Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng và các giải pháp phòng ngừa

Trong thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng ở nước ta có những diễn biến hết sức phức tạp, gây thiệt hại không nhỏ về tài sản của Nhà nước, xã hội, công dân, cũng như tác động tiêu cực tới tình hình an ninh trật tự. Trong bài viết này, tác giả chỉ ra một số nguyên nhân của tình hình tội phạm tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng. Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.

 

anh-1a-1652934627.jpg

Phiên tòa xét xử Vụ án lừa đảo chiếm đoạt tải sản xảy ra tại Vietinbank - chi nhánh TP Hồ Chí Minh do Huỳnh Thị Huyền Như và đồng bọn thực hiện

Trong giai đoạn từ năm 2005 đến nay, lực lượng Cảnh sát kinh tế cả nước đã phát hiện, điều tra 932 vụ với 1.654 đối tượng, tài sản thiệt hại 26.362 tỷ đồng, khởi tố 575 vụ, 1.188 bị can, xử phạt hành chính 182 vụ, thu hồi cho Nhà nước trên 4.000 tỷ đồng. Tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng chủ yếu bị điều tra xét xử ở các tội danh như tham ô, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vi phạm quy định cho vay trong các tổ chức tín dụng…; Địa bàn xảy ra chủ yếu là thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Miền trung Tây Nguyên; Lĩnh vực xảy ra tội phạm chủ yếu là các ngân hàng thương mại cổ phần, ít xảy ra ở ngân hàng nước ngoài. Một số vụ án điển hình có thể kể đến như:

+ Vụ án lừa đảo chiếm đoạt tải sản do Huỳnh Thị Huyền Như - phó phòng quản lý rủi ro kiêm quyền Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh thực hiện. Đối tượng Huỳnh Thị Huyền Như đã làm giả con dấu, chữ ký của lãnh đạo Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh, móc nối với cán bộ ngân hàng, các doanh nghiệp và đối tượng ngoài xã hội để huy động vốn, lừa đảo chiếm đoạt hơn 4.900 tỷ đồng của 5 ngân hàng và 30 tổ chức, cá nhân.

+ Vụ án Nguyễn Đức Kiên - nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu, cùng một số đồng phạm nguyên là lãnh đạo Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, lũng đoạn chính sách tiền tệ, phá hoại nền kinh tế vĩ mô gây thiệt hại trên 1.600 tỷ đồng.

+ Vụ án Hà Văn Thắm - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đại Dương về tội vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động tín dụng, theo kết quả điều tra ban đầu ước tính gây thiệt hại lên đến hơn 18.000 tỷ đồng...

+ Vụ án Chu Ngọc Hải - cán bộ tín dụng Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk, lợi dụng sơ hở của lãnh đạo và cán bộ trong chi nhánh để lập khống 562 bộ hồ sơ của khách hàng vay vốn, chiếm đoạt hơn 114 tỉ đồng.

Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng có những diễn biến phức tạp xuất phát từ những nguyên nhân cơ bản sau đây:

Thứ nhất, ngân hàng là kênh quan trọng nhất thu hút và cung cấp vốn cho nền kinh tế. Bên cạnh những kết quả tích cực, hoạt động của hệ thống ngân hàng đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế như: không thực hiện nghiêm túc quy trình, quy chế, vi phạm quy trình kiểm tra, thẩm định trước khi cho vay, cho vay đảo nợ để che giấu nợ xấu, không thực hiện đúng quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng, đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận cán bộ ngân hàng xuống cấp nghiêm trọng, thậm chí tiếp tay, thông đồng với các đối tượng bên ngoài để chiếm đoạt tài sản của Nhà nước và nhân dân. Đây là một trong những nguyên nhân, điều kiện làm cho tội phạm diễn biến phức tạp.

Thứ hai, thời gian qua, hệ thống các Ngân hàng thương mại và các chi nhánh phát triển nhiều về số lượng, chưa chú trọng chất lượng, dẫn đến tình trạng có rất nhiều chi nhánh ngân hàng hoạt động trên một địa bàn nhỏ, cạnh tranh không lành mạnh, dễ dẫn đến vi phạm pháp luật. Một số ngân hàng thương mại cổ phần tăng trưởng tín dụng nóng bằng cách tăng lãi suất huy động vốn, chấp nhận rủi ro cao; tập trung cho vay vào lĩnh vực có lợi nhuận cao, nhưng nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán. Trong khi đó, công tác quản lý nhà nước, quản trị ngân hàng trong những năm qua chưa theo kịp sự phát triển nhanh về tổng tài sản và mạng lưới chi nhánh.

Thứ ba, công tác phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng còn nhiều tồn tại, bất cập. Quá trình phát hiện, điều tra các vụ án trong lĩnh vực ngân hàng chủ yếu xuất phát từ nguồn tin của một số cá nhân, tổ chức, đơn vị có quyền lợi bị ảnh hưởng, liên quan. Chưa có nhiều vụ việc được phát hiện, điều tra thông qua nguồn tin từ quần chúng nhân dân. Hoạt động mở rộng điều tra các vụ án trong lĩnh vực ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn.

Thứ tư, công tác điều tra các vụ án trong ngân hàng thường gặp nhiều cản trở, gây khó khăn, đối phó quyết liệt của các đối tượng. Một số ngân hàng thương mại lấy lý do bảo vệ khách hàng nên thường từ chối không cung cấp tài liệu, các thông tin liên quan đến vụ án, không phối hợp với cơ quan điều tra vì muốn che dấu các sai phạm của chính cán bộ ngân hàng, điều này đang gây khó khăn cho công tác phòng chống tội phạm kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng.

Thứ năm, xuất phát từ sự bao che, tiếp tay và những sai phạm trong công tác quản lý của đội ngũ lãnh đạo ngân hàng đã tạo điều kiện cho các đối tượng là những cán bộ các ngân hàng này thực hiện các hành vi phạm tội.

Như trong vụ án Chu Ngọc Hải - cán bộ tín dụng Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk, lợi dụng sơ hở của lãnh đạo và cán bộ trong chi nhánh để lập khống 562 bộ hồ sơ của khách hàng vay vốn, chiếm đoạt hơn 114 tỉ đồng. Trong vụ án này, Ngô Quốc Vinh, nguyên Giám đốc Chi nhánh Agribank Krông Bông đã có hành vi đưa ra chủ trương trái với quy định của Agribank Việt Nam, như: Cho cán bộ tín dụng được thực hiện giải ngân, thu nợ của khách hàng và quản lý hồ sơ vay vốn để Hải lợi dụng chiếm đoạt..., khi phát hiện việc Hải lập khống hồ sơ để chiếm đoạt tiền của ngân hàng nhưng Vinh không kịp thời báo cáo sự việc với cấp có thẩm quyền mà vẫn để cho Hải tiếp tục công tác và yêu cầu nộp tiền vào khắc phục hậu quả. Việc làm này của Vinh đã dẫn đến việc Hải tiếp tục dùng thủ đoạn thu tiền của các hộ dân vay vốn rồi chiếm đoạt hơn 3 tỉ đồng. Ngoài ra, Trần Thị Bích Hồng, Phó Giám đốc Agribank Krông Bông, Trưởng Ban kho quỹ, từ tháng 9/2001 đến hết tháng 07/2015; Tô Đắc Hải, Phó Giám đốc Agribank Krông Bông từ tháng 9/2015 đến tháng 5/2017 bị miễn nhiệm và 16 nhân viên, cán bộ Agribank Krông Bông khác cũng có hành vi "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" nên Hải mới dễ dàng thực hiện được hành vi chiếm đoạt số tiền rất lớn. 

Xuất phát từ những nguyên nhân, điều kiện trên, để nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng trong thời gian tới, cần chú trọng thực hiện một số nhóm giải pháp sau:

Một là, các lực lượng chức năng phải chủ động tổ chức các mối quan hệ phối hợp làm tốt công tác nắm tình hình địa bàn được giao tiến hành quản lý, trong đó cần chú ý nắm tình hình tài chính và năng lực hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng; Số lượng tổ chức tín dụng yếu kém. Nắm sát tình hình thanh khoản, nợ xấu, chấp hành các quy định về tỷ lệ tăng trưởng tín dụng, tỷ lệ an toàn vốn, trần lãi suất, tỷ giá, hoạt động đầu tư, kinh doanh vàng, ngoại hối...; đánh giá cho được thực chất tình hình vốn, tài sản, tình trạng sở hữu và vay nợ chéo giữa các tổ chức tín dụng; phương án cơ cấu lại từng tổ chức tín dụng như mua bán, sáp nhập, hợp nhất, giải thể...,

Hai là, khi đủ các căn cứ theo quy định, cần tập trung đấu tranh quyết liệt, xử lý nghiêm các hoạt động thâu tóm ngân hàng, lợi ích nhóm bất hợp pháp góp phần làm lành mạnh chính sách tiền tệ của quốc gia. So với tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng còn tiềm ẩn và diễn biến phức tạp hiện nay thì số vụ việc được phát hiện, đấu tranh chưa tương xứng. Một số vụ việc phức tạp kéo dài, bế tắc nhưng chậm được đánh giá, tổng kết để chuyển hướng giải quyết hiệu quả theo đúng quy định.

Ba là, khi tiến hành phát hiện, điều tra, xử lý các vụ án kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng kiên quyết, mềm dẻo, đáp ứng được các yêu cầu chính trị, pháp luật, nghiệp vụ, đặc biệt chú trọng công tác thu hồi tài sản thất thoát; đồng thời có kế hoạch bồi dưỡng nâng cao nhận thức chính trị, pháp luật, nghiệp vụ cho những lực lượng chức năng, không để các đối tượng dụ dỗ, lôi kéo, mua chuộc, tránh hiện tượng tiêu cực. Đối với các vụ án có tính chất phức tạp, lực lượng chức năng cần báo cáo, xây dựng kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các ngành tư pháp ngay từ đầu, thường xuyên báo cáo để xin ý kiến chỉ đạo của cấp ủy Đảng các cấp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới.

Bốn là, tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan chức năng hoàn thiện hệ thống các chính sách pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng. Trong những năm vừa qua, để đáp ứng yêu cầu hội nhập với đa dạng các thành phần kinh tế, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách ưu đãi, tạo điều kiện phát triển kinh tế đất nước, trong đó có những chính sách liên quan tới hoạt động của các ngân hàng. Lợi dụng những sơ hở trong những chính sách này, sự thiếu sót trong công tác quản lý cán bộ, các đối tượng đã gây ra những hậu quả, thiệt hại nghiêm trọng. Rõ ràng cơ quan chức năng cần kịp thời khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong các chính sách, quy định của pháp luật. Không để các đối tượng lợi dụng hoạt động phạm tội. Bên cạnh đó, cần có các quy định về việc đảm bảo xử lý thu hồi tài sản đạt hiệu quả cao.

Link nội dung: https://phapluatbanquyen.phaply.vn/tinh-hinh-toi-pham-va-vi-pham-phap-luat-trong-linh-vuc-ngan-hang-va-cac-giai-phap-phong-ngua-a994.html