Tác động của pháp luật đến vấn đề bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với nông sản Việt

(PLBQ) - Nông sản là đặc sản thì thường gắn với đặc điểm thiên nhiên địa lý nhất định tạo nên sự khác biệt so với sản phầm cùng loại của địa phương khác.

Trong bối cảnh hội nhập, ở một quốc gia có nhiều lợi thế về các mặt hàng nông sản nhưng lại chưa có nhiều phương thức chế biến đa dạng, việc xây dựng, khai thác và quản lý càng nhiều sản phẩm có chỉ dẫn địa lý sẽ mang lại càng nhiều lợi ích kinh tế cho nông sản Việt Nam, giúp nâng cao giá trị nông sản Việt trên thị trường quốc tế.

Chỉ dẫn địa lý - công cụ nâng cao giá trị của chuỗi nông sản chủ lực ở Việt Nam

Căn cứ theo quy định tại Khoản 22 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, “chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể”. Bảo hộ chỉ dẫn địa lý như một bằng chứng bảo đảm với người dùng về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Để được bảo hộ chỉ dẫn địa lý thì các sản phẩm phải có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính mà chủ yếu là do điều kiện địa lý mang lại. Chính vì yếu tố này, các sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý sẽ dễ dàng nổi bật hơn, thậm chí có giá trị hơn so với các sản phẩm tương tự trên thị trường, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Theo phát biểu của Phó Cục trưởng Cục SHTT Phan Ngân Sơn trong buổi khai mạc sự kiện “Hội chợ sản phẩm nông nghiệp an toàn, được bảo hộ chỉ dẫn địa lý", trên thế giới, hiện có khoảng hơn 10.000 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, với giá trị giao dịch thương mại hàng năm ước tính đạt 50 tỷ USD theo thống kê của Bộ công thương tính đến năm 2020.

Đặc biệt, các nguyên tắc về sở hữu trí tuệ nói chung và chỉ dẫn địa lý nói riêng trong Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam đã ký cũng nêu rõ, việc đăng ký chỉ dẫn địa lý dưới dạng nhãn hiệu giúp người đăng ký có quyền chống lại các chỉ dẫn địa lý khác. Như vậy, để khẳng định chất lượng, thương hiệu và quảng bá được những sản phẩm đặc sản của Việt Nam ra thị trường quốc tế, việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý là vô cùng quan trọng và cần thiết.

Việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý là vô cùng quan trọng và cần thiết (Ảnh: tuhaoviet.vn)

Trên thực tế, hiệu quả của bảo hộ chỉ dẫn địa lý đã được chứng thực, giúp gia tăng giá trị và uy tín của nhiều sản phẩm. Theo thống kê của Bộ Công thương[1], giá bán sản phẩm sau khi đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tăng từ 20 -100%. Điển hình như chuối ngự Đại Hoàng (Hà Nam) giá bán tăng 100 -130%; bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh) tăng 10-15%. Hay, cam cam Cao Phong (Hòa Bình) giá bán tăng gần gấp đôi; bưởi Luận Văn (Thanh Hóa) giá bán tăng lên 3,5 lần; chè Mộc Châu (Sơn La) được bán cao hơn từ 1,7 - 2 lần; chè Tân Cương (Thái Nguyên) cũng có giá bán cao hơn khoảng 1,5 lần... Đáng chú ý, một số sản phẩm gắn chỉ dẫn địa lý cũng đã được xuất khẩu, được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài như thanh long Bình Thuận, vải thiều Lục Ngạn... Đây cũng là một bước tiến lớn, động lực cho người nông dân thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở ra cơ hội xuất khẩu nông sản Việt sang những thị trường cao cấp, khó tính trên thế giới. Do vậy, chỉ dẫn địa lý là một công cụ hữu hiệu để bảo hộ các đặc sản, nông sản chủ lực của nước ta.

Chỉ dẫn địa lý góp phần bảo vệ nông sản việt (Ảnh: Wiki)

Tác động của pháp luật đến vấn đề bảo hộ chỉ dẫn địa lý

Theo số liệu thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ tính đến năm 2021, Việt Nam có hàng nghìn sản phẩm nông sản đặc sản. Tuy nhiên đến nay, Cục Sở hữu trí tuệ mới cấp bảo hộ cho 101 chỉ dẫn địa lý. Các chuyên gia cảnh báo, nếu không quan tâm xây dựng chỉ dẫn địa lý không chỉ ở trong nước mà còn ở những thị trường có tiềm năng xuất khẩu, thì nguy cơ khiến cho hàng hoá của Việt Nam bị mất nhãn hiệu và điều đó cũng đồng nghĩa với việc mất thị trường là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Ngày 01/8/2020, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực. Ngoài cam kết về các tiêu chí liên quan đến hệ thống đăng ký chỉ dẫn địa lý, các bên còn cam kết bảo hộ cho nhau một danh mục các chỉ dẫn địa lý (169 chỉ dẫn địa lý của EU được bảo hộ tại Việt Nam và 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được bảo hộ tại EU). Mức độ bảo hộ dành cho các chỉ dẫn địa lý này tương ứng với mức độ bảo hộ chỉ dành cho rượu vang và rượu mạnh trong Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPS) cũng như Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành.

Việc ký kết và thực thi Hiệp định EVFTA mang lại cơ hội lớn cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam (phần lớn là nông sản) được bảo hộ tự động tại EU - thị trường xuất khẩu vô cùng quan trọng với 28 quốc gia thành viên. Việc này không chỉ bảo đảm quyền đối với các chỉ dẫn địa lý dùng cho nông sản của ta vốn đã có mặt trên thị trường này từ lâu như nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuột mà còn mở ra cơ hội tiếp cận thị trường cho các đặc sản khác như chè Mộc Châu, vải thiều Thanh Hà, cam Cao Phong, chuối Đại Hoàng...

Cùng với đó, hiện nay, Cục Sở hữu trí tuệ cũng đang phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, trong đó có các nội dung liên quan đến bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Những thay đổi từ chính sách và pháp luật liên quan đến bảo hộ chỉ dẫn địa lý hy vọng sẽ đem lại những tác động tích cực, nâng tầm giá trị nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.  

Một số nội dung trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ liên quan đến chỉ dẫn địa lý

Theo tiến sĩ Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ - so với hai lần sửa đổi vào các năm 2009 và 2019 thì lần sửa đổi này của Luật Sở hữu trí tuệ bao hàm một phạm vi khá rộng, với khoảng 90 điều của 14 chương; trong số này có 10 điều có nội dung liên quan đến chỉ dẫn địa lý. Các sửa đổi về chỉ dẫn địa lý không mang tính chất thay đổi chính sách mà chủ yếu là quy định bổ sung hoặc làm rõ hơn một số vấn đề, ví dụ quy định cụ thể hơn về việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý đồng âm, về quản lý chỉ dẫn địa lý, về quyền của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý...

Đối với nội dung chỉ dẫn địa lý đồng âm, các chỉ dẫn địa lý này được hiểu là các chỉ dẫn địa lý giống nhau về cách viết hoặc phát âm dùng cho các sản phẩm có nguồn gốc địa lý khác nhau, thường là ở các quốc gia khác nhau (ví dụ “Rioja” là tên một vùng ở Tây Ban Nha và Argentina được sử dụng cho sản phẩm “rượu vang” được sản xuất ở cả hai quốc gia này). Hiệp định TRIPS có quy định về việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý đồng âm dùng cho rượu vang. Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành không loại trừ khả năng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đồng âm tuy nhiên chưa có quy định và hướng dẫn cụ thể. Do đó, việc bổ sung quy định để làm rõ các điều kiện bảo hộ chỉ dẫn địa lý đồng âm là cần thiết để đáp ứng nhu cầu bảo hộ chỉ dẫn địa lý này trong tương lai.

Nếu nhìn rộng ra thì chúng ta có thể thấy, Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành quy định chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý Việt Nam là Nhà nước; quyền quản lý chỉ dẫn địa lý thuộc về UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có chỉ dẫn địa lý hoặc cơ quan, tổ chức được UBND tỉnh trao quyền với những điều kiện nhất định. Tuy nhiên đây chưa hẳn là một sự phân định tối ưu bởi trên thực tế, vẫn còn tồn tại một số vướng mắc trong quản lý chỉ dẫn địa lý ở các địa phương như việc xác định đâu là vai trò quản lý nhà nước, đâu là vai trò quản lý tài sản khi cơ quan quản lý nhà nước là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý, xác định các nội dung cần thực hiện để quản lý việc sử dụng chỉ dẫn địa lý…

Để bảo đảm sự thống nhất trong quản lý nhà nước về chỉ dẫn địa lý, bảo đảm quyền lợi của cộng đồng các nhà sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý ở địa phương, thúc đẩy phát triển chỉ dẫn địa lý, các nội dung này cần được hướng dẫn cụ thể ở một văn bản dưới Luật, do vậy Dự thảo Luật bổ sung quy định Chính phủ hướng dẫn chi tiết về việc thực hiện quyền quản lý chỉ dẫn địa lý.

Theo kế hoạch, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (Luật sửa đổi, bổ sung) sẽ được trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ II Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021). Trên cơ sở Luật sửa đổi, bổ sung được Quốc hội thông qua (dự kiến vào kỳ họp tháng 5/2022), các cơ quan có thẩm quyền sẽ tiếp tục xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật (Nghị định, Thông tư). Bên cạnh đó, để các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, trong đó có quy định về chỉ dẫn địa lý, thực sự đi vào cuộc sống, công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn về các chính sách, quy định mới sẽ cần được triển khai rộng rãi đến các nhóm chủ thể liên quan, đặc biệt là các cơ quan quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực và ở các địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng.

Trong thời gian tới, không chỉ tập trung gia tăng số lượng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ mà quan trọng hơn, các hoạt động liên quan đến bảo hộ chỉ dẫn địa lý cũng cần đi vào chiều sâu theo hướng nâng cao hiệu quả công tác quản lý, phát triển chỉ dẫn địa lý sau bảo hộ, đặc biệt là việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống kiểm soát chất lượng đối với sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý. Có như vậy, nông sản Việt Nam mới giữ vững được chất lượng, uy tín ở thị trường trong nước, dần dần vươn ra và có chỗ đứng trên thị trường nước ngoài.

Lưu ý: Bài viết dựa trên quan điểm khoa học và thực tiễn, không nhằm quảng bá cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.

Hà Trung


[1] https://congthuong.vn/nong-san-viet-dung-tho-o-voi-chi-dan-dia-ly-156714.html

Link nội dung: https://phapluatbanquyen.phaply.vn/tac-dong-cua-phap-luat-den-van-de-bao-ho-chi-dan-dia-ly-doi-voi-nong-san-viet-a780.html