạch tuộc đông lạnh (từ 6 - 8% được giảm ngay về 0%), chả cá surimi (từ 14,2% về 0%), cá biển khác ướp lạnh/đông lạnh (từ 7,5% về 0%).
Bên cạnh đó, tiêu chí xuất xứ thuần túy đối với thủy sản trong EVFTA được xem là linh hoạt hơn so với GSP khi Việt Nam được phép sử dụng mực và bạch tuộc nguyên liệu từ các nước ASEAN (quy tắc cộng gộp) để sản xuất mực và bạch tuộc chế biến xuất khẩu sang EU.
Chính vì vậy, trong tháng 8 năm 2020, tháng đầu tiên thực hiện EVFTA, đơn hàng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU tăng khoảng 10% so với tháng 7. Từ đó đến nay, xuất khẩu thủy sản vào thị trường EVFTA duy trì được đà tăng trưởng.
Lợi thế kép
Đối với đồ gỗ, EVFTA mang lại lợi thế kép khi 90% sản phẩm gỗ của Việt Nam vào thị trường EU sẽ được hưởng thuế suất 0% ngay năm đầu tiên; đồng thời, thuế nhập khẩu nhiều loại máy móc thiết bị chế biến đồ gỗ của EU vào Việt Nam vốn phải chịu thuế 20-30% được giảm mạnh, thậm chí được miễn thuế hoặc trả chậm khi doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư trang thiết bị.
Hơn thế nữa, EVFTA sẽ giúp các doanh nghiệp trong nước tranh thủ được về công nghệ sản xuất và quản lý, máy móc thiết bị của EU, được xem là có trình độ cao nhất thế giới hiện nay. Một lợi ích khác là nhập khẩu nguyên liệu từ EU khi nguồn gỗ của châu Âu có chất lượng tốt, nguồn gốc rõ ràng, giúp doanh nghiệp Việt tăng thu mua khi được miễn thuế, và được tính vào tỷ lệ xuất xứ.
Đặc biệt, tiêu chí xuất xứ với xuất khẩu đồ gỗ không quá chặt. Đối với gỗ nguyên liệu nói chung và đồ nội thất làm từ gỗ, tiêu chí xuất xứ là chuyển đổi mã số hàng hóa ở cấp độ 4 số; hoặc hàm lượng giá trị nguyên liệu xuất xứ tham gia vào quá trình sản xuất không nhỏ hơn 30%.
Nếu so sánh hàm lượng giá trị với các FTA trước đó như Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA); Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU); Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng một số FTA của Asean với các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản… thường phổ biến trong khoảng 40%, thì EVFTA quả là “rộng rãi” với xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam, một nước đang thiếu nguyên liệu gỗ rừng trồng nghiêm trọng.
Chủ động khai thác
Một nhân tố không thể thiếu là sự chủ động khai thác cơ hội của các doanh nghiệp. Khi dịch Covid-19 làm xuất khẩu thủy sản giảm mạnh, phần lớn những doanh nghiệp xuất khẩu đã lên kế hoạch và quy hoạch về vùng nuôi nguyên liệu của hai mặt hàng có kim ngạch lớn nhất là tôm, cá tra, hỗ trợ cho người nuôi để khuyến khích người nuôi tiếp tục thả giống mới, đón đầu cơ hội khi thị trường phục hồi.
Để đáp ứng yêu cầu xuất tôm vào thị trường châu Âu, các doanh nghiệp đặc biệt chú trọng đến chất lượng sản phẩm. Ngay từ bây giờ, nhiều doanh nghiệp đã và đang chuẩn bị nguồn nguyên liệu sạch, thả nuôi ở mật độ thưa đúng tiêu chuẩn, đủ điều kiện chế biến và xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Đối với đồ gỗ, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận định rằng, các doanh nghiệp trong ngành đã nhận thức rõ EU là thị trường khó tính, tiêu dùng văn minh; người tiêu dùng đòi hỏi khắt khe về nguồn gốc gỗ nhằm đảm bảo thực thi các chính sách về môi trường.
Vì thế, coi EVFTA là cơ hội để doanh nghiệp chủ động tiếp cận quan điểm sản xuất gắn với trách nhiệm xã hội, chỉ sử dụng gỗ có nguồn gốc hợp pháp. Theo ước tính, các loại gỗ chủ lực mà doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu chuyển hướng sang nhập khẩu từ EU trước khi EVFTA có hiệu lực gồm gỗ tròn, gỗ xẻ, vernia và gỗ dán khoảng trên dưới 1 triệu m3 mỗi năm, đã đem lại “giá trị niềm tin” cho sản phẩm đồ gỗ nước ta, được người tiêu dùng EU ủng hộ.
Theo thống kê từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), kể từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực (1/8/2020) đến ngày 4/6/2021, các cơ quan, tổ chức được uỷ quyển cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) mẫu EUR.1 đã cấp 180.551 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch hơn 6,6 tỷ USD đi 27 nước EU.
Đại Từ
Link nội dung: https://phapluatbanquyen.phaply.vn/cac-mat-hang-xuat-khau-chu-luc-khai-thac-tot-loi-the-thi-truong-evfta-a437.html