Phương Tây có thể áp lệnh trừng phạt công nghệ nào với Nga?

Khi Nga tiến hành hoạt động quân sự vô tiền khoáng hậu đối với Ukraine, lãnh đạo thế giới đang cân nhắc các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước này.

Ngày 24/2, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EU) Ursula von der Leyen cho biết EU chuẩn bị trình gói “cấm vận có chủ đích và khổng lồ” đến các lãnh đạo châu Âu để phê duyệt.

anh-1645767429.jpg
Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: NYT)

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết có thêm nhiều biện pháp trừng phạt sau khi Nga có hành động quân sự với Ukraine. Theo tổ chức The Atlantic Council, một lệnh cấm vận kinh tế tiềm năng là Quy định Sản phẩm trực tiếp nước ngoài (FDPR), quy định từng được Mỹ sử dụng để cản bước Huawei năm 2019 và hạn chế khả năng mua hoặc dùng công nghệ xuất xứ Mỹ.

Các biện pháp trừng phạt có thể bao gồm chặn đứng khả năng tiếp cận công nghệ then chốt như bán dẫn hay dịch vụ gắn liền với thanh toán quốc tế SWIFT. Tất cả đều có thể gây hậu quả lên nền kinh tế Nga.

Cấm vận bán dẫn

Chip chính là huyết mạch của thế giới hiện đại. Được sử dụng trong mọi thứ, từ điện thoại di động, máy tính đến xe hơi, hệ thống tên lửa, bán dẫn chính là bộ não trong các thiết bị điện tử ngày nay. Nếu không thể có được một số loại chip nhất định, các hãng xe và công ty quốc phòng của Nga sẽ gặp khó khăn.

Theo hãng thông tấn RIA, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố sẽ đáp trả đòn trừng phạt của Mỹ.

Ông Abishur Prakash, đồng sáng lập Trung tâm Đổi mới vì tương lai, dự đoán khả năng cao phương Tây sẽ cố gắng chặn nguồn cung chip với Nga. “Do vòng cấm vận đầu tiên hướng tới lĩnh vực tài chính của Nga, vòng tiếp theo rất có thể nhằm vào quân đội và kinh tế, đặt bán dẫn ở “hồng tâm””.

Các gã khổng lồ chip Mỹ bao gồm Nvidia, Intel, AMD, GlobalFoundries, còn tại châu Âu có Infineon và STMicro. Đài Loan có TSMC và Hàn Quốc có Samsung. Nếu Nga không thể sử dụng sản phẩm của các hãng này, họ phải quay sang các hãng chip Trung Quốc như SMIC, nơi sản xuất bán dẫn lạc hậu hơn.

CEO hãng sản xuất ô tô Avtovaz của Nga cho biết đang tìm kiếm nguồn cung chip mới.

Tuy nhiên, Nga cũng có thể làm tổn thương các công ty bán dẫn phương Tây, vốn dựa vào nguyên vật liệu của Nga để sản xuất. Theo ông Prkash, nếu Nga cấm xuất khẩu linh kiện và vật liệu bán dẫn, doanh nghiệp công nghệ nước ngoài sẽ rơi vào tình thế khó khăn. Nó buộc họ phải nhanh chóng định hướng lại chuỗi cung ứng, làm các quốc gia rời xa nhau.

Thanh toán toàn cầu

Nói về thanh toán toàn cầu, Tổng thống CH Séc Milos Zeman ngày 24/2 nói rằng Nga nên bị cắt đứt khỏi mạng lưới thanh toán quốc tế SWIFT. SWIFT là mạng lưới nhắn tin mà các tổ chức tài chính dùng để chuyển tiền cho nhau hoặc trao đổi thông tin. Tuy nhiên, Reuters đưa tin, tại thời điểm hiện tại, EU chưa tính tới biện pháp này.

Chris Weafer, CEO hãng tư vấn Macro-Advisory, nhận xét việc loại Nga khỏi hệ thống SWIFT sẽ gây hiệu ứng “lâu dài và vô cùng nghiêm trọng” đến kinh tế trong nước và cả châu Âu.

“Hãy nhớ rằng hầu hết năng lượng và nguyên vật liệu của Nga xuất sang châu Âu, Mỹ và các quốc gia khác. Họ phải được thanh toán và đang được thanh toán bằng hệ thống SWIFT”, ông Weafer nói trên CNBC. “Vì vậy, Nga tuyên bố sẽ không cắt nguồn cung năng lượng vì lí do chính trị, song nếu các nguồn cung ấy không được trả tiền, các bạn sẽ thấy một sự gián đoạn năng lượng tại những thị trường này. Do đó, đây là hành động cực đoan sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, không chỉ với Nga mà cả châu Âu và kinh tế toàn cầu nếu xuất khẩu dừng lại”.

Vì lý do nói trên, ông Weafer tin rằng SWIFT nên được xem là biện pháp trừng phạt cuối cùng.

Link nội dung: https://phapluatbanquyen.phaply.vn/phuong-tay-co-the-ap-lenh-trung-phat-cong-nghe-nao-voi-nga-a837.html