WTO giảm mạnh dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2022

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã giảm đáng kể dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu trong năm nay, chủ yếu do ảnh hưởng từ xung đột quân sự Nga – Ukraine và các biện pháp trả đũa kinh tế lẫn nhau giữa phương Tây và Nga.

tau-container-1649149750.jpg
WTO đã giảm mạnh dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu trong năm nay xuống chỉ còn 2,5% (Ảnh: Business Insider)

Dưới tác động của cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine và biện pháp trả đũa lẫn nhau giữa phương Tây và Nga, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã giảm mạnh dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu trong năm nay xuống chỉ còn 2,5%. Con số này thấp hơn rất nhiều so với mức dự báo tăng 4,7% được WTO đưa ra trước đây. Hoạt động thương mại quốc tế còn chịu ảnh hưởng tiêu cực từ tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu vốn xảy ra từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, theo Tổng giám đốc WTO bà Ngozi Okonjo-Iweala.

Mặc dù tổng hoạt động thương mại của Russia và Ukraine chỉ chiếm 2,5% tổng thương mại quốc tế nhưng hai quốc gia này lại chiếm vị trí rất quan trọng trong một số lĩnh vực. Bùng nổ xung đột quân sự Nga – Ukraine đã khiến giá hàng loạt hàng hoá, nguyên liệu thô tăng mạnh như khí đốt, dầu mỏ, ngũ cốc, dầu thực vật, phân bón…  

Bà Ngozi Okonjo-Iweala nhận định nền kinh tế toàn cầu “đang đối mặt với một số hậu quả nghiêm trọng” từ cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine và cảnh báo rủi ro một cuộc khủng hoảng lương thực trên quy mô toàn cầu đang ngày càng trở nên hiện hữu hơn do thiếu hụt ngũ cốc, giá phân bón tăng, chi phí vận chuyển tăng vọt…

Dữ liệu của Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế cho thấy Ukraine sẽ là quốc gia xuất khẩu ngô lớn thứ ba thế giới và quốc gia xuất khẩu lúa mì lớn thứ tư thế giới trong niên vụ 2021/2022. Trong khi đó, Nga hiện là quốc gia xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới. Các xung đột quân sự giữa Nga – Ukraine cũng khiến hoạt động vận chuyển dầu hướng dương gặp nhiều khó khăn. Ukraine hiện chiếm 46,9% tổng lượng dầu hướng dương xuất khẩu toàn cầu và Nga chiếm 29,9%.

Tình trạng thiếu hụt nguồn cung ngũ cốc, dầu thực vật sẽ khiến áp lực lạm phát tăng cao trên toàn cầu. Giá lương thực hiện được xem là mối quan tâm lớn thứ 2 tại nhiều quốc gia, chỉ sau những thiệt hại về kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra. Tại nhiều quốc gia châu Phi, giá lương thực đã tăng vọt 20% - 50% trong tháng vừa qua.

Đối với các mặt hàng năng lượng, mặc dù giá dầu thô đã điều chỉnh giảm nhiều so với mức cao kỷ lục 128 USD/thùng hồi đầu tháng 3/2022 nhưng vẫn ở mức cao khi nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu phục hồi mạnh và thiếu hụt nguồn cung từ Nga cũng như các quốc gia sản xuất dầu thô lớn khác. Tương tự, giá khí đốt tiếp tục neo ở mức cao khi hàng loạt quốc gia châu Âu đối mặt nguy cơ gián đoạn nguồn cung từ Nga.

Chí phí năng lượng đầu vào tăng cao đã khiến nhiều lĩnh vực sản xuất trên thế giới, đặc biệt tại châu Âu, chịu ảnh hưởng tiêu cực như luyện kim, sản xuất hoá chất – phân bón.

Giới quan sát cũng tập trung đánh giá mức độ ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt phương Tây nhắm vào lĩnh vực khai khoáng của Nga. Nga hiện là nhà cung cấp nhiều kim loại công nghiệp thiết yếu. Đơn cử, lượng palladium xuất khẩu của Nga chiếm tới 40% tổng lượng xuất khẩu toàn cầu của kim loại này. Palladium đóng vai trò quan trọng trong sản xuất các bộ chuyển đổi xúc tác giảm khí phát thải và sản xuất pin trong xe điện.

Link nội dung: https://phapluatbanquyen.phaply.vn/wto-giam-manh-du-bao-tang-truong-thuong-mai-toan-cau-nam-2022-a927.html