Làm thế nào để quản lý tốt tài sản trí tuệ? 2 bài học kinh nghiệm từ Viettel

(PLBQ) – Kế hoạch quản lý và khai thác tài sản trí tuệ (TSTT) đóng vai trò quan trọng thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm môi trường đầu tư cũng như duy trì lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Quản lý tài sản trí tuệ không tốt gây ra nhiều hệ lụy cho doanh nghiệp, đặc biệt là trong vấn đề thu hút đầu tư. Tuy nhiên, trên thực tế triển khai các doanh nghiệp vẫn chưa thực sự chú trọng và gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Hiểu về lợi ích của tài sản trí tuệ

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang dần hình thành và lan rộng trên toàn cầu, khi công nghệ là một trong những yếu tố tiên phong và chi phối nền kinh tế, không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng và giá trị của tài sản trí tuệ trong các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế hiện đại nói chung.

Tài sản trí tuệ hiện đang chiếm một tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu giá trị của một doanh nghiệp. Chỉ một vài thập kỷ trước đây, tài sản hữu hình vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu giá trị của các doanh nghiệp. Điển hình như ở Hoa Kỳ, trước đây tài sản hữu hình trong doanh nghiệp chiếm tới 80%. Tuy nhiên đến nay, về cơ bản đã có sự đảo ngược. Theo số liệu thống kê, tỷ lệ giá trị tài sản trí tuệ (một loại tài sản vô hình) trung bình chiếm trên 65% tổng giá trị tài sản trong các công ty thuộc top 500 Fortune, thậm chí hơn 90% đối với một số công ty trong nhóm. Sở hữu trí tuệ cũng đem lại trung bình lên đến 40% doanh thu cho doanh nghiệp và thường không được thể hiện trong các báo cáo tài chính.

tai-san-tri-tue-ngay-cang-dong-vai-tro-chu-chot-1646362416.jpg
Tài sản trí tuệ ngày càng đóng vai trò chủ chốt trong cơ cấu tài sản của doanh nghiệp

Hiện nay, tại Việt Nam tài sản trí tuệ cũng được lập thành chương trình để phát triển trên quy mô toàn quốc. Ngày 24/12/2020, Thủ tướng Chính Phủ đã ban hành Quyết định số 2205/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển trí tuệ tại Việt Nam đến năm 2030. Theo đó, Chương trình đặt ra mục tiêu tăng trưởng về bằng sáng chế, nhãn hiệu và phát triển bền vững tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp. Việc tập trung đầu tư tài sản trí tuệ được coi là mục tiêu kinh tế quan trọng trong bối cảnh đất nước dần suy giảm các nguồn lực tài sản hữu hình.

Tuy nhiên, đầu tư tài sản trí tuệ cũng đi kèm với hoạt động quản lý tài sản trí tuệ để giúp chúng đem lại lợi ích theo kỳ vọng cho doanh nghiệp. Trong loạt chương trình truyền hình thực tế “Shark Tank”, những nhà đầu tư mạo hiểm như Kevin O'Leary háo hức hơn nhiều khi đầu tư vào các công ty có bằng sáng chế hoặc đổi mới đang chờ cấp bằng sáng chế. "Tại sao tôi không thể tự mình đi làm cái này?" là câu hỏi thường được các "shark" hỏi. Những doanh nhân này hiểu rằng việc bảo vệ sở hữu trí tuệ là điều cần thiết đối với bất kỳ doanh nghiệp nào có hy vọng tạo ra lợi nhuận từ một ý tưởng hoặc sáng chế ban đầu. Nếu không có nó, họ sẽ có nguy cơ bị cạnh tranh từ những đối thủ lớn hơn, những người có thể đánh cắp ý tưởng của họ với hy vọng giành được một miếng bánh thị phần.

Ở Việt Nam, cũng có những doanh nghiệp lớn mạnh nhờ việc quản lý tốt tài sản trí tuệ của mình. Diana – một thương hiệu nổi tiếng về băng vệ sinh phụ nữ ở Việt Nam, từng đạt được nhiều thành tựu trên thị trường trước khi được Unicharm Nhật Bản mua lại vào năm 2011. Trong giai đoạn phát triển, công ty đã mạnh dạn đầu tư vào dây chuyền sản xuất, công nghệ cũng như nghiên cứu các sản phẩm mới nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng. Nhờ đó, công ty được định giá bán 4000 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận của năm 2010 chỉ vỏn vẹn là 40 tỷ đồng. Có thể thấy, việc định giá doanh nghiệp không chỉ nằm ở doanh thu, lỗ hay lãi mà nằm ở chính lợi ích mà tài sản trí tuệ của doanh nghiệp đó có thể đem lại trong tương lai.

Doanh nghiệp Việt chưa chủ động quản lý tài sản trí tuệ

Để kiếm được tiền từ tài sản trí tuệ, trước hết, các nhà kinh doanh phải xác định được tài sản đó là gì, đang như thế nào, nó tồn tại ở đâu trong hoạt động kinh doanh của mình. Sau khi đã xác định được tài sản trí tuệ, hoạt động tiếp theo cần làm được đó là phải quản lý chúng. Có được tài sản trí tuệ mà không quản lý được thì cũng giống như việc để tài sản trong nhà mà không có khóa, ai cũng có thể lấy được, sử dụng vào mục đích riêng của mình, sẽ gây thiệt hại cho doanh nghiệp/chủ sở hữu tài sản, đồng thời làm giảm giá trị của tài sản trí tuệ, giảm thu hút đầu tư.

Quản lý tài sản trí tuệ của doanh nghiệp đòi hỏi phải xác định và phân loại các sản phẩm trí tuệ, từ đó áp dụng các biện pháp quản lý/ bảo hộ phù hợp nhằm đảm bảo quyền sở hữu đối với sản phẩm đó trước khi đưa ra thị trường. 

Tuy nhiên, tại Việt Nam, có lẽ ngoại trừ các startup trong lĩnh vực công nghệ, nhiều doanh nghiệp vẫn coi thường vấn đề quản lý tài sản trí tuệ của mình. Điều này được thể hiện thông qua số lượng đơn đăng ký bảo hộ và giấy chứng nhận đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ còn thấp so với số lượng doanh nghiệp trên toàn quốc. Tính đến cuối năm 2021, có khoảng 850 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, trong khi đó, số lượng đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chỉ xấp xỉ 55 nghìn đơn và đơn đăng ký bảo hộ SHCN chỉ khoảng gần 4 nghìn.

Tại Việt Nam, có lẽ ngoại trừ các startup trong lĩnh vực công nghệ, nhiều doanh nghiệp vẫn coi thường vấn đề quản lý tài sản trí tuệ của mình. Điều này được thể hiện thông qua số lượng đơn đăng ký bảo hộ và giấy chứng nhận đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ còn thấp so với số lượng doanh nghiệp trên toàn quốc. Tính đến cuối năm 2021, có khoảng 850 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, trong khi đó, số lượng đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chỉ xấp xỉ 55 nghìn đơn và đơn đăng ký bảo hộ SHCN chỉ khoảng gần 4 nghìn.

Nguyên nhân của vấn đề này một phần có thể do tài sản trí tuệ không mang lại lợi ích tức thì cho doanh nghiệp, phần khác có thể do chủ doanh nghiệp và người điều hành chưa xác định được tài sản trí tuệ hiện có trong công ty mình để có biện pháp quản lý phù hợp.

Điều này gián tiếp tiếp tay cho hoạt động ‘ăn cắp’ tài sản trí tuệ, làm giả, làm nhái các sản phẩm, hàng hóa, thương hiệu trên thị trường. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận hàng nghìn vụ việc tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt có những vụ việc xâm phạm và bị xử phạt lên tới vài tỷ đồng. Dù vậy, những vụ việc được phát giác xử lý cũng chỉ là phần nổi của tảng băng, vẫn còn tồn tại rất nhiều các hoạt động vi phạm khác được diễn ra thường xuyên trên thị trường.

Việc quản lý tài sản trí tuệ không tốt gây ra nhiều hệ lụy cho doanh nghiệp, đặc biệt là trong vấn đề thu hút đầu tư. Điển hình là vụ việc tranh chấp giữa PHINN Café và tập đoàn Vinacafe. Ban đầu, PHINN café được nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu bởi anh Phạm Lê Tuấn Nghĩa. Mặc dù chưa được cấp giấy chứng nhận nhưng anh Nghĩa đã thực hiện hoạt động kinh doanh với nhãn hiệu, logo đã đăng ký. Sau đó, Vinacafe cũng nộp đơn đăng ký nhãn hiệu “Cafe đen hòa tan có đường – PHINN café uống liền” khiến hai bên xảy ra tranh chấp về nhãn hiệu PHINN café. Kể từ đó vụ việc tranh chấp diễn ra suốt 5 năm trời, khiến cho sau này thương hiệu PHINN café của anh Nghĩa đánh mất nhiều cơ hội nhận được đầu tư để phát triển.

anh-2-1646362500.jpg
Nhìn từ vụ tranh chấp PHINN café: Bài học cho các Doanh nghiệp cần thận trọng trong việc quản lý tài sản trí tuệ. Bởi việc quản lý tài sản trí tuệ không tốt gây ra nhiều hệ lụy cho doanh nghiệp, đặc biệt là trong vấn đề thu hút đầu tư

Làm thế nào để quản lý tốt tài sản trí tuệ? 2 bài học kinh nghiệm từ Viettel

Trải qua hơn một thập kỷ đầu tư cho việc nghiên cứu và phát triển các bằng sáng chế về công nghệ, Viettel đã có bước chuyển mình mạnh mẽ từ nhà sản xuất thiết bị đến tập đoàn viễn thông công nghệ lớn mạnh nhất ở Việt Nam. Năm 2021, Viettel cũng là doanh nghiệp được định giá cao nhất Việt Nam, với trị giá 8,758 tỷ USD, theo Brand Finance. Hai bài học chúng ta có thể rút ra từ công tác quản lý tài sản trí tuệ của Viettel:

Xác định tài sản trí tuệ cốt lõi và xây dựng chương trình phát triển.

Xác định doanh nghiệp vừa nghiên cứu vừa vận hành khai thác nền tảng công nghệ để kinh doanh, Viettel đã mạnh dạn chi tiêu ngân sách cho việc mua máy móc, thiết bị, phần mềm phục vụ cho quá trình nghiên cứu. Đến nay, phòng nghiên cứu của Viettel có những trang thiết bị hiện đại không thua kém bất cứ quốc gia nào trong khu vực.

Bên cạnh đó, nhằm khuyến khích nhân viên nỗ lực phát triển tài sản trí tuệ. Năm 2020, Viettel cũng ban hành quyết định trao thưởng cho các phát minh, sáng chế phục vụ hoạt động kinh doanh của tập đoàn. Trong đó, đặc biệt là phần thưởng giá trị lên đến 100 triệu đồng/ bằng sáng chế được bảo hộ ở Hoa Kỳ.

Bảo hộ sớm quyển sở hữu trí tuệ.

Việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm công nghệ cao được Viettel chú trọng ngay từ thời điểm bắt tay vào nghiên cứu. Trong cuộc cạnh tranh trên thị trường, nếu như không nắm trong tay quyền sở hữu thì cũng đồng nghĩa với việc mất đi vị thế cạnh tranh trên thị trường. Do đó, cùng với kế hoạch nghiên cứu và phát triển sáng chế về công nghệ, Viettel luôn rất ‘chủ động’ đối với hoạt động bảo hộ trong nước cũng như quốc tế.

Trong năm 2021, theo ghi nhận của Cục Sở hữu trí tuệ, Viettel cũng là doanh nghiệp sở hữu số lượng bằng sáng chế cao nhất Việt Nam, với 39 văn bằng sáng chế đã được cấp phép. Không chỉ được cấp phép bảo hộ tại Việt Nam, Viettel hiện đang sở hữu 08 văn bằng sáng chế độc quyền do Cơ quan Quản lý Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) cấp phép. Đây vừa là thành tựu của doanh nghiệp vừa đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển lâu dài của doanh nghiệp trên thị trường.

Thay lời kết

Tài sản trí tuệ sẽ là tương lai của nền kinh tế thị trường ở Việt Nam. Để đạt được mục tiêu phát triển tài sản trí tuệ, có rất nhiều việc mà doanh nghiệp phải làm. Trong bài viết tiếp theo tác giả sẽ phân tích về các khó khăn của doanh nghiệp trong việc quản lý tài sản trí tuệ cũng như vấn đề pháp lý và giải pháp mà doanh nghiệp cần lưu ý.

Khắc Vinh

Link nội dung: https://phapluatbanquyen.phaply.vn/lam-the-nao-de-quan-ly-tot-tai-san-tri-tue-2-bai-hoc-kinh-nghiem-tu-viettel-a857.html