Ngày 21/4, Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) đã tổ chức Lễ hưởng ứng ngày Đổi mới sáng tạo (ĐMST) Quốc gia và Sở hữu trí tuệ Thế giới năm 2022.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, Bộ kHCN nhận định: “KHCN và ĐMST được xác định là động lực và nền tảng trong phát triển KT-XH của mọi quốc gia”.
Bộ trưởng Bộ KHCN, ông Huỳnh Thành Đạt
Tầm nhìn dài hạn
Theo đó, ở Việt Nam, quan niệm thúc đẩy và phát triển ĐMST đã được thể hiện trong nhiều văn kiện của Đảng và chính sách của Nhà nước. Đồng thời đang được triển khai và thực hiện rất tích cực.
Đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển KT-XH, KHCN và ĐMST cần tăng cường, đẩy mạnh hơn nữa những hoạt động nhằm tôn vinh, ghi nhận thành tựu KHCN và ĐMST. Qua đó, nâng cao nhận thức của cộng đồng về KHCN, ĐMST.
Với nhận thức đó, trong nhiều năm qua, Bộ KHCN luôn tích cực tổ chức chương trình nhân ngày Sở hữu trí tuệ Thế giới 26/4 hằng năm và nhận được nhiều sự quan tâm từ các tổ chức trong, ngoài nước.
Năm nay, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, lần đầu tiên Việt Nam tổ chức ngày ĐMST Quốc gia nhằm hưởng ứng ngày kỷ niệm chung của toàn thế giới 21/4 với thông điệp: “Sở hữu trí tuệ, ĐMST và thế hệ trẻ: Vì một tương lai tốt đẹp hơn".
Từ đó, ông bày tỏ mong muốn, với chuỗi sự kiện hướng tới ngày KHCN 18/5 này, hy vọng Bộ KHCN có thể chia sẻ, nâng tầm nhận thức về vai trò của ĐMST và sở hữu trí tuệ trong phát triển KT-XH một cách bền vững. Đặc biệt là những dự án ĐMST do lớp trẻ dẫn dắt.
Mặt khác, đây cũng là cơ hội để tăng sự gắn kết của các nhà khoa học với doanh nghiệp, Nhà nước và xã hội để phát triển KHCN ĐMST một cách toàn diện, tôn vinh trí tuệ và tinh thần ham mê lao động của con người Việt Nam.
Bộ trưởng cho biết thêm, hiện nay Việt Nam đang chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng dựa vào vốn và lao động sang mô hình tăng trưởng dựa trên KHCN, ĐMST.
“Đây là mục tiêu dài hạn, cần sự vào cuộc và chung tay của các Ban, Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, toàn xã hội trong ứng dụng KHCN, thúc đẩy ĐMST", ông nhấn mạnh.
5 kiến nghị chính sách thúc đẩy ĐMST
Theo ông Peter Willimott, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vô cùng phức tạp và có nhiều tác động khó lường, ảnh hưởng lớn đến kinh tế-xã hội, KH&CN và đổi mới sáng tạo trên toàn cầu, việc Việt Nam vẫn duy trì được vị trí trong nhóm 50 quốc gia dẫn đầu là nỗ lực rất lớn.
“Covid làm gia tăng những điểm còn tồn tại vốn có của KT-XH, song, lại thúc đẩy xu hướng số hoá toàn cầu diễn ra mạnh mẽ", ông cho biết.
Số liệu thống kê cho thấy, năm 2021, cùng với Thổ Nhĩ Kỳ (xếp thứ 41), Ấn Độ (46) và Philippines (51), Việt Nam là một trong 4 quốc gia có thu nhập trung bình được WIPO đánh giá là đang bắt kịp đà tăng chỉ số đổi mới sáng tạo của thế giới, với chỉ số đổi mới sáng tạo xếp thứ 44.
Thực tế cũng cho thấy, trong đại dịch, nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì được và phát triển tốt là minh chứng rõ nhất việc đầu tư đổi mới sáng tạo.
Ông Peter Willimott, đại diện WIPO
Đại diện WIPO nhận định thêm, trong một thế giới mới, nơi mà ĐMST đang diễn ra một cách nhanh chóng hơn, thì SHTT không chỉ còn là vấn đề pháp lý, đó còn phải là chất xúc tác để thúc đẩy các vấn đề về đầu tư, việc làm…
Theo đó, SHTT nên được mở rộng bao trùm các lĩnh vực và thành tố khác, thậm chí có thể tài trợ cho SHTT như một loại tài sản. Bởi vậy, ông đề xuất kiến nghị cho chính sách của Việt Nam nhằm thúc đẩy ĐMST quốc gia, đặc biệt ở lớp trẻ, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Trong đó, bao gồm năm kiến nghị chính.
Thứ nhất, cần có sự cam kết, đóng góp ý kiến xây dựng của tất cả các bên liên quan từ Chính phủ, doanh nghiệp, cho tới các tổ chức giáo dục, trường học trong việc đưa ra chương trình, chính sách thúc đẩy ĐMST.
Thứ hai, hệ thống giáo dục quốc gia từ cấp bậc tiểu học đến đại học cần có lộ trình và chương trình cụ thể để động viên, kêu gọi sức sáng tạo, khả năng đổi mới liên tục trong mỗi sản phẩm trí tuệ.
Thứ ba, các doanh nghiệp nhỏ và vừa nên đẩy mạnh việc đầu tư của mình vào nghiên cứu và phát triển, đồng thời ứng dụng ĐMST trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Từ đó, có thể hướng tới tương lai xuất khẩu những sản phẩm công nghệ đúng với cụm từ “Make in Vietnam".
Thứ tư, sẽ có một sức mạnh to lớn nếu các trường đại học và khối doanh nghiệp tư nhân tăng cường gắn kết, hợp tác cùng nhau qua các chương trình ĐMST, tìm kiếm nhân tài trong lĩnh vực này.
Cuối cùng, cơ quan quản lý nên những chương trình đào tạo dành riêng cho doanh nghiệp về những kiến thức chuyển đổi số, ĐMST để họ có đủ khả năng tận dụng hết những tinh tuý của thế giới số.
Link nội dung: https://phapluatbanquyen.phaply.vn/so-huu-tri-tue-khong-nen-don-thuan-chi-la-van-de-phap-ly-a948.html