Nga thông qua dự luật cấm đưa "bí mật ngân hàng" ra nước ngoài

Ngân hàng trung ương Nga sẽ không công bố báo cáo tài chính của các ngân hàng nước này trên trang web cho đến tháng 10, nhằm bảo vệ lĩnh vực tài chính quốc gia.

ạ viện Nga mới đây cho biết đã thông qua dự thảo luật cấm các ngân hàng nước này chia sẻ "bí mật ngân hàng" với người nước ngoài. Đây là một trong những động thái mới nhất của Moscow nhằm bảo vệ lĩnh vực tài chính quốc gia.

Giới chức trách thông báo công ty và ngân hàng Nga sẽ không được phép tiết lộ thông tin về chứng khoán đã phát hành và danh sách các nhà ký kết hợp đồng. Những tổ chức tín dụng nước này sẽ bị cấm cung cấp cho cơ quan chức năng nước ngoài thông tin về khách hàng và giao dịch, cũng như thông tin về người thụ hưởng và chủ sở hữu được hưởng lợi. Điều đó nhằm bảo vệ họ trước các biện pháp trừng phạt.

Tuyên bố của Hạ viện Nga cho biết đạo luật mới giúp giảm thiểu rủi ro liên quan đến việc các quốc gia “không thân thiện” thu thập thông tin mật của ngân hàng. Ngân hàng trung ương Nga sẽ không công bố báo cáo tài chính của các ngân hàng trên trang web cho đến tháng 10 năm nay. 

Các nhà lập pháp Hạ viện đã thông qua dự luật nhưng để nó có hiệu lực thì vẫn cần được Thượng viện thông qua và có chữ ký của Tổng thống Vladimir Putin, các bước này được xem như mang tính hình thức.

Thế giới - Nga thông qua dự luật cấm đưa 'bí mật ngân hàng' ra nước ngoài

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina (phải). Ảnh: TASS.

Một số ngân hàng Nga đã bị cấm tham gia hệ thống ngân hàng SWIFT như một phần các lệnh trừng phạt sâu rộng nhằm vào nước này liên quan đến xung đột tại Ukraine. Lệnh cấm đã cản trở hoạt động giao dịch xuyên biên giới của các hệ thống thương mại và tài chính Nga, khiến nước này bị cô lập về mặt kinh tế.

Moscow đã phản ứng bằng cách hướng đến giải pháp thay thế là Hệ thống chuyển thông điệp tài chính (SPFS). Nga bắt đầu phát triển SPFS vào năm 2014, trong bối cảnh Washington đe dọa ngắt kết nối quốc gia này khỏi SWIFT liên quan đến sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea.

Theo hãng tin Bloomberg, Ngân hàng trung ương Nga từng công bố danh sách những đối tượng sử dụng SPFS trên trang web nhưng gần đây đã ngừng hoạt động này. Ngân hàng viết qua một email trao đổi với Reuters: "Trong điều kiện hiện tại, chúng tôi đã quyết định không công bố danh sách các tổ chức được kết nối với SPFS. Tuy nhiên, danh sách này vẫn có sẵn cho những người sử dụng hệ thống".

Vào đầu tuần này, thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina cho biết hầu hết các ngân hàng Nga cùng 52 tổ chức nước ngoài từ 12 quốc gia đều có quyền truy cập vào SPFS. Theo một báo cáo vào tháng 3 của công ty bảo hiểm tín dụng Coface (Pháp), các ngân hàng từ Đức, Thụy Sĩ, Pháp, Nhật Bản, Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ và Cuba nằm trong số những đối tượng được kết nối với SPFS.

Chính phủ Ấn Độ đang xem xét đề xuất của Nga về việc sử dụng SPFS cho các khoản thanh toán bằng đồng rúp, theo Bloomberg đưa tin hồi tháng 3. Trong khi dầu mỏ của Nga hiện bị nhiều quốc gia phương Tây xa lánh, Ấn Độ đã mua dầu nước này với giá rẻ. Vào năm ngoái, dầu mỏ từ Nga chỉ chiếm 2% lượng dầu nhập khẩu của Ấn Độ.

Link nội dung: https://phapluatbanquyen.phaply.vn/nga-thong-qua-du-luat-cam-dua-bi-mat-ngan-hang-ra-nuoc-ngoai-a949.html