(Ảnh: trangcongnghe.com)
Hiểu đúng Kiểu dáng công nghiệp
Tại khoản 13 Điều 4 của Luật sở hữu trí tuệ quy định: “Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này”. Như vậy, kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của các đồ vật, dụng cụ, thiết bị, phương tiện hoặc bộ phận dùng để lắp ráp, hợp thành các sản phẩm đó, được sản xuất bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp, có kết cấu và chức năng rõ ràng, được lưu thông độc lập.
Đối tượng không được bảo hộ kiểu dáng công nghiệp
Không phải bất kỳ hình dáng nào của sản phẩm cũng được bảo hộ với danh nghĩa là kiểu dáng công nghiệp. Luật sở hữu trí tuệ đưa ra 03 đối tượng không được bảo hộ, bao gồm:
– Hình dáng bên ngoài của sản phẩm do đặc tính kỹ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có;
– Hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp;
– Hình dáng của sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng sản phẩm.
Điều kiện bảo hộ kiểu dáng công nghiệp
Hình dáng bên ngoài của sản phẩm không thuộc các trường hợp trên thì được đăng ký bảo hộ khi đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 63 Luật sở hữu trí tuệ. Cụ thể như sau:
Kiểu dáng công nghiệp phải có tính sáng tạo
Điểm này căn cứ vào các kiểu dáng công nghiệp đã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên, kiểu dáng công nghiệp đó không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng.
Kiểu dáng công nghiệp phải có tính mới
Điểm này căn cứ vào kiểu dáng công nghiệp đó khác biệt đáng kể với những kiểu dáng công nghiệp đã bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được hưởng quyền ưu tiên.
Kiểu dáng công nghiệp phải có khả năng áp dụng công nghiệp
Căn cứ vào kiểu dáng công nghiệp đó nếu có thể dùng làm mẫu để chế tạo hàng loạt sản phẩm có hình dáng bên ngoài là kiểu dáng công nghiệp đó bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp.
Tranh chấp liên quan đến kiểu dáng công nghiệp của Apple tại Trung Quốc
Tới năm 2014, làng báo công nghệ thế giới được một phen ầm ỹ khi một công ty “dường như không tồn tại” có tên Shenzhen Baili Marketing Services Co. - thuộc tập đoàn sản xuất điện thoại thông minh Digione, Trung Quốc - kiện Apple vì “hình thức của iPhone 6 và iPhone 6 Plus quá giống với chiếc điện thoại 100C” của họ ở chỗ cả 2 thiết bị đều có cạnh cong và góc tròn. dễ dẫn tới hiểu lầm cho người mua, sau đó văn phòng sở hữu trí tuệ Trung Quốc yêu cầu Apple dừng bán iPhone 6 và 6 Plus vì công ty vi phạm bằng sáng chế của một doanh nghiệp địa phương, ngay lập tức Apple đã kháng cáo phán quyết của tòa sơ thẩm.[1]
Không giống với những lần trước, lần này Apple đã thắng kiện, luật sư của Apple đã chỉ ra 13 điểm khác biệt về kỹ thuật rất dễ nhận ra giữa 2 điện thoại iPhone 6 và 100C. Chẳng hạn, độ cong hai bên của iPhone hoàn toàn đối xứng - điều khác xa sản phẩm của Baili. “Chúng tôi không hề vi phạm bất cứ quyền SHTT nào của Baili” - Apple khẳng định. Trong tuyên bố đưa ra tháng 3/2017, tòa án chuyên về SHTT ở Bắc Kinh cho rằng iPhone 6 và iPhone 6 Plus không hề xâm phạm kiểu dáng công nghiệp của điện thoại mà Shanzhen Baili Marketing Services Co. sở hữu.[2]
Kiểu dáng iPhone 6 của Apple (ngoài cùng bên trái) và sản phẩm 100C của Baili.
(Ảnh: Todayonline)
Đây không phải là lần đầu tiên, “Táo khuyết” vướng phải những rắc rối pháp lý liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ tại thị trường Trung Quốc. Điểm chung ở các vụ kiện này là Apple đều bị các công ty không tên tuổi của Trung Quốc kiện thay vì những đối thủ xứng tầm như Samsung, Xiaomi, HTC... và không ít lần phải nhượng bộ các công ty địa phương này hoặc nếu có thắng thì Iphone cũng đã phải chịu thiệt hại không ít về cả doanh số lẫn giá trị thương hiệu của mình.
Bài học cho các doanh nghiệp đối với việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp ?
Đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp càng sớm càng tốt trước khi hình ảnh sản phẩm bị phát tán rộng rãi ở trong nước và các nước nếu như doanh nghiệp có chiến lược thâm nhập vào thị trường đó. Mỗi quốc gia có đều có những quy định khác nhau đối với việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp khác nhau, vì vậy để đảm bảo không có những tranh chấp pháp lý như những vụ việc trước đó thì chủ sở hữu kiểu phải đăng ký kiểu dáng công nghiệp nhằm xác lập quyền sở hữu đối với kiểu dáng công nghiệp đó.
Chủ sở hữu cần phải tiến hành nộp đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng trước khi đưa sản phẩm ra thị trường. Vì nếu đưa sản phẩm ra thị trường mà chưa tiến hành đăng ký bảo hộ thì rất dễ bị người khác bắt chước. Nếu người bắt chước đó làm thủ tục bảo hộ trước thì doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác lập quyền sở hữu đối với kiểu dáng do mình tạo ra. Cơ quan có thẩm quyền chỉ cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp duy nhất cho người nộp đơn sớm nhất trong số những người cùng nộp đơn và đối tượng đáp ứng các tiêu chuẩn bảo hộ (nguyên tắc nộp đơn đầu tiên).
Khi đã được bảo hộ, chủ sở hữu sẽ độc quyền sử dụng kiểu dáng công nghiệp với thời hạn là 15 năm. Trong thời hạn này chủ sở hữu được độc quyền khai thác kiểu dáng nhằm mục đích thương mại (sản xuất, đưa vào lưu thông, xuất nhập khẩu sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp đó).
Trong thời gian bảo hộ, bất kỳ tổ chức, cá nhân nào sử dụng kiểu dáng công nghiệp đó nếu chưa được sự cho phép của chủ sở hữu thì sẽ bị coi là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Đây cũng được coi là một trong những lý do vì sao cần đăng ký kiểu dáng công nghiệp rất quan trọng.[3]
Bảo hộ toàn bộ chi tiết trong kiểu dáng công nghiệp
Năm 2011, Apple đã đệ đơn kiện Samsung về việc sao chép các chi tiết thiết kế (bao gồm thiết kế bố trí mạch tích hợp) trên iPhone 3 để đưa lên nhiều dòng Galaxy, Apple đòi Samsung phải trả lại toàn bộ lợi nhuận trên những mẫu Galaxy mà bị cho là sao chép thiết kế của iPhone 3. Theo Apple thì Samsung đã ăn cắp thiết kế kiểu hình chữ nhật với các cạnh bo tròn từ iPhone 3 để đưa lên 11 dòng sản phẩm của mình.
Ngoài ra, cách sắp xếp các Icon trên màn hình chính (liên quan quyền tác giả) cũng bị cáo buộc là sao chép của iOS, Apple đã đòi Samsung phải trả cho hãng này 1 tỷ USD. Sau 7 năm ròng rã theo đuổi vụ kiện, Tòa án Hàn Quốc đã tuyên bố Samsung phải bồi thường cho Apple 539 triệu đô vì đã vi phạm 5 bằng sáng chế trên những chiếc điện thoại Android của mình.[4]
Như vậy, nếu có đăng ký bảo hộ nhưng không bảo hộ chi tiết vẫn có thể gây ra các tranh chấp tốn kém liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ.
Lưu ý: Bài viết dựa trên quan điểm khoa học và thực tiễn, không nhằm quảng bá cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.
Trương Diệu
[1] https://vnexpress.net/bi-cho-la-hang-nhai-iphone-6-bi-kien-cam-ban-o-trung-quoc-3422000.html
[2] https://khoahocphattrien.vn/khoa-hoc/apple-va-bai-hoc-bao-ve-quyen-so-huu-tri-tue-tai-trung-quoc
[3] https://dichvuthuonghieu.vn/vi-sao-phai-dang-ky-kieu-dang-cong-nghiep/
[4] https://www.xtmobile.vn/iphone-thang-kien-samsung-nhung-apple-phai-tra-cho-nguoi-dung-50-