Một buổi thu giọng đọc cho sách nói của ứng dụng Fonos. Ảnh: NVCC
Xu hướng mới của văn hóa đọc?
Bên cạnh sách in, sách điện tử (ebook), những năm gần đây, khái niệm sách nói (audiobook) ngày càng trở nên quen thuộc, đặc biệt là với độc giả trẻ. Nhiều diễn đàn sách nói ở Việt Nam đã phát triển như Hẻm Audio, Waka, Gác sách, Thư viện sách nói Hướng Dương, Sách mp3, Trạm Radio, Radio truyện... cùng sự xuất hiện của nhiều kênh sách nói trên YouTube, Facebook, Instagram...
Nếu nhìn rộng ra từ phương thức tạo lập cũng như cách tiếp cận công chúng, có thể cho rằng, sách nói có nguồn gốc từ truyền thống truyền miệng dân gian. Các hình thức đọc sách trên sóng phát thanh cũng là một dạng thức của sách nói. Từ truyền miệng đến phát thanh và dần được định dạng trong các thiết bị lưu trữ như băng cassette, đĩa CD, VCD, DVD, USB, điện thoại thông minh, máy tính bảng... hay hoạt động trên các ứng dụng công nghệ (bao gồm cả thu - phát - quảng bá), sách nói ngày nay đã tiến một bước khá xa trên con đường chuyên nghiệp hóa.
Độc giả của sách nói khá đa dạng, do đó, nội dung sách nói cũng hết sức phong phú, từ sách văn học, nghệ thuật, triết học, lịch sử, tôn giáo đến sách kỹ năng sống, sách dạy làm giàu, dạy nuôi con... Ngày càng có nhiều tác giả, đơn vị xuất bản quan tâm đầu tư ra ấn bản sách nói. Cuốn sách “Nếu biết trăm năm là hữu hạn” của tác giả Phạm Lữ Ân được tái bản khoảng 30 lần kể từ khi ra đời năm 2012 đến nay, gần đây đã ra mắt phiên bản sách nói phát hành độc quyền trên ứng dụng Fonos. Cuốn sách “Muôn kiếp nhân sinh” của Giáo sư John Vũ - Nguyên Phong sau khi liên tục đứng trong top đầu danh sách sách bán chạy trên các sàn thương mại điện tử chuyên về sách cũng đã có bản audiobook trên ứng dụng Voiz FM. Hay mới đây, cuốn sách “Cũ?” đã có thêm phiên bản audiobook - được thực hiện dưới định dạng băng cassette với giọng đọc của chính tác giả Nick M.
Không gây mỏi mắt như sách điện tử, nhỏ gọn và thuận tiện, sách nói đã và đang được nhiều độc giả ưa chuộng. Thành tựu của công nghệ đưa sách nói đến với công chúng một cách rộng rãi hơn, giúp họ có thể vừa làm việc, vừa đi đường, vừa tập thể thao, vừa nghe đọc sách. Với sách nói, người không biết đọc cũng có thể nghe và đặc biệt, sách nói là phương thức ưu việt dành cho người khiếm thị. Qua những giọng đọc truyền cảm cùng với việc triển khai trên nền của những bản nhạc, sách nói có những thế mạnh mà sách giấy hay sách điện tử không có được. Những ngày giãn cách xã hội phải ở nhà thường xuyên, nhiều độc giả chia sẻ rằng họ rất thích “đọc” sách nói, đặc biệt là vào thời điểm nghỉ trưa, trước đi ngủ tối.
Đại dịch Covid-19 khiến nhiều người có xu hướng ở nhà nghe sách nói nhiều hơn.
Nhiều trở ngại
Mặc dù có phân khúc công chúng của riêng mình nhưng sách nói vẫn đang phải đối diện với nhiều trở ngại để có thể tìm kiếm một thế đứng trong thị trường xuất bản. Bản quyền là vấn đề hệ trọng đầu tiên mà sách nói ở Việt Nam phải đối diện. Ngoại trừ các tác phẩm được ra mắt song song cả hai phiên bản thì trên các diễn đàn sách nói hiện nay, sách nói chủ yếu vẫn là do cá nhân hoặc tổ chức thu âm từ những cuốn sách giấy đã xuất bản. Sự bùng nổ của công nghệ thông tin cùng với những lỗ hổng trong quản lý, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe... khiến cho nhiều diễn đàn sách nói mọc ra, mà thực chất đó là hành vi vi phạm bản quyền. Trên mạng xã hội, có thể dễ dàng tìm mua một chiếc USB chứa vài chục đầu sách nói, trong đó có những cuốn sách bán chạy của một số đơn vị xuất bản. Từ việc vi phạm bản quyền này, có thể hình dung về hậu quả mà các nhà xuất bản, công ty văn hóa và truyền thông, các đơn vị có bản quyền, cũng như các tác giả đã và đang bị ảnh hưởng không nhỏ.
Được tạo lập trên nền tảng ưu việt của kỹ thuật và công nghệ, sách nói đồng thời cũng phải đối diện với mặt trái của những thành tựu này. Những rủi ro về công nghệ có thể là một cảnh báo trực tiếp đến những dự án sách số. Sự lỗi thời nhanh chóng của hạ tầng công nghệ dẫn đến việc con người luôn phải chạy theo các tính năng, ứng dụng mới, trong khi việc thích ứng với các nền tảng dữ liệu số đòi hỏi trình độ của người dùng và tính năng của thiết bị. Sau đó, các kho sách số có thể bị vô hiệu hóa khi thiết bị đầu ra trở nên lạc hậu - không được hỗ trợ, các hãng sản xuất khai tử thiết bị hay dòng máy đọc - nghe. Đây có thể là một lý do tăng cường niềm tin của con người vào sự trường tồn của sách giấy. Đa số các tác giả chưa mặn mà với hình thức xuất bản sách nói. Với họ, sách giấy như là một minh chứng của lao động chữ nghĩa. Một số tác giả tự chuyển đọc tác phẩm của mình nhưng vẫn là trên cơ sở sách in. Từ phía nhà xuất bản và các công ty văn hóa và truyền thông, các diễn đàn sách, có thể cảm giác được, sách nói chỉ như một phiên bản demo, giới thiệu, nhằm kích thích nhu cầu tiếp cận sách giấy của công chúng.
Đối sánh với những trải nghiệm đọc truyền thống, có thể nhận ra những nhược điểm khiến cho loại hình sách nói vướng phải tâm lý đắn đo từ phía công chúng và các chuyên gia. Dù thư viện sách nói khá phong phú, song người nghe không dễ tìm được tác phẩm mà mình yêu thích. Một vấn đề nữa đó là, khi nghe, cảm xúc của người nghe bị dẫn dắt bởi người đọc. Như thế, tính tự do trong tiếp nhận cũng như kinh nghiệm thẩm mỹ của chủ thể bị ảnh hưởng không nhỏ. Điển hình như việc vừa đọc một vài câu lại phải dừng để đọc chú giải (trong một số sách nói văn học cổ điển), khiến cho mạch văn, mạch truyện bị ngắt quãng, gây ức chế cho người nghe... Cảm xúc của người đọc thể hiện trực tiếp qua ngữ điệu, cách nhấn nhá, nhanh chậm, khiến cho người nghe không có được trải nghiệm chủ động mang tính cá nhân. Khi dòng cảm xúc của người nghe trôi theo giọng đọc, khả năng lưu tâm đến một tình tiết, chi tiết, điểm nhấn nào đó có thể bị mất đi.
Chính những yếu tố mang tính đặc thù của sách nói - giọng đọc, những bất cập về ngôn ngữ vùng miền, khả năng diễn đạt, năng lực thói quen ngôn ngữ, thậm chí là tật lỗi của người đọc có thể là điểm trừ mà người làm sách nói không thể không nghĩ tới. Thêm vào đó, các quảng cáo tự động trong một số nền tảng ứng dụng (YouTube, Spotify, Soundcloud) có thể phá vỡ cảm xúc, tư duy của người nghe. Và, một điểm nữa cũng được các nhà nghiên cứu nêu lên, đó là, việc nghe sách nói đánh mất hình dung về không gian vật lý của người đọc. Trước một sự kiện, nếu trên sách giấy, người đọc có thể hình dung ra vị trí của tình tiết trong chính cuốn sách, tiên lượng các khả năng có thể của tình tiết đó. Đây cũng là một khoái cảm của trải nghiệm sách giấy mà sách nói khó có thể mang lại.
Sự thực, sách nói đang hoạt động như một kênh, một phương thức sản xuất - cung ứng - tiêu thụ sách ở Việt Nam. Giá trị thương mại của sách nói ở Việt Nam hiện chủ yếu thể hiện dưới hình thức mua bán các USB, thẻ nhớ lưu trữ sách nói. Mặc dù doanh thu từ sách nói trên thế giới luôn tăng, tỷ lệ người nghe tiếp cận loại hình sách này cũng phát triển đáng kể ở những thị trường nghe - đọc lớn như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu, nhưng ở Việt Nam, dường như sách nói vẫn đang ở dạng tiềm năng. Bản thân sách nói, trong tư cách một loại hình xuất bản, trong chuỗi cung ứng - phân phối - tiêu thụ văn hóa phẩm là tốt, tuy nhiên, những hạn chế cần phải được nhanh chóng khắc phục, bằng nền tảng kỹ thuật, công nghệ, pháp lý và ý thức của người sử dụng văn hóa phẩm trong môi trường xã hội văn minh. Chỉ có như vậy, sách nói mới có thể trở thành một loại hình xuất bản độc lập ở Việt Nam, nếu không, nó sẽ mang thân phận "tiểu ngạch", một hình thức phụ trợ hoặc chỉ là một giải pháp tình thế.
NGUYỄN THANH TÂM
Link nội dung: https://phapluatbanquyen.phaply.vn/sach-noi-xu-huong-trong-ky-nguyen-so-nhung-han-che-can-nhanh-chong-khac-phuc-a501.html