Một năm đầy biến động vừa khép lại với nhiều sự kiện và dấu ấn đáng nhớ rất đặc biệt. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, dịch bệnh, thiên tai diễn ra phức tạp, nghiêm trọng, để lại hậu quả rất nặng nề, nhưng với sự nỗ lực, phấn đấu bền bỉ, ý chí, bản lĩnh, sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, chúng ta đã đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả, thành tích quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Dự Hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 5/1/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng cho rằng: "Trong bối cảnh khó khăn chồng chất khó khăn, Chính phủ, chính quyền các địa phương và toàn hệ thống chính trị đã cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nỗ lực phấn đấu, hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra".
Trăn trở của Thủ tướng và những quyết định cân não
Năm 2021, nước ta trải qua 2 đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 kéo dài với biến chủng Delta lây lan nhanh hơn chủng cũ nhiều lần và hết sức nguy hiểm, khó kiểm soát hơn. Với tinh thần coi sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, công tác phòng, chống dịch COVID-19 là ưu tiên hàng đầu trong lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, mạnh mẽ của Trung ương Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương. Những hình ảnh mạnh mẽ của Thủ tướng lặn lội đến biên giới Tây Nam, xuống tận tâm dịch trong lúc dịch căng thẳng nhất tại các tỉnh phía nam… đã truyền cảm hứng mạnh mẽ đến Nhân dân
Trong bối cảnh cả thế giới bất ngờ với sự càn quét của biến chủng Delta, công tác phòng chống dịch chưa có tiền lệ, nhưng chúng ta bám sát yêu cầu thực tiễn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, kế thừa và liên tục điều chỉnh, bổ sung, từng bước hoàn thiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.
Trong một thời gian rất gấp rút, chúng ta đã huy động được tổng lực sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, toàn quân và cả sự ủng hộ quốc tế để triển khai hàng loạt công việc có quy mô rất lớn: Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử; việc điều động một lực lượng quân đội, công an, y tế lớn nhất kể từ sau chiến tranh; việc nâng cao năng lực y tế trên toàn quốc trong thời gian rất ngắn; chương trình an sinh xã hội trên quy mô lớn gấp hàng chục lần điều kiện bình thường.
Khi dịch bệnh đã nhiễm sâu tại các đô thị, vùng kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp, Chính phủ, Lãnh đạo Chính phủ có những thời điểm đã có nhiều quyết định thực sự rất khó khăn, cân não. Chính ở thời điểm khó khăn, cam go nhất, Thành phố Hồ Chí Minh đã đề nghị ban bố tình trạng khẩn cấp.
Các thành viên Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ, với cương vị Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch sau khi Ban chỉ đạo được kiện toàn, đã rất trăn trở, cân nhắc thận trọng, toàn diện mọi mặt, tham khảo kinh nghiệm, ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia, tính đến các phương án, biện pháp, kể cả các biện pháp chưa được luật pháp quy định. Chỉ trong vòng 1 tuần (từ ngày 18 đến ngày 23/8/2021), Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chủ trì hàng chục cuộc họp quan trọng, không kể đêm ngày với các bộ, ngành, địa phương, nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước…, nhiều cuộc họp kéo dài đến quá nửa đêm. Khu vực làm việc của Văn phòng Chính phủ dường như sáng đèn suốt ngày đêm.
Thủ tướng đã báo cáo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trao đổi với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ngành và đi tới quyết định không tuyên bố tình trạng khẩn cấp, nhưng nhanh chóng điều chỉnh tổ chức thực hiện theo cách tiếp cận toàn dân, lấy xã phường là "pháo đài", người dân là "chiến sĩ" và là trung tâm phục vụ, là chủ thể tham gia phòng, chống dịch.
Việc tăng cường giãn cách xã hội toàn Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương phía Nam là một quyết định rất khó khăn, cân não, nhất là áp dụng đối với một địa bàn có dân số đông hàng chục triệu người, là khu vực kinh tế trọng điểm của cả nước. Quyết định này cũng ảnh hưởng rất bất lợi đến hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng đây là lựa chọn tối ưu ở thời điểm đó, chúng ta không còn cách nào tốt hơn.
Một loạt biện pháp chưa từng có tiền lệ được quyết liệt triển khai. Cụ thể, đã điều động một lực lượng lớn (gần 300.000 cán bộ chiến sĩ quân đội, công an, y tế) chi viện cho Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương; tăng cường một số lượng khổng lồ các loại trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm… phục vụ cho phòng, chống dịch; tổ chức các trạm y tế lưu động ngay tại từng xã, phường, thị trấn; thực hiện bảo đảm an sinh cho nhân dân đến từng hộ gia đình trong khu vực giãn cách xã hội; đồng thời, đẩy mạnh thực hiện chiến lược vaccine, ưu tiên vaccine hàng đầu cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh có dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Thủ tướng đã liên tục có các chuyến đi trực tiếp thị sát tại tâm dịch, những nơi nóng nhất, nguy hiểm nhất và cả những chuyến "vi hành" qua hệ thống hội nghị trực tuyến được kết nối tới tận hơn 10.000 xã phường để kiểm tra, đôn đốc, động viên kịp thời công tác phòng chống dịch tại những điểm nóng nhất về dịch bệnh. Nhiều người dân vẫn nhớ hình ảnh chiếc áo ướt đẫm mồ hôi của Thủ tướng trong những ngày dịch bệnh nóng bỏng, cam go nhất.
Kết quả, công tác phòng, chống dịch ngày càng chuyển biến tích cực, hiệu quả hơn. Đến nay, số ca nhiễm dao động quanh khoảng 15.000 ca mỗi ngày, nhưng tỉ lệ chuyển nặng và tử vong đã giảm rất sâu. Thành phố Hồ Chí Minh đến nay ca tử vong vì COVID-19 chỉ khoảng 2-5 người, đa số có bệnh nền.
Chúng ta đã sơ kết, đúc rút kinh nghiệm, dần hình thành và hoàn thiện lý luận và công thức phòng, chống dịch sát tình hình và phù hợp điều kiện Việt Nam với 3 trụ cột (cách ly nhanh nhất, hẹp nhất, chặt nhất có thể và giải tỏa cách ly nhanh nhất có thể; xét nghiệm thần tốc, khoa học, hiệu quả, hợp lý, tiết kiệm, nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch, điều trị từ sớm, từ xa, từ cơ sở) cùng công thức "5K+vaccine+thuốc+công nghệ+ý thức người dân và các biện pháp khác".
Có thể khẳng định, chúng ta đã nỗ lực hết sức mình trong điều kiện có thể trong bối cảnh nguồn lực, năng lực hệ thống y tế còn nhiều hạn chế, bất cập, nhất là ở cấp cơ sở, hầu hết các vật tư, sinh phẩm, thiết bị y tế, đặc biệt là thuốc, vaccine trong nước chưa sản xuất được, phải nhập khẩu trong điều kiện nguồn cung khan hiếm trên toàn cầu.
Vì vậy, kết quả đạt được như Trung ương đã đánh giá: "Các chủ trương, chính sách, biện pháp được triển khai trong thời gian qua là đúng đắn, kịp thời và chỉ đạo, tổ chức thực hiện khẩn trương, quyết liệt, đạt được những kết quả quan trọng. Đến nay dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc và đang thực hiện lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh tại nhiều địa phương".
Từ chiến lược vaccine đến kỳ tích vaccine
Tháng 7/2021, tờ The Straits Times (Singapore) đã đưa một dự báo rất kém lạc quan cho Việt Nam, rằng Việt Nam phải mất hơn 10 năm nữa mới có thể tiêm được vaccine cho 75% dân số. Khi đợt dịch thứ 4 bùng phát vào cuối tháng 4, Việt Nam mới có khoảng hơn 300.000 liều vaccine. Tới đầu tháng 8 năm 2021, tỉ lệ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 của Việt Nam vẫn ở mức thấp trong khu vực Đông Nam Á (chỉ trước Myanmar) với hơn 8 triệu liều tiêm, đạt tỉ lệ bao phủ 1 liều cho 7,5% dân số từ 18 tuổi trở lên.
Trong bối cảnh vaccine khan hiếm trên toàn cầu, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã huy động mọi nguồn lực, quyết tâm thực hiện chiến lược vaccine phòng COVID-19 vì mục tiêu miễn dịch cộng đồng với các giải pháp: Thành lập Quỹ vaccine; đẩy mạnh ngoại giao vaccine; thúc đẩy nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước; tổ chức chiến dịch tiêm chủng miễn phí quy mô chưa từng có trong lịch sử với tinh thần "vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất".
"Phải nhập khẩu được vaccine nhiều nhất, sớm nhất có thể. Khó khăn là khan hiếm trên toàn cầu, nhưng không vì khó khăn đó mà chúng ta ngồi im". Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ trưởng, đặc biệt là Bộ trưởng Ngoại giao tận dụng mọi kênh để tiếp cận nguồn vaccine ở thời điểm cam go nhất.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đích thân thực hiện nhiều cuộc điện đàm với lãnh đạo cấp cao các nước nhằm thúc đẩy ngoại giao vaccine cũng như các hợp tác chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine. Trong thời gian ngắn, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ đã tích cực gửi thư và điện đàm với lãnh đạo 22 nước và 10 tổ chức quốc tế, gặp mặt Đại sứ các nước tại Việt Nam, đại diện doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam như Mỹ và châu Âu vận động ngoại giao vaccine.
Lãnh đạo cấp cao nước ta như Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đã thực hiện sáu chuyến công du tới châu Âu, Cuba, Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Thụy Sĩ, Liên bang Nga, Hàn Quốc, Ấn Độ nhằm ký kết các hợp đồng mua bán, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, vận động tài trợ, chuyển giao vaccine dôi dư và đôn đốc hoàn thành thỏa thuận chuyển giao vaccine theo hợp đồng đã ký kết.
Kết quả, Việt Nam từ nước tiếp cận vaccine COVID-19 tương đối chậm, đã trở thành quốc gia tiêm chủng nhanh hàng đầu thế giới. Đến nay, đã có hơn 210 triệu liều vaccine về tới Việt Nam, nước ta đã "đi sau về trước", trở thành một trong 6 nước có tỉ lệ bao phủ vaccine cao hàng đầu thế giới, với dân số gần 100 triệu người.
Đây thực sự là một kỳ tích và là một yếu tố quyết định để cùng với nhiều biện pháp y tế khác và việc đề cao ý thức người dân, chúng ta kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, tự tin mở cửa trở lại, phục hồi và phát triển kinh tế. Không thỏa mãn với kết quả đạt được, Thủ tướng đã phát động và cả nước đang quyết liệt chiến dịch tiêm chủng vaccine thần tốc mùa Xuân năm 2022 xuyên Tết với mục tiêu bao phủ vaccine cho toàn bộ các đối tượng được chỉ định.
Quỹ đạo phục hồi ngày càng rõ nét
Khi chưa có đủ vaccine, thuốc chữa bệnh, kinh nghiệm và năng lực ứng phó dịch bệnh còn hạn chế, chúng ta buộc phải áp dụng các biện pháp hành chính nghiêm ngặt để bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hầu hết các khía cạnh kinh tế-xã hội, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021.
Quốc hội và Chính phủ đã có các quyết sách mạnh mẽ nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, khơi thông mọi nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh nhằm thực hiện mục tiêu kép "vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế". Đích thân Thủ tướng Chính phủ đã có hàng chục cuộc đối thoại với các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài trên tinh thần thẳng thắn, "hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro", củng cố niềm tin và huy động sự chung tay, góp sức của họ cho công tác phòng chống dịch.
Khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, độ bao phủ vaccine đạt tương đối cao, kinh nghiệm và năng lực ứng phó dịch bệnh được nâng lên, thực hiện Kết luận của Trung ương, chúng ta chủ động, tự tin chuyển hướng chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh theo Nghị quyết 128 của Chính phủ. Tiếp đó, Chính phủ khẩn trương hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền Chương trình tổng thể phòng, chống dịch và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Thực tiễn đã chứng minh việc chuyển hướng này là cần thiết, đúng đắn, phù hợp, kịp thời, hiệu quả thiết thực…Nghị quyết 128 có ý nghĩa quan trọng nhiều mặt trong việc phòng chống dịch trong tình hình mới và là cơ sở quan trọng để khôi phục phát triển kinh tế, xã hội, đưa đất nước tiến lên phía trước với tâm thế mới và đầy tự tin.
Đến nay, nền kinh tế đang dần vượt qua thời điểm khó khăn và bước vào giai đoạn phục hồi. Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm. Tăng trưởng kinh tế 3 tháng cuối năm 2021 khởi sắc, GDP quý IV ước tăng 5,22% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,61% của năm 2020, đưa tổng sản phẩm trong nước năm 2021 ước tính tăng gần 3%.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt là trong quý III, nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, đây là sự đảo chiều ấn tượng của GDP so với mức sụt giảm của quý trước, là một thành công lớn trong hoàn cảnh hết sức ngặt nghèo về chống dịch.
Thu ngân sách Nhà nước ước tính cả năm 2021 đạt 1.523,4 nghìn tỷ đồng và bằng 113,4% dự toán năm (tăng 180,1 nghìn tỷ đồng). Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa lập kỷ lục mới, đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước, xuất siêu khoảng 4 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế và là quốc gia xuất siêu liên tục 6 năm. Ngành nông nghiệp tiếp tục là trụ cột vững chắc của nền kinh tế với mức tăng trưởng 2,85%, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lập kỷ lục 48,6 tỷ USD. Người nông dân là chủ thể và được hưởng lớn nhất từ thành quả này.
Những kết quả đạt được trong năm 2021 tạo nền tảng quan trọng để kinh tế Việt Nam phục hồi và phát triển vững chắc hơn trong thời gian tới, cả nước tiếp tục phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu của chiến lược 10 năm 2021-2030 và kế hoạch 5 năm 2021-2025.
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2022 tiếp tục quỹ đạo phục hồi rõ nét. Các hoạt động dần lấy lại trạng thái bình thường, sản xuất kinh doanh, dịch vụ phục hồi mạnh và nhanh; sức tiêu dùng của người dân tăng cao; giải ngân đầu tư công đạt kết quả ấn tượng. Đặc biệt, tháng 1 ghi nhận số doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại thị trường tăng 28,9% và 194% so với cùng kỳ; theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây là mức cao nhất từ trước đến nay.
Việc sớm ban hành và triển khai các Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP của Chính phủ trong năm 2022 đã tạo ra động lực mới cho các cấp, các ngành, thu hút sự quan tâm, ủng hộ của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, tạo xung lực mới góp phần thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Không để ai bị bỏ lại phía sau, không để ai không có Tết
Trong bối cảnh khó khăn như vậy, cả nước đã chung sức, đồng lòng để bảo đảm công tác an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người dân ở các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, bảo đảm người dân có đủ ăn, đủ mặc theo tinh thần quyết tâm "không để ai bị bỏ lại phía sau".
Nhiều chính sách "chưa từng có tiền lệ" hỗ trợ người dân được xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện quyết liệt và hiệu quả, trên quy mô chưa từng có, trong thời hạn rất gấp rút nhưng lại kéo dài, trong điều kiện giãn cách xã hội để chống dịch và nguồn lực có hạn.
Trong những thời điểm khó khăn, thử thách gay gắt nhất của dịch bệnh, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy mạnh mẽ, đã xuất hiện rất nhiều tấm gương, nghĩa cử cao đẹp, lay động lòng người.
Năm 2021, cả nước đã dành gần 71.500 tỷ đồng hỗ trợ 742.000 lượt người sử dụng lao động, 42,8 triệu người lao động; xuất cấp trên 158.000 tấn gạo hỗ trợ người dân gặp khó khăn.
Dịp Tết nguyên đán Nhâm Dần, công tác an sinh xã hội tiếp tục được đặc biệt quan tâm để không ai không có Tết. Cả nước đã trao quà tặng người có công và thân nhân liệt sĩ với tổng giá trị hơn 480,3 tỷ đồng; chi trả trợ cấp xã hội đầy đủ, kịp thời cho khoảng 3,5 triệu đối tượng bảo trợ xã hội; xuất cấp 6.902 tấn gạo cứu đói trong dịp Tết Nguyên đán và 2.975 tấn gạo cứu đói giáp hạt năm 2022.
"Chú ý rà soát lại tình hình đời sống những người có công, hộ nghèo, các gia đình bị tác động bởi thiên tai, dịch bệnh, các cháu mồ côi, công nhân lao động, đồng bào vùng sâu, vùng xa và cả người lang thang cơ nhỡ ở các đô thị để có giải pháp phù hợp", Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu.
Là bạn, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân, giữa ngoại giao với quốc phòng, an ninh, các ngành, các cấp và các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự ủng hộ và tích cực hưởng ứng của toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp đã tạo thành sức mạnh tổng hợp trên mặt trận đối ngoại.
Các hoạt động ngoại giao đa phương, song phương được đẩy mạnh, khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ đảm nhận trong các tổ chức quốc tế, làm cho các bạn bè, đối tác quốc tế yêu mến, tin tưởng hơn vào Việt Nam, uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao.
Đáng chú ý, với các hoạt động ngoại giao y tế, ngoại giao vaccine, Việt Nam đã đóng góp có trách nhiệm vào nỗ lực chung của quốc tế, vừa tranh thủ được sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của quốc tế về vaccine, thiết bị y tế và thuốc điều trị cho công tác phòng chống dịch thời gian qua.
Đặc biệt, tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam: Cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào giữa thế kỷ; cùng với hơn 100 quốc gia đã tham gia Cam kết giảm phát thải metan toàn cầu vào năm 2030; cùng 140 quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; cùng 48 quốc gia tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; cùng 150 quốc gia tham gia Liên minh hành động thích ứng toàn cầu…
Những cam kết này khẳng định quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Việt Nam trong việc đẩy mạnh chuyển đổi mô hình kinh tế sang tăng trưởng xanh và ứng phó toàn diện với biến đổi khí hậu, đóng góp trách nhiệm vào các nỗ lực của cộng đồng quốc tế giải quyết các thách thức toàn cầu.
Việc thực hiện các cam kết tại COP26, đặc biệt là cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào giữa thế kỷ là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược; việc triển khai thực hiện kịp thời các cam kết này sẽ mang lại lợi ích lớn và lâu dài cho đất nước. Việt Nam cần tận dụng cơ hội này để thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng cacbon thấp.
Cam kết của Việt Nam tại COP26 được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế, đối tác phát triển, tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là các định chế tài chính, tập đoàn lớn về năng lượng tái tạo đã cam kết, đề nghị được hợp tác với Việt Nam trong triển khai thực hiện cam kết.
Ngay sau COP26, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Chương trình, Kế hoạch triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam.
Tính chuyện đường xa
Cùng với các nhiệm vụ thường xuyên, các công việc đột xuất, Chính phủ vẫn hết sức chú trọng triển khai các chương trình, đề án, dự án có tầm nhìn chiến lược, ý nghĩa lâu dài, không vì yêu cầu trước mắt, cấp bách mà bỏ quên, lơ là việc tính toán căn cơ cho tương lai trung và dài hạn.
Công tác hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được triển khai quyết liệt, kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật. Bên cạnh các phiên họp Chính phủ thường kỳ, liên tục những tháng gần đây, Chính phủ đều tổ chức các phiên họp chuyên đề pháp luật.
Năm 2021, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 02 luật và xem xét, cho ý kiến 06 dự án Luật. Chính phủ xem xét, cho ý kiến, thông qua đối với 23 đề nghị xây dựng luật; ban hành 74 văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh; ban hành 200 nghị quyết, 153 nghị định. Thủ tướng Chính phủ ban hành 42 quyết định quy phạm pháp luật; 36 chỉ thị. Những ngày đầu năm 2022, Chính phủ tiếp tục phục vụ kỳ họp bất thường của Quốc hội, trình Quốc hội ban hành 1 luật sửa nhiều luật và 4 nghị quyết, tiếp tục hoàn thiện một bước các chính sách cho sự phát triển thời gian tới.
Chính phủ đã tập trung vào những "điểm nghẽn", "nút thắt" về thể chế trong các lĩnh vực được dư luận xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, người dân quan tâm. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát, phân bổ nguồn lực hợp lý và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.
Cùng với đó, quyết liệt xử lý các vấn đề khó, tồn đọng, kéo dài, những dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, một số dự án đã được xử lý có hiệu quả. Điển hình như dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã được đưa vào sử dụng phục vụ nhân dân sau nhiều năm trễ hẹn; dự án nhiệt điện Thái Bình 2 đã được tăng tốc hoàn thiện và sẽ phát điện làn đầu vào dịp 30-4 năm nay hay đã chỉ đạo và xử lý được 5 dự án thua lỗ trong tổng số 12 dự án… Một số công trình, dự án đường bộ cao tốc đã được khởi công; nhiều dự án kết cấu hạ tầng quan trọng quốc gia tiếp tục được triển khai. Tính tới cuối tháng 12/2021, cả nước đang triển khai 20 dự án trọng điểm ngành giao thông.
Công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí được quyết liệt thực hiện, đạt kết quả tích cực, kiên quyết xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà trong xử lý công việc; tăng cường công khai, minh bạch. Quan điểm nhất quán của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là vi phạm đến đâu sẽ xử lý đến đó, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không bao che, không dung túng, bất kể người đó là ai.
Đặc biệt, chúng ta đã không lỡ nhịp mà ngược lại, vẫn bắt kịp và tham gia tích cực vào các xu hướng lớn trên thế giới: Xu thế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; xu thế phục hồi và phát triển kinh tế; xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ hơn. Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư lần đầu tiên được đưa vào hoạt động từ ngày 1/7/2021, là nền tảng quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, xã hội số. Mặt khác, dịch COVID-19 chính là chất xúc tác để thúc đẩy tăng trưởng của thương mại điện tử với số lượng người dùng tăng vọt.
Chỉ trong thời gian ngắn, công cuộc chuyển đổi số quốc gia đã được lan tỏa sâu rộng trên phạm vi toàn quốc với tốc độ nhanh chóng, tạo nên một làn sóng chuyển đổi số trên khắp các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên cả nước.
Tự tin, vững vàng hướng tới tương lai
Những thành tích đạt được trong năm qua là kết quả của sự cố gắng và nỗ lực to lớn của đồng bào, đồng chí cả nước dưới sự lãnh đạo đúng đắn và sát sao của Đảng, sự quản lý, điều hành tích cực, hiệu quả của Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương; là minh chứng cho bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam ta.
Không chỉ trong công tác an sinh xã hội, Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam luôn nhất quán quan điểm xác định con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực của sự phát triển và trong mọi hoạt động kinh tế-xã hội, dứt khoát không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Và thực tiễn đã chứng minh sức mạnh vô địch của lòng dân, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, cho dù tình hình có khó khăn, thách thức tới đâu.
Quyết tâm, nỗ lực, ý chí, bản lĩnh, tầm nhìn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã không chỉ huy động được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để chúng ta không "ngã tay chèo" trước "sóng cả", để vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Hơn thế, còn truyền được cảm hứng, niềm tin và khí thế mới cho các cấp, các ngành, các địa phương, người dân và cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư. Khó khăn, thách thức đã không không quật ngã được chúng ta và chúng ta còn trưởng thành hơn, bản lĩnh hơn, vững vàng hơn và vững niềm tin hơn so với trước. Những gì Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và các địa phương đã giúp có được sự tăng trưởng trong hoàn cảnh hết sức khó khăn để tạo khí thế mạnh mẽ tiến về phía trước, góp phần quan trọng đưa đất nước phát triển và tạo niềm tin của Nhân dân với Đảng, với Chính phủ.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1 diễn ra trong ngày làm việc cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết nguyên đán, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo hàng loạt các nhiệm vụ, giải pháp trên tinh thần không chủ quan, lơ là nhưng tự tin, mạnh dạn mở cửa trở lại, không để lỡ nhịp phục hồi nhanh, phát triển bền vững.
Những kết quả đạt được là nền tảng để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đoàn kết rồi càng đoàn kết hơn nữa, đã quyết tâm rồi càng quyết tâm hơn nữa; chung sức, đồng lòng, phát huy tinh thần yêu nước, bản lĩnh, khí phách và trí tuệ Việt Nam, truyền thống văn hiến của dân tộc; nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tận dụng mọi thời cơ, thuận lợi để năm 2022 thắng lợi to lớn hơn và bền vững hơn năm 2021, xây dựng đất nước ngày càng phát triển, phồn vinh, hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no và hạnh phúc.
Link nội dung: https://phapluatbanquyen.phaply.vn/nhin-lai-nam-tan-suu-2021-chinh-phu-va-nhung-dau-an-dac-biet-a752.html