Theo Ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa , hiện nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã có 26 dự án du lịch nghỉ dưỡng đã triển khai với hơn 12.100 căn hộ du lịch và hơn 2.580 biệt thự du lịch (đặc biệt là Khu du lịch bán đảo Cam Ranh).
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, toàn Đảng bộ, toàn quân và toàn dân tỉnh Khánh Hòa đang ra sức thi đua, nỗ lực, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội đã đề ra, cụ thể:
+ Đến năm 2025: Khánh Hòa trở thành trung tâm kinh tế biển, trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của cả nước.
+ Đến năm 2030: Khánh Hòa phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, trở thành đô thị trực thuộc Trung ương.
+ Đến năm 2045: Khánh Hòa trở thành địa phương phát triển hiện đại, thu nhập bình quân của người dân Khánh Hòa thuộc nhóm các tỉnh, thành phố cao nhất cả nước.
Thị trường bất động sản du lịch là một trong những phân khúc thị trường có tốc độ phát triển nhanh và mạnh trong những năm gần đây và dự báo còn tiếp tục phát triển sôi động trong thời gian tới, đặc biệt là nhu cầu về du lịch bùng nổ và tăng đột biến sau thời kỳ hậu Covid – 19 ở cả khách du lịch trong nước và quốc tế.
Ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Pháp lý
Thời gian qua, chính sách, pháp luật về đất đai đã phát huy tốt vai trò ổn định và phát triển kinh tế, xã hội, song cũng đã bộc lộ những hạn chế nhất định, dẫn đến việc thực thi pháp luật còn có nhiều tồn tại, hạn chế và thậm chí là điểm nghẽn cần được xem xét, tháo gỡ, đặc biệt là hệ thống pháp lý còn chưa hoàn chỉnh đối với loại hình bất động sản du lịch.
Quá trình triển khai thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh BĐS du lịch với các căn hộ và biệt thự du lịch tại Khánh Hoà đã có những tồn tại, vướng mắc về pháp lý trong việc loại hình này chưa được định danh chính thức. Từ đó, Khánh Hoà gặp những khó khăn trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho người dân người mua các BĐS du lịch…
Cũng tại Hội Thảo các ĐBQH, nhà khoa học pháp lý đã đưa ra nhiều giải pháp chất lượng, xác đáng, phù hợp thực tiễn nhằm kiến nghị gỡ rối cho các dự án đã được đầu tư hàng trăm nghìn tỉ đồng đang “mắc kẹt”, đặc biệt phải có những giải pháp kịp thời bảo đảm hài hoà lợi ích giữa các bên doanh nghiệp, nhà đầu tư và Nhà nước. Trong đó, có 2 nhóm giải pháp chính được kiến nghị:
1. Nhóm giải pháp về hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật: theo đó cần sửa 6 luật ( Luật Đất đai; Luật Xây dựng; Luật KDBĐS; Luật Nhà ở; Luật Đầu tư và Luật Du lịch) hoặc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết chuyên đề để giải quyết ngay những tồn tại vướng mắc về pháp lý cho thị trường BĐS hiện nay.
2. Nhóm giải pháp về tổ chức thi hành: để giải quyết sớm những vấn đề cấp bách, có thể đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định “không đầu”, hoặc bổ sung vấn đề này vào quá trình sửa Nghị định hướng dẫn thi hành Luật đất đai hoặc Thông tư hoặc văn bản hướng dẫn để giải quyết ngay cho thị trường BĐS du lịch.
(Nguồn Truyền hình Quốc hội)