Từ câu chuyện của Thơ Nguyễn: Trách nhiệm của YouTube/TikTok và bài học cho các nhà sản xuất video?

(PLBQ). Trước đó, trong hai ngày 25/2 và 27/2, TikToker/YouTuber Thơ Nguyễn có đăng tải 2 clip có nội dung về búp bê Kumanthong trên kênh TikTok của mình. Nội dung trong video của nữ YouTuber này bị chỉ trích dữ dội vì có dấu hiệu tuyên truyền mê tín dị đoan.

Những thông tin Thơ Nguyễn truyền tải  gây ảnh hưởng xấu đến các khán giả. Đặc biệt là gây ra những cái nhìn lệch lạc cho các em nhỏ, vốn những đối tượng chủ yếu xem kênh YouTube/TiTok của hot YouTuber này.

Hành vi của Thơ Nguyễn có vi phạm pháp luật hay không?

Hành vi truyền bá, thông tin về “mê tín dị đoan” là hành vi không phù hợp với thuần phong mỹ tục, trái với luân thường đạo lý. Pháp luật Việt Nam cũng liệt hành vi này là hành vi vi phạm pháp luật.

Với trường hợp của Thơ Nguyễn, cô có thể sẽ phải chịu trách nhiệm không nhỏ với clip mà mình đăng tải trước đó.

Xử lý hành chính

Cụ thể, clip về Kumanthong của Thơ Nguyễn có dấu hiệu truyền bá mê tín dị đoan. Theo điểm b khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 quy định về chế tài xử phạt Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội như sau:

“1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:
……….
b) Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc;”

Đây là mức phạt áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có cùng hành vi vi phạm sẽ bị phạt từ 05 – 10 triệu đồng. Ngoài ra, Cục PTTH & TTĐT đã liên hệ với TikTok để xóa video của Thơ Nguyễn và ngăn chặn việc đăng lại video này trên các trang mạng xã hội như Youtube, Facebook…

Xử lý hình sự

Không chỉ bị xử phạt hành chính, xét về tính chất nghiêm trọng của sự việc, khi Thơ Nguyễn trước đây cũng từng sản xuất không ít các video gây tranh cãi thì rất có thể nữ YouTuber trẻ sẽ phải đối mặt với cả việc bị xử lý hình sự.

Theo Bộ luật Hình sự năm 2015, đối với trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành cung cấp, chia sẻ thông tin mê tín dị đoan mà còn vi phạm thì có thể bị xử lý hình sự về tội Hành nghề mê tín, dị đoan theo quy định như sau:

“Điều 320. Tội hành nghề mê tín, dị đoan

1. Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Làm chết người;

b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”

Hành vi của Thơ Nguyễn rất có thể còn bị xem xét có dấu hiệu vi phạm Luật An ninh mạng năm 2018 và Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016. Đây chỉ là một số tìm hiểu của Chuyên trang chúng tôi về các chế tài xử phạt. YouTuber/TikToker Thơ Nguyễn sẽ bị xử phạt như thế nào còn phải đợi kết quả điều tra từ các cơ quan chức năng.

Trách nhiệm của YouTube/TikTok… và bài học cho các nhà sản xuất chương trình khác

Scandal của Thơ Nguyễn không phải là scandal lần đầu tiên xảy ra với chính YouTuber này cũng như những YouTuber/TikToker khác. Không ít các YouTuber/TikToker chuyên làm những clip có nội dung “nghịch dại”, “phản cảm”, “ngược đời”, “bất bình thường” … vẫn đang ngày ngày hoạt động trên các nền tảng này.

Không chỉ thế, những cái tên tiêu biểu như: NTN Vlogs, PHD Troll, Hưng Vlog, Huấn Hoa Hồng… có sở hữu lượt subscribe (đăng kí kênh) siêu khủng cùng hành triệu view (lượt xem) và kiếm những khoản lợi nhuận khổng lồ. Chính YouTube/TikTok là đơn vị trả phần lớn thu nhập cho họ.

Có vẻ như, càng làm những nội dung gây thị phi như các Youtuber/TikToker trên thì càng thu hút người xem và quan tâm. Và việc tràn lan các clip có nội dung gợi dục, giang hồ mạng, cổ vũ cờ bạc, cổ vũ chơi ma túy... đã và đang làm lệch lạc suy nghĩ của một bộ phận không nhỏ người xem, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên và trẻ em.

Đây là những đối tượng chưa đủ khả năng nhận thức thế nào là đúng hay sai, cái gì nên học theo và cái gì nên tránh xa. Mang tâm lý mới lớn, tò mò, đua đòi, muốn thể hiện…, không ít những “đứa trẻ” đã coi những người như Khá Bảnh, Huấn Hoa Hồng, Thơ Nguyễn, NTN… là tấm gương, thần tượng. Các trào lưu như làm giang hồ, thử thách bản thân bằng các trò “khó hiểu” “nguy hiểm”… khẳng định bản thân, ra vẻ ta đây cũng theo đó xuất hiện ở khắp nơi.

Các trào lưu này đã mang lại rất nhiều hậu quả nặng nề và vẫn chưa được kiểm soát. Không ít những “đứa trẻ” vì học theo các clip trên mạng mà làm điều xấu cho xã hội và gây nguy hiểm cho chính bản thân mình. Thậm chí, nhiều người vì tin vào các nội dung “bẩn” trên mạng xã hội mà phải trả giá bằng chính mạng sống.

Cục PTTT&TTĐT cũng đã từng cảnh báo điều này. Theo Cục, YouTube/TikTok hiện còn đăng tải nhiều clip có nội dung xấu, độc và đang có chiều hướng gia tăng. Năm 2019, khi báo cáo lại Cục PTTT&TTĐT, YouTube đã chỉ ra rằng hiện có rất nhiều nội dung vi phạm đến từ Việt Nam chủ yếu do các đối tác làm nội dung của Youtube tạo ra.

Không thể phủ nhận, trách nhiệm chính của các clip có nội dung vi phạm pháp luật là của chính những người sản xuất video? Tuy nhiên, trách nhiệm của các mạng xã hội video này là không thể bỏ qua.

Các đối tác của YouTube/TikTok sẽ chẳng thể nào đăng tải được nội dung vi phạm nếu YouTube/TikTok có quy trình kiểm soát nội dung chặt chẽ, nghiêm ngặt và công tác rà soát thường xuyên cùng với các biện pháp xử lí mạnh tay.

Cơ chế quản lí nội dung của YouTube/TikTok hiện nay vẫn rất lỏng lẻo. Khi có vi phạm xảy ra và bị xử lý, những thông báo của các nền tảng này bao giờ cũng luôn hướng dư luận rằng vi phạm xảy ra là do đối tác chứ không phải do trách nhiệm lơ là và việc kiểm soát lỏng lẻo của bản thân các nền tảng.

Việc xử lí các nội dung sai phạm từ phía Youtube/TikTok trên thực tế như “muối bỏ bể”, và khi bị dư luận phản ứng thì mới xử lí kiểu “chữa cháy”, xử lý “bề nổi”. Phải mất rất lâu, khi bị báo cáo và các cơ quan chức năng đã vào cuộc thì các video sai phạm trên nền tảng video này mới gỡ bỏ xuống. Nhưng lại chỉ mất một vài phút, hàng trăm hàng nghìn các clip có nội dung tương tự có thể được đăng lên.

Sự việc của Thơ Nguyễn lần này hi vọng sẽ là lời cảnh tỉnh cho các nền tảng video trên. Cần nhớ rằng, các đối tác nội dung chính là những người tạo ra nội dung cho YouTube/TikTok, đồng thời mang tới nguồn lợi cho YouTube/TikTok trong việc chia sẻ doanh thu quảng cáo. Nếu tiếp tục để lại lỗ hổng trong khâu kiểm duyệt nội dung, về lâu dài, hậu quả mà YouTube/TikTok nhận được có thể không chỉ dừng lại ở vấn đề tài chính.

Đó cũng là lời cảnh tỉnh cho các nhà sản xuất video khác. Đừng vì “câu view”, “câu like”, quảng cáo… mà bất chấp tất cả làm các video có hành vi phản cảm, vi phạm pháp luật. Luật An ninh mạng đã có hiệu lực từ năm 2018 cùng rất nhiều các văn bản pháp luật liên quan khác. Nếu cứ chạy theo view, đồng tiền… như Thơ Nguyễn, Khá Bảnh …, thứ mà các nhà sản xuất video nhận được không chỉ vài ba cái like, comment mà cả sự xử lý của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

NGUYỄN LAN

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.