Từ sự kiện Co.op Food, nhìn nhận những rủi ro hậu chấm dứt nhượng quyền thương mại

(PLBQ). Phương thức kinh doanh nhượng quyền thương mại đã trở thành kênh đầu tư được giới kinh doanh vận dụng để đưa các doanh nghiệp nước ngoài vào thị trường Việt Nam và ngược lại cũng là mô hình chủ đạo để các doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thị trường thế giới.

>> Doanh nghiệp Việt cần lưu ý gì khi tiếp nhận nhượng quyền thương mại từ các doanh nghiệp quốc tế lớn

>> Bảo vệ thương hiệu trong kinh doanh nhượng quyền

>> Bài học cho các doanh nghiệp Việt nhìn từ mô hình nhượng quyền của Phở 24

Thực tế rằng trong mọi quá trình thực hiện nhượng quyền thương mại rủi ro sẽ luôn tồn tại ngay cả khi đã chấm dứt nhượng quyền nên điều doanh nghiệp cần chuẩn bị là các biện pháp hạn chế và ứng phó với các rủi ro hậu chấm dứt nhượng quyền thương mại.

Nhượng quyền thương mại và chấm dứt nhượng quyền thương mại: Một số vấn đề cơ bản

Nhượng quyền thương mại

Nhượng quyền thương mại là gì?

Pháp luật Việt Nam tại Điều 284 Luật thương mại năm 2005 có quy định về nhượng quyền thương mại. Theo đó, nhượng quyền thương mại được hiểu là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:

Mục đích của các bên trong nhượng quyền thương mại

Thứ nhất, đối với bên nhượng quyền. Bên nhượng quyền nhượng quyền với các mục đích như: huy động nguồn lực tài chính; mở rộng quy mô doanh nghiệp; tăng  sức ảnh hưởng cho thương hiệu, nâng cao giá trị thương hiệu; thâm nhập và thăm dò hiệu quả đầu tư trên các thị trường mới một cách nhanh chóng với chi phí rủi ro thấp nhất; tiết kiệm được nhiều thời gian và tiền bạc trong duy trì và quản lý một bộ máy sản xuất kinh doanh khổng lồ và thường xuyên có nguy cơ phải đối mặt với các vấn đề như cơ sở vật chất, nhà xưởng, máy móc để tập trung đầu tư vào các vấn đề ở tầm vĩ mô khác như chiến lược phát triển, mở rộng quy mô…

Thứ hai, đối với bên nhận nhượng quyền. Bên nhận nhượng quyền chọn nhận nhượng quyền là hình thức để bắt đầu sản xuất, kinh doanh với các mục đích như: tiết kiệm công sức trong việc thiết lập một dự án kinh doanh mới thường chứa nhiều yếu tố rủi ro khó dự đoán; tận dụng và phát huy những lợi thế kinh doanh từ thương hiệu, công nghệ sản xuất… đã được bên nhượng quyền tạo lập hoàn thiện trong nhiều năm để nhanh chóng xâm nhập và tạo dựng chỗ đứng vững chắc của mình trên thị trường; bên nhận còn được đào tạo những phương thức và kỹ năng quản lý trong thực tiễn hoạt động kinh doanh…

Chấm dứt nhượng quyền thương mại

Các bên khi bắt đầu nhượng quyền và nhận nhượng quyền thương mại cần một hợp đồng về việc hợp tác dưới dạng văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương. Nội dung hợp đồng nhượng quyền thương mại có thể bao gồm các nội dung thỏa thuận chủ yếu về nội dung của quyền thương mại; quyền và nghĩa vụ của bên nhượng quyền; quyền và nghĩa vụ của bên nhận quyền; giá cả, phí và phương thức thanh toán; thời hạn hiệu lực của hợp đồng; gia hạn, chấm dứt hợp đồng và giải quyết tranh chấp.

Do đó, chấm dứt nhượng quyền thương mại có thể hiểu là việc các bên kết thúc việc thực hiện các thỏa thuận mà các bên đã đạt được khi tham gia vào quan hệ hợp đồng nhượng quyền và làm cho việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng nhượng quyền ngững hẳn lại.

Các trường hợp chấm dứt hợp đồng nhượng quyền thương mại có thể kể đến như:

Vụ việc Co.op Food chấm dứt nhượng quyền 17 cửa hàng và diễn biến hậu chấm dứt

Co.opmart là một hệ thống siêu thị bán lẻ của Việt Nam trực thuộc Liên hiệp các Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op). Co.opmart hiện là doanh nghiệp có nhiều siêu thị nhất Việt Nam, với hơn 140 siêu thị và đại siêu thị (bao gồm Co.opmart, Co.opmart SCA, Finelife, Co.opXtra và Co.opXtraplus). Để khẳng định vị thế thương hiệu và với mong muốn mở rộng quy mô, Co.opmart đã thực hiện nhiều hợp đồng nhượng quyền thương mại song song với đó là thực hiện tốt các biện pháp để bảo vệ thương hiệu khi nhượng quyền.

Cụ thể, những cửa hàng nhượng quyền của Công ty TNHH MTV Thực Phẩm Sài Gòn Bảo Minh hoạt động tại khu vực Thủ Đức, Gò Vấp đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thanh toán, bán hàng hóa không phải do Co.op Food (Công ty TNHH MTV Thực Phẩm Sài Gòn Co.op trực thuộc Liên hiệp hợp tác xã Thương mại TPHCM - Saigon Co.op) cung cấp và có hành vi bán hàng hóa cao hơn giá bán hàng hóa tại các cửa hàng nhượng quyền khác trong hệ thống Co.op Food vào thời điểm xảy ra dịch bệnh Covid-19.

Một cửa hàng thuộc Công ty TNHH MTV Thực phẩm Sài Gòn Bảo Minh nhận nhượng quyền (Ảnh: VGP/Minh Thi)

Với những vi phạm nghiêm trọng nêu trên, từ 23/7/2021, Công ty Co.op Food đã có văn bản thông báo đơn vị này chấm dứt nhượng quyền, yêu cầu chấm dứt sử dụng nhãn hiệu Co.op Food để kinh doanh. Đến nay, Công ty Co.op Food đã thông báo chấm dứt nhượng quyền với 17 cửa hàng vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng là không thanh toán công nợ quá hạn, bán hàng hóa không do Co.op Food cung cấp và không bảo đảm giá bán hàng hóa theo chính sách của Co.op Food.

 

Danh sách cửa hàng không còn thuộc chuỗi được đăng tải trên trang Truyền thông nội bộ Saigon Co.op

Tuy nhiên, sau chấm dứt hợp đồng những cửa hàng này vẫn ngang nhiên hoạt động dưới thương hiệu Co.op Food, bán hàng hóa giá cao trong mùa dịch, những hành vi này đi ngược với chính sách chia sẻ cộng đồng của Công ty Co.op Food và vi phạm nghiêm trọng chỉ đạo chống dịch Covid-19 của các cơ quan có thẩm quyền, làm ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng trong bối cảnh dịch bệnh và thương hiệu Co.op Food. Do vậy, ngày 11/9/2021, Công ty Co.op Food đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng yêu cầu xử lý một số pháp nhân có hành vi kinh doanh trái phép dưới thương hiệu Co.op Food dù Công ty Co.op Food đã chấm dứt hợp đồng nhượng quyền với các pháp nhân này.

Từ sự việc của Co.op Food, nhìn nhận một số rủi ro và điều cần lưu ý đối với bên nhượng quyền hậu chấm dứt nhượng quyền thương mại

Không chỉ việc bắt đầu, thực hiện một hợp đồng nhượng quyền thương mại mới xuất hiện rủi ro mà ngay cả khi đã chấm dứt, hậu chấm dứt nhượng quyền thì vẫn còn nhiều những rủi ro cần đối mặt và lưu ý.

Thứ nhất, những rủi ro và điều cần lưu ý về nguồn tài chính công ty. Một trong những mục đích của nhiều công ty khi tiến hành nhượng quyền thương mại đó là tạo nguồn thu, huy động nguồn lực tài chính để có nguồn vốn kiến tạo thêm cho hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển. Do vậy, khi xác định chấm dứt nhượng quyền thương mại, nếu không có sự tính toán cẩn thận có thể dẫn đến bỏ lỡ các chiến lược kinh doanh đã hoạch định, rơi vào tình trạng nợ nần, chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp.. do thiếu vốn.

Thứ hai, những rủi ro và điều cần lưu ý về sức ảnh hưởng và giá trị của thương hiệu, thị phần trên thị trường, sự chấp nhận của người tiêu dùng. Khi tham gia “làn sóng” nhượng quyền thương mại chắc hẳn không ít các công ty mong muốn tạo được sự “phủ sóng” cho thương hiệu, muốn thương hiệu được nhiều người biết đến, mở rộng thị phần sản phẩm, dịch vụ của thương hiệu mình trên thị trường.

Việc quyết định chấm dứt nhượng quyền thương mại có thể khiến cho thương hiệu đánh mất những gì mình đã cất công gây dựng. Do đó, đòi hỏi doanh nghiệp phải tính toán kỹ để có “đường đi, nước bước” cho phù hợp, cân nhắc các yếu tổ để quyết định được liệu sức ảnh hưởng của thương hiệu đã đủ mạnh, công ty đã đủ vững chắc để rút lui khỏi các hợp đồng nhượng quyền nhưng vẫn trụ vững.

Thứ ba, những rủi ro và điều cần lưu ý khi bên nhận nhượng quyền có những hành vi tiếp tục sử dụng nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh và các quyền sở hữu trí tuệ khác (nếu có) hoặc hệ thống của bên nhượng quyền khi kết thúc hoặc chấm dứt hợp đồng nhượng quyền thương mại. Đây là câu chuyện trên thực tế đã xảy ra rất nhiều và Co.op Food trong trường hợp kể trên là một ví dụ.

Việc tiếp tục sử dụng thương hiệu khi đã chấm dứt hợp đồng có những ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị thương hiệu về khía cạnh tài chính. Bên cạnh đó, trong trường hợp bên từng nhận nhượng quyền có những hành vi xâm phạm đến thương hiệu, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu và từ đó là rất nhiều hệ lụy về sau.

Thứ tư, những rủi ro và điều cần lưu ý liên quan đến bí mật kinh doanh. Có thể khẳng định rằng, quyền đối với bí mật kinh doanh là một trong những quyền sở hữu trí tuệ góp phần tạo nên sự đặc trưng, điểm nhấn quan trọng của thương hiệu. Khi xác định tham gia vào quan hệ nhượng quyền thương mại, thương hiệu xác định những bí mật kinh doanh không chỉ còn mình thương hiệu nắm giữ. Khi này các công thức pha chế đồ uống, món ăn ưa thích, cách chế tạo sản phẩm…đã được chia sẻ phần nào.

Về cơ bản, mọi hợp đồng nhượng quyền thương mại đều có điều khoản về bảo vệ bí mật kinh doanh ngay cả khi hợp đồng được chấm dứt nhưng không có sự đảm bảo tuyệt đối nào cả. Nhiều trường hợp kết thúc hợp đồng nhượng quyền, bên nhận nhượng quyền vẫn có thể ra làm riêng và lập doanh nghiệp của mình theo đúng "công nghệ" mà trước đó họ đã học được hoặc thậm chí bán lại bí mật kinh doanh của thương hiệu.

Biện pháp hạn chế và ứng phó với các rủi ro hậu chấm dứt nhượng quyền thương mại

Thực tế rằng trong mọi hợp đồng kinh doanh rủi ro sẽ luôn tồn tại nên điều doanh nghiệp cần chuẩn bị là các biện pháp hạn chế và ứng phó với các rủi ro hậu chấm dứt nhượng quyền thương mại:

Thứ nhất, doanh nghiệp cần lựa chọn các đối tác được nhận quyền sử dụng thương hiệu thật cẩn thận. Hãy cố gắng trong việc chọn lựa một đối tác tốt, có uy tín, trách nhiệm. Một bên nhận quyền làm ăn không tốt có thể gây tổn hại rất lớn cho bên nhượng quyền và rộng hơn là cho cả hệ thống. Sự thành công của bên nhận quyền  cũng chính là sự thành công của bên nhượng quyền.

Thứ hai, doanh nghiệp cần soạn thảo và ký kết các hợp đồng nhượng quyền thương mại với các điều khoản được soạn thảo kỹ lưỡng, thông minh và phù hợp, lường trước được mọi tình huống có thể xảy ra nhằm cân bằng tốt nhất lợi ích của các bên. Hãy coi đó là kim chỉ nam trong quá trình thực hiện hoạt động nhượng quyền. Đặc biệt vấn đề giám sát, xử lý vi phạm, phạm vi hay giới hạn nhượng quyền/chuyển giao, cơ chế xử lý hàng hóa, tồn đọng sau khi chấm đứt nhượng quyền.

Thứ ba, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị. Chuẩn bị các kịch bản có sẵn hậu chấm dứt nhượng quyền và các phương án cụ thể, chi tiết để giải quyết; chuẩn bị về nguồn lực tài chính, nguồn nhân lực…

Thứ tư, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh, cải tiến chất lượng sản phẩm, xây dựng được hệ thống quản lý chất lượng chặt chẽ… để có thể đứng vững trên thị trường và tự tin đối mặt với các rủi ro.

Thứ năm, khi chấm dứt hợp đồng nhượng quyền thương mại với đối tác cần có những thông báo trên báo chí, mạng xã hội của công ty, kênh thông tin để ngưởi tiêu dùng được biết thương hiệu đã chấm dứt nhượng quyền với một bên nào đó tránh đi những hệ lụy về sau. Kế hoạch giám sát, xử lý sau chấm dứt.

Thứ sáu, nếu muốn chấm dứt nhượng quyền thương mại, doanh nghiệp cần cân nhắc, tính toán kỹ lợi, hại, sự phù hợp của thời điểm…

Thứ bảy, hãy đảm bảo tính linh hoạt, chủ động, sẵn sàng để giải quyết cho mọi tình huống trong trường hợp rủi ro xảy ra./.

Thứ tám, chủ động học hỏi việc cách thức nhượng quyền thương mại từ các “ông lớn” trên thế giới, họ đã tồn tại phát triển gần 100 năm. Ví như KFC, McDonald’…

Lưu ý: Bài viết dựa trên quan điểm khoa học và thực tiễn, không nhằm quảng bá cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.

Nhật Vy

Link nội dung: https://phapluatbanquyen.phaply.vn/tu-su-kien-coop-food-nhin-nhan-nhung-rui-ro-hau-cham-dut-nhuong-quyen-thuong-mai-a571.html