Tác phẩm tạo ra bởi Trí tuệ nhân tạo (AI)
Nhà xuất bản Parambook cho biết, cuốn tiểu thuyết mang tên The World from Now On (tạm dịch: Thế giới từ nay) do nhà văn trí tuệ nhân tạo (AI) tên là Birampung viết bằng tiếng Anh. Birampung do công ty khởi nghiệp AI Dapumda và công ty xử lý ngôn ngữ tự nhiên Namaesseu của Hàn Quốc đồng phát triển.
Nhà văn Kim Tae-yeon, đồng thời là một chuyên gia khoa học máy tính, đã hướng dẫn Birampung viết cuốn tiểu thuyết này thông qua quá trình học sâu (deep learning), sau khi ông phác thảo chủ đề, bối cảnh và nhân vật của cuốn tiểu thuyết.The World from Now On sẽ là cuốn tiểu thuyết dài đầu tiên do AI viết cho độc giả Hàn Quốc. Trước đó, cuốn tiểu thuyết do AI sáng tác đầu tiên trên thế giới được xuất bản tại Nga vào năm 2008.
“The World from Now On" sẽ là cuốn tiểu thuyết dài đầu tiên do AI viết cho độc giả Hàn Quốc. (Nguồn: Getty Images)
Theo nhà xuất bản Parambook, cho đến nay, tại Hàn Quốc và Nhật Bản mới chỉ có truyện siêu ngắn do AI sáng tác. Nhà xuất bản này thậm chí còn khẳng định rằng The World from Now On sẽ là cuốn tiểu thuyết do AI viết đầu tiên trên thế giới với có “cốt truyện thực sự lay động lòng độc giả”.
Sự kết hợp giữa trí tuệ con người và trí tuệ nhân tạo trong hoạt động sáng tạo có xu hướng ngày càng lan rộng, dẫn đến ranh giới phân biệt giữa tác phẩm nghệ thuật do con người và máy tính tạo ra sẽ ngày càng mờ đi. Điều này cũng đặt ra những thách thức trong thực tiễn nếu pháp luật quyền tác giả vẫn theo nguyên tắc truyền thống là chỉ bảo hộ sản phẩm sáng tạo tinh thần của cá nhân tác giả.
Tại sao cần bảo hộ quyền tác giả đối với các tác phẩm được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo
Ngày nay, các tác phẩm được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo như âm nhạc, báo chí, hội họa, thiết kế, phần mềm (chương trình máy tính), tác phẩm đa phương tiện như trò chơi trên máy tính… có xu hướng ngày càng gia tăng và là những sản phẩm có giá trị thương mại cao trong ngành công nghiệp văn hóa, giải trí, cũng như được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực của cuộc sống. So với những tác phẩm thông thường được sáng tạo bởi con người, những tác phẩm do trí tuệ nhân tạo tạo ra thường đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn của các doanh nghiệp. Nếu tác phẩm không được bảo hộ bản quyền, có nghĩa bất kỳ ai đều có thể sử dụng, khai thác mà không phải xin phép và trả phí.
Những doanh nghiệp đầu tư công nghệ để tạo ra các tác phẩm đó không có quyền ngăn cấm người khác sử dụng, cũng không được thu phí hay các lợi ích vật chất từ việc khai thác tác phẩm. Điều này không chỉ gây cho họ những tổng thất về kinh tế, những nỗ lực, đầu tư của họ không được đền bù xứng đáng, mà chắc chắn sẽ có tác động tiêu cực đến nền công nghiệp. Các doanh nghiệp sẽ không còn đầu tư, nghiên cứu công sức và tiền bạc khi thành quả đầu tư của họ không được đền đáp thỏa đáng. Và như vậy, những ưu thế của trí tuệ nhân tạo về tiết kiệm thời gian và chi phí cho việc đầu tư nguồn lực con người trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng không được tận dụng hiệu quả.
Trí tuệ nhân tạo đang tạo ra nhiều thay đổi thách thức bảo vệ bản quyền (Ảnh: Wiki)
Không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích của chủ thể đầu tư phát triển trí tuệ nhân tạo và sự phát triển của nền công nghiệp máy tính, việc không bảo hộ quyền tác giả cho các sản phẩm do trí tuệ nhân tạo tạo ra có thể ảnh hưởng đến lợi ích của xã hội trong việc khuyến khích làm giàu có, phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần. Trong trường hợp này, pháp luật quyền tác giả đã không thực hiện được sứ mạng điều hòa quyền lợi của người đầu tư sáng tạo với người khai thác, sử dụng và quyền lợi của xã hội. Những thành tựu về khoa học kỹ thuật ngày nay đang mang lại nhiều cơ hội trong cách thức sáng tạo cũng như hình thức thể hiện tác phẩm. Các nghệ sĩ ngày càng có xu hướng tận dụng máy móc, phương tiện hiện đại, kể cả việc sử dụng trí thông minh nhân tạo để hỗ trợ hoạt động sáng tác của họ.
Điều kiện bảo hộ tác phẩm theo pháp luật quyền tác giả
Theo truyền thống, đối tượng của quyền tác giả là sản phẩm của hoạt động sáng tạo tinh thần (khác với đối tượng của thế giới vật chất là những vật thể hữu hình). Công ước Berne là công ước quốc tế về quyền tác giả lâu đời nhất và có số lượng quốc gia thành viên đông đảo nhất, tại Điều 2 đã nêu ra một danh sách không hạn chế những tác phẩm được bảo hộ, bao gồm những sản phẩm nguyên gốc trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học, không phân biệt hình thức và cách thức thể hiện. Trên cơ sở Công ước Berne, pháp luật về quyền tác giả của hầu hết các quốc gia trên thế giới chỉ bảo hộ những tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học đáp ứng điều kiện là sáng tạo tinh thần mang tính nguyên gốc. Luật Quyền tác giả của Nhật bản, tại mục (i) khoản 1 Điều 2 quy định: “Tác phẩm là một sản phẩm mà ở đó những suy nghĩ hoặc tình cảm được thể hiện một cách sáng tạo và nằm trong lĩnh vực văn học, khoa học, nghệ thuật hoặc âm nhạc”.
Khoản 2 Điều 2 Luật Quyền tác giả của Đức quy định về tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả như sau: “Các tác phẩm trong ý nghĩa của bộ luật này chỉ có thể là những sáng tạo mang tính cá nhân”.
Khoản 7 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam hiện hành quy định: “Tác phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học được thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào” và tại khoản 3 Điều 14 quy định tác phẩm được bảo hộ “phải do tác giả trực tiếp sáng tạo ra bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác.”
Dù có những cách thể hiện khác nhau thì Công ước Berne và pháp luật quyền tác giả của hầu hết các quốc gia trên thế giới đều xác định những yếu tố để một tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả, đó là:
(i) Được thể hiện dưới một hình thức nhất định
Các kết quả sáng tạo nếu mới chỉ là ý tưởng nằm trong đầu tác giả, chưa được thể hiện ra bên ngoài thế giới vật chất bằng một hình thức nhất định thì không được coi là một tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả. Về phía tác giả, nếu tác phẩm chỉ tồn tại trong tâm trí tác giả mà người khác không thể nhận biết được thì không đặt ra vấn đề phải bảo hộ. Mặt khác, các sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học chỉ có ý nghĩa khi công chúng có thể tiếp cận được. Vì vậy, yêu cầu đầu tiên để tác phẩm được bảo hộ là nó phải được thể hiện thông qua một hình thức nhất định để người khác có thể nhận biết, xác định được tác phẩm
(ii) Tác phẩm phải là thành quả của hoạt động sáng tạo tinh thần
Yêu cầu này đòi hỏi tác phẩm phải là kết quả của quá trình suy nghĩ, tìm tòi, sáng tạo, phản ánh tư tưởng, tình cảm của người sáng tác. Nói một cách khác, tác phẩm phải là kết quả sáng tạo có chứa đựng một nội dung tinh thần nhất định.
(iii) Manh tính nguyên gốc (hay dấu ấn cá nhân của tác giả)
Pháp luật quốc tế cũng như pháp luật quyền tác giả của hầu hết các quốc gia trên thế giới chỉ bảo hộ những tác phẩm đáp ứng điều kiện là sáng tạo tinh thần manh tính nguyên gốc. Tính nguyên gốc đòi hỏi tác phẩm do chính tác giả sáng tạo ra, có thể phân biệt được với những tác phẩm của người khác. Ở pháp luật một số quốc gia, yêu cầu này được nâng lên là tác phẩm phải mang đặc trưng riêng hay dấu ấn cá nhân, thể hiện ở nội dung hay hình thức của tác phẩm. Dấu ấn riêng có thể là về tư duy hay phong cách thể hiện của người sáng tác.
Bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm do trí tuệ nhân tạo tạo ra như thế nào
Về đối tượng bảo hộ quyền tác giả, tác phẩm do trí tuệ nhân tạo tạo ra cần phải đáp ứng yêu cầu tối thiểu về tính sáng tạo. Theo khoản 1 Điều 10 Hiệp định TRIPs, chương trình máy tính được bảo hộ như một tác phẩm ngôn ngữ theo định nghĩa của Công ước Berne, thời hạn bảo hộ tối thiểu là 50 năm. Mặc dù được bảo hộ theo pháp luật về quyền tác giả, chương trình máy tính không mang những đặc tính thẩm mỹ hay nghệ thuật như các tác phẩm khác. Nó đơn giản chỉ là sản phẩm công nghệ tin học được tạo ra để giải quyết một vấn đề nào đó, vì vậy, khó có thể chứng minh chương trình máy tính thể hiện một nội dung tinh thần hay dấu ấn cá nhân của tác giả.
Điểm khác biệt cơ bản giữa chương trình máy tính và tác phẩm truyền thống là mức độ sáng tạo thấp, chỉ cần đáp ứng điều kiện tối thiểu là “kết quả hoạt động sáng tạo” – tiêu chí quan trọng nhất để tác phẩm được bảo hộ, còn các yêu cầu về “sáng tạo tinh thần” hay “dấu ấn cá nhân” không còn quan trọng. Bộ sưu tập dữ liệu cũng là tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả khi nó được hình thành từ việc sưu tập, tuyển chọn các tác phẩm, thông tin, dữ liệu khác để trở thành một thể thống nhất.
Về chủ thể được bảo hộ quyền tác giả, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay, với sự tham gia rộng rãi của các “robot tự trị thông minh”,đã và đang đặt vấn đề có công nhận robot như một chủ thể của quan hệ pháp luật hay không ? Ở Châu Âu, đã xuất hiện những khuyến nghị tạo ra một tư cách pháp lý riêng biệt cho robot, chẳng hạn trao tư cách “điện tử nhân” cho các robot tự trị thông minh nhất.
Năm 2017, Saudi Arabia trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp quyền công dân cho một robot có hình dạng giống người thật và mang trí thông minh nhân tạo. Có thể thấy rằng, nếu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư dẫn tới những cải cách pháp luật quan trọng, trong đó có việc trao tư cách pháp lý “điện tử nhân” cho robot thông minh, thì điều tất yếu là pháp luật quyền tác giả bên cạnh việc trao quyền cho con người – “tự nhiên nhân”, cũng cần xem xét ghi nhận quyền tác giả cho trí tuệ nhân tạo khi sáng tạo ra tác phẩm.
Như vậy, liên quan đến việc bảo hộ quyền tác giả cho các tác phẩm được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo, các nhà làm luật trên thế giới có thể cân nhắc đến việc ghi nhận và bảo hộ quyền tác giả cho những người đóng vai trò quan trọng và có tính quyết định đến việc tác phẩm do máy tính tạo ra như thế nào, bao gồm: Người thu thập, lựa chọn nguồn dữ liệu đầu vào để đào tạo máy tính và những lập trình viên máy tính.
Lưu ý: Bài viết dựa trên quan điểm khoa học và thực tiễn, không nhằm quảng bá cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.
Hà Trung
Link nội dung: https://phapluatbanquyen.phaply.vn/tai-sao-can-bao-ho-quyen-tac-gia-doi-voi-tac-pham-duoc-tao-ra-boi-tri-tue-nhan-tao-a578.html