Từ bức xúc của Nhạc sĩ Nguyễn Phúc Thiện vì bị sử dụng nhạc trái phép… đến những khó khăn bất cập trong việc bảo vệ Quyền tác giả hiện nay

(PLBQ). Theo ý kiến nhiều chuyên gia, khung pháp lý về Quyền tác giả đã tương đối hoàn chỉnh để bảo vệ quyền tác giả, ngăn chặn các hành vi vi phạm. Tuy nhiên khi áp dụng các điều luật vào trong thực tiễn lại gặp rất nhiều khó khăn. Có những vụ vi phạm đã được khởi kiện lên Tòa án song lại không được giải quyết thi hành, hoặc chậm giải quyết, quá trình kéo dài gây bức xúc cho các tác giả bị xâm hại quyền.

Sau đây PLBQ nêu ra một vụ việc cụ thể để thấy những khó khăn và bất cập trong công tác bảo vệ quyền tác giả nói chung, quyền tác giả trong lĩnh vực  âm nhạc nói riêng hiện nay.

Tác giả bản hit “Em không sai chúng ta sai” bức xúc vì bị sử dụng nhạc trái phép

Ngày 22 tháng 10, nhạc sĩ Nguyễn Phúc Thiện - tác giả của bản hit “Em không sai chúng ta sai” đã khiến cư dân mạng chú ý khi đăng lên trang cá nhân, nội dung liên quan đến vấn đề bản quyền âm nhạc.

 

Ảnh trên tài khoản facebook nghệ sỹ Nguyễn Phúc Thiện

Nam nhạc sĩ cho biết: "Tính mình hiền lành, dễ chịu, cũng chưa từ chối bất cứ ai hỏi xin quyền tác phẩm của mình: từ show truyền hình, nghệ sĩ tên tuổi cho đến những bạn trẻ cover bắt đầu sự nghiệp.

Tuy nhiên, vẫn còn một vài cá nhân tự ý mang tác phẩm đi biểu diễn kiếm tiền khắp nơi mà chưa có bất kì sự liên hệ nào. Như vậy nghĩa là không tôn trọng tác giả, một đồng phí mình cũng không cần charge chỉ cần xin phép. Vậy nghĩa là tác giả cũng chả là ai để mà ý kiến phải không?...”

Sự bức xúc của nhạc sĩ Nguyễn Phúc Thiện cũng là nỗi lòng chung của rất nhiều nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc của Việt Nam khi đứng trước vấn đề vi phạm bản quyền âm nhạc trở nên tràn lan, phổ biến và khó kiểm soát như thế.

BOX: Gia tăng các  vụ vi phạm bản quyền âm nhạc

Theo số liệu thống kê vào cuối năm 2019 của bộ phận Pháp chế, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), tình trạng vi phạm quyền tác giả âm nhạc trong lĩnh vực biểu diễn, tổ chức biểu diễn những năm gần đây lên tới 132 chương trình biểu diễn[1]. Số lượng các vụ xâm phạm bản quyền tác giả đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là trong lĩnh vực âm nhạc bởi vì nó được diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Qua hình thức trực tuyến như livestream, video âm nhạc, các ứng dụng, website, kênh youtube. Hay qua hình thức trực tiếp như các buổi concert hay liveshow, các chương trình biểu diễn,...

Khung pháp lý khá đầy đủ, ….nhưng……
Cho đến hiện nay, khung pháp lý của Việt Nam cũng đã tương đối hoàn chỉnh về vấn đề bảo vệ quyền tác giả, được thể hiện cụ thể qua Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009; Nghị định 22/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Sở hữu trí tuệ, Luật sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan; Nghị định số 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan,...

Luật đã quy định cụ thể tại Điều 18 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Áp dụng cụ thể với lĩnh vực âm nhạc, quyền nhân thân là người khác không được sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm âm nhạc gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả. Đối với quyền tài sản khi cá nhân, tổ chức khai thác, sử dụng, một, một số hoặc toàn bộ các quyền sau: làm tác phẩm âm nhạc phái sinh; biểu diễn tác phẩm âm nhạc trước công chúng; sao chép tác phẩm âm nhạc; phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm âm nhạc; truyền đạt tác phẩm âm nhạc đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác đều phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.

Theo đó, nếu làm trái với những quy định trên thì bị coi là xâm phạm bản quyền tác giả. Tác giả, cá nhân hoặc tổ chức nắm giữ bản quyền tác giả âm nhạc có quyền yêu cầu cá nhân, tổ chức sử dụng tác phẩm của họ phải xin phép và trả tiền bản quyền, ghi nguồn cụ thể hoặc không nhưng phải xin phép và nhận được sự đồng ý của họ.

Khi phát hiện vi phạm, tùy tính chất, mức độ vi phạm có thể xử lý bằng nhiểu hình thức khác nhau bao gồm dân sự, hành chính và có thể cả hình sự.

Đối với biện pháp dân sự, Tòa có thể áp dụng các hình thức sau để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả nói riêng: buộc chấm dứt hành vi xâm phạm; buộc xin lỗi, cải chính công khai; buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự; buộc bồi thường thiệt hại.

Đối với biện pháp hành chính theo khoản 1 Điều 2 của Nghị định số 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan quy định khung phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức. Vi phạm bản quyền tác giả nói chung và trong lĩnh âm nhạc nói riêng mức phạt tiền tối đa có thể lên đến 250.000.000 đồng đối với cá nhân và 500.000.000 đồng đối với tổ chức. Khoản 3, 4 Điều 3 biện pháp khắc phục hậu quả: “Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số; buộc hoàn trả cho chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.”

Đối với biện pháp xử lý hình sự, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1-1-2018, quy định pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về tội xâm phạm bản quyền tác giả âm nhạc, quyền liên quan tại khoản 1 Điều 225, nếu không được phép của chủ thể quyền tác giả âm nhạc, quyền liên quan mà cố ý sao chép tác phẩm âm nhạc, phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Qua đó, rõ ràng chúng ta đã có khung pháp lý tương đối hoàn chỉnh để bảo vệ quyền tác giả, ngăn chặn các hành vi vi phạm. Tuy nhiên khi áp dụng các điều luật vào trong thực tiễn lại gặp rất nhiều khó khăn.

Nhiều khó khăn khi xử lý các vụ vi phạm bản quyền âm nhạc

Có những vụ vi phạm đã được khởi kiện lên Tòa án song lại không được giải quyết thi hành, hoặc chậm giải quyết, quá trình kéo dài gây bức xúc cho các tác giả bị xâm hại quyền.

Ảnh trên tài khoản facebook nghệ sỹ Nguyễn Phúc Thiện

Và đôi khi chính các tác giả nắm giữ bản quyền tác phẩm âm nhạc cũng ngại xử lý mạnh tay bởi sự cả nể, ngại đụng chạm. Như trong chính bài đăng của mình, nhạc sĩ Nguyễn Phúc Thiện cũng tự sự “Đôi khi muốn căng cũng khó vì ở đây phải nhìn trước ngó sau mà”. Tuy nhiên, có rất nhiều bình luận của mọi người đề nghị anh phải làm căng lên, đòi lại quyền lợi của mình.

Do đó, đa phần các vụ vi phạm bản quyền âm nhạc dù tác giả bức xúc, đau đầu khi đứa con tinh thần của mình ngang nhiên bị xâm phạm, thậm chí thu lợi bất chính nhưng cũng không làm gì được. Hoặc chỉ dừng lại ở xử phạt vi phạm hành chính, trong khi những cá nhân/tổ chức vi phạm có thể kiếm được rất nhiều lợi ích từ hành vi sai trái, thì số tiền nộp phạt đó không đáng gì. Từ đó, các quy định được đặt ra cũng chẳng còn tính răn đe, quyền tác giả không được tôn trọng, đương nhiên thiệt hại không chỉ về kinh tế mà còn là uy tín, tinh thần cho các đơn vị nắm giữ bản quyền.

Thêm vào đó là sự “mọc lên” như nấm của các website, hội nhóm, diễn đàn chia sẻ nhạc lậu, mà cơ quan an ninh mạng không thể kiểm soát được, cứ dẹp đi thì nó lại mọc lên. Mục đích chia sẻ nhạc lậu thì ai cũng biết, thông qua các “kênh” đó để chạy quảng cáo, kiếm tiền bất chính trên mồ hôi, chất xám của tác giả, nhà sản xuất.

Kiến nghị

Để cải thiện tình trạng trên thì rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của không chỉ các cơ quan chức năng, cơ quan có thẩm quyền mà còn là cả xã hội. Các cơ quan cần phải mạnh tay, dứt khoát hơn trong vấn đề xử lý xâm phạm bản quyền. Người dân cần có ý thức hơn trong việc tôn trọng quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ, bằng cách sử dụng những sản phẩm văn hóa có bản quyền, nói không với xem lậu, xem “chùa”. Mặt khác, các tác giả cũng nên xem xét hợp tác các đơn vị cung cấp dịch vụ quản lý quyền tác giả chuyên nghiệp như xu thế chung tại các nước phát triển trên thế giới.

KỲ ANH

 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.