Nhượng bản quyền gạo ST25 cho Nhà nước – tiền lệ chưa từng có

(PLBQ). Sau ồn ào gạo ST25 bị người khác đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thương mại độc quyền tại nước ngoài, mới đây ông Hồ Quang Cua và nhóm tác giả của giống lúa ST24, ST25 có nguyện vọng nhượng lại quyền sở hữu trí tuệ cho Nhà nước.

(Ảnh: IT)

>> Cần xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu gạo Việt

>> ST25 VÀ CÂU CHUYỆN XÂY DỰNG, BẢO HỘ THƯƠNG HIỆU

>> Nhãn hiệu gạo ST25: Đừng để mất bò mới lo làm chuồng

Mong muốn nhượng lại quyền sở hữu trí tuệ gạo ST25 cho nhà nước để nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, đơn vị có thể sử dụng bản quyền giống lúa và nhằm thúc đẩy việc sản xuất ST24, ST25 ở quy mô diện tích rộng hơn và sản lượng lớn hơn. Việc làm của ông Cua là chưa từng có tiền lệ trước đây.

Thời gian qua Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định FTA thế hệ mới và mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu đặc biệt với sản phẩm gạo trên các thị trường khó tính thế giới. Tuy nhiên, việc vận dụng các điều luật quốc tế về nông sản còn hạn chế và gây nhiều khó khăn. Nếu cơ quan quản lý nhà nước quản lý giống gạo này thì sẽ được khai thác sử dụng hơn và ổn định về chất lượng, diện tích. Ngoài ra khi nhà nước quản lý có thể  giúp dập tắt tình trạng hàng giả, hàng nhái đang tồn tại tràn lan trên thị trường gây mất uy tín. Qua đó người dân có thể yên tâm hơn khi mua loại gạo ngon nhất thế giới.

Nhượng lại bản quyền gạo ST25 cho nhà nước có thể là biện pháp tốt nhất hiện tại để bảo đảm năng suất, chất lượng của 2 giống lúa ST24 và ST25 trong tất cả các vùng sản xuất, phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu các thị trường lớn. Trường hợp khi nhóm tác giả nhượng quyền cho doanh nghiệp sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng độc quyền, không thể tận dụng hết được cơ hội vàng mà giống gạo này mang lại. Ngoài ra nông dân hay các doanh nghiệp, hợp tác xã sẽ khó tiếp cận để trồng và sản xuất.

Tuy nhiên, nếu việc chuyển nhượng này được thực hiện cũng sẽ gặp một số khó khăn nhất định vì hiện nay Việt Nam có tới 800.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ mỗi doanh nghiệp có đến hàng chục sản phẩm. Việc quản lý, sử dụng các quyền bảo hộ này như thế nào thì chưa có các quy định cụ thể.

(Ảnh: Internet)

Quy trình nhượng quyền sẽ như thế nào?

Việc nhượng lại quyền sở hữu trí tuệ từ cá nhân cho cơ quan nhà nước là chưa có tiền lệ. Tuy nhiên, một số văn bản quy phạm pháp luật trong việc này đã có quy định.

Căn cứ Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2019, đối với giống gạo ST25 có thể chuyển giao quyền sử dụng, hoặc chuyển nhượng quyền. Chủ bằng bảo hộ giống cây trồng chuyển giao toàn bộ quyền đối với giống cây trồng đó cho bên nhận chuyển nhượng. Bên nhận chuyển nhượng trở thành chủ bằng bảo hộ giống cây trồng kể từ ngày hợp đồng chuyển nhượng được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng.

Việc chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản. Chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng được thực hiện thông qua hợp đồng chuyển nhượng và phải làm thủ tục đăng ký mới.

Trong hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng, các bên thoả thuận về những điều khoản cơ bản của hợp đồng như đối tượng, phạm vi, thời hạn, giá cả... Chi phí và điều kiện chuyển nhượng sẽ do hai bên tự thỏa thuận. Sau khi ký kết hợp đồng chuyển nhượng, hai bên cần phải tiến hành đăng ký tại Cục Trồng trọt.

Đối với trường hợp nếu ông Cua muốn hiến, biếu, tặng, cho, chuyển giao khác giống gạo ST25. Theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, bản quyền gạo ST25 sẽ được Nhà nước Việt Nam tiếp nhận và được chuyển thành tài sản thuộc sở hữu toàn dân.

Cùng với đó, việc quản lý bản quyền giống gạo này sẽ căn cứ quy định tại điểm d, đ, Khoản 9 Điều 5 Nghị định số 29/2018/NĐ-CP thì có thể chuyển giao cho Chính phủ, Bộ Tài chính, đơn vị được Bộ Tài chính phân cấp, hoặc chuyển giao cho chính quyền địa phương (Sở Tài chính là đơn vị chủ trì quản lý tài sản).

Định giá bản quyền giống gạo ST25

Tuy không nói về giá bản quyền cụ thể, nhưng ông Cua mong muốn thành quả của mình được trả công xứng đáng.

Khi nhượng bản quyền, việc định giá có thể sẽ căn cứ vào Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Chuyển giao công nghệ và các văn bản hướng dẫn... từ đó sẽ tính cụ thể để thoả thuận.

Ví dụ: Luật Khoa học công nghệ tối thiểu không dưới 30%, Luật Chuyển giao công nghệ thì có ủy quyền và phải căn cứ vào nguồn kinh phí để triển khai đề tài. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa thể định giá được giá trị của gạo ST24 và ST25 nên vẫn chưa có con số chính xác bản quyền của hai loại gạo này là bao nhiêu.

Nếu chuyển nhượng bản quyền gạo ST25 cho nhà nước thành hiện thực sẽ tạo được rất nhiều lợi thế xuất khẩu gạo trong tương lại với thương hiệu gạo quốc gia mạng lại nhiều lợi ích. Thủ tục hành chính với giống lúa cũng dễ dàng thực hiện hơn. Đây là một đề nghị vô cùng hợp lý vì với danh hiệu “gạo ngon nhất thế giới” thì ST25 đem lại giá trị cho không chỉ nhóm tác giả mà còn danh tiếng cho gạo Việt Nam. Cùng với đó trong thời gian tới cần có các tiêu chí rõ ràng hơn khi nhượng bản quyền cho nhà nước và quy định quản lí sau khi nhượng quyền.

Lưu ý: Bài viết dựa trên thông tin thực tiễn và quan điểm khoa học, thực tiễn, không nhằm quảng bá cho bất kỳ, cá nhân tổ chức nào.

Tô Chiêm

Link nội dung: https://phapluatbanquyen.phaply.vn/nhuong-ban-quyen-gao-st25-cho-nha-nuoc-tien-le-chua-tung-co-a609.html