Việt Nam gia nhập Hiệp ước WIPO về quyền tác giả (WCT), những thời cơ và thách thức gì xuất hiện?

Ky Anh

(PLBQ). Đầu tháng 12/2021, tại trụ sở Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) ở Geneva - Thụy Sĩ, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Geneva đã trao văn kiện nộp lưu việc Việt Nam gia nhập Hiệp ước WIPO về quyền tác giả (WCT) cho Tổng Giám đốc WIPO Daren Tang, cơ quan lưu chiểu theo quy định của hiệp ước và theo Điều 21 của WCT, các quy định của hiệp ước sẽ chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam sau 3 tháng kể từ ngày văn kiện được trao cho tổng giám đốc W

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai trao Văn kiện của Việt Nam gia nhập Hiệp ước WIPO về quyền tác giả cho Tổng giám đốc WIPO Daren Tang (Ảnh: WIPO)

>> Anh: Sẽ kết thúc đàm phán gia nhập CPTPP vào cuối năm sau

>> Wipo đề xuất cùng Việt Nam hợp tác xây dựng trung tâm đào tạo sở hữu trí tuệ

Một số vấn đề khái quát chung về Hiệp ước WIPO quyền tác giả (WCT) 

Hiệp ước WIPO về quyền tác giả (WCT) là gì?

Theo đó, trên trang thông tin của tổ chức WIPO (Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới) có ghi nhận rằng: “Hiệp ước WIPO (WCT) là một hiệp định đặc biệt theo Công ước Berne liên quan đến việc bảo vệ các tác phẩm và quyền của các tác giả trong môi trường kỹ thuật số. Bất kỳ bên ký kết nào (ngay cả khi không bị ràng buộc bởi Công ước Berne) phải tuân thủ các quy định nội dung của Đạo luật (Paris) năm 1971 của Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật (1886). Ngoài các quyền được Công ước Berne công nhận, họ còn được trao một số quyền kinh tế nhất định. Hiệp ước cũng đề cập đến hai vấn đề cần được bảo vệ bằng bản quyền: (i) Các chương trình máy tính, bất kể phương thức hoặc hình thức thể hiện của chúng và (ii) Tổng hợp dữ liệu hoặc tài liệu khác (“cơ sở dữ liệu”)” (Tạm dịch).

Hiệp ước WIPO bao gồm 25 điều được ký kết vào năm 1996 và có hiệu lực vào năm 2002.

Một số nội dung cơ bản của Hiệp ước WIPO

Hiệp ước WIPO về quyền tác giả đề cập đến hai vấn đề cần được bảo vệ bởi bản quyền: (i) Các chương trình máy tính, bất kể phương thức hoặc hình thức thể hiện của chúng và (ii) Tổng hợp dữ liệu hoặc tài liệu khác (“cơ sở dữ liệu”), dưới bất kỳ hình thức nào, do việc lựa chọn hoặc sắp xếp nội dung của chúng, tạo thành những sáng tạo trí tuệ. Do vậy, trong trường hợp cơ sở dữ liệu không cấu thành sự sáng tạo như vậy, thì cơ sở dữ liệu đó nằm ngoài phạm vi của Hiệp ước WTC.

Đối với các quyền cấp cho tác giả, ngoài các quyền được Công ước Berne công nhận, Hiệp ước WTC còn trao: (i) Quyền phân phối, (ii) Quyền cho thuê và (iii) Quyền thông tin rộng rãi hơn cho công chúng.

Đối với các giới hạn và ngoại lệ, Điều 10 của WCT kết hợp với kiểm tra “ba bước” để xác định các giới hạn và ngoại lệ như được quy định tại Điều 9 (2) của Công ước Berne, mở rộng áp dụng của nó đối với tất cả các quyền. Tuyên bố Đồng ý kèm theo WCT quy định rằng các giới hạn và ngoại lệ như được thiết lập trong luật quốc gia tuân thủ Công ước Berne, có thể được mở rộng sang môi trường kỹ thuật số. Các Quốc gia thành viên có thể đưa ra các ngoại lệ và giới hạn mới phù hợp với môi trường kỹ thuật số. Việc gia hạn hiện tại hoặc tạo ra các giới hạn và ngoại lệ mới được cho phép nếu các điều kiện của thử nghiệm “ba bước” được đáp ứng.

Đối với thời hạn bảo hộ, thời hạn bảo hộ phải từ 50 năm trở lên đối với bất kỳ loại công trình nào. Việc hưởng và thực hiện các quyền được quy định trong Hiệp ước không được tuân theo bất kỳ hình thức nào.

Đối với trách nhiệm ràng buộc với các Bên ký kết, hiệp ước buộc các Bên ký kết cung cấp các biện pháp pháp lý chống lại việc gian lận các biện pháp công nghệ được các tác giả sử dụng liên quan đến việc thực hiện các quyền của họ và chống lại việc xóa bỏ hoặc thay đổi thông tin, chẳng hạn như một số dữ liệu xác định các tác phẩm hoặc tác giả, cần thiết cho việc quản lý (ví dụ: cấp phép, thu thập và phân phối tiền bản quyền) quyền của họ (“thông tin quản lý quyền”).

Cùng với đó, hiệp ước cũng buộc mỗi Bên ký kết phải thông qua, phù hợp với hệ thống pháp luật của mình, các biện pháp cần thiết để đảm bảo việc áp dụng Hiệp ước. Đặc biệt, mỗi Bên ký kết phải đảm bảo rằng các thủ tục thực thi có sẵn theo luật của mình để cho phép hành động hiệu quả chống lại bất kỳ hành động vi phạm các quyền được quy định trong Hiệp ước. Hành động đó phải bao gồm các biện pháp khắc phục nhanh chóng để ngăn chặn vi phạm cũng như các biện pháp ngăn chặn vi phạm tiếp theo.

Hơn thế nữa, Hiệp ước còn thành lập Hội đồng các Bên ký kết có nhiệm vụ chính là giải quyết các vấn đề liên quan đến việc duy trì và phát triển Hiệp ước và giao cho Ban thư ký của WIPO các nhiệm vụ hành chính liên quan đến Hiệp ước. Hiệp ước dành cho các Quốc gia thành viên của WIPO và Cộng đồng Châu Âu.

Vai trò của Hiệp ước WIPO về quyền tác giả (WTC)

Thứ nhất, Hiệp ước WIPO tạo ra cơ chế chung trong việc áp dụng và nội luật hóa các quy định của các quốc gia thành viên, tạo điều kiện để các nội dung trở nên đồng bộ, thống nhất, cho phép nước thành viên đưa ra và mở rộng một cách hợp lý đến các hạn chế, ngoại lệ trong môi trường kỹ thuật số theo luật pháp nước mình.

Thứ hai, Hiệp ước WIPO ràng buộc trách nhiệm của các quốc gia thành viên đối với các điều khoản mà họ công nhận (không bảo lưu), từ đó, giúp các quốc gia tự điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp.

Thứ ba, Hiệp ước WIPO tiến tới bảo vệ và cho thấy được tầm quan trọng của vấn đề bản quyền về chương trình máy tính và dữ liệu trong thời đại bùng nổ của khoa học công nghệ, công nghệ thông tin.

Thứ tư, Hiệp ước WIPO trở thành cánh tay nối dài đắc lực của Công ước Berne, góp phần giúp cho quy định của công ước Berne được áp dụng chi tiết, chính xác và trở thành nền tảng không thể thiếu của mỗi quốc gia thành viên.

Thứ năm, Hiệp ước WIPO có thể được sử dụng để điều chỉnh các quan hệ quốc tế liên quan đến nội dung mà nó thể hiện, đặc biệt là ứng dụng để giải quyết các tranh chấp có khả năng xảy ra.

Việt Nam gia nhập Hiệp ước WIPO về quyền tác giả (WCT), xuất hiện những thời cơ và thách thức gì?

Thời điểm hiện tại, Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển nhanh, sôi động của môi trường kỹ thuật số. Trong một nghiên cứu về 11 thị trường trên toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam đang nổi lên là một nước tiến bộ về kỹ thuật số. Nghiên cứu về chỉ số xã hội kỹ thuật số do GSMA Intelligence thực hiện với các cơ quan chính phủ, nhà khai thác di động và các công ty kỹ thuật số khác ở Australia, Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Pakistan, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam để đưa ra báo cáo. Nghiên cứu cho thấy Việt Nam có mức tăng điểm cao nhất trong số tất cả các quốc gia được đề cập, tăng 12 điểm trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2019. 

Sự phát triển của môi trường kỹ thuật số dẫn đến sự phát triển của nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội mà trong đó có sở hữu trí tuệ với các tác phẩm và quyền của các tác giả (các video trên Youtube, Tiktok, các bản thu âm trên Spotify...), các chương trình máy tính…

Bởi vậy, có thể khẳng định rằng việc Việt Nam gia nhập Hiệp ước WIPO về quyền tác giả (WCT) sẽ mang lại không ít những thời cơ, thuận vàng nhưng cũng sẽ tồn tại những thách thức cần vượt qua.

Về thời cơ…

Thứ nhất, việc Việt Nam gia nhập Hiệp ước WIPO về quyền tác giả cung cấp cơ sở và tạo nền tảng pháp lý vững chắc, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp tối đa không chỉ ở phạm vi trong nước mà còn trên quốc tế cho các tác giả và các tác phẩm trên môi trường kỹ thuật số, góp phần đáng kể vào việc hình thành một môi trường thương mại điện tử lành mạnh.

Đặc biệt trước thực trạng gây nhức nhối vì vi phạm bản quyền và sở hữu trí tuệ trên nền tảng số ở rất nhiều lĩnh vực như âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh…thì việc gia nhập Hiệp ước WIPO về quyền tác giả sẽ là hành lang pháp lý vững chắc, góp phần giúp cho sự xâm hại quyền tác giả sẽ được hạn chế ở mức tối đa nhất vì đã có luật định để xử lý triệt để. Khi các biện pháp ngăn chặn được ứng dụng ngay trong phần mềm thì có tác dụng phòng ngừa tối ưu hơn cả chế tài xử phạt, vì bất kỳ hành vi nào ăn cắp sản phẩm trí tuệ của người khác sẽ lập tức bị chặn.

Thứ hai, việc Việt Nam gia nhập Hiệp ước WIPO về quyền tác giả nhằm đáp ứng cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam mới tham gia, tạo động lực phát triển kinh tế mạnh mẽ.

Thứ ba, việc Việt Nam gia nhập Hiệp ước WIPO về quyền tác giả trong thời điểm hiện nay dù chậm nhưng sẽ là thời cơ vàng giúp ngành công nghiệp sáng tạo và công nghiệp văn hóa Việt Nam sẽ có tiềm năng tăng trưởng cao, giúp ngành nghệ thuật Việt thúc đẩy phát triển kinh tế - du lịch một cách mạnh mẽ, thu hút đầu tư và bảo vệ sự sáng tạo ở trong nước.

Về thách thức…

Thứ nhất, việc gia nhập Hiệp ước WIPO về quyền tác giả đặt ra cho Việt Nam thách thức liên quan đến quy định khung pháp lý trong nước sao cho phù hợp với quy định Hiệp ước, về cơ chế quản lý, thực thi các quy định pháp luật về quyền tác giả và tác phẩm trên môi trường kỹ thuật số phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam và quốc tế.

Thứ hai, việc gia nhập Hiệp ước WIPO về quyền tác giả sẽ đặt các tác phẩm và tác giả trên môi trường kỹ thuật số Việt Nam trước môi trường cạnh tranh không chỉ trong nước mà còn trên trường quốc tế, đòi hỏi các chủ thể của quyền sở hữu trí tuệ nâng cao năng lực cạnh tranh để luôn tồn tại và phát triển.

Thứ ba, việc gia nhập Hiệp ước WIPO đồng nghĩa với các chủ thể của quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam sẽ đứng trước khung pháp lý chặt chẽ hơn, để đảm bảo tuân thủ các quy định pháp lý, tránh đi các tối đa các tranh chấp, rủi ro đòi hỏi các chủ thể của quyền sở hữu trí tuệ nâng cao vốn kiến thức và ý thức pháp luật về quyền tác giả trên môi trường kỹ thuật số, luôn có sẵn các phương án phòng ngừa, xử lý rủi ro…

Lưu ý: Bài viết dựa trên thông tin thực tiễn và quan điểm khoa học, thực tiễn, không nhằm quảng bá cho bất kỳ, cá nhân tổ chức nào.

Nhật Vy

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.