Hình ảnh ba chiều là tên gọi tạm dịch của Hologram, dùng để chỉ một bức ảnh phẳng nhưng được bố trí để các chi tiết hiển thị có chiều sâu. Hình ảnh ba chiều hoạt động nhờ tính chất sóng của ánh sáng có thể được ghi lại bằng cách sử dụng các tia laser mạnh và trung bình thích hợp. Theo phân tích, hình ảnh ba chiều đôi khi sẽ bị giảm xuống thành một phổ màu cụ thể, chẳng hạn như màu xanh lam hoặc xanh lục.
Hình ảnh ba chiều được ứng dụng trong nhiều sản phẩm, hàng hóa như các ảnh nổi 3D, tem chống hàng giả, in tiền, căn cước công dân,... Ngoài ra, nó còn được nhắc đến như một sản phẩm của kỹ thuật trình chiếu 3D. Kỹ thuật trình chiếu 3D có thể hiểu là kỹ thuật cho phép ánh sáng tán xạ từ một vật thể được ghi lại và sau đó tái tạo lại hình ảnh ba chiều của nó. Kỹ thuật này tạo nên hình ảnh lơ lửng trong không gian khiến người xem cảm giác vật thể đang hiện hữu ngay trước mặt, mà không cần các công cụ để hỗ trợ [1]
Kỹ thuật trình chiếu 3D đem lại hình ảnh lơ lửng chân thực cho người xem
Khá ngạc nhiên khi hình ảnh ba chiều ngày nay chủ yếu được sử dụng không gây nguy cơ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Ngược lại, nó đóng vai trò như một công cụ hữu hiệu để củng cố và thực thi các quy tắc của pháp luật.
Việc sử dụng hình ảnh ba chiều như một công nghệ chống hàng giả đã tồn tại trong nhiều thập kỷ qua. Đó là vào năm 1984, khi Johnnie Walker thực hiện một hình ảnh ba chiều để chống hàng giả đối với loại rượu whisky. Năm 1988, Glaxo trở thành công ty dược phẩm đầu tiên sử dụng hình ảnh ba chiều để bảo vệ sản phẩm của mình và hình ảnh ba chiều tiền tệ đầu tiên xuất hiện trên tiền giấy của Australia và Áo. Kể từ đó, việc sử dụng hình ảnh ba chiều trở nên phổ biến để đảm bảo tính xác thực của sản phẩm, tiền tệ hoặc giầy tờ tùy thân (hộ chiếu, căn cước, giấy phép lái xe, ...)
Hình ảnh ba chiều có lợi thế đáng kể so với các công nghệ chống hàng giả khác khi chúng khó bị sao chép hơn nhiều. Lấy ví dụ như máy ảnh, máy in vốn được xem là các thiết bị chủ yếu được sử dụng để làm giả thì chúng không thể sao chép được hình ảnh ba chiều. Hình ảnh ba chiều được tạo ra bằng cách sử dụng tia laze để tạo ra hình ảnh có màu sắc cầu vồng và cảm giác có chiều sâu. Do đó, ngay cả máy quét và thiết bị kỹ thuật số tiên tiến nhất cũng không thể tạo hình ảnh trực quan với độ chính xác 100%.
Hộ chiếu Canada với các hình ảnh ba chiều đặc sắc
Việc triển khai hình ảnh ba chiều trên hàng hóa được bảo vệ bằng quyền sở hữu trí tuệ có chức năng bảo vệ kép: nó hoạt động như một công cụ nhận dạng và công cụ ngăn chặn. Nó truyền tải đến người tiêu dùng thông điệp rằng sản phẩm họ đang mua là hàng thật, đồng thời chi phí cao và sự phức tạp của việc sao chép hình ba chiều cũng ngăn cản những kẻ làm giả không làm giả sản phẩm.
Tuy nhiên, sự tiên tiến của công nghệ đã giúp một số đối tượng làm giả sao chép được một số thiết kế ba chiều nhất định. Đối với đối tượng có kỹ năng cao, chúng có thể tạo ra các bản sao quang học của hình ảnh ba chiều rất khó phân biệt với bản gốc.
Trong quy định của pháp luật về quyền tác giả, hình ảnh ba chiều không được thể hiện trong bất kỳ một thuật ngữ pháp lý nào. Tuy nhiên, về bản chất, hình ảnh ba chiều là hình ảnh, hơn thế nữa, quy trình để tạo ra hình ảnh ba chiều cũng tương tự như nhiếp ảnh. Cho nên một cách hiểu rộng hơn về thuật ngữ pháp lý “ảnh” có thể cho phép công nhận hình ảnh ba chiều là ảnh. Đối với một hình ảnh, muốn được bảo hộ quyền tác giả cần đáp ứng 02 điều kiện:
Hình ảnh được tạo ra phải có tính sáng tạo;
Được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký [2].
Pháp luật sở hữu trí tuệ không quy định cụ thể thế nào được gọi là “sáng tạo”. Tuy nhiên, có thể hiểu sáng tạo là việc tạo ra một tác phẩm từ lao động trí óc của tác giả chứ không phải sao chép từ thứ gì đó đã tồn tại trước đó. Tức là, tác phẩm đó phải từ ý tưởng của tác giả và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định. Như vậy, hình ảnh ba chiều có thể được bảo hộ khi đáp ứng được yêu cầu về tính sáng tạo và được thể hiện dưới một dạng hình thức vật chất.
Nói cách khác, đối với những hình ảnh ba chiều sao chép toàn bộ hoặc một phần những hình ảnh khác (nhiếp ảnh, phim, thiết kế, tranh, v.v.) là vi phạm bản quyền. Bởi vì hình ảnh ba chiều có sử dụng công nghệ để làm cho bức ảnh trông có vẻ khác, nhưng nếu nó được tạo nên không bởi sự sáng tạo của tác giả mà có sự sao chép, thì theo quy định pháp luật về quyền tác giả, đó vẫn là hành vi vi phạm bản quyền.
Hình ảnh ba chiều không chỉ đặt ra các vấn đề liên quan đến quyền tác giả mà còn đặt ra câu hỏi về một lĩnh vực khác của luật sở hữu trí tuệ - bảo hộ nhãn hiệu. Một hình ảnh ba chiều có thể được bảo hộ như một nhãn hiệu thương mại hay không? Pháp luật về nhãn hiệu không có quy định rằng nhãn hiệu phải có hai chiều và không thể là ba chiều. Nói cách khác, hình ba chiều có thể đăng ký làm nhãn hiệu cho một loại sản phẩm hoặc dịch vụ.
Một số nhãn hiệu ba chiều đã được bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam và trên thế giới như ngôi sao ba cánh nổi nằm trong vòng tròn của Mercedes; kẹo dẻo hình con gấu (kẹo gấu Haribo); con sư tử đứng hai chân của hãng xe Pháp Peugeot, v.v.
Nhãn hiệu ba chiều nổi tiếng của hãng xe Mercedes
Hiện nay, ngay cả Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam cũng cho phép dấu hiệu là hình ba chiều có thể được bảo hộ nhãn hiệu:
“Nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều, ...”[3].
Có thể thấy, hình ba chiều có thể được bảo hộ nhãn hiệu nếu nó đáp ứng các điều kiện như những nhãn hiệu khác mà pháp luật đã quy định.
Hơn thế nữa ở Hiệp định TRIPs mà Việt Nam đã tham gia ký kết có quy định: “Bất kỳ một dấu hiệu, hoặc tổ hợp các dấu hiệu, có khả năng phân biệt hàng hoá hoặc dịch vụ của doanh nghiệp này với hàng hoá hoặc dịch vụ của các doanh nghiệp khác, đều có thể dùng làm nhãn hiệu.”[4].
Mặc dù vậy, trên thực tế, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đối với hình ba chiều diễn ra khá phức tạp. Bởi vì như các dấu hiệu khác, hình ba chiều cũng phải được thể hiện trên bản vẽ (hai chiều), nhưng bản vẽ này chỉ có thể mô tả được nó chứ không thể hiện được bản thân nhãn hiệu. Bên cạnh đó, Luật Sở hữu trí tuệ cũng không quy định rõ điều kiện để dấu hiệu hình ba chiều có thể được đăng ký làm nhãn hiệu hàng hóa. Theo đó, tại Điều 74 quy định các hình và hình học đơn giản thì không có khả năng phân biệt, cho nên các hình học đơn giản trong không gian ba chiều như hình trụ, hình cầu, v.v. không được pháp luật thừa nhận là nhãn hiệu. Về vấn đề này, các nước khi chấp nhận loại dấu hiệu ba chiều phải thêm điều kiện là hình ba chiều đó phải mô tả được theo hình họa hai chiều mới có thể đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.
Cuối cùng, với sự kết hợp của công nghệ đồ họa và kỹ thuật trình chiếu 3D, ngày càng có nhiều cuộc biểu diễn ba chiều trong ngành giải trí. Chẳng có gì đáng nói nếu như đã có các cuộc biểu diễn có sự xuất hiện của các ngồi sao đã khuất. Việc “hồi sinh” một ngôi sao đã qua đời như vây trong một buổi biểu diễn trước công chúng có thể vi phạm quyền riêng tư.
Hầu hết các quốc gia, trong đó có cả Việt Nam đều bảo vệ những người nổi tiếng trong suốt cuộc đời của họ trước việc sử dụng tên, hình ảnh, giọng nói, v.v. trái phép. Tuy nhiên, những năm gần đây, vấn đề về việc bảo vệ quyền riêng tư được mở rộng ngay cả sau khi người nổi tiếng qua đời. Ở các quốc gia như Hoa Kỳ, một số bang cung cấp sự bảo vệ hạn chế và một số bang khác lại tiếp tục bảo vệ quyền riêng tư của người nổi tiếng lên đến 100 năm sau khi chết. Ở Việt Nam, pháp luật hiện nay đã có các quy định nhằm bảo vệ quyền riêng tư của công dân tại Điều 21 Hiến pháp 2013, Điều 38 Bộ luật dân sự 2015. Tuy nhiên, những quy định này đều hướng tới bảo vệ quyền riêng tư khi người đó còn sống, mà chưa đặt ra vấn đề về bảo vệ quyền riêng tư người đã chết khỏi bị xâm hại.
Một ví dụ điển hình cho việc “hồi sinh” một ngôi sao đã chết đó là buổi hòa nhạc ba chiều của Tupac – nam rapper nổi tiếng người Mỹ. Hình ảnh Tupac được tạo ra thông qua đồ họa máy tính dựa trên các đặc điểm cơ thể và chuyển động từ các màn trình diễn của anh. Ở đây, buổi biểu diễn đã sử dụng tên, hình ảnh, giọng nói của anh. Tuy nhiên, quyền tạo ảnh ba chiều của Tupac khá dễ dàng có được, bởi vì người kiểm soát tài sản của Tupac – mẹ của anh, Afeni Shakur đã chấp thuận cho tạo ảnh ba chiều để đổi lấy sự đóng góp của Tiến sĩ Dre cho Tổ chức Tupac Amaru Shakur. Như vậy, dưới sự bảo vệ của pháp luật, ít nhất việc tạo lập hình ảnh ba chiều của Tupac vẫn phải xin phép. Nhưng trong trường hợp pháp luật không đặt vấn đề bảo vệ quyền riêng tư đối với người nổi tiếng sau khi chết thì khi có sự xâm phạm tên, hình ảnh, giọng nói, chữ ký của người đó sẽ không có căn cứ để xử lý hành vi vi phạm.
Snoop Dogg trong cuộc biểu diễn với Hologram Tupac
Từ phần trình bày về khung pháp lý liên quan đến hình ảnh ba chiều, có thể thấy còn nhiều vấn đề pháp lý phức tạp đòi hỏi pháp luật cũng phải thay đổi, để bắt kịp xu hướng phát triển công nghệ. Tuy nhiên, những vấn đề pháp lý được nhắc đến ở trên chỉ là bước khởi đầu khi việc sử dụng hình ảnh ba chiều dần dần trở thành xu hướng chủ đạo. Ngoài những vấn đề mà bài viết đã đề cập, các vấn đề đạo đức cũng cần xem xét đến như: liệu có nên tạo ra các màn trình diễn ba chiều của một người nổi tiếng hay không? Các yếu tố nào đảm bảo “hồi sinh” chính xác nhất một ngôi sao quá cố, bởi vì được biết chi phí của buổi biểu diễn của Tupac lên tới khoảng 100.000 USD và không phải nơi nào cũng sẵn sàng bỏ ra số tiền ấy để tạo ra hình ảnh hoàn mỹ cho một ngôi sao đã khuất.
Lưu ý: Bài viết dựa trên thông tin thực tiễn và quan điểm khoa học, thực tiễn, không nhằm quảng bá cho bất kỳ, cá nhân tổ chức nào.
Khắc Vinh
Link nội dung: https://phapluatbanquyen.phaply.vn/hinh-anh-ba-chieu-va-luat-so-huu-tri-tue-a617.html