Chú trọng, bổ sung các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ: Nâng cao khả năng cạnh tranh và bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp

Những năm vừa qua, Việt Nam đã tích cực tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn được đánh giá là có ảnh hưởng nhiều tới nền kinh tế nói chung và hệ thống sở hữu trí tuệ (SHTT) nói riêng, như Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) năm 2018, Hiệp định Thương mại tự do giữa VN và Liên minh châu Âu (EVFTA) năm 2019.

Các FTA mới nâng cao mức bảo hộ quyền SHTT

Trong đó riêng về quyền SHTT, các FTA mới này đã nâng cao mức bảo hộ quyền SHTT vượt bậc so với chuẩn mực quốc tế phổ biến trước đó như Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Điều này đem lại những cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào sân chơi mới, nhưng ngược lại cũng gây không ít khó khăn nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Cam kết SHTT trong các FTA, dù thuộc các quy định chung, mức độ bảo hộ, hay biện pháp thực thi, đều thúc đẩy đổi mới và tăng cường chuyển giao, quảng bá công nghệ, từ đó đều có thể là các công cụ hỗ trợ đắc lực góp phần cho một thế giới ngày càng xanh hơn.

Ví dụ, sự minh bạch về quy trình hay cơ sở dữ liệu sáng chế giúp cho các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu có thể truy cập tới hàng triệu sáng chế, giải pháp hữu ích liên quan đến công nghệ xanh như giảm thiểu khí thải, tối ưu sản xuất, hạn chế tác động môi trường v.v., từ đó tiếp tục nghiên cứu, cải tiến trên cơ sở công nghệ sẵn có, hoặc tìm kiếm hợp tác, liên doanh, liên kết với chủ sở hữu sáng chế để xây dựng các nhà máy, công xưởng thân thiện với môi trường hơn.

Hay đối với người tiêu dùng, các biện pháp bảo hộ nhãn hiệu mạnh mẽ cũng góp phần giúp người tiêu dùng định vị được các nhãn hiệu của các nhà sản xuất thực sự đầu tư cho các sản phẩm thân thiện môi trường của mình (ví dụ thông qua việc tìm kiếm các nhãn hiệu liên quan đến "bio", "eco" hay "green", hay các nhãn hiệu chứng nhận, nhận hiệu tập thể liên quan đến quy trình sản xuất sạch và an toàn); hay quảng bá và bảo hộ hiệu quả các chỉ dẫn địa lý nổi tiếng với các sản phẩm nông sản sạch hay sản phẩm chế biến an toàn.

Hoặc đơn giản có thể là các biện pháp thực thi đầy đủ và hiệu quả giúp cho các chủ sở hữu có thể thu được lợi nhuận từ công sức và chi phí đầu tư bỏ ra, từ đó có thêm động lực để tiếp tục nghiên cứu, đầu tư những sản phẩm mới ngày một hiệu quả hơn, thân thiện với môi trường hơn.

Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), các FTA thế hệ mới đặt ra một số cam kết quốc tế cao hơn hoặc hoàn toàn mới so với quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam. Hơn nữa, việc gia tăng các cơ hội kinh tế trong bối cảnh thực thi các FTA cũng có thể tạo thêm “động lực” cho các doanh nghiệp và cá nhân xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Có thể nói, các cam kết về SHTT trong các FTA mới có tác động toàn diện đến hệ thống SHTT của Việt Nam.

Tăng bảo hộ sở hữu trí tuệ để tận dụng tốt hơn cơ hội từ các FTA.

Tăng bảo hộ sở hữu trí tuệ để tận dụng tốt hơn cơ hội từ các FTA.

Đẩy mạnh các biện pháp bảo vệ quyền SHTT

Vấn đề quyền SHTT được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đưa vào vòng đàm phán Uruguay năm 1986 với lý do quyền SHTT không phải là một vấn đề tách rời với hoạt động thương mại mà có quan hệ chặt chẽ với thương mại và phát triển kinh tế. Trước đó, vào cuối những năm 1980, sự bùng nổ của đầu tư quốc tế và kéo theo đó là hoạt động mua bán quyền SHTT diễn ra sôi động trên phạm vi toàn thế giới đã khiến các nhà hoạch định chính sách ở cấp quốc tế ngày càng nhận thức được vấn đề này. Điều đó đã dẫn đến thực tế là vấn đề quyền SHTT không dừng lại ở phạm vi lãnh thổ quốc gia mà ngày càng mang tính toàn cầu. Các tập đoàn đa quốc gia của các nước giàu bị tổn thất nhiều do quyền SHTT bị vi phạm nhiều ở các nước đang phát triển. Chính điều này thúc đẩy các nước phát triển xây dựng một cơ chế mang tính kiểm soát toàn cầu đối với vấn đề bảo hộ quyền SHTT.

Những hạn chế trong bảo hộ quyền SHTT có thể bóp méo nền thương mại của một quốc gia. Một quốc gia có hệ thống bảo hộ yếu (về bản quyền) sẽ tạo kẽ hở cho các doanh nghiệp sao chép bất hợp pháp băng đĩa, phần mềm máy tính, v.v... thay vì nhập khẩu các sản phẩm này với giá cao. Bên cạnh đó, việc kiểm soát hoạt động buôn bán qua biên giới một cách lỏng lẻo sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu các mặt hàng vi phạm và hàng giả. Nhà kinh doanh cũng có thể thay đổi phương án kinh doanh của mình do những hạn chế trong việc bảo hộ quyền SHTT.

Như vậy, hệ thống bảo hộ quyền SHTT yếu là một trong những lý do chính dẫn đến các hoạt động kinh doanh phi pháp và mang tính "chụp giật". Trong trường hợp ngược lại, một hệ thống bảo hộ quyền SHTT mạnh sẽ tạo điều kiện cho việc chuyên nghiệp hóa hoạt động kinh doanh, giảm thiểu rủi ro của quá trình kinh doanh và đó chính là tiền đề thúc đẩy sự phát triển của nền thương mại.

Nhà nước sẽ phải đầu tư lớn về mọi mặt, đặc biệt phải cải cách hệ thống pháp luật, tăng cường năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước về SHTT (Cục SHTT, Cục Bản quyền tác giả) các và các cơ quan thực thi, nhất là hải quan và tòa án phải được trang bị năng lực cần thiết, từ hạ tầng kỹ thuật, đến thượng tầng thông tin và đội ngũ cán bộ có chuyên môn nghiệp vụ…

Theo các chuyên gia kinh tế, việc chú trọng, bổ sung các quy định pháp luật về SHTT không chỉ có ý nghĩa đối với hội nhập quốc tế mà còn đối với công cuộc chuyển đổi số của quốc gia, nâng cao khả năng cạnh tranh và bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp tại thị trường trong và ngoài nước. Đặc biệt, trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam đang hướng tới phát triển nền kinh tế số, đòi hỏi các biện pháp bảo vệ quyền SHTT cần được quan tâm, đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới, nhất là đối với các sản phẩm hàng hóa được mua bán qua kênh thương mại điện tử, các sản phẩm kỹ thuật số khi mà chúng dễ bị sao chép và phát tán trên Internet. Ngoài ra, các quy định về SHTT được cải thiện sẽ thúc đẩy sự phát triển của các công nghệ của CMCN 4.0 như AI, blockchain, dữ liệu lớn... từ đó mở ra những cơ hội mới cho nền kinh tế Việt Nam.

Hiện nay, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam và một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đang được sửa đổi, bổ sung nhằm nội luật hóa các cam kết của Việt Nam trong các FTA, đặc biệt là trong CPTPP và EVFTA. Với việc sửa đổi, bổ sung này, doanh nghiệp Việt Nam chắc chắn sẽ được hưởng lợi từ một hệ thống pháp lý rõ ràng, minh bạch hơn trong xác lập quyền sở hữu trí tuệ và mạnh mẽ hơn trong thực thi quyền.

Một hệ thống pháp luật mạnh và minh bạch hơn như vậy chắc chắn sẽ thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ tại Việt Nam, góp phần tạo ra nhiều tài sản sở hữu trí tuệ có giá trị cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, để hệ thống pháp luật như vậy thực sự phát huy hiệu quả, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần nâng cao ý thức pháp luật nói chung và ý thức pháp luật về sở hữu trí tuệ nói riêng để đáp ứng những yêu cầu cao hơn về bảo hộ sở hữu trí tuệ theo các FTA này.

Link nội dung: https://phapluatbanquyen.phaply.vn/chu-trong-bo-sung-cac-quy-dinh-phap-luat-ve-so-huu-tri-tue-nang-cao-kha-nang-canh-tranh-va-bao-ve-loi-ich-cua-doanh-nghiep-a974.html