Quyền tác giả là gì? Đấu giá bản quyền âm nhạc là gì?
Quyền tác giả theo quy định tại khoản 2 điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019 cụ thể là:
“Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.”
Theo đó tác phẩm âm nhạc là một đối tượng được bảo hộ quyền tác giả, cụ thể tại điều 21 luật này:
“Người làm công việc đạo diễn, biên kịch, quay phim, dựng phim, sáng tác âm nhạc, [..] được hưởng các quyền quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19 của Luật này và các quyền khác theo thỏa thuận”.
Mà đấu giá là hình thức bán tài sản có từ hai người trở lên tham gia đấu giá theo nguyên tắc, trình tự và thủ tục được quy định tại Luật đấu giá.
Như vậy, đấu giá quyền tác giả âm nhạc là việc chủ sở hữu quyền tác giả sản phẩm âm nhạc tự nguyện lựa chọn bán thông qua đấu giá theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật.
Quyền tác giả âm nhạc được mang ra đấu giá
Trước đó từ năm 2007, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã từng tổ chức sàn giao dịch ý tưởng và sàn giao dịch bản quyền về các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Theo đó, tất cả các sản phẩm thuộc lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc, kịch bản phim, phần mềm công nghệ thông tin… đều có thể được giao dịch công khai, định kỳ hàng tháng trên sàn đấu giá.
Với sự bảo trợ của Cục Bản quyền tác giả, sàn được mong đợi sẽ là nơi giao dịch bản quyền, ủy thác môi giới bản quyền, khai thác kinh doanh bản quyền và còn đầu tư sáng tác, xác lập giá trị bản quyền.
Tuy nhiên, phiên giao dịch đầu tiên này lại không thành công khi mà phần lớn người tham gia không muốn đầu tư mà chỉ vì tò mò. Việc bỏ một số tiền lớn đầu tư mua bản quyền một tác phẩm có tiềm ẩn nhiều rủi ro khi mà hệ thống pháp lý lúc bấy giờ chưa thực sự hoàn thiện, việc sao chép, in lậu bán tràn lan như nhiều tác phẩm được yêu thích khác xảy ra rất phổ biến. Vì lẽ đó mà không còn phiên giao dịch bản quyền nào được tổ chức nữa.
Với bản quyền âm nhạc thì thông thường được giao dịch trực tiếp bởi chính các nghệ sĩ, nhà sản xuất, đơn vị sử dụng với nhạc sĩ hoặc thông qua một số tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan. Do đó, tác quyền âm nhạc vẫn còn khá mới mẻ trên sàn đấu giá. Vài năm trở lại đây đối tượng này mới được chú ý tới, mà điển hình trong đó là Nhà đấu giá nghệ thuật Chọn.
Ban đầu nhà đấu giá này dự kiến phiên đầu tiên sẽ diễn ra lần đầu vào tháng 3/2020 nhưng do diễn biến phức tạp từ bệnh dịch đã phải lùi lịch. Tuy nhiên, Giám đốc Nhà đấu giá Nghệ thuật Chọn cho biết đã sẵn sàng mở phiên đấu giá này sau khi tham khảo nhiều nơi trên thế giới. Nhà tổ chức cho biết sẽ đấu giá quyền khai thác thương mại, bản quyền tác phẩm âm nhạc của các thời kỳ, đảm bảo có tính lan tỏa cao, an toàn tuyệt đối.
Ông Vũ Tuấn Anh trên sân khấu Nhà Đấu giá Chọn (Ảnh: thethaovanhoa.vn)
Trên thế giới, việc tổ chức các buổi đấu giá liên quan đến quyền tác giả được thực hiện từ khá lâu, tuy nhiên nó hoàn toàn mới tại Việt Nam. Đây là một dạng tài sản mang lại tiềm năng phát triển lớn, hơn thế nữa giá trị kinh tế mang lại từ việc khai thác bản quyền cũng không hề nhỏ.
Tác động của việc mang bản quyền âm nhạc lên sàn đấu giá
Mở rộng đối tượng tham gia khai thác bản quyền âm nhạc
Như đã đề cập phía trên, việc giao dịch bản quyền âm nhạc chỉ được tiến hành qua các chủ thể nhất định, thông thường là các nghệ sĩ hoặc tổ chức đại diện quyền tác giả. Tuy nhiên khi tác quyền được đưa lên sàn đấu giá thì người mua không nhất định là những đối tượng truyền thống, quen thuộc mà có thể là bất cứ ai có nhu cầu mua và khai thác bản quyền, tương tự như một cách đầu tư giống các sản phẩm hữu hình khác như tranh, cổ vật…
Nhờ đó mà tạo thêm cơ hội cho các ca sĩ trẻ, muốn phát triển tài năng và thể hiện khả năng bản thân. Bởi lẽ, một bài hát hay sẽ có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng lựa chọn trước, không có cơ hội cho ca sĩ dạng mới, những người chưa được biết đến. Các tác giả cũng cần những người có danh để nâng tầm bài hát của họ lên, ngược lại ca sĩ có danh cũng cần có những bài hát hay của nhạc sĩ nổi tiếng để cộng hưởng vào với nhau.
Khi một bài hát được mang ra đấu giá thì người thắng cuộc tại phiên đấu giá sẽ giành được quyền khai thác thương mại, bản quyền tác phẩm âm nhạc. Đây không chỉ là mang lại tác phẩm cho cá nhân người thắng để thể hiện mà hiệu quả truyền thông cũng tăng lên đáng kể.
Thúc đẩy việc khai thác giá trị thương mại của bản quyền nhạc
Việc đưa tác phẩm âm nhạc lên sàn đấu giá sẽ đảm bảo giá trị bản quyền, góp phần kiến tạo môi trường hoạt động nghệ thuật lành mạnh và công bằng, tạo động lực sáng tạo và nguồn tái đầu tư cho hoạt động sáng tạo của các nghệ sĩ. Khi các tác phẩm được chào đón sẵn bởi một sàn giao dịch hợp pháp bởi nhiều người có nhu cầu sẽ góp phần khích lệ nghệ sĩ mạnh dạn và yên tâm đầu tư nhiều hơn cho các tác phẩm.
Thúc đẩy đấu giá quyền tác giả ở nhiều lĩnh vực khác
Việc đấu giá quyền khai thác thương mại, bản quyền tác phẩm âm nhạc cũng không khác biệt so với đấu giá các sản phẩm khác như tranh, cổ vật.... Nếu tạo được tiền đề thành công thì các quy trình, phương thức đánh giá tác phẩm, lựa chọn tác phẩm tốt, hay, đề nghị đưa tác phẩm lên sàn đấu giá cũng dễ dàng hơn. Khi đó, không chỉ bản quyền âm nhạc, các sản phẩm liên quan như tác quyền phim ảnh, băng đĩa, phần mềm công nghệ,... cũng hoàn toàn có thể đưa vào giao dịch.
Khi giao dịch trên sàn đấu giá, người mua có thể tùy ý sang nhượng quyền sử dụng tác phẩm theo thỏa thuận trong phiên đấu giá và quy định pháp luật hiện hành về quyền tác giả, quyền liên quan.
Hiệu quả của việc đưa bản quyền âm nhạc ra đấu giá phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là giá trị tác phẩm và sự đón nhận của cộng đồng đón nhận sẽ mang tính quyết định. Tuy nhiên chắc chắn việc đưa bản quyền âm nhạc lên sàn đấu giá là một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy thực thi bản quyền, qua đó góp phần thúc đẩy hoạt động sáng tạo văn hóa nghệ thuật.
Lưu ý: Bài viết dựa trên quan điểm khoa học và thực tiễn, không nhằm quy chụp hay quảng bá cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.
Ngọc Hà
Link nội dung: https://phapluatbanquyen.phaply.vn/ban-quyen-am-nhac-duoc-mang-ra-dau-gia-a607.html