Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả

(PLBQ). Việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan đang tiến hành xin ý kiến lần hai.

Thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Quyết định số 126/QĐ-TTg ngày 26/01/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều các nghị định quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực du lịch; thể thao; quyền tác giả, quyền liên quan; văn hóa và quảng cáo.

Theo đó, Dự thảo Nghị định mới sẽ sửa đổi, bổ sung một số quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan của Nghị định số 131/2013/NĐ-CP và Nghị định số 28/2017/NĐ-CP.

Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt VPHC về quyền tác giả, quyền liên quan (Nghị định số 131/2013/NĐ-CP); Nghị định số 28/2017/NĐ-CP của Chính phủ ngày 20/3/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt VPHC về quyền tác giả, quyền liên quan được ban hành đã giúp cho công tác thực thi pháp luật trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan được tăng cường và đạt hiệu quả cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả mang lại các nghị định trên vẫn còn bộc lộ một số khó khăn, hạn chế trong công tác thực thi pháp luật. Để khắc phục kịp thời những khó khăn, bất cập thì Bộ VHTTDL đã tiến hành soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều các nghị định quy định xử phạt VPHC trong một số lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan.

Nội dung cơ bản của Dự thảo

Dự thảo Nghị định ngoài phần căn cứ pháp lý, nội dung được chia thành 7 điều. Theo đó, Điều 3 của Dự thảo sẽ sửa đổi, bổ sung các quy định của Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt VPHC về quyền tác giả, quyền liên quan.

Về cơ bản, nội dung của Dự thảo sẽ sửa đổi, bổ sung lại về hành vi vi phạm và về thẩm quyền xử phạt VPHC và phân định thẩm quyền.

Với lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan, Dự thảo mới quyết định bãi bỏ hành vi không thực hiện chế độ báo cáo về hoạt động tư vấn, dịch vụ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Nghị định số 131/2013/NĐ-CP do pháp luật nội dung về quyền tác giả, quyền liên quan đã bỏ quy định này.

Thẩm quyền xử phạt của các cơ quan chức năng

Về thẩm quyền xử phạt, Dự thảo Nghị định mới sửa đổi, bổ sung để các cơ quan chức năng có thể xử phạt VPHC đối với hành vi vi phạm liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan như sau:

Thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp

Chủ tịch UBND cấp xã: có quyền phạt tiền đến 5 triệu đồng; Tịch thu tang vật vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt; và Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Chủ tịch UBND cấp huyện: có quyền phạt tiền đến 100.000.000 đồng; Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề có thời hạn; Tịch thu tang vật vi phạm hành chính; và Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính và các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 3 Nghị định này.

Chủ tịch UBND cấp tỉnh: có quyền phạt tiền đến 250.000.000 đồng; Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề có thời hạn; Tịch thu tang vật vi phạm hành chính; và áp dụng tất cả các biện pháp khắc phục hậu quả.

Thẩm quyền của Quản lý thị trường

Với Dự thảo Nghị định này, Kiểm soát viên thị trường đang thi hành công vụ có quyền phạt tiền đến 500.000 đồng.

Đội trưởng Đội Quản lý thị trường, Trưởng phòng Nghiệp vụ thuộc Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường có quyền: Phạt tiền đến 25.000.000 đồng; Tịch thu tang vật vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt; và Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm đ, e và g khoản 1 Điều 28 của Luật xử lý vi phạm hành chính và các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 3 của Dự thảo Nghị định.

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường thuộc Tổng cục Quản lý thị trường có quyền: Phạt tiền đến 50.000.000 đồng; Tịch thu tang vật vi phạm hành chính; Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề có thời hạn; và Áp dụng tất cả các biện pháp khắc phục hậu quả.

Tổng cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường có quyền: Phạt tiền đến 250.000.000 đồng; Tịch thu tang vật vi phạm hành chính; Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề có thời hạn; và Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

Ngoài ra, dự thảo cũng đề xuất về thẩm quyền xử phạt của Thanh tra, Công an nhân dân, Hải quan, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển…

Hiện tại Dự thảo đang được kính trình Chính phủ xem xét, quyết định. Nếu được thông qua, dự kiến Nghị định này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2022. Bộ VHTTDL chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn, tổ chức thực hiện Nghị định này.

NGUYỄN LAN (tổng hợp)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.