Được biết, vào cuối tháng 9 năm 2021 nhạc sĩ Giáng Son đã đăng tải ca khúc “Giấc mơ trưa” (do Khánh Linh thể hiện) trên kênh YouTube của mình. Ca khúc do chính nhạc sĩ Giáng Son làm nhạc, phối khí, đồng sáng tác cùng Nguyễn Vĩnh Tiến. Dù là tác giả nhưng khi nhạc sĩ đăng tải ca khúc này lên trên Youtube, bài hát lại bị đánh “gậy bản quyền”. Một câu hỏi lớn được đặt ra, nguyên nhân vì sao và cách xử lý như thế nào?
Chia sẻ từ phía nhạc sĩ Giáng Son
Theo như đơn kiến nghị được nữ nhạc sĩ gửi tới Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) - đơn vị do nhạc sĩ đã ủy quyền, cô vô cùng bức xúc khi ngang nhiên bị tố vi phạm bản quyền âm nhạc với ca khúc “Giấc mơ trưa” do chính mình sáng tác.
“Tôi mới thành lập một kênh Youtube cho riêng mình mang tên “Giáng Sol Official” để chia sẻ những bài hát, album cũ mới của mình đến các khán giả yêu nhạc vào ngày 25/9/2021. Tôi đã rất cẩn thận về vấn đề bản quyền và chỉ đưa bản “Giấc mơ trưa” được phối khí riêng với giọng ca Khánh Linh trong album đầu tiên “Giáng Son” được sản xuất và phát hành năm 2007.
Tức là mọi bản quyền về tác giả, phối khí, thu âm là thuộc về tôi. Sau khi tôi đưa lên vài ngày thì có thông báo khiếu nại của BHmedia thay mặt Hồ Gươm Audio Video là chủ sở hữu bản quyền. Tôi vô cùng bức xúc vì tôi không hề ký bản quyền với Hồ Gươm Audio Video và BHmedia. Mọi sở hữu bản quyền phải thuộc về tôi!”
Đơn kiến nghị do nhạc sĩ Giáng Son gửi tới VCPMC (Ảnh:daidoanket.vn)
Qua tìm hiểu được biết, ca khúc “Giấc mơ trưa” do Khánh Linh thể hiện không phải là cover mà là bản gốc. Bản này đã được nhạc sĩ phối khí riêng do đó không trùng với ai và được phát hành vào năm 2007. Còn bản Đàn Nhị mới là cover.
Bởi lẽ, nghệ sĩ Dương Thùy Anh (đàn nhị) đã từng xin bản phối “Giấc mơ trưa” để đi diễn và làm CD, do bên Hồ Gươm Video Audio phát hành. CD này sau đó đã được BH Media mua lại nên mới bị đánh bản quyền trên Youtube. Do đó bên Bhmedia không có quyền tố cáo khi nhạc sĩ đăng tải sản phẩm âm nhạc được xem như là đứa con tinh thần của mình vì cô không hề kí bản quyền với Bhmedia và cũng không kí với Hồ Gươm Audio.
Hệ thống trên YouTube phân tích dữ liệu trùng khớp giữa hai bản ghi rồi gửi thông báo khiếu nại bản quyền cho kênh Giáng Sol Offical.
(Ảnh: BH Media cung cấp)
Lời hồi đáp từ phía Media
Về phía BH Media, đơn vị này cho biết không đánh gậy bản quyền đối với ca khúc “Giấc mơ trưa” của nhạc sĩ Giáng Son. Đây chỉ là sự rà soát tự động từ hệ thống của Youtube.
Hiện tại, BH Media đang nắm bản quyền sở hữu bản hòa tấu đàn nhị Giấc mơ trưa (nghệ sĩ Dương Thùy Anh biểu diễn). Đơn vị này chịu trách nhiệm quản lý khai thác kinh doanh tác phẩm, vì vậy mà khi bất kỳ kênh nào đăng video có nội dung trùng khớp với bản ghi đơn vị họ đang quản lý hoặc nhận ủy quyền, thì hệ thống tự động sẽ quét và gửi thông báo đến chủ kênh.
Nhạc sĩ Giáng Son cần xử lý
Nhạc sĩ chủ động thông báo nghệ sĩ Dương Thùy Anh và BH Media về tình trạng trên. Tùy thỏa thuận trước đó giữa Dương Thùy Anh để xác định phạm vi thẩm quyền của BH Media. Nếu đạt được sự thỏa thuận, BH Media gửi đề nghị rút “gậy” cho Youtube. Nếu không đạt được sự thỏa thuận, đây cũng là nguy cơ xảy ra tranh chấp giữa các bên.
Đi tìm nguyên nhân
Hiện nay, tại Việt Nam, bản quyền tác giả đang bị xâm phạm nghiêm trọng. Đơn giản là tác phẩm gốc được sao chép ra thành nhiều bản một cách dễ dàng.
Nguyên nhân vi phạm bản quyền còn phổ biến ở nước ta được nhiều chuyên gia trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ chỉ ra là do nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật của nhiều tổ chức, cá nhân chưa thật sự đầy đủ và nghiêm túc.
Không những vậy, người tạo ra tác phẩm của mình chưa thực sự quan tâm bảo vệ tác phẩm của mình. Hiện nay, rất ít doanh nghiệp có bộ phận chuyên “chăm lo” về sở hữu trí tuệ, hầu như chưa có doanh nghiệp nào xây dựng chiến lược về sở hữu trí tuệ, coi vấn đề sở hữu trí tuệ là bộ phận trong chiến lược phát triển của mình. Tài sản trí tuệ chưa trở thành đối tượng quản lý như quản lý tài sản thông thường.
Theo quy định của pháp luật, hành vi xâm phạm quyền tác giả có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự. Theo thống kê thì đa phần hành vi xâm phạm quyền tác giả hiện nay mới chỉ xử phạt hành chính mà mức phạt hành chính lại quá ít dẫn đến chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe khiến thực trạng xâm phạm quyền tác giả ngày càng trở nên phổ biến.
Thách thức pháp lý để bảo vệ bản quyền trên Internet - Không gian ảo, vi phạm thật
Việc xác định vi phạm bản quyền đối với các tác phẩm trên môi trường Internet vẫn còn nhiều bất cập. Có thể khẳng định rằng, Internet đã mang lại rất nhiều lợi ích cho các tác giả, chủ sở hữu bản quyền và người dùng. Tuy nhiên, môi trường Internet cũng tạo điều kiện cho việc vi phạm bản quyền được thực hiện dễ dàng với mức độ thiệt hại rất cao và đặt ra nhiều thách thức đối với việc bảo vệ bản quyền, trong đó có nhiều thách thức pháp lý.
Bên cạnh đó, việc xác định đối tượng chịu trách nhiệm bồi thường do vi phạm bản quyền trên Internet không phải là vấn đề đơn giản. Trong nhiều trường hợp, chủ sở hữu website che giấu danh tính thực sự của họ. Nhiều trường hợp khác, rất khó xác định thực thể vi phạm.
Trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian. Trong việc bảo vệ bản quyền trong môi trường Internet và mạng viễn thông vì vi phạm bản quyền của người dùng đưa lên các trang mạng xã hội, đây cũng là một vấn đề gây tranh cãi ở nhiều quốc gia với cách giải pháp rất khác nhau.
Pháp luật quy định rằng một số trường hợp sử dụng các tác phẩm được xuất bản không cần phải xin phép mà không trả thù lao miễn là việc sử dụng đó không ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường của tác phẩm, không gây tổn hại đến quyền của tác giả và chủ bản quyền, phải cung cấp thông tin về tên tác giả và nguồn gốc và nguồn gốc của tác phẩm.
Câu hỏi đặt ra, trong môi trường Internet, làm thế nào để thực thi quyền sao chép trong những trường hợp này để thực sự đảm bảo sự cân bằng lợi ích giữa các tác giả, chủ sở hữu bản quyền và người dùng?
Vậy, cần hành động gì để bảo vệ quyền tác giả khi bị xâm phạm?
Về phía tác giả
Khi phát hiện có hành vi xâm phạm quyền tác giả, tác giả có thể gửi khuyến cáo, yêu cầu cá nhân, tổ chức xâm phạm chấm dứt hành vi của mình. Tùy vào mức độ vi phạm, tác giả còn có thể gửi yêu cầu lên các cơ quan có thẩm quyền như quản lý thị trường, thanh tra văn hóa-thể thao và du lịch để áp dụng các biện pháp hành chính.
Nếu các biện pháp trên không có tác dụng, cần chủ động bảo vệ quyền đã được xác lập. Tác giả có thể khởi kiện dân sự để xử lý chủ thể vi phạm xâm phạm quyền tác giả. Trong trường hợp đó, tác giả có thể sử dụng quyền tác giả của mình nếu đã đăng kí. Nếu chưa đăng ký quyền tác giả, tác giả sẽ cần phải có bằng chứng về việc mình thực sự đã sáng tác ra tác phẩm.
Về phía xã hội và pháp luật
Để chống xâm phạm bản quyền - bảo hộ quyền tác giả trên Internet - mỗi chúng ta cần phải nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, cảnh báo các doanh nghiệp không nên mua quảng cáo ở những trang web hoặc mạng xã hội vi phạm bản quyền. Nếu không có quảng cáo, thì bên vi phạm sẽ không còn đất sống. Đồng thời cũng cần có các chế tài để xử lý các doanh nghiệp khi đã được cảnh báo nhưng vẫn cố tình đặt mua quảng cáo từ những trang web hoặc mạng xã hội vi phạm bản quyền.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng như Thanh tra, Công an, Tòa án cần chủ động, quyết liệt hơn khi xử lý hành vi xâm phạm. Ngoài ra, cần tăng cường trao đổi, phối kết hợp với các quốc gia khác để chống lại những hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng.
Lưu ý: Bài viết dựa trên thông tin thực tiễn và quan điểm khoa học, không nhằm quảng bá cho bất kỳ, cá nhân tổ chức nào.
Đinh Kiều
Link nội dung: https://phapluatbanquyen.phaply.vn/goc-nhin-phap-ly-doi-voi-su-viec-nhac-si-giang-son-bi-danh-gay-ban-quyen-a604.html