Gần đây, Nam ca sĩ Nathan Lee gây xôn xao khi tuyên bố mua độc quyền ca khúc “Giấc mơ tuyết trắng”, vốn là bản hit đình đám gắn liền với giọng hát của nữ ca sĩ Thủy Tiên. Trên trang cá nhân, anh viết: "Ca khúc Giấc mơ tuyết trắng chính thức thuộc sở hữu độc quyền của Nathan Lee. Cả nhà chuẩn bị tinh thần thưởng thức âm nhạc đỉnh cao nha". Sau đó, nhạc sĩ Quốc Bảo - cha đẻ ca khúc trên đã lên tiếng xác nhận về việc bán độc quyền hit của Thuỷ Tiên, trước đó Nathan Lee cũng tuyên bố mua 7 hit gắn liền với tên tuổi của ca sĩ Cao Thái Sơn.
(Ảnh: saostar.vn)
Những ý kiến trái chiều xoay quanh vụ việc
Cư dân mạng đã để lại rất nhiều bình luận trái chiều, nhiều người cho rằng việc nhạc sĩ bán các bản hit đã làm nên tên tuổi của một số ca sĩ là hám tiền và việc mua độc quyền bài hit sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sự nghiệp của họ. Tuy nhiên cũng không ít người cho rằng, nhạc sĩ là người có toàn quyền quyết định tới đứa con tinh thần của mình, thuận mua thì vừa bán miễn là không trái với pháp luật, còn các ca sĩ đã gắn liền các ca khúc hit thì nên chú ý để mua bản quyền các ca khúc này.
Những tổn thất đối với Thủy Tiên, Cao Thái Sơn sau khi Nathan Lee mua độc quyền các bài hit
Ngay sau khi Nathan Lee tuyên bố đã sở hữu các bài hit làm nên tên tuổi của Cao Thái Sơn hay Thủy Tiên, các MV của các ca khúc này đã bị Youtube gỡ xuống. Bên cạnh đó, các ca sĩ sẽ không còn được thể hiện các ca khúc này trong một khoảng thời gian không hề ngắn. Và thường khi có các show diễn có catse hàng chục triệu thậm chí hàng trăm triệu, một phần kéo chân khán giả cũng bởi các bản hit này.
Không chỉ dừng lại ở đó, nguồn thu về từ một sản phẩm âm nhạc đa dạng hơn: ngoài biểu diễn, phát hành CD còn có thêm các nguồn từ những trang nhạc số, nghe nhạc trực tuyến, từ lượt xem clip ca khúc trên các nền tảng giải trí, các hoạt động phát sinh bản quyền trí tuệ từ bài hát đã thành sản phẩm. Việc bị Nathan Lee mua lại các bản hit, sẽ thiệt hại không nhỏ về vật chất mà còn cả tinh thần khi không thể được biểu diễn ca khúc này.
Nhạc sĩ hoàn toàn có quyền bán các ca khúc mà mình tự sáng tác
Tại Điều 158 Bộ luật dân sự 2015 quy định về quyền sở hữu: “Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật”.
Tại Điều 20 của Luật sở hữu trí tuệ quy định về quyền nhân thân của tác giả:
“1. Quyền tài sản bao gồm các quyền sau đây:
a) Làm tác phẩm phái sinh;
b) Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;
c) Sao chép tác phẩm;
d) Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;
đ) Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;
e) Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.
2. Các quyền quy định tại khoản 1 Điều này do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện theo quy định của Luật này.
3. Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 3 Điều 19 của Luật này phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.”
Vậy mua độc quyền tác phẩm là gì?
Trong Luật Sở hữu trí tuệ không quy định như thế nào là “mua độc quyền ca khúc” mà chia ra hai trường hợp:
Thứ nhất là chuyển nhượng quyền tác giả. Theo đó, chủ sở hữu quyền tác giả chuyển giao toàn bộ quyền tài sản của mình và quyền công bố tác phẩm được phép chuyển nhượng.
Thứ hai là chuyển quyền sử dụng quyền tác giả. Theo đó, chủ sở hữu quyền tác giả cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng có thời hạn một, một số hoặc toàn bộ quyền tài sản, và quyền công bố tác phẩm của mình. Việc chuyển giao quyền sử dụng quyền tác giả cũng được yêu cầu thể hiện bằng văn bản và phải có đầy đủ các nội dung như hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả và có thêm một nội dung là “phạm vi chuyển giao quyền”. Như vậy, trong trường hợp của ca sĩ Nathan Lee khi tuyên bố mua độc quyền các bản hit có thể hiểu là việc quyền quyền sử dụng quyền tác giả có thời hạn.
Nghệ sĩ cần làm gì để tránh bị mất những bản hit?
Thực tế, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã từng bán bài độc quyền cho Cao Thái Sơn trong 2 năm (2008-2010). Sau khi hết hạn độc quyền, Cao Thái Sơn không tiếp tục gia hạn độc quyền mà mua tác quyền để sử dụng ca khúc. Do đó, nghệ sĩ nếu muốn hoạt động biểu diễn thuận lợi thì nên có những hợp đồng bằng văn bản với nội dung rõ ràng về quyền đối với tác phẩm. Nội dung như: bài hát này nghệ sĩ được độc quyền biểu diễn, thời gian độc quyền biểu diễn là bao lâu, sau mỗi lần biểu diễn phải trả cho tác giả bao nhiêu tiền… thêm nữa, cần xác định quyền được duy trì, khai thác các tác phẩm hay sản phẩm phái sinh một thời gian hợp lý sau khi hết hạn hợp đồng.
Bên cạnh đó, cần làm rõ những thuật ngữ “độc quyền ca khúc”, “mua tác quyền”, “mua bản quyền”, quy định rõ ràng “phạm vi chuyển giao trong các giao dịch” để tránh việc các bên hiểu sai phần quyền của mình dẫn đến xảy ra tranh chấp.
Hiện tượng Nathan Lee cũng là sự kiện nhắc nhở ca sỹ, nhà sản xuất cần có thái độ nghiêm túc hơn đối với quyền của nhạc sỹ nhưng đồng thời nó cũng giúp gắn kết nhạc sỹ với ca sỹ, nhà sản xuất chặt chẽ hơn, tiến tới hình thành thị trường mua bán, chuyển nhượng quyền tác giả minh bạch, hiệu quả, đúng nghĩa.
Lưu ý: Bài viết dựa trên quan điểm khoa học và thực tiễn, không nhằm quy chụp hay quảng bá cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.
Trương Diệu