Thể chế hoá quyền sở hữu tài sản của cá nhân, tổ chức

Ngày 14.10, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến Đề án “Thể chế hoá đầy đủ quyền sở hữu tài sản của cá nhân, tổ chức đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013, bảo đảm quyền tài sản được giao dịch thông suốt, hiệu lực và thực thi và bảo vệ có hiệu quả”.

Phát biểu tại hội thảo, chuyên gia dự án JICA Edagawa Mitsuchi cho rằng, bên cạnh những tài sản hữu hình, ngày càng xuất hiện nhiều loại tài sản vô hình như dữ liệu, dịch vụ… Đây là những loại tài sản có giá trị  nhất định. Chính vì thế để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân cần phải xác định nguyên tắc khi xem xét. Ông Edagawa Mitsuchi cho rằng, các nguyên tắc chung về tài sản đã được quy định tại Bộ luật Dân sự vì vậy cần xem xét kỹ có cần thiết phải quy định tại pháp luật chuyên ngành nữa không và quy định như thế nào.

Tại hội thảo đại diện Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp đã giới thiệu những nội dung chính của Dự thảo Đề án “Thể chế hoá đầy đủ quyền sở hữu tài sản của cá nhân, tổ chức đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013, bảo đảm quyền tài sản được giao dịch thông suốt, hiêu lực và thực thi và bảo vệ có hiệu quả”.

Góp ý vào Dự thảo, Công chứng viên Phòng Công chứng số 1, TP Hà Nội Nguyên Duy Ninh cho rằng, Điều 167 Luật Đất đai quy định, người sử dụng đất được thực hiện các quyền: chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn theo quy định của Luật Đất đai. Cách viết theo phương pháp thống kê của điều luật này cho phép chúng ta hiểu điều luật này theo một số cách khác nhau, từ đó có cách áp dụng khác nhau trong thực tiễn. Chẳng hạn, có cách hiểu: pháp luật đất đai chỉ điều chỉnh các quan hệ pháp luật đã được liệt kê, còn không đối chiếu đến những quy định của Bộ luật Dân sự - mặc dù Bộ luật Dân sự là luật gốc.

Các ý kiến phát biểu tại hội thảo đều cho rằng cần bảo đảm quyền sở hữu của cá nhân, tổ chức

Chia sẻ những kinh nghiệm từ pháp luật Nhật Bản, chuyên gia dự án JICA Edagawa Mitsuchi cho rằng, Dự thảo Đề án cần được đánh giá tài sản theo các hướng như: mọi giá trị tài sản đã phát huy được giá trị chưa?; Đã có đủ điều kiện thuận lợi để đưa tài sản vào lưu thông trong đời sống kinh tế chưa?. Đặc biệt là quyền sở hữu tài sản có đang được thực thi và bảo vệ có hiệu quả hay không?. Để làm rõ điều này cần làm rõ mối quan hệ giữa Bộ luật Dân sự và các luật chuyên ngành liên quan đến sở hữu tài sản. 

 

 

Link nội dung: https://phapluatbanquyen.phaply.vn/the-che-hoa-quyen-so-huu-tai-san-cua-ca-nhan-to-chuc-a8.html