Trước hết, về thương hiệu. Thuật ngữ “thương hiệu” đã được sử dụng rộng rãi Việt Nam. Tuy nhiên, trong các văn bản pháp luật Việt Nam hiện hành không có thuật ngữ thương hiệu mà chỉ có các thuật ngữ liên quan khác như nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, Chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp…Thương hiệu (Brand) là thuật ngữ không chỉ dừng ở việc nhìn nhận và xem xét dưới góc độ pháp lý mà còn cần được nhìn nhận dưới góc độ quản trị và marketing.
Theo Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) thì thương hiệu thường được sử dụng theo nghĩa rộng hơn bao gồm sự kết hợp của các yếu tố hữu hình và vô hình, chẳng hạn như một nhãn hiệu, một thiết kế, biểu tượng, hình ảnh thương mại, sự thể hiện âm thanh và danh tiếng mà các yếu tố đó liên quan tới các sản phẩm dịch vụ cụ thể. Ví dụ, khi nhắc đến thương hiệu Coca-cola, ngưởi ta không chỉ nhắc đến nhãn hiệu của nó với dòng chữ trắng được viết cách điệu trên phông nền màu đỏ mà còn muốn nhắc đến sự nổi tiếng, lịch sử phát triển lâu đời, phổ biến được mọi người dân trên thế giới đều biết đến của Coca-cola.
Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển thương hiệu
Thứ nhất, sản phẩm, dịch vụ mang tên thương hiệu. Trong đó, chất lượng sản phẩm, dịch vụ đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển thương hiệu, chỉ khi chất lượng sản phẩm, dịch vụ tốt thì các chiến dịch marketing mới có hiệu quả và thương hiệu mới khắc sâu trong tâm trí, tạo được niềm tin với người tiêu dùng. Bên cạnh phương diện chất lượng thì sản phẩm, dịch vụ cũng cần một số yếu tố khác như sự phù hợp với nhu cầu thị trường nơi thương hiệu tìm đến, giá cả hợp lý…
Thứ hai, chiến lược truyền thông cũng ảnh hưởng đến sự phát triển thương hiệu. Doanh nghiệp cần có chiến lược marketing phù hợp, linh hoạt với đối tượng khách hàng; thị trường; sản phẩm, dịch vụ và định vị thương hiệu của mình để thúc đẩy thương hiệu phát triển.
Thứ ba, các nguồn lực tài chính, nhân sự, mặt bằng, đối tác…có ảnh hưởng nhất định sự phát triển thương hiệu ở phương diện quy mô, cơ cấu, khả năng – tiềm năng phát triển của thương hiệu…
Thứ tư, các chính sách, đường lối phát triển của Nhà nước cũng là một trong những nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển thương hiệu. Việc thương hiệu thuận lợi phát triển hay gặp những hạn chế, rào cản nhất định phụ thuộc vào các chính sách, quy định pháp luật tại quốc gia mà thương hiệu đang hoạt động.
Nhật Bản: Quốc gia đã qua thời kỳ hoàng kim của các thương hiệu công nghệ
Nhật Bản: Quốc gia đã qua thời kỳ hoàng kim của các thương hiệu công nghệ (Ảnh: Cafebiz)
Thời kỳ hoàng kim
Năm 1964, khi Nhật Bản đăng cai kỳ Thế vận hội Olympic đầu tiên, quốc gia này đã làm cả thế giới trầm trồ với những công nghệ tiên tiến, từ những đoàn tàu cao tốc chạy 210 km/h đến những chiếc ti vi màu, băng nhạc cassette của Sony hay máy tính cá nhân. Có thể nói thập niên 1960-1970 là thời kỳ vàng son của công nghệ Nhật Bản khi các doanh nghiệp nước này luôn đi đầu trong nhiều công nghệ mới và nhiều dự đoán đã được đưa ra liên quan đến việc Nhật Bản có thể vượt cả nền kinh tế số 1 thế giới lúc đó là Mỹ, thậm chí Mỹ từng coi sự trỗi dậy của Nhật Bản là mối đe dọa và cần phải kiểm soát bằng việc áp đặt các quy định về tỷ lệ sử dụng chip điện tử nội địa lên các mặt hàng hoặc sẽ phải chịu mức thuế thương mại đặc biệt.
Sony Walkman – niềm tự hào một thời của công nghệ Nhật Bản nay phải nhường chỗ cho Apple và Samsung
Hiện nay Nhật bản vẫn dẫn đầu thế giới trong một số công nghệ như robot hay siêu máy tính. Những kỹ sư Nhật Bản mới đây đã phá vỡ kỷ lục thế giới về tốc độ đường truyền Internet. Hay trong bản đánh giá chuỗi cung ứng của Nhà Trắng-Mỹ được công bố vào tháng 6/2021, Nhật Bản được nhắc đến 85 lần, nhiều hơn so với Hàn Quốc và Đài Loan nhưng tương đương với Châu Âu.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế giờ đây, mặc dù chất lượng công nghệ Nhật Bản vẫn luôn khẳng định được vị thế , nhưng dường như thời kỳ hoàng kim của một số thương hiệu Nhật Bản đã không còn nữa với một số bằng chứng như:
Thứ nhất, đối với thị phần chip điện tử thì theo báo cáo của IC InSights, thị phần chip điện tử của Nhật Bản đã giảm từ 50% năm 1990 xuống chỉ còn 6% hiện nay. Một báo cáo khác của tổ chức Stiftung Neue Verantwortung tại Đức cho thấy đóng góp của ngành chip Nhật Bản cho thế giới đã suy giảm trong 25 năm qua và để Trung Quốc vượt qua.
Thứ hai, khi mảng máy tính cá nhân trỗi dậy thì ngành công nghệ Nhật Bản dường như chưa bắt kịp mặc dù từng sản xuất bộ nhớ cho những chiếc máy tính lớn (mainframe computer), nơi khách hàng đòi hỏi chất lượng cực cao và bảo hành tới 25 năm. Trong khi đó, ở thời điểm hiện tại,Samsung đang dần chiếm được cảm tình và sự ưa chuộng của người tiêu dùng với những bộ nhớ giá rẻ chỉ bảo hành có 3 năm.
Thứ ba, theo báo cáo của chuyên gia Nhật Bản nhận định rằng mảng chip điện tử của nước này hiện đã nằm ngoài tầm khôi phục để vươn lên top thế giới. Mặc dù vậy, Nhật Bản vẫn còn cơ hội sản xuất thiết bị phụ trợ và nguyên liệu thô cho ngành chip nếu không thể cạnh tranh trực tiếp. Đây cũng là một trong những nhận định về tình hình thực tiễn của công nghệ Nhật Bản để có thể thấy được quốc gia này đã để trôi qua mất thời kỳ hoàng kim của một cường quốc công nghệ.
Giải mã nguyên nhân
Thứ nhất, mặc dù nắm trong tay nhiều thương hiệu công nghệ có tiếng thế nhưng điều Nhật Bản còn hạn chế đó là chưa kết nối được những doanh nghiệp này thành một hệ thống cũng như tạo nên sản phẩm cốt lõi của mình.
Thứ hai, các thương hiệu Nhật Bản có các sản phẩm với chất lượng cao, sử dụng bền nhưng dường như cần có những thay đổi trong chiến lược phát triển thương hiệu để phù hợp với xu hướng thị trường như xu hướng khách hàng thay mới sản phẩm liên tục và ưa chuộng giá rẻ.
Thứ ba, đất nước mặt trời mọc hiện vẫn còn một số tư tưởng ảnh hưởng đến sự phát triển của các thương hiệu trong kỷ nguyên công nghệ số cần được thay đổi, loại bỏ như tư tưởng "Nhật Bản là trung tâm" (Japan Centricism) đã tồn tại từ rất lâu trong tiềm thức các doanh nghiệp; tư tưởng không hiệu quả như mọi sản phẩm phải tự nghiên cứu và sản xuất tại Nhật Bản…
Thứ tư, một yếu điểm nữa khiến công nghệ Nhật Bản gặp cản trở là chính phủ quá tập trung vào thị trường trong nước mà bỏ quên khả năng hợp tác phát triển với nước ngoài. Hiện Nhật Bản vẫn có những rào cản nhất định như những vùng bảo hộ, thủ tục hành chính…ảnh hưởng đến việc đầu tư từ trong nước ra ngoài nước và ngược lại.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, việc hợp tác và làm việc chung với người nước ngoài, tuyển dụng thêm tài năng từ nước ngoài là một yếu tố hỗ trợ tích cực cho mảng công nghệ. Tinh thần lao động của người Nhật là đáng kính nể nhưng để hòa nhập với thế giới, khai phá mọi tiềm năng công nghệ thì chắc hẳn sự thay đổi là cần thiết và tất yếu.
Bài học để giữ “phong độ” và củng cố, phát triển thương hiệu – Chất lượng sản phẩm, dịch vụ không đủ sức quyết định tất cả
Từ câu chuyện của Nhật Bản, có thể nhận thấy rằng việc đưa được các thương hiệu của quốc gia lên vị trí hàng đầu và khẳng định được vị thế là chuyện đã khó thì việc giữ vững phong độ, tìm ra hướng tiếp tục phát triển lại càng khó hơn. Câu chuyện về thời kỳ đã qua của công nghệ Nhật Bản réo lên hồi chuông cảnh tỉnh cho các thương hiệu nói chung, thương hiệu công nghệ nói riêng và đưa đến những bài học về giữ “phong độ” và củng cố, phát triển thương hiệu:
Thứ nhất, chất lượng sản phẩm, dịch vụ thương hiệu không đủ sức để quyết định tất cả. Câu chuyện của Nhật Bản vừa được nêu ra phía trên là minh chứng rõ ràng hơn bao giờ hết cho bài học này. Mặc dù giờ đây chất lượng sản phẩm của Nhật Bản nói chung vẫn được người tin dùng đánh giá cao nhưng để tạo sức bật, đưa các thương hiệu của đất nước này dẫn vị trí hàng đầu thì dường như là không đủ.
Thứ hai, phải thức thời, tìm hiểu thị trường, rời bỏ những tư tưởng không còn phù hợp; nghiên cứu các “đối thủ”; nghiên cứu, tận dụng các yếu tố làm đòn bẩy cho chất lượng sản phẩm thương hiệu như xu hướng thị trường, tâm lý người tiêu dùng,…Đôi khi trong một số trường hợp việc theo đuổi xu hướng thị trường không tạo ra được sự phù hợp với chất lượng sản phẩm thương hiệu tạo ra, định hướng thương hiệu thì điều thương hiệu cần lúc này là cân nhắc, hài hòa các yếu tố, lợi ích. Khi tận dụng được các yếu tố, kết hợp được các yếu tố thì vị trí thương hiệu mới giữ được phong độ, củng cố và tiếp tục phát triển.
Thứ ba, thương hiệu đừng ngủ quên trong chiến thắng, mỗi giây, mỗi phút là một cơ hội mới, hãy tận dụng tối đa mọi mối quan hệ hợp tác trong ngành – ngoài ngành, trong nước – ngoài nước… đa dạng thị trường, đa dạng sản phẩm để tăng cơ hội cho thương hiệu được nhiều người biết đến hơn. Đừng chỉ tập trung vào một thị trường ngay cả khi nó có phát triển đến đâu, hãy nắm vững tôn chỉ “Cơ hội mới có thể mang đến những phát triển mới”.
Thứ tư, sự phát triển của mỗi một doanh nghiệp không thể không nhắc đến sự ảnh hưởng của Nhà nước và ngược lại, doanh nghiệp phát triển thì quốc gia đó cũng phát triển. Đây là mối quan hệ hai chiều, vậy thì không chỉ doanh nghiệp nỗ lực mà mỗi quốc gia cũng cần có các đường lối, chính sách tạo điều kiện, cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển.
Như vậy, qua câu chuyện của Nhật Bản chúng ta phần nào có thêm những bài học mới trong giữ vững vị thế, củng cố và phát triển thương hiệu. Những bài học cũng được rút ra từ chính các nguyên nhân dẫn đến đánh mất thời kỳ hoàng kim của các công nghệ Nhật Bản để các thương hiệu phần nào tránh được, hạn chế không mắc lại sai lầm./.
Lưu ý: Bài viết dựa trên quan điểm khoa học và thực tiễn, không nhằm quy chụp hay quảng bá cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.
Nhật Vy