Liên đoàn Robots quốc tế (International Federation Robots – viết tắt IFR) dự đoán về nhu cầu Robots trong lĩnh vực dịch vụ đã đạt quy mô 6,7 tỷ đô la trong năm 2021, tăng 12% so với năm 2020. Nói riêng về Robots trong nghiệp vụ di chuyển đồ ăn uống, thuốc men, tuần tra trong bệnh viện, khách sạn... đã đạt doanh số 249 triệu đô la và đang tăng trưởng mạnh trước nhu cầu chống đỡ dịch Covid-19 trên toàn cầu.
Các Robot thuộc nhóm tự động di chuyển trong ngành y tế, khách sạn, thực hiện các tác vụ chuyên nghiệp, giảm thiểu sự tiếp xúc của con người như: tuần tra để theo dõi tình hình bệnh nhân, vệ sinh – khử khuẩn tự động giúp người lao động hạn chế tiếp xúc hóa chất diệt khuẩn, đem đồ ăn, thuốc men đến với bệnh nhân/khách hàng... Điều này đang trở nên phổ biến với các nước đang phát triển vốn thiếu hụt nguồn nhân lực lao động như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Pháp,... hoặc sự thích thú đối với khách hàng tại các nhà hàng cao cấp.
Đã có nhiều thời gian làm việc tại nước ngoài và nắm rõ xu hướng phát triển của Robotics, nữ doanh nhân Trần Thị Ngọc Hoa, Giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn Phát triển & Chuyển giao Công nghệ cao Châu Á Thái Bình Dương (APT Corp) đã cùng cộng sự âm thầm nghiên cứu, phát triển giải pháp Robotics “Made In Vietnam” (được sản xuất bởi Việt Nam).
Theo bà Hoa, trong ngành Robotics, một sản phẩm Robots đòi hỏi sự kết hợp của: một là phần cứng gồm bản mạch điều khiển, các thiết bị cơ điện, cảm biến, bộ phận di chuyển và vỏ bọc; hai là phần mềm gồm hệ thống điều khiển cơ điện tử và giao diện tương tác với con người. Một sản phẩm Robots thông minh đòi hỏi không chỉ về tính năng cơ khí, điện tử mà còn có giao diện thân thiện, gần gũi, dễ sử dụng, dễ bảo trì, khả năng nhận biết tín hiệu điều khiển đa dạng như cảm biến, giọng nói,…
Việc phát triển một sản phẩm Robots hoàn thiện tại Việt nam là không hề dễ dàng trong hoàn cảnh công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, công nghệ in 3D vẫn còn rất mới, việc tạo ra mẫu vẫn còn nhiều chông gai. Điều này đòi hỏi sự am hiểu trong việc thiết kế, thiết lập với các nhà sản xuất có kinh nghiệm và uy tín từ các nhà máy chuyên dụng ở Thái Lan, Ấn Độ, Hàn Quốc,.. cũng như đội ngũ lập trình của Việt Nam. Với hơn 30 nhân sự kỹ sư có đam mê, năng lực học hỏi nhanh, sáng tạo nên các mẫu Robots của APT Corp tuy vẫn còn trong giai đoạn phát triển nhưng cũng đã nhận được sự quan tâm của khách hàng quốc tế.
Bà Hoa cho biết, hồi đầu 2021, đã có các đối tác từ Nhật đang vận hành hơn 100 Viện dưỡng lão có nhu cầu dùng Robots để di chuyển đồ ăn, thức uống hàng ngày cho các cụ cao tuổi, thực hiện các tác vụ vệ sinh chuyên dụng. Họ đã tìm kiếm đơn vị cung cấp từ nhiều nơi như Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan và nhận thấy Việt Nam sẽ có thể là nhà cung cấp tiềm năng nên tiếp xúc và đàm phán cùng APT Corp. Quá trình đàm phán với doanh nghiệp Nhật không hề dễ dàng và thường kéo dài rất lâu để thẩm định, đánh giá. Nắm rõ tâm lý khách hàng, bà Hoa chia sẻ: “Chúng tôi xác định phải rất cởi mở, chân thành, ưu tiên tập trung đội ngũ kỹ thuật xây dựng sản phẩm đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, vì khi đã chinh phục được một khách hàng ở Nhật, cơ hội của chúng tôi tại cường quốc Top 3 Thế giới này là rất lớn với lượng dân số cao tuổi đã quá 20 triệu người”.
May mắn đã mỉm cười với APT Corp khi khách hàng quyết định chọn hợp tác và đã ký hợp đồng triển khai dự án hơn 500 Robots vào giữa năm 2021. Tuy nhiên, đơn hàng ký xong thì lại đúng lúc Covid-19 đợt 4 bùng phát, nhân sự phải làm việc tại nhà, khách hàng cũng chùn tay trong việc “xuống tiền” nên việc triển khai bị đình trệ.
Mãi đến cuối năm 2021, khi tình hình kiểm soát dịch bệnh đã dần ổn định, khách hàng mới bắt đầu xúc tiến chuyển tiền. Bà Hoa bật mí “Cũng còn vài tháng nữa mới hoàn tất cấu hình, bàn giao cho khách hàng, nhưng chúng tôi thật sự rất vui bởi những con Robot với trí tuệ Việt Nam đã có thể đáp ứng nhiều yêu cầu phức tạp của khách hàng”. Tuy chưa tiết lộ con số cụ thể về doanh thu, nhưng bà Hoa cùng đội ngũ kỹ sư Việt Nam đang góp phần thúc đẩy một lĩnh vực công nghệ mới mà người Việt Nam có thể phát triển và đưa ra phục vụ thị trường nước ngoài và trong nước.
Trước đó, năm 2019, công ty OmniLabs của Tiến sĩ Vũ Duy Thức, thành lập tại Mỹ, đã phát triển thành công sản phẩm Robots chuyên chăm sóc người cao tuổi, góp phần tạo nên niềm tự hào Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới. Ngoài ra, Công ty TNHH công nghệ và tự động hóa ROSTEK đã giành giải Nhất tại cuộc thi Thử thách đổi mới sáng tạo Qualcomm Việt Nam (QVIC 2021) với sản phẩm xe tự hành dẫn đường tự động (AGV). Có thể nói sân chơi công nghệ Robots đang trở nên ngày càng hấp dẫn với thế hệ trẻ Việt Nam!
Nguyễn An
Link nội dung: https://phapluatbanquyen.phaply.vn/nhieu-co-hoi-cho-nganh-robotics-viet-a896.html