Thương mại hóa tài sản trí tuệ - động lực phát triển cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Ky Anh

(PLBQ). Khi thác “nguồn lực” phát triển từ đâu luôn là vấn đề đau đầu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ

>> Các phương thức khai thác thương mại đối với quyền sở hữu trí tuệ

>> Bài học về Quản trị tài sản trí tuệ rút ra từ vụ án ly hôn của vua café Trung Nguyên

>> Nhãn hiệu – Từ vốn trí tuệ cho đến tài sản trí tuệ

Thực tế chỉ ra rằng, thương mại hóa tài sản trí tuệ (TSTT) còn là công cụ, động lực cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, đặc biệt là đối với khối doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs).

Vai trò của tài sản trí tuệ với doanh nghiệp nhỏ và vừa

Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, SMEs được coi là động lực chính cho sự tăng trưởng toàn cầu, chiếm 90% số lượng doanh nghiệp và hơn 50% số lượng việc làm toàn cầu; chiếm khoảng 70% tổng khối lượng hàng hóa, dịch vụ và tạo ra khoảng hơn 50% tổng số sáng kiến, đổi mới công nghệ toàn cầu. Ở Việt Nam, SMEs cũng là bộ phận quan trọng, chiếm khoảng 96,7% tổng số doanh nghiệp cả nước, sử dụng 51% số lượng lao động và đóng góp hơn 40% vào GDP.

Ảnh: Pixabay

TSTT có vai trò đặc biệt quan trọng đóng góp vào sự phát triển lớn mạnh của SMEs, thúc đẩy hầu hết mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của SMEs, đồng thời tạo ra các giá trị kinh tế hữu hình thông qua việc chuyển giao quyền sử dụng, góp vốn, đầu tư... Trong số các loại TSTT thì nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, tên thương mại thể hiện rõ nét nhất vai trò của nó đối với SMEs. Đây là những công cụ marketing đắc lực của SMEs, giúp khắc họa hình ảnh doanh nghiệp trong tâm thức người tiêu dùng, từ đó tạo bước đi vững chắc cho doanh nghiệp tới các thị trường mục tiêu, thúc đẩy quá trình quảng bá, mở rộng hệ thống phân phối sản phẩm, dịch vụ của SMEs. Bên cạnh đó, sáng chế cũng là một loại TSTT cốt lõi giúp SMES cải tiến, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo động lực để SMEs phát triển bền vững, tạo lợi thế cạnh tranh vững chắc trên thị trường trong nước và quốc tế. Theo Báo cáo thống kê của Ủy ban châu Âu năm 2020: SMEs sở hữu một quyền SHTT được bảo hộ có doanh thu cao hơn 20% so với các doanh nghiệp không có quyền SHTT được bảo hộ.

Thương mại hóa tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp nhỏ và vừa

Theo nghĩa hẹp, Thương mại hóa TSTT là việc chuyển hóa TSTT thành hàng hóa để lưu thông trên thị trường, từ đó mang lại lợi nhuận cho chủ sở hữu. Theo nghĩa rộng, Thương mại hóa TSTT là quá trình khai thác các đối tượng quyền SHTT để đổi lại các lợi ích kinh tế, phục vụ mục đích cụ thể do chủ sở hữu TSTT đặt ra. Việc bảo hộ quyền SHTT cho doanh nghiệp chỉ thực sự có ý nghĩa khi quyền SHTT đó được thương mại hóa, mang lại lợi ích cho chủ sở hữu.

Cũng tương tự như tài sản hữu hình, để có thể thương mại hóa (lưu thông) được, TSTT phải đảm bảo đáp ứng đầy đủ các điều kiện: được bảo hộ theo quy định của pháp luật Việt Nam; đang còn hiệu lực bảo hộ trên lãnh thổ Việt Nam và không phải là các đối tượng đang bị tranh chấp. Trên cơ sở đó, TSTT có thể được thương mại hóa theo các hình thức sau:

Chủ sở hữu tự khai thác: chủ sở hữu tự sử dụng các TSTT mà pháp luật công nhận để thu lại các lợi ích kinh tế.

Chuyển nhượng quyền sở hữu: chủ sở hữu chuyển nhượng toàn bộ quyền sở hữu của mình đối với TSTT cho chủ thể khác để đổi lại lợi ích tương ứng. Pháp luật có quy định những điều kiện ràng buộc đối với một số loại TSTT cụ thể như: quyền SHTT đối với tên thương mại chỉ được chuyển nhượng cùng với việc chuyển nhượng toàn bộ cơ sở kinh doanh và hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó.

Việc chuyển nhượng quyền đối với nhãn hiệu không được gây ra sự nhầm lẫn về đặc tính, nguồn gốc của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu. Quyền đối với nhãn hiệu chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân đáp ứng các điều kiện đối với người có quyền đăng ký nhãn hiệu đó.

Chuyển quyền sử dụng: đây là hình thức thương mại hóa TSTT phổ biến nhất và đang ngày càng được phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh hiện nay. Pháp luật có quy định một số đối tượng không được chuyển quyền sử dụng hoặc bị hạn chế chuyển quyền sử dụng xuất phát từ tính chất đặc thù của các đối tượng này như: quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý và tên thương mại không được chuyển giao; quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể không được chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể đó; quyền sử dụng nội dung của các tác phẩm khoa học là bản viết của các kết quả nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn không thể chuyển giao được…

Việc chuyển giao có thể được thực hiện bằng hình thức nhận quyền, chuyển quyền hoặc chuyển giao chéo. Các bên có thể thỏa thuận hình thức chuyển giao quyền sử dụng độc quyền hoặc không độc quyền.

Sở hữu trí tuệ với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ảnh: Pixabay

Nhượng quyền thương mại: áp dụng đối với một số loại TSTT cụ thể, gồm: nhãn hiệu, tên thương mại, bí mật kinh doanh.

Bên cạnh đó, còn có một số hình thức thương mại hóa TSTT như: góp vốn bằng TSTT, liên doanh, hợp đồng hợp tác kinh doanh, thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ…

Để đảm bảo hiệu quả tối ưu, các dạng TSTT khác nhau yêu cầu các chiến lược thương mại hóa khác nhau. Chính vì vậy, SMEs cần phải nắm bắt và quản lý một cách chặt chẽ các đối tượng SHTT của mình, từ đó đưa ra các phương án thương mại hóa tương ứng, phù hợp. Chẳng hạn như: sáng chế là đối tượng cần vốn đầu tư lớn, vận hành dựa trên công nghệ nên có thể được thương mại hóa bằng hình thức chuyển giao quyền sử dụng hoặc liên doanh (thường đi cùng với bí mật thương mại và bí quyết kỹ thuật, công nghệ); nhãn hiệu là linh hồn của doanh nghiệp, cần nhiều thời gian để tạo dựng và phát triển nên có thể được thương mại hóa bằng hình thức chuyển quyền sử dụng hoặc nhượng quyền thương mại; quyền tác giả có thể được thương mại hóa bằng hình thức chuyển quyền sử dụng thông qua các mô hình kinh doanh...

Một số lưu ý đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong hoạt động thương mại hóa tài sản trí tuệ

Để tối ưu hóa hoạt động thương mại hóa TSTT, SMEs cần lưu ý một số điểm sau:

Thứ nhất, SMEs cần tìm hiểu và nắm bắt chặt chẽ, đầy đủ các quy định của Luật SHTT về cơ chế, căn cứ xác lập quyền. Một số đối tượng quyền SHTT chỉ được xác lập trên cơ sở đăng ký bảo hộ tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền (sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng), do đó doanh nghiệp cần tiến hành thủ tục đăng ký bảo hộ kịp thời, theo đúng quy định để đảm bảo quyền lợi của mình được bảo vệ một cách đầy đủ nhất.

Một số đối tượng quyền SHTT được tự động xác lập mà không cần phải trải qua thủ tục đăng ký, tuy nhiên để được bảo hộ, các doanh nghiệp cần đảm bảo các yêu cầu, điều kiện cụ thể theo quy định như: i) Bí mật kinh doanh: phải được bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được; ii) Tên thương mại: được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó; iii) Quyền tác giả: phải được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định; iv) Quyền liên quan: phải được định hình hoặc thực hiện mà không phương hại đến quyền tác giả.

Thứ hai, SMEs cần thực hiện đầy đủ các thủ tục, yêu cầu theo quy định để quản lý quyền SHTT của mình. Quyền SHTT phải được quản lý và duy trì thường xuyên, liên tục, mọi thay đổi đều phải được ghi nhận lại. Đối với các đối tượng quyền SHTT được xác lập trên cơ sở đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, mọi thay đổi chỉ có hiệu lực khi được đăng ký; ngoài ra, chủ sở hữu phải thực hiện các thủ tục gia hạn, duy trì hiệu lực theo quy định của pháp luật.

Thứ ba, SMEs cần có bộ phận (có thể chuyên trách hoặc kiêm nhiệm tùy thuộc điều kiện thực tế của từng doanh nghiệp) để thực hiện chức năng quản lý và tổ chức hoạt động SHTT trong doanh nghiệp mình. Trong những trường hợp cần thiết, cần xem xét thuê chuyên gia tư vấn chuyên sâu để đảm bảo có được phương án thương mại hóa TSTT có lợi nhất cho doanh nghiệp. Đồng thời, cần tiến hành việc kiểm toán TSTT (IP Audit) và lập danh mục TSTT để quản lý (nên sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ công tác quản lý). Kiểm tra quyền sở hữu của những TSTT mà doanh nghiệp tạo ra, từ đó có phương án chuyển quyền đối với những TSTT không dùng đến; xem xét nhu cầu cần nhận chuyển giao quyền từ các tổ chức, cá nhân khác để có phương án đàm phán, ký kết hợp đồng chuyển giao.

Thêm vào đó, trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm từ mô hình của các nước phát triển, SMEs cần quán triệt quy trình “Tạo dựng một doanh nghiệp thành công trước rồi sau đó thương mại hóa quyền SHTT khi nền tảng cơ sở đã được xây dựng” để đảm bảo tính an toàn và khả năng phát triển bền vững.

Ở một khía cạnh khác, cách phát triển nhanh và an toàn nhất dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ nói chung, doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng là tiếp cận hợp pháp tài sản trí tuệ của doanh nghiệp đi trước làm đòn bẩy hay nền móng cho sự phát triển. Hay nói cách khác, nhận chuyển giao TSTT, quyền sở hữu trí tuệ để giảm chi phí và rút ngắn thời gian nghiên cứu, tiếp cận thị trường.

Với xu thế hội nhập, toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ và những biến động có khả năng ảnh hưởng tới cục diện toàn cầu như hiện nay thì cạnh tranh giữa các nền kinh tế chính là cạnh tranh về TSTT. Để chuẩn bị cho mình tâm thế sẵn sàng đứng vững và từng bước khẳng định vị thế của mình trên thị trường trong và ngoài nước, SMEs Việt Nam cần đặc biệt quan tâm tới vấn đề tạo lập và thương mại hóa TSTT. Luật Apra luôn sẵn sàng là “người bạn đồng hành” đáng tin cậy về mặt pháp lý của các doanh nghiệp.

Hà Trung

Link tham khảo:

https://www.wipo.int/wipo_magazine/en/2021/02/article_0008.html

https://www.noip.gov.vn/tin-tuc-su-kien/-/asset_publisher/7xsjBfqhCDAV/content/thuong-mai-hoa-tai-san-tri-tue-ong-luc-phat-trien-ben-vung-cho-doanh-nghiep-nho-va-vua-viet-nam

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.