Đôi nét về bảo hộ nhãn hiệu âm thanh trên thế giới
Nhãn hiệu âm thanh có thể là một đoạn âm thanh, có thể là sự kết hợp từ các loại âm thanh khác nhau (như nhạc cụ, giọng hát, tiếng kêu của động vật, tiếng phát ra từ các vật dụng khác…) đủ để người tiêu dùng có mức hiểu biết trung bình có thể ghi nhớ và phân biệt được (theo định nghĩa nhãn hiệu âm thanh của Luật Nhãn hiệu Hoa Kỳ). Nhãn hiệu âm thanh đầu tiên được bảo hộ trên thế giới là nhãn hiệu “3 hồi chuông” (số 916522) của Đài NBC từ năm 1971 cho dịch vụ phát thanh tại Hoa Kỳ.
Điều kiện bảo hộ nhãn hiệu âm thanh
Tương tự với nhãn hiệu truyền thống, nhãn hiệu âm thanh cũng phải đáp ứng tiêu chuẩn như một nhãn hiệu thông thường là dấu hiệu có khả năng phân biệt so với các nhãn hiệu cùng thể loại có trước trong phạm vi quốc gia cho loại hàng hóa/dịch vụ yêu cầu bảo hộ. Quá trình thẩm định nhãn hiệu tại Hoa Kỳ và Australia cho thấy, nhãn hiệu âm thanh có thể bị từ chối trên cơ sở tuyệt đối và cả tương đối (1). Trong đó, từ chối tuyệt đối được áp dụng cho những âm thanh chứa từ ngữ sẽ áp dụng giống như quy trình thẩm định dấu hiệu chữ trong nhãn hiệu thông thường, tức là từ ngữ trong âm thanh (nếu có) sẽ không được chứa các dấu hiệu chữ bị loại trừ bảo hộ và không có khả năng phân biệt. Ngoài ra, các âm thanh có thể bị từ chối bảo hộ nếu âm thanh đó không thực hiện được chức năng nhãn hiệu do mô tả chính hàng hóa/dịch vụ mang nó.
Các nhãn hiệu âm thanh cũng có thể bị từ chối tương đối nếu bị coi là trùng hoặc tương tự với các loại âm thanh có trước đó. Mặc dù không được làm rõ trường hợp nào dấu hiệu âm thanh yêu cầu bảo hộ bị coi là tương tự với một phần tác phẩm âm nhạc có bản quyền trước đó, nhưng trong trường hợp bị phản đối, nhãn hiệu âm thanh hoàn toàn có thể bị từ chối trên cơ sở này nếu chủ sở hữu quyền tác giả, tác phẩm âm nhạc có trước chứng minh được nhãn hiệu âm thanh đã sao chép một phần tác phẩm của mình. Giai điệu huyền thoại Nokia Tune được bảo hộ bởi USPTO (số 2413729) từ năm 2000 là một trường hợp đặc biệt dù thực chất, Nokia Tune là giai điệu được trích từ một tác phẩm dành cho độc tấu guitar tên là Grande Valse do Francisco Tárrega (một nhà soạn nhạc cổ điển Tây Ban Nha) viết vào năm 1902.
Các tài liệu yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu âm thanh nhìn chung đều trên cơ sở bản mô tả nhãn hiệu gồm ký hiệu âm nhạc hoặc các tệp MP3 có biểu diễn đồ họa phù hợp xác định cao độ và thời lượng của âm thanh - tạo thành âm thanh tương ứng với chuỗi âm thanh tạo thành giai điệu đang cần được đăng ký (hướng dẫn của Australia) hoặc một bản đồ họa có thể được nộp cùng với một tệp điện tử là một siêu âm, tức là một biểu diễn đồ họa của âm thanh, cho thấy sự phân phối năng lượng ở các tần số khác nhau (hướng dẫn của EU). USPTO yêu cầu người nộp đơn phải nộp một bản sao âm thanh có liên quan tới nhãn hiệu âm thanh đó nhằm mục đích bổ sung và làm rõ bản mô tả âm thanh dự kiến được bảo hộ (2).
Việc diễn giải bằng đồ họa cho phép thẩm định viên có thể thẩm định nhãn hiệu âm thanh trên cơ sở “nhìn thấy được” và sau đó so sánh với các bản đồ họa nhãn hiệu âm thanh khác có trước. Các thẩm định viên trở thành các chuyên gia thẩm âm để phân định các âm thanh trong yêu cầu bảo hộ và đưa ra thông báo thẩm định.
Nhãn hiệu âm thanh cũng có thể trở thành nhãn hiệu nổi tiếng như trường hợp nhãn hiệu âm thanh “Looney Tunes Theme Song” (đăng ký số 2469364) của Time Warner Entertainment được bảo hộ năm 2001 (3). Đoạn nhạc nổi tiếng đến mức, các khán giả phim hoạt hình Looney thời điểm đó chỉ cần nghe đoạn nhạc là biết được phần trong diễn biến của phim. Mặc dù “Looney Tunes Theme Song” đã được bảo hộ dưới dạng tác phẩm âm nhạc trước đó nhưng vẫn tiếp tục được bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu âm thanh với thời hạn dài hơn nếu chủ sở hữu tiếp tục gia hạn và nộp bằng chứng sử dụng phù hợp trong thương mại. Một số nhãn hiệu âm thanh khác đã trở thành nhãn hiệu nổi tiếng tại Hoa Kỳ như “tiếng sư tử gầm” số 1395550 (1986), “Tiếng trống” số 2000732 (1996) của Twentieth Century Fox.
Logo mới nhất của MGM sử dụng hình ảnh sư tử Leo trong các bộ phim hiện đại như Skyfall.
Ngoài ra, để duy trì hiệu lực của nhãn hiệu âm thanh, ngoài việc tiến hành thủ tục gia hạn, chủ nhãn hiệu còn phải nộp bằng chứng sử dụng (tại Hoa Kỳ) như yêu cầu với một nhãn hiệu thông thường bất kỳ, và có thể bị hủy hiệu lực nếu không sử dụng tương tự với quy định về nhãn hiệu truyền thống tại mỗi quốc gia.
Bảo hộ nhãn hiệu âm thanh theo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ
Những vấn đề về nhãn hiệu âm thanh như trên đã được nghiên cứu trong suốt thời gian dài và đang dần trở thành hiện thực thông qua dự án sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ (Luật SHTT) của Việt Nam hiện nay. Một trong những điểm mới của dự án luật lần này là dự thảo Luật đã mở rộng việc bảo hộ nhãn hiệu âm thanh nhằm đảm bảo thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA. Tuy nhiên, thẩm tra nội dung này, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, nội dung sửa đổi tại các khoản 31, 32 và 33 Điều 1 của dự thảo Luật chưa bảo đảm được tính thống nhất, tính khả thi đối với việc bảo hộ loại nhãn hiệu âm thanh.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương cho biết, bên cạnh việc áp dụng các quy định chung về nhãn hiệu cho nhãn hiệu âm thanh thì cần bổ sung một số quy định đặc thù cho nhãn hiệu này nhằm đảm bảo hiệu lực thực thi trên thực tế. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 72 của Luật hiện hành chỉ được bổ sung nội dung “hoặc dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa” và dự thảo Luật cũng không có quy định như thế nào được coi là “dạng đồ họa”. Do đó, cần làm rõ trường hợp nhãn hiệu âm thanh được thể hiện dưới các dạng khác thì có được bảo hộ không? Cùng với đó, cách thức thể hiện dấu hiệu âm thanh, mẫu nhãn hiệu âm thanh khi tiến hành đăng ký là một vấn đề khá phức tạp, cần phải quy định cụ thể để vừa bảo đảm yêu cầu cho việc thẩm định về tính phân biệt của nhãn hiệu đăng ký nhưng cũng cần thuận lợi cho việc công bố đơn đăng ký và lưu giữ hồ sơ. Tuy nhiên, Điều 105 của Luật hiện hành về đơn yêu cầu đăng ký nhãn hiệu chưa được sửa đổi đồng bộ để làm rõ các yêu cầu đối với đơn đăng ký nhãn hiệu âm thanh. Do đó, đề nghị nghiên cứu bổ sung vào Điều 105 một số yêu cầu đặc thù trong đơn yêu cầu đăng ký nhãn hiệu âm thanh, làm cơ sở để quy định chi tiết trong văn bản hướng dẫn.
Quy định về bảo hộ nhãn hiệu âm thanh (khoản 1 Điều 72, khoản 1 Điều 73 và khoản 2 Điều 74 của Luật SHTT được sửa đổi, bổ sung theo các khoản 31, 32 và 33 Điều 1 của dự thảo Luật) cũng nhận được sự quan tâm, góp ý của nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực SHTT.
Góp ý vào quy định này, PGS.TS Lê Thị Nam Giang, Giảng viên trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh cho rằng, dự thảo Luật SHTT hiện nay chưa đảm bảo được tính đồng bộ, thống nhất và hiệu quả trong việc bảo hộ nhãn hiệu âm thanh. Theo PGS.TS Lê Thị Nam Giang, bảo hộ âm thanh là vấn đề rất mới đối với không chỉ Việt Nam mà cả nhiều nước trên thế giới. Việc đưa vấn đề bảo hộ nhãn hiệu âm thanh vào dự thảo Luật thì không phải để đáp ứng điều kiện thực tế hiện nay vì thời gian chúng ta phải thực thi luật rất sớm (tháng 01/2022) mà chủ yếu để chúng ta thực hiện các cam kết quốc tế. Vì vậy, khi bảo hộ nhãn hiệu âm thanh cần có sự rà soát các quy định của pháp luật để làm sao cho quy định này có thể áp dụng trên thực tế khi tiến hành triển khai.
Với quy định hiện nay, thực chất chúng ta đang thiếu một cơ sở pháp lý cho việc từ chối bảo hộ nhãn hiệu âm thanh trong 2 tình huống. Đối với, nhãn hiệu âm thanh được cấu tạo thành âm thanh đơn giản, chúng ta có thể bổ sung ngay vào điểm a, khoản 2 Điều 74. Trong đó, đưa vào việc loại trừ bảo hộ nhãn hiệu âm thanh đơn giản trừ trường hợp nếu như dấu hiệu này đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi như một nhãn hiệu trước ngày nộp đơn. Và tương tự với việc nhãn hiệu âm thanh trùng hoặc tương tự với một tác phẩm âm nhạc hoặc là một phần của một tác phẩm âm nhạc thì hiện nay chúng ta cũng không có cơ sở để từ chối trong khi đó nhãn hiệu âm thanh có thể được cấu tạo từ tác phẩm âm nhạc hoặc những dấu hiệu âm thanh khác ví dụ như tiếng động của con người, tiếng động của tự nhiên… Vì vậy, đề xuất bổ sung vào quy định tại điểm p khoản 2 Điều 74 đưa vào trường hợp loại trừ bảo hộ nhãn hiệu âm thanh trong tác phẩm thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả của người khác trước ngày nộp đơn.
Ngoài ra, PGS.TS Lê Thị Nam Giang đề nghị bổ sung quy định về mẫu nhãn hiệu âm thanh quy định tại Điều 105 Luật SHTT và có thể ưu cầu mẫu nhãn hiệu thể hiện ở dạng đồ họa hoặc có thể kèm theo file chiếu mẫu nhãn hiệu. Lý giải về đề xuất này, PGS.TS Lê Thị Nam Giang cho biết, bổ sung quy định này bởi vì mẫu nhãn hiệu âm thanh là một vấn đề cực kỳ phức tạp, hiện nay pháp luật của các nước bảo hộ nhãn hiệu âm thanh cũng quy định không hoàn toàn giống nhau. Với một đối tượng mới thì chúng ta nên có một hướng dẫn và nên quy định chi tiết trong luật chứ không phải văn bản dưới luật về yêu cầu đối với mẫu nhãn hiệu.
Hoàn toàn đồng ý với Ban soạn thảo nhãn hiệu âm thanh chỉ là một nhãn hiệu đặc biệt và chính vì vậy những quy định mang tính nguyên tắc quy định cho nhãn hiệu thông thường cũng sẽ được áp dụng cho nhãn hiệu âm thanh. Tuy nhiên xuất phát từ tính đặc thù của nhãn hiệu âm thanh, PGS.TS Lê Thị Nam Giang đề nghị cũng cần có sự sửa đổi, bổ sung cho đảm bảo tính đồng bộ. Đồng thời, PGS.TS Lê Thị Nam Giang mong muốn Ban soạn thảo nghiên cứu làm rõ hơn về dấu hiệu âm thanh có thể thể hiện dưới phần đồ họa đang được bổ sung tại Điều 72 bởi vì, dấu hiệu âm thanh rất rộng. (4)
Quy định về bảo hộ nhãn hiệu âm thanh nói riêng và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT nói chung, hiện đang tiếp tục được cơ quan soạn thảo nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý nhằm đảm bảo quy định phù hợp, mang tính khả thi cao; đảm bảo chất lượng cao nhất của dự thảo luật trước khi trình Quốc hội khóa XV xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 tới đây./.
Lưu ý: Bài viết dựa trên thông tin thực tiễn và quan điểm khoa học, thực tiễn, không nhằm quảng bá cho bất kỳ, cá nhân tổ chức nào.
Hà Trung
Bài viết có tham khảo các nguồn:
(2) Điều 904.03(d) TMEP, https://tmep.uspto.gov/RDMS/TMEP/Oct2012#/Oct2012/TMEP-900d1e713.html.
(3) http://tmsearch.uspto.gov/bin/showfield?f=doc&state=4801:o2ydr5.2.1.
(4) https://quochoi.vn/vanphongquochoi/cocautochuc/Pages/trang-chu.aspx?ItemID=59459
Link nội dung: https://phapluatbanquyen.phaply.vn/bao-ho-nhan-hieu-am-thanh-diem-moi-trong-du-thao-luat-sua-doi-bo-sung-luat-so-huu-tri-tue-a606.html