Khi nhắc đến Internet thì người ta sẽ nghĩ ngay đến công cụ tìm kiếm Google. Chỉ cần một thao tác click chuột tìm kiếm thông tin đơn giản, hàng loạt các trang thông tin, cũng như nội dung cần tìm sẽ xuất hiện trong thời gian tích tắc. Chính điều đó đã dẫn đến sự ra đời của các website lưu trữ, cung cấp cũng như sao chép tác phẩm văn học bất hợp pháp nhằm đáp ứng nhu cầu độc giả, người sử dụng Internet mà không hề lo ngại các cơ quan chức năng. Điều này đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền tác giả của chủ thể quyền và gây ra những thiệt hại nhất định đối với họ.
Với mục tiêu xây dựng thư viện sách trực tuyến lớn nhất thế giới, hàng loạt tác phẩm văn học của nhiều tác giả khác nhau đã bị Google đưa lên Internet. Cụ thể, vào năm 2005, Google đã bị ba nhà xuất bản và Simon & Schuster, Penguin kiện và yêu cầu dừng kế hoạch sao chụp sách trên vì vi phạm Luật bản quyền. Để lý giải cho hành vi trên, Google cho rằng kế hoạch trên là một nỗ lực nhằm giúp khôi phục lại danh tiếng cho những nhà văn hay tác phẩm đã là quá khứ, tạo nên một công cụ giá trị cho độc giả và các nhà nghiên cứu văn học trên khắp thế giới.
Tiếp đó, vào năm 2009 thì các nước Châu Âu và kể cả Trung Quốc đều lên tiếng trước hành vi sao chụp của Google. Ngoài ra, Google còn vấp phải sự chỉ trích từ phía các nhà cung cấp dịch vụ trong thế giới Internet là Microsoft và Amazon.
Kế hoạch xây dựng thư viện sách trực tuyến lớn nhất thế giới của Google không những được triển khai ở các nước phát triển mà tại Việt Nam – nơi có nguồn tác phẩm phong phú cũng không ngoại lệ. Hơn bốn ngàn tác phẩm văn học của các tác giả Việt Nam bị sao chụp mà không được sự đồng ý của tác giả hay chủ sở hữu quyền tác giả. Chính vì vậy, Google đã phải đối diện với khoản bồi thường trị giá hàng triệu USD ở Việt Nam.
Theo đó năm 2009, Google đã gửi bản thương thảo đến Việt Nam về việc tiến hành bồi thường cho các tác phẩm đã được số hóa. Phương thức đề nghị là khi Google chọn scan một tác phẩm mà Bản quyền (Quyền tác giả) vẫn đang còn hiệu lực pháp lý ở Việt Nam thì sẽ trả 60 đô-la Mỹ cho tác giả hoặc cho Đại diện theo ủy quyền của tác giả (Trung tâm quyền tác giả Văn học Việt Nam) nếu toàn bộ tác phẩm được scan. Còn nếu Google chỉ scan 20% số trang để làm giới thiệu tóm tắt thì trả ít hơn, từ 5 đến 15 đô-la tùy số trang. Sau đó, mỗi lần Google thu lợi từ tác phẩm này (thu từ bán quảng cáo in kẹp vào sách, bán sách…) thì sẽ thanh toán thêm 63% tiền doanh thu[1].
Tác phẩm văn học của Nhà văn Việt Nam tìm kiếm trên Google
Sau khi nhận được bản thương thảo từ phía Google, Trung tâm quyền tác giả Văn học Việt Nam (VLCC) phải đối mặt với nhiều khó khăn khi phải tìm được sự đồng tình và ủy thác từ các chủ sở hữu quyền tác giả trong nước, đồng thời phải tiến hành ký kết thận trọng để đạt được thỏa thuận với Google một cách có lợi cho Việt Nam.
Trong vụ việc này, Google đã số hóa hơn 4.000 cuốn sách do các nhà xuất bản Việt Nam xuất bản từ năm 2004 và còn hàng chục nghìn cuốn sách khác đang trong giai đoạn chuẩn bị số hóa. Vì đây là một vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp không chỉ của các tác giả tại Việt Nam mà còn đến toàn bộ ngành xuất bản, nên VLCC đã quyết định tham gia thỏa thuận với công ty Google về việc số hóa các cuốn sách của tác giả Việt Nam trong vụ kiện này.
Tuy nhiên, VLCC đã gặp một số khó khăn nhất định khi Trung tâm mới chỉ được ủy quyền khoảng hơn 1.000 nhà văn, còn số còn lại thì không hề đại diện. Trong khi đó, khoảng 4.400 tác phẩm của hơn 3.000 tác giả Việt Nam đã được số hóa trên Google, chỉ có hơn 400 tác giả thuộc Hội Nhà văn Việt Nam. Đơn vị có tác phẩm bị Google số hóa nhiều nhất không phải là nhà xuất bản Văn học mà là nhà xuất bản Chính trị quốc gia.
Trước khó khăn đó, VLCC cũng đã tìm được cách giải quyết bằng việc kêu gọi sự ủy thác quyền từ phía các tác giả. Theo đó ngày 4 tháng 9 năm 2009, các tác giả Việt Nam đã đưa ra ý kiến sau cùng là sẽ thông qua tổ chức đại diện là VLCC để tiến hành thỏa thuận với Google.
Ngày 7 tháng 10 năm 2009 phiên tòa xét xử vụ việc này đã được tổ chức tại New York (Mỹ). Vào ngày 5 tháng 1 năm 2010, Việt Nam đã gửi bản danh mục kê khai tác phẩm cho Google, qua đó sẽ nhận tiền bản quyền tác phẩm mà Google số hóa như đã thỏa thuận. Tuy nhiên, trong vụ dàn xếp này ta phải lưu ý là các tác phẩm được trả bản quyền chỉ bao gồm các tác phẩm được Google số hóa trước ngày 5 tháng 1 năm 2009. Thỏa thuận với Google là không độc quyền, Google chỉ có quyền khai thác kinh doanh trực tuyến tác phẩm trên hệ thống của họ, các tác giả hoàn toàn có quyền thỏa thuận quyền lợi tác phẩm của mình với các đơn vị khác.
Tòa án Mỹ đồng ý phán quyết theo thỏa thuận dàn xếp, Google sẽ trả 60 đô la cho một tác phẩm gốc (ví dụ 1 cuốn tiểu thuyết hoặc một công trình nghiên cứu), một tác phẩm là một bộ phận hoàn chỉnh của một cuốn sách nhưng là của tác giả khác (ví dụ Lời nói đầu, Lời bạt…) được trả 15 đô la và 5 đô la cho một trích dẫn trong một tác phẩm hoàn chỉnh. Ngoài ra, Google sẽ trả 63% cho quyền tác giả khi tác phẩm được kinh doanh trực tuyến (tiền người truy cập phải trả cho Google).
Như vậy, với hành vi sao chụp sách của mình, Google đã thật sự xâm phạm bản quyền nghiêm trọng. Do đó, việc lên tiếng của các chủ thể và quốc gia trong trường hợp này là hoàn toàn có cơ sở và cần thiết cho việc bảo vệ bản quyền tác phẩm.
Biện pháp nào để ngăn ngừa, hạn chế hành vi xâm phạm?
Từ phía tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả
Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả tác phẩm văn học phải có ý thức tự bảo vệ tác phẩm của mình, cũng như chủ động tiến hành các biện pháp nhằm ngăn chặn hành vi xâm phạm. Đây được xem như biện pháp tự bảo vệ hiệu quả nhất trước hành vi xâm phạm.
Thứ nhất, cần đặt mã code khi đưa bài lên trang cá nhân, trang web để tránh tình trạng sao chép tác phẩm. Đặt mã code cũng giống như đặt pass (mật mã) đối với một file word trong máy tính.
Bên cạnh đó, tác giả cũng có thể định dạng kí tự dưới dạng file PDF để tránh trường hợp sao chép và cắt xén, chỉnh sửa tác phẩm. Tuy nhiên, hiệu quả của hình thức bảo vệ bằng file PDF là không cao bởi đối với những người biết rõ về Internet thì họ có thể dễ dàng phá vỡ sự bảo vệ này. Nhưng với biện pháp này thì tác giả cũng phần nào hạn chế được hành vi xâm phạm tác phẩm của mình.
Thêm vào đó là sử dụng các phần mềm chống việc download và sao chép tác phẩm. Những phần mềm này sử dụng biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn người sử dụng đối với việc sao chép, cắt dán các đoạn văn từ trang web này sang trang web khác.
Có thể nói đây là những cách thông dụng, đơn giản mà bản thân tác giả có thể sử dụng để bảo vệ tác phẩm mình. Còn trong trường hợp tác phẩm nhận được sự đón nhận nhiệt tình của độc giả hay tác giả là những người có tên tuổi trong lĩnh vực sáng tác thì chủ thể quyền nên thuê những kỹ thuật viên chuyên ngành bảo mật để thiết lập biện pháp bảo vệ tác phẩm một cách an toàn khi tác phẩm xuất hiện trên Internet.
Thứ hai, cần lưu trữ và ghi chép đầy đủ các thông tin trong quá trình sáng tạo tác phẩm. Tác giả nên ghi lại và lưu rõ ngày giờ sáng tác nếu sáng tác trên giấy, hoặc tạo thư mục riêng và lưu trữ cẩn thận nếu việc sáng tác trên máy tính cá nhân. Ngoài ra, khi đưa tác phẩm văn học lên mạng Internet thì tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả cần gắn thông tin quyền của mình lên tác phẩm xuất hiện trên Internet đó.
Hành động này có tính chất cảnh báo đối với người sử dụng trước khi họ có ý định thực hiện hành vi sao chép hay chia sẻ mà chưa có sự đồng ý của tác giả. Tác giả cũng lưu ý là khi đưa tác phẩm lên mạng xã hội hay bất kỳ một trang thông tin nào trong bộ nhớ máy chủ thì trang thông tin đó phải luôn cập nhật ngày giờ và không thể tác động hay chỉnh sửa được. Điều này sẽ giúp cho tác giả rất nhiều trong việc chứng minh tác phẩm là của mình.
Có thể nói, việc lưu giữ đầy đủ thông tin cũng như nguyên nhân hình thành tác phẩm sẽ tạo nên nguồn chứng cứ quan trọng khi có tranh chấp xảy ra. Tuy nhiên, biện pháp chứng minh hữu hiệu nhất vẫn là nắm trong tay Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả.
Thứ ba, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả của các tác phẩm văn học nên phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc phát hiện hành vi xâm phạm. Việc phối hợp này thể hiện ở chỗ khi phát hiện hành vi xâm phạm tác phẩm văn học nào trên môi trường Internet thì phải kịp thời thông báo cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả tác phẩm đó cũng như các cơ quan chức năng để họ có biện pháp tốt nhất trong việc ngăn chặn và xử lý.
Sự luân phiên này sẽ có hiệu quả cao hơn thay vì sự bảo vệ của một người. Ngoài ra tác giả cũng có thể treo thưởng cho việc phát hiện hành vi xâm phạm quyền tác giả của mình trên môi trường này bằng một giá trị vật chất nào đó, như vậy sẽ thu hút sự kiểm soát của nhiều đối tượng, các độc giả trung thành của tác phẩm.
Cuối cùng là tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả nên thường xuyên tìm hiểu pháp luật về bảo hộ quyền tác giả cũng như qua đó biết những quyền lợi mà mình nhận được từ tác phẩm hay khi có hành vi xâm phạm xảy ra thì làm thế nào để bảo vệ tác phẩm của mình theo quy định của pháp luật hiện hành.
Khi phát hiện hành vi xâm phạm thì nên áp dụng các quy định của pháp luật một cách nhanh chóng để có thể ngăn chặn kịp thời, không nên nhân nhượng đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm hoặc chờ đợi một lực lượng nào mà bản thân mình phải chủ động làm điều đó. Tránh thái độ xem việc sao chép và đưa tác phẩm tuyên truyền là một hình thức quảng bá tên tuổi trên Internet. Vì điều này sẽ dẫn đến tình trạng mượn lý do này để thực hiện hành vi xâm phạm một cách ngang nhiên nhằm trục lợi bản thân, tạo tiền lệ cho các tác giả khác và ngày càng ít tác giả lên tiếng bảo vệ tác phẩm văn học trên Internet của mình.
Từ phía cơ quan chức năng
Đối với các cơ quan thực thi chống xâm phạm bản quyền tác phẩm văn học trên Internet, cần nâng cao hơn nữa vai trò của mình như tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra phối hợp cùng nhau và đặc biệt là phối hợp cùng chủ sở hữu bản quyền tác giả, tác phẩm văn học thông qua các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện hành vi vi phạm.
Kiên quyết xử lý đúng pháp luật, không nhân nhượng đối với chủ thể vi phạm và công khai các hành vi này trên phương tiện đại chúng. Nâng cao vai trò của Tòa án trong việc xét xử nghiêm minh các hành vi xâm phạm nghiêm trọng đối với quyền tác giả của tác phẩm văn học trên Internet.
Tiếp theo là phải bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ, tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu nghiệp vụ. Do đặc tính của hành vi xâm phạm này là trên Internet nên cần đào tạo một bộ phận cán bộ thông thạo vể máy tính, Internet, vì vậy cần tổ chức các lớp tập huấn trang bị cho họ các kiến thức điều tra mạng, vào mạng để điều tra các hành vi xâm phạm quyền tác giả. Có như vậy thì việc tìm kiếm và chứng minh hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm văn học trên môi trường này mới thật sự đạt hiệu quả.
Ngoài ra, nước ta cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc tham gia xây dựng lực lượng cảnh sát chuyên trách chống tội phạm xâm phạm bản quyền đặt máy chủ tại một số quốc gia trong khu vực và thế giới nhằm phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về xâm phạm bản quyền đối với tác phẩm văn học trên Internet trong phạm vi toàn cầu. Việc này nhằm ngăn chặn những hành động lách luật của các đối tượng xâm phạm bản quyền liên quốc gia, một loại tội phạm xâm phạm bản quyền qua Internet vô cùng tinh vi và thường có quy mô lớn.
Việc phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và sự đa dạng của các thiết bị có khả năng truy cập Internet, đã đặt ra rất nhiều vấn đề pháp lý phức tạp trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là quyền tác giả. Chính vì vậy, rất cần sự phối hợp, chung tay từ phía chủ thể quyền và cơ quan chức năng để đẩy lùi hành vi xâm phạm, tạo động lực cho sáng tạo, phát triển nền Văn học – Nghệ thuật nước nhà.
Lưu ý: Bài viết dựa trên quan điểm khoa học và thực tiễn, không nhằm quảng bá cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.
Trang Nhung
[1] https://cand.com.vn/van-hoa/Google-tra-60USD-cho-1-tac-pham-van-hoc-VN-duoc-so-hoa-i147312/