Thế giới kỳ vọng về sáng kiến hộ chiếu vaccine

Một số quốc gia trên thế giới đang nghiên cứu và triển khai chương trình hộ chiếu vacine nhằm hướng tới mục tiêu tái khởi động các đường bay quốc tế, mở cửa biên giới và khơi thông du lịch.

Tờ Global Times dẫn tin, Trung Quốc hiện đang đàm phán với một số đối tác về việc công nhận chứng chỉ tiêm vaccine Covid-19 nhằm tạo cơ hội đi lại cho người dân giữa các nước. Hiện tại, 7 quốc gia thuộc liên minh châu Âu đã phát động hộ chiếu vaccine kỹ thuật số, cho phép người dân có thể tự do di chuyển trong khối này. Trong khi đó, Mỹ cũng đã áp dụng nới lỏng các hạn chế đi lại đối với hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm cả Nhật Bản trước thềm Thế vận hội Olympics diễn ra vào thời gian tới.

Hộ chiếu vaccine gồm có một mã QR được mã hóa cung cấp thông tin y tế của du khách. Ảnh: Getty

Hộ chiếu vaccine - Tấm vé lý tưởng cho kỳ nghỉ

Trong bối cảnh nhu cầu du lịch quốc tế gia tăng sau thời gian dài khủng hoảng vì dịch bệnh, nhiều quốc gia đang lên ý tưởng hộ chiếu vaccine nhằm kiểm chứng quá trình tiêm chủng và kiểm soát mức độ lây lan của dịch bệnh.

Theo Công ty Phần mềm Redpoint Global, khoảng 46% người dân Mỹ có kế hoạch đi du lịch trong mùa hè năm nay. Và một khi quốc gia này nới lỏng các hạn chế thì người dân sẽ có kế hoạch đi du lịch thường xuyên hơn. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết, dự kiến khoảng 48 triệu người dân nước này có kế hoạch đi du lịch sau khi đã tiêm chủng vaccine.

"Chúng tôi dự đoán số lượng người dân đi du lịch sẽ tăng mạnh trong mùa hè năm nay. Hộ chiếu vaccine là điều kiện để thúc đẩy tăng trưởng du lịch", ông John Nash – Giám đốc marketing của Repoint Global cho biết.

Theo ông Molly Fergus, Tổng Giám đốc trang web du lịch Tripsavvy, khái niệm hộ chiếu vaccine được hiểu rất đơn giản. Thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh, hộ chiếu vaccine xác minh tình trạng tiêm chủng và quá trình xét nghiệm Covid-19 của công dân.

Trang CNBC dẫn lời chính quyền Tổng thống Biden rằng, Mỹ chưa có kế hoạch cấp hộ chiếu vaccine hay giấy chứng nhận vaccine cho người dân. Tuy nhiên, các tiểu bang của nước này đã lên kế hoạch riêng cho chương trình hộ chiếu vaccine. Chẳng hạn như New York cấp thẻ Excelsior cho cư dân đã tiêm chủng hoặc xét nghiệm âm tính với Covid-19 để tạo cơ hội cho người dân tham gia một số sự kiện nhất định. Tại Mỹ, sau khi người dân tiêm chủng, CDC sẽ cấp thẻ tiêm chủng cho những người đã tiêm vaccine Covid-19.

Iceland lên tiếng sẽ chấp nhận chứng chỉ tiêm chủng vaccine của CDC Mỹ, tuy nhiên hành khách phải tuân thủ xét nghiệm tại điểm đến và thực hiện cách ly cho đến khi có kết quả xét nghiệm.

Trong khi đó, liên minh châu Âu đã khởi động chương trình hộ chiếu vaccine mang tên "Chứng chỉ xanh kỹ thuật số" cho 7 nước trong khối, gồm: Bulgaria, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Đức, Hy Lạp, Croatia và Ba Lan. Loại chứng chỉ này cho phép người dân trong khối có thể đi lại tự do giữa các quốc gia thành viên và không phải cách ly. Còn Israel – quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới đã cấp "thẻ xanh" bằng giấy hoặc kỹ thuật số cho người dân đã tiêm chủng đầy đủ. Người dân sẽ phải xuất trình thẻ xanh khi đến các điểm công cộng như: phòng tập gyms, nhà hát, khách sạn...

Chứng chỉ tiêm chủng của EU cũng áp dụng đối với công dân Anh và Mỹ. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen khẳng định trên Thời báo New York Times vào ngày 25/4 rằng, EU sẵn sàng đón du khách đến trong mùa hè này sau khi người dân đã tiêm chủng đầy đủ loại vaccine do Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) cấp phép.

Du khách đến Phuket sẽ ở quanh đảo trong vòng 14 ngày

Ở Đông Nam Á, Thái Lan cho biết du khách nước ngoài đến Phuket từ ngày 1/7 sẽ không phải cách ly. Thay vì thực hiện cách ly tại khách sạn, du khách đến Phuket sẽ ở quanh đảo trong vòng 14 ngày và bắt buộc không được đi đến các khu vực khác của đất nước. Đối tượng khách được phép nhập cảnh Phuket trong giai đoạn đầu là đã tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19, trẻ em dưới 6 tuổi và đến từ các quốc gia nằm ở mức có nguy cơ dịch bệnh thấp, trung bình. Du khách từ 6-18 18 tuổi sẽ được làm xét nghiệm kháng nguyên tại sân bay…

Ảnh minh họa. Nguồn: Getty

Theo hãng AP, chính phủ Thái Lan đang có kế hoạch kích cầu du lịch trở lại thông qua chương trình "Phuket sandbox". Trong khi một số ý kiến cho rằng du khách sẽ khó có thể chấp nhận các biện pháp như xét nghiệm hay cài ứng dụng truy dấu bắt buộc khi đến Phuket thì số khác bày tỏ sẵn sàng tham gia kỳ nghỉ trên biển sau thời gian dài phong tỏa.

Trong chương trình "Phuket sandbox", du khách đến Phuket sẽ phải tuân thủ các quy định bắt buộc giống với các điểm đến khác của Thái Lan. Tuy nhiên, thay vì cách ly tại khách sạn trong 14 ngày thì du khách sẽ được tận hưởng không gian thoáng đãng trên hòn đảo của Thái Lan trong khoảng thời gian cách ly ở Phuket. Du khách có thể nằm dài trên bãi biển, đi mô tô nước lướt sóng trên biển và tận hưởng những buổi tối ở nhà hàng. Tất nhiên, tất cả chỉ khoanh vùng quanh Phuket.

Quy định du lịch Phuket cũng yêu cầu bắt buộc với du khách quốc tế ở độ tuổi trưởng thành phải cung cấp bằng chứng đã tiêm chủng vaccine đầy đủ, xét nghiệm âm tính trong thời gian đảm bảo 72 tiếng trước khi khởi hành. Một khi đến hòn đảo, du khách phải đeo khẩu trang và tuân thủ giãn cách cũng như xét nghiệm 3 lần. Tất cả các chi phí phải tự chi trả - khoảng 300 đôla cho tất cả các khoản và kết quả xác nhận yêu cầu phải âm tính với virus SARS-Cov-2.

Quy định sàng lọc du khách đến từ các khu vực rủi ro thấp hoặc trung bình cũng được áp dụng, trong đó danh sách du khách đến từ các quốc gia như châu Âu, Mỹ và Canada có thể bay trực tiếp đến Phuket. Người dân ở hòn đảo cũng phải tiêm phòng trước khi bắt đầu đón khách quốc tế.

Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới đánh giá cao sáng kiến phục hồi ngành du lịch trong bối cảnh hạn chế vì đại dịch. Hiệp hội Du lịch Hàng không quốc tế cho biết, khoảng 290 hãng hàng không trên khắp thế giới đang thử nghiệm sáng kiến IATA Travel Pass – ứng dụng cho phép hành khách tải miễn phí trên điện thoại di động, tạo hồ sơ cá nhân số gồm ảnh, thông tin hộ chiếu, thông tin chuyến bay... nhằm khai báo dịch tễ tại điểm đến. Ước tính có khoảng 29 quốc gia đang tham gia thử nghiệm ứng dụng này (không có Mỹ). Các nỗ lực khác, bao gồm Sáng kiến chứng nhận tiêm chủng do Microsoft phát triển hay Mayo Clinic cũng được đề xuất nhằm thúc đẩy triển khai công nghệ hộ chiếu vaccine trên thế giới.

Hội đồng Du lịch và Lữ hành quốc tế cũng yêu cầu hành khách phải tuân thủ một số quy định trong quá trình triển khai hộ chiếu vaccine, bao gồm xét nghiệm tại điểm khởi hành và điểm đến, đeo khẩu trang, sát khuẩn...

"Về lâu dài, hộ chiếu vaccine sẽ không còn cần thiết, đặc biệt là ở trong nước. Nếu chúng ta đạt được miễn dịch cộng đồng thì sẽ không phải sử dụng hộ chiếu vaccine nữa. Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn đi du lịch quốc tế thì tiêu chuẩn hộ chiếu vaccine được xem là đáng tin cậy để chứng minh tình trạng tiêm chủng của hành khách – điều này cực kỳ hữu ích" - Tổng giám đốc trang web du lịch Tripsawy, Molly Fergus cho biết./.

Hồng Nhung

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.