Điều này đã được ghi nhận trong Bộ Luật dân sự 2015, Luật Doanh nghiệp 2020 và Luật Chuyển giao công nghệ 2017. Tuy nhiên, việc định giá tài sản góp vốn là công nghệ hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều rủi ro cho doanh nghiệp.
Góp vốn bằng công nghệ là một trong những hình thức chuyển giao công nghệ
Chuyển giao công nghệ là việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghệ hoặc chuyển giao quyền sử dụng công nghệ từ bên có quyền chuyển giao công nghệ sang bên nhận công nghệ. Hay nói cách khác, góp vốn bằng công nghệ chính là việc thành viên hoặc cổ đông sáng lập sử dụng giá trị quyền chuyển giao công nghệ mà thành viên hoặc cổ đông đang sử dụng công nghệ để góp vốn vào tài sản của doanh nghiệp. Sau khi góp vốn bằng giá trị quyền chuyển giao công nghệ thì thành viên hoặc cổ đông sáng lập đó không còn là chủ sử dụng đối với loại tài sản này. Giá trị quyền sử dụng công nghệ sẽ thuộc về doanh nghiệp nơi mà thành viên hoặc cổ đông đó đã đăng ký góp vốn vào.
Rủi ro đến từ việc định giá không đúng tài sản góp vốn là công nghệ.
Theo quy định tại Điều 34 của Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì:
“1. Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
2. Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản quy định tại khoản 1 Điều này mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật.”
Như vậy, tổ chức, cá nhân hoàn toàn có quyền góp vốn vào doanh nghiệp bằng tài sản là công nghệ. Tuy nhiên, tài sản là công nghệ lại không phải là tài sản Đồng Việt Nam nên theo quy định của luật doanh nghiệp hiện hành, cụ thể tại Điều 36 thì những tài sản này cần phải thực hiện thủ tục định giá trước khi góp vốn. Việc định giá tài sản góp vốn hiện nay có thể được thực hiện bởi các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc đồng thuận hoặc được thực hiện bởi một tổ chức thẩm định giá định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được trên 50% số thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận. Vậy nhưng, có một thức tế rằng không phải doanh nghiệp hay tổ chức định giá nào cũng đủ khả năng định giá đúng tài sản góp vốn là công nghệ.
Doanh nghiệp định giá công nghệ cao hơn giá trị thực tế sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Đây là trường hợp mà khi nhận tài sản góp vốn là công nghệ, doanh nghiệp có thể không biết hoặc cố tình định giá công nghệ cao hơn giá trị thực tế.
Trường hợp doanh nghiệp không biết giá trị thật của công nghệ mà định giá quá cao thì có thể dẫn tới rủi ro như nhận chuyển giao công nghệ đã cũ, lạc hậu và không có tính ứng dụng. Điều này có thể xảy ra đối với những doanh nghiệp nhỏ với sự hiểu biết về khoa học công nghệ còn hạn chế.
Có một thực tế rằng hiện nay, trên thị trường công nghệ, người bán công nghệ (người góp vốn bằng công nghệ) thường có lợi thế hơn và chủ động hơn, còn người mua (doanh nghiệp nhận vốn góp) lại phải chịu áp lực của thời gian và phải chịu những vấn đề chủ yếu để bảo đảm cạnh tranh. Khi góp vốn bằng công nghệ, sở dĩ người góp vốn thường sẽ là người có lợi thế hơn do họ nắm được rất rõ về thông tin, ứng dụng và giá trị về công nghệ của mình. Ngược lại, doanh nghiệp nhận vốn góp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ lại thường rơi vào thế bị động do không thể nắm được hết các giá trị sử dụng, lợi ích của việc ứng dụng công nghệ hoặc việc định giá chỉ dựa vào “thông lệ” của những trường hợp chuyển giao công nghệ tương tự, dẫn tới việc khi nhận chuyển giao, doanh nghiệp có thể nhận được công nghệ không đúng như mong đợi ban đầu.
Đối với trường hợp doanh nghiệp đã biết giá trị thật của bí quyết công nghệ nhưng tại thời điểm định giá lại cố tình định giá cao, thổi phồng giá trị vốn hóa tiền đầu tư thì khi kết thúc định giá, doanh nghiệp sẽ phải tìm cách bù vào phần chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn. Cụ thể, việc định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn có thể dẫn tới hệ quả là các thành viên, cổ đông sáng lập phải cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá. Nếu các thành viên, cổ đông sáng lập không đủ điều kiện và khả năng góp thêm số vốn bị chênh lệch thì tất cả phải liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại đến từ hành vi cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.
Vụ việc định giá tài sản góp vốn là công nghệ quá cao của công ty TNHH tư vấn Ánh Dương dưới đây là một lưu ý cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các bạn trẻ muốn khởi nghiệp ở Việt Nam hiện nay:
Để thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn Ánh Dương, các thành viên sáng lập công ty đã cam kết góp như sau: H cam kết góp 700 triệu đồng bằng tiền mặt, N góp vốn bằng quyền sử dụng công nghệ là cách vận hành phần mềm chăm sóc khách hàng tự động có ứng dụng trí tuệ nhân tạo, việc góp vốn bằng công nghệ của N được các thành viên còn lại nhất trí định giá là 1,2 tỷ đồng, B góp vốn bằng ngôi nhà của mình giá trị thực tế vào thời điểm góp vốn là khoảng 1 tỉ đồng.
Tuy nhiên, khi doanh nghiệp bắt đầu đi vào hoạt động thì bí quyết công nghệ của N lại không có khả năng tương thích với hệ thống máy tính trong công ty, dẫn tới hậu quả là công ty tạm thời chưa thể khai thác được lợi ích đến từ cách sử dụng phần mềm của N. Chưa dừng lại đó, trong quá trình chờ đợi nâng cấp hệ thống máy tính để tương thích với phần mềm thì thời hạn các thành viên phải cam kết góp đủ vốn theo quy định (90 ngày) đã hết. Trường hợp này công ty sẽ vô tình phải chịu thiệt hại không đáng có và rất khó để xác định N đã hoàn thành việc góp đủ vốn hay chưa, vì rõ ràng bí quyết công nghệ thì N đã đưa ra nhưng thực tế công ty lại chưa có được giá trị cụ thể mà bí quyết công nghệ này mang lại, chưa kể công ty còn phải mất thêm chi phí để nâng cấp, cập nhật hệ thống máy tính để tương thích với bí quyết công nghệ của N.
Hoạt động định giá công nghệ của các tổ chức trung gian hiện này còn sơ khai.
Trong thời gian qua, hoạt động định giá công nghệ tại Việt Nam là nhu cầu khá lớn của xã hội, tuy nhiên dịch vụ này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phục vụ chuyển giao công nghệ. Hoạt động định giá của các tổ chức trung gian còn rất sơ khai, chưa mang tính chuyên nghiệp. Mặt khác, doanh nghiệp cũng chưa thật sự quan tâm, chưa có thói quan thuê tư vấn đánh giá, định giá công nghệ, môi giới chuyển giao công nghệ trong các khâu quy trình chuyển giao công nghệ, phần lớn chỉ tập trung vào việc mua máy móc, thiết bị… Chính vì thế mà hoạt động định giá công nghệ của các tổ chức trung gian chưa phát huy được hết vai trò.
Về thực tiễn, công tác định giá công nghệ hiện nay ở nước ta chưa có hướng dẫn cụ thể của cơ quan chức năng. Việc định giá công nghệ tại Việt Nam không áp dụng theo chuẩn mực các phương pháp mà các nước đã áp dụng, chỉ là ước tính với các con số được làm tròn (ngay cả một số thông số cần thiết cũng chưa được đề cập đến như niên hạn trích phần trăm, tỉ lệ khấu trừ, tuổi thọ kinh tế còn lại của bằng độc quyền,…). Hệ thống thống kê hồ sơ, tài liệu liên quan đến sáng chế, công nghệ….thường không đầy đủ và rất khó tiếp cận. Thiếu những văn bản hướng dẫn cụ thể trong việc quy định chi phí cho định giá công nghệ và chi phí thuê tư vấn định giá công nghệ.
Như vậy, dù là doanh nghiệp tự tổ chức định giá tài sản vốn góp hay thuê tổ chức thẩm định giá định giá thì việc nhận vốn góp bằng công nghệ này cũng tồn tại nhiều rủi ro. Chưa kể hiện nay, pháp luật Việt Nam vẫn chưa có quy định cụ thể nào về tỷ lệ trách nhiệm bồi thường giữa bên góp vốn và người định giá trong vấn đề này, chính vì thế, loại tài sản dùng để góp vốn này tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy cơ tranh chấp cho doanh nghiệp.
Hà Hằng
Link nội dung: https://phapluatbanquyen.phaply.vn/rui-ro-bat-cap-khi-khai-thac-cong-nghe-thong-qua-hinh-thuc-gop-von-a444.html