(Ảnh: Tiền phong)
Thế nào Người biểu diễn?
Tại Điều 3 (a) Công ước quốc tế bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm và tổ chức phát sóng (Công ước Rome): “Người biểu diễn là các diễn viên, ca sĩ, nhạc công, vũ công và các người khác nhập vai, hát, đọc, ngâm, trình bày, hoặc biểu diễn khác các tác phẩm văn học, nghệ thuật”. Trong Hiệp ước của WIPO về biểu diễn và bản ghi âm (Hiệp ước WPPT) năm 1996, khái niệm người biểu diễn được mở rộng, người biểu diễn còn bao gồm người trình bày các hình thức thể hiện dân gian. Tại điều 16 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam liệt kê các tổ chức, cá nhân được bảo hộ quyền liên quan theo pháp luật Việt Nam, trong đó quy định trực tiếp người biểu diễn gồm: “diễn viên, ca sĩ, nhạc công, vũ công và những người khác trình bày tác phẩm văn học, nghệ thuật”.
Cuộc biểu diễn có được pháp luật bảo hộ?
Theo luật Việt Nam, tác phẩm là “sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào” (khoản 7 điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ). Do đó, mọi thành quả của quá trình sáng tạo trong văn học, nghệ thuật hay khoa học đã được định hình đều có thể trở thành đối tượng để biểu diễn.
Khoản 1 Điều 17 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam quy định với các cuộc biểu diễn mà người biểu diễn là công dân Việt Nam dù được thực hiện tại Việt Nam hoặc nước ngoài đều được pháp luật Việt Nam bảo hộ. Ngoài ra, cuộc biểu diễn do người nước ngoài thực hiện tại Việt Nam cũng được bảo hộ theo pháp luật Việt Nam và một số trường cụ thể khác theo quy định của pháp luật. Theo nguyên tắc lãnh thổ thì nơi thực hiện cuộc biểu diễn cũng là một trong những điều kiện để bảo vệ cuộc biểu diễn, pháp luật của hầu hết các quốc gia chỉ bảo hộ các cuộc biểu diễn của công dân nước mình, hoặc các cuộc biểu diễn diễn ra trong lãnh thổ quốc gia mình, tuy nhiên còn tùy vào các hiệp định song phương và đa phương giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ.
Các quyền của người biểu diễn
Theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam, quyền của người biểu diễn gồm có quyền nhân thân và quyền tài sản.
Quyền nhân thân là những quyền người biểu diễn không thể chuyển giao và được bảo hộ vô thời hạn. Theo quy định của khoản 2 Điều 29 Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam quyền nhân thân bao gồm các quyền sau đây:
“a) Được giới thiệu tên khi biểu diễn, khi phát hành bản ghi âm, ghi hình, phát sóng cuộc biểu diễn
b) Bảo vệ sự toàn vẹn hình tượng biểu diễn, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của người biểu diễn.”
Nếu người biểu diễn đồng thời là chủ đầu tư thì còn được hưởng các quyền tài sản là độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện các quyền:
“a) Định hình cuộc biểu diễn trực tiếp của mình trên bản ghi âm, ghi hình
b) Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp cuộc biểu diễn của mình đó được định hình trên bản ghi âm, ghi hình
c) Phát sóng hoặc truyền theo cách khác đến công chúng cuộc biểu diễn của mình chưa được định hình mà công chúng có thể tiếp cận được, trừ trường hợp cuộc biểu diễn đó nhằm mục đích phát sóng
d) Phân phối đến công chúng bản gốc và bản sao cuộc biểu diễn của mình thông qua hình thức bán, cho thuê hoặc phân phối bằng bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được” (khoản 3 Điều 29).[1]
Người biểu diễn thông qua việc thực hiện hoặc cho phép thực hiện hay chuyển giao các quyền tài sản để thu các lợi ích kinh tế, tổ chức, cá nhân muốn sử dụng khai thác các quyền này thì phải xin phép và trả thù lao cho chủ sở hữu quyền là hoàn toàn hợp lý. Chỉ khi người biểu diễn, nhà đầu tư thu được lợi ích tương xứng mới có thể khuyến khích họ tiếp tục đầu tư, sáng tạo các sản phẩm trí tuệ nói chung, cũng như cuộc biểu diễn có giá trị xã hội và nghệ thuật nói riêng. Thời hạn bảo hộ quyền tài sản của người biểu diễn là năm mươi năm.
Đồng thời, trong những trường hợp tổ chức cá nhân được phép khai thác, sử dụng bản ghi âm cuộc biểu diễn mà không phải xin phép nhưng vẫn phải trả thù lao cho chủ sở hữu quyền của người biểu diễn. Các trường hợp này được quy định tại Điều 33 Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm việc sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại để phát sóng, sử dụng trong hoạt động kinh doanh thương mại…
Các quyền nhân thân là quyền không thể chuyển giao, còn chủ sở hữu quyền tài sản đối với cuộc biểu diễn có thể là tổ chức, cá nhân khác được chuyển giao quyền hoặc tổ chức, cá nhân đã đầu tư tài kinh phí và cơ sở vật chất để thực hiện cuộc biểu diễn. Khi đó người biểu diễn chỉ còn lại các quyền nhân thân, còn chủ sở hữu quyền tài sản đối với cuộc biểu diễn được quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện các quyền tài sản theo luật định. Các quyền tài sản gắn liền và là cơ sở pháp lý để khai thác các lợi ích kinh tế từ cuộc biểu diễn, do đó trong hợp đồng chuyển giao quyền hay hợp đồng biểu diễn cần xác định rõ chủ sở hữu quyền tài sản đối với cuộc biểu diễn.
Quyền của người biểu diễn và quyền biểu diễn là hai khái niệm có sự khác biệt. Quyền của người biểu diễn thuộc phạm vi quyền liên quan. Còn quyền biểu diễn mà cụ thể là quyền biểu diễn công cộng là một trong những quyền tài sản của chủ sở hữu quyền tác giả. Quyền này được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ, theo đó quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng do chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện biểu diễn tác phẩm một cách trực tiếp hoặc thông qua các chương trình ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện nào mà công chúng có thể tiếp cận được.
Quy định này phù hợp với quy định tại Điều 11 Công ước Berne về bảo hộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học về quyền đối với tác phẩm kịch và âm nhạc: “Tác giả các tác phẩm kịch, nhạc kịch và ca nhạc giữ độc quyền cho phép: biểu diễn và hòa tấu công cộng tác phẩm của mình, kể cả hòa tấu công cộng bằng tất cả mọi phương pháp hay kỹ thuật, truyền phát tới công chúng buổi biểu diễn và hòa tấu đó bằng bất kỳ phương pháp nào”.
Việc trình bày tác phẩm, phát sóng hay làm cho công chúng có thể tiếp cận được tác phẩm đều thuộc phạm vi quyền biểu diễn, các quyền này được quy định rõ ràng hơn tại Điều 14 Công ước Rome. Khi tổ chức, cá nhân muốn biểu diễn một tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học đến công chúng phải xin phép và trả tiền bản quyền cho chủ sở hữu quyền tác giả, trong những trường hợp pháp luật quy định không phải xin phép thì phải trả tiền bản quyền cho việc sử dụng quyền biểu diễn theo quy định.[2]
Giữa năm 2020, Văn Mai Hương bị chỉ trích vì hát Hoa nở không màu trong một show bán vé sau đó phát hành trên kênh cá nhân. Chính tác giả của ca khúc là nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường bày tỏ sự bức xúc, và chính nữ ca sĩ cũng phải đăng đàn xin lỗi và giải thích rằng cô chỉ cover ca khúc mang tính chất giải trí chứ không hề bật tính năng kiếm tiền. Đây không phải lần đầu, vì trước đó nữ ca sĩ cũng liên tục hát lại ca khúc Always Remember Us This Way trong khi cô mới chỉ được cấp phép quyền biểu diễn còn các quyền sao chép và phát hành lại chưa có một văn bản chính thức công nhận.[4]
Bên cạnh những quy định bảo vệ người biểu diễn, Luật Sở hữu trí tuệ còn có những quy định những trường hợp không phải xin phép hay trả tiền, tuy nhiên những giới hạn quyền này phải đảm bảo 2 nguyên tắc như sau: đầu tiên, việc sử dụng không làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường cuộc biểu diễn và phương hại đến quyền của người biểu diễn và trong quá trình sử dụng các chủ thể phải tôn trọng quyền của người biểu diễn như: thông tin người biểu diễn hay cuộc biểu diễn,…….
Các giải pháp bảo vệ quyền của người biểu diễn?
Ca sĩ Mỹ Tâm là người đầu tiên giành được tác quyền “người biểu diễn”
(Ảnh: Người nổi tiếng)
Giữa tháng 10-2009, kể từ ngày liên hệ, gửi văn bản, tới nay (23-11-2009) đã có 14/15 đơn vị kinh doanh nhạc chuông, nhạc chờ đồng ý trả tiền cho ca sĩ Mỹ Tâm với tư cách là “người biểu diễn”. Như vậy, Mỹ Tâm đã trở thành ca sĩ đầu tiên tại Việt Nam giành được tiền tác quyền với tư cách là “người biểu diễn” từ nhạc chuông, nhạc chờ do mình biểu diễn - theo quy định về quyền sở hữu trí tuệ. Đây là một chiến thắng không chỉ đối với Mỹ Tâm mà còn tạo cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi của người biểu diễn, tác quyền và những quyền liên quan.[5]
Một vài đề xuất giải pháp để bảo vệ quyền của người biểu diễn như sau:
Người biểu diễn cần phải lưu ý, rõ ràng và minh bạch trong các điều khoản giao kết hợp đồng. Khác với các loại hình quyền khác, quyền của người biểu diễn là quyền độc lập nhưng được hình thành và khai thác trong mối quan hệ đa dạng và phức tạp giữa người biểu diễn, tác giả tác phẩm được biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, các hãng phim và các nhà đầu tư cho cuộc biểu diễn. Vì vậy, khi thực hiện cuộc biểu diễn người biểu diễn cần làm rõ trong hợp đồng mối quan hệ cũng như quyền và nghĩa vụ giữa người biểu diễn với nhau, người biểu diễn với tác giả và người biểu diễn với nhà sản xuất để giảm thiểu tranh chấp và đồng thời cũng là cơ sở để giải quyết nếu tranh chấp phát sinh.
Thành lập một tổ chức nghề nghiệp hay hiệp hội chịu trách nhiệm quản lý tập thể quyền của người biểu diễn. Quyền của người biểu diễn có thể được thực hiện trực tiếp bởi từng nghệ sĩ nhưng một cá nhân riêng lẻ, đặc biệt trong điều kiện môi trường kỹ thuật số khó có thể kiểm soát và quản lý toàn bộ việc khai thác, sử dụng cuộc biểu diễn và bản ghi âm cuộc biểu diễn của mình. Với thực trạng người biểu diễn tại Việt Nam có thể là một lao động trong biên chế nhà nước, là lao động của một doanh nghiệp ngoài quốc doanh hay một lao động tự do, cần thiết thành lập một tổ chức quản lý tập thể quyền của người biểu diễn, tổ chức này có thể là đại diện và quản lý quyền cho người biểu diễn thuộc mọi thành phần kinh tế và hoạt động biểu diễn trong mọi lĩnh vực.
Mở rộng thời hạn bảo hộ quyền của người biểu diễn trong luật Sở hữu trí tuệ. Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ năm, thời hạn bảo hộ quyền liên quan của người biểu diễn là năm mươi năm tính từ năm tiếp theo khi cuộc biểu diễn được định hình, thời hạn bảo hộ này áp dụng cho cả quyền nhân thân và quyền tài sản của người biểu diễn đối với tài sản trí tuệ.
Tuy nhiên, việc này lại chưa hợp lý khi đối chiếu với các quy định khác của Luật sở hữu trí tuệ chẳng hạn như, trong quyền tác giả thì quyền nhân của tác giả được bảo hộ vô thời hạn và tác giả có quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm, được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được sử dụng công bố rộng rãi, còn đối với quyền nhân thân của người biểu diễn chỉ bao gồm “được giới thiệu tên khi biểu diễn, khi phát hành bản ghi âm, ghi hình, phát sóng cuộc biểu diễn” và bị giới hạn về thời hạn bảo hộ. Nếu sau thời hạn bảo hộ này thì các bản ghi âm, ghi hình có thể bị cắt xén, xuyên tác và sửa chữa,... và ít nhiều sẽ làm ảnh hưởng đến hình tượng và danh dự của người biểu diễn, trong khi đó quyền nhân thân lại là quyền gắn chặt với mỗi cá nhân. Vì thế, pháp luật nên nhìn nhận lại việc bảo hộ quyền nhân thân của người biểu diễn theo hướng bảo hộ vô thời hạn.[3]
Lưu ý: Bài viết dựa trên thông tin thực tiễn và quan điểm khoa học, không nhằm quảng bá cho bất kỳ, cá nhân tổ chức nào.
Trương Diệu
[1]. Luật sở hữu trí tuệ 2005
[2]. Hoàng Hoa (2018), Quyền của người biểu diễn, Thông tin pháp luật dân sự.
[3]. Đỗ Thị Tùng (2015), Bảo hộ quyền của người biểu diễn theo pháp luật SHTT Việt Nam, Luận văn thạc sỹ - Thư viện Đại học quốc gia Hà Nội.
[4]. Văn Mai Hương có thể bị kiện khi hát nhạc của Lady Gaga (tv360.vn)
[5].Mỹ Tâm: ca sĩ đầu tiên giành được tác quyền “người biểu diễn” (luatminhkhue.vn)
Link nội dung: https://phapluatbanquyen.phaply.vn/bao-ve-quyen-cua-nguoi-bieu-dien-theo-phap-luat-viet-nam-a603.html