Nhãn hiệu gạo ST25: Đừng để mất bò mới lo làm chuồng

(PLBQ). Sau nước mắm Phú Quốc, cà phê Trung Nguyên,… nhãn hiệu gạo ST25 có nguy cơ bị mất vì chưa đăng ký bảo hộ ở nước ngoài.

Tra cứu thông tin công khai trên WIPO - cơ sở dữ liệu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, hiện nay gạo ST25 đã bị ít nhất năm doanh nghiệp có đơn đăng ký bản quyền (quyền tác giả) trước tại Mỹ. Tuy nhiên, điều đáng chú ý ở đây là tất cả chủ đơn này đều không có quốc tịch Việt Nam. Như vậy, nếu các đơn đăng ký này được chấp thuận, khi Việt Nam xuất khẩu gạo này sang Mỹ sẽ phải thông qua doanh nghiệp chủ sở hữu nhãn hiệu ST25. Nếu không thông qua, doanh nghiệp Việt sẽ vi phạm về Sở hữu trí tuệ (SHTT).

Năm doanh nghiệp có đơn đăng ký gạo ST25 tại Mỹ

Nguồn gốc gạo ST25

Gạo ST25 hay còn được gọi là gạo thơm Sóc Trăng, là kết quả nghiên cứu suốt 20 năm của kỹ sư Hồ Quang Cua. Giống ST25 là thế hệ mới nhất của dòng lúa thơm lừng danh với nhiều phẩm chất được xếp vào hàng "thượng hạng". Từ việc tuyển chọn hạt giống đến việc gieo trồng đều tuân thủ các nguyên tắc nghiêm ngặt của quy trình sản xuất gạo Organic để cho ra hạt gạo sạch và an toàn sức khỏe.

Chất lượng của gạo ST25 đã được công nhận trên trường quốc tế khi xuất sắc đạt danh hiệu "Gạo ngon nhất thế giới 2019" và giành giải nhì tại cuộc thi "Gạo ngon nhất thế giới 2020" được tổ chức tại Mỹ, điều này đã khẳng định phẩm chất thượng hạng của hạt gạo Việt Nam.

Kỹ sư Hồ Quang Cua và gạo ST25 (Nguồn: nhadautu.vn)

Giống lúa “ST25” đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam

Theo tra cứu và tìm hiểu, giống lúa có tên ST25 này đã được cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng số 21.VN.2020 theo Quyết định số 45/QĐ-TT-VPBH ngày 06/03/2020 của Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo đó, chủ Bằng bảo hộ của giống lúa ST25 là Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí và tác giả giống lúa ST25 là các ông/bà Hồ Quang Cua, Trần Tấn Phương, Nguyễn Thị Thu Hương.

Phải hiểu rõ rằng, việc bảo hộ của nhà nước theo “Bằng bảo hộ giống cây trồng số 21.VN.2020” là đối với bản thân lúa giống, cấp cho giống cây trồng. Chủ bằng có quyền tự mình hoặc cho phép người khác thực hiện các hành vi quy định tại Điều 186 Luật SHTT đối với vật liệu nhân giống (trong trường hợp cụ thể này là hạt lúa giống) chứ không phải là gạo (được coi là sản phẩm chế biến sau thu hoạch của lúa). Bên cạnh đó, một điểm cần lưu ý là quyền cấp cho chủ bằng bảo hộ số 21.VN.2020 chỉ có hiệu lực ở Việt Nam (Khoản 1 Điều 169 Luật SHTT).

Vậy dấu hiệu gạo “ST25” có thể đăng ký dưới dạng nhãn hiệu?

Theo pháp luật Việt Nam

Cần phân biệt giữa giống cây trồng và sản phẩm gạo từ giống lúa đó. Gạo (một trong những lương thực chính của gần một nửa dân số trên toàn thế giới) là nguồn sản phẩm thu được từ cây lúa. ST25 là tên của một loại gạo, là sản phẩm chế biến từ thóc thu hoạch được từ giống lúa ST25. Vì vậy, ST25 chính là tên gọi chung của một loại sản phẩm, nên bất kỳ cá nhân, tổ chức nào kinh doanh sản phẩm này cũng phải sử dụng đúng tên gọi đó.

Căn cứ điểm b Khoản 2 Điều 74 Luật SHTT:

Điều 74. Khả năng phân biệt của nhãn hiệu

2. Nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt nếu nhãn hiệu đó là dấu hiệu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

b) Dấu hiệu, biểu tượng quy ước, hình vẽ hoặc tên gọi thông thường của hàng hóa, dịch vụ bằng bất kỳ ngôn ngữ nào đã được sử dụng rộng rãi, thường xuyên, nhiều người biết đến

Tên gọi thông thường của hàng hóa bằng bất kỳ ngôn ngữ nào đã được sử dụng rộng rãi, thường xuyên, nhiều người biết đến sẽ bị coi là không có khả năng phân biệt và không được đăng ký làm nhãn hiệu.

Ví dụ: Dấu hiệu “Milk” cho sản phẩm sữa sẽ không thể đăng ký được dưới dạng nhãn hiệu vì sẽ bị coi là không có khả năng phân biệt (tên của sản phẩm sữa được viết theo tiếng Anh).

Như vậy, trong trường hợp trên, bất kỳ cá nhân, tổ chức nào, kể cả doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí cũng không thể được bảo hộ độc quyền dấu hiệu “ST25” cho sản phẩm gạo.

Theo pháp luật Hoa Kỳ

Về dấu hiệu gạo “ST25”, hiện nay có ít nhất năm doanh nghiệp có đơn đăng ký nhãn hiệu gạo “ST25” tại Mỹ. Tuy nhiên, theo “Hướng dẫn thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu” của Cơ quan sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO), thẩm định viên sẽ từ chối đơn đăng ký nhãn hiệu đối với tên của một loại gạo mà trùng với “tên giống cây trồng” đã được bảo hộ tại một trong các nước có quan hệ thương mại với Hoa Kỳ. Như vậy, dấu hiệu gạo “ST25” không thể được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền tại Việt Nam cũng như Hoa Kỳ cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.

Ngoài ra, Mỹ là một trong những quốc gia xây dựng pháp luật về Sở hữu trí tuệ theo nguyên tắc first-to-use trong việc bảo hộ nhãn hiệu, nên quyền sở hữu và đăng ký nhãn hiệu tại Mỹ được ưu tiên cho người đầu tiên sử dụng nhãn hiệu chứ không phải người đầu tiên nộp đơn đăng ký.

Thuật ngữ “sử dụng” trong trường hợp này được hiểu là sử dụng thực tế trong thương mại (actual commercial use), có thể giải thích như sau:

  • Đối với hàng hóa: khi nó được hiển thị trong bất cứ cách nào trên hàng hóa hoặc trên bao bì hàng hóa; khi hàng hóa được bán hay vận chuyển trong thương mại.
  • Đối với dịch vụ: khi nó được sử dụng hoặc hiển thị trong việc bán hoặc quảng cáo các dịch vụ tại Hoa Kỳ và nước ngoài.

Thuật ngữ “thương mại” được hiểu là các hoạt động trong thương mại Liên bang hoặc trong quan hệ thương mại giữa Hoa Kỳ với nước ngoài. Mặt khác, đối với hàng hóa, nếu nhãn hiệu chỉ được sử dụng ở nước ngoài mà không được sử dụng tại Hoa Kỳ hoặc chưa được sử dụng trong thực tế, thì chủ sở hữu nhãn hiệu không có quyền đòi quyền sở hữu đối với nhãn hiệu của mình tại Hoa Kỳ.

Vì nhãn hiệu ST25 đã bị các đơn vị tại Hoa Kỳ nộp đơn và chưa được cấp văn bằng bảo hộ, nên đây đang là thời điểm “vàng” để doanh nghiệp Việt Nam thực hiện thủ tục phản đối đơn (đề nghị USPTO không cấp bằng độc quyền cho các đơn vị kia). Nếu được cấp bằng độc quyền rồi thì việc kiện tụng sẽ phức tạp, tốn kém nhiều chi phí hơn và có thể tỷ lệ thành công cũng thấp hơn.

Lý do phản đối có thể là:

  • Đơn vị đã nộp đơn đăng ký không có quyền đăng ký do không phải là chủ sở hữu đích thực của sản phẩm ST25.
  • Sản phẩm ST25 đã được lưu hành tại Hoa Kỳ trước thời gian các đơn vị kia nộp đơn tại Cơ quan sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ - USPTO (do Hoa Kỳ áp dụng nguyên tắc quyền sử dụng trước).

Hồi chuông cảnh tỉnh cho doanh nghiệp Việt

Đăng ký nhãn hiệu tại Mỹ là việc đầu tiên doanh nghiệp Việt Nam cần lưu tâm khi có ý định đầu tư hoặc hợp tác kinh doanh tại thị trường Mỹ. Tại vì, thực tế đã có rất nhiều các nhãn hiệu nổi tiếng của Việt Nam như thuốc lá Vinataba, cafe Trung Nguyên, nước mắm Phú Quốc, gạo Nàng Hương,… đã bị người khác đăng ký trước ở Mỹ. Không ít trường hợp đã phải mua lại nhãn hiệu của chính mình với giá cao hoặc chấp nhận sử dụng một nhãn hiệu khác trên đất Mỹ.

Điển hình không thể nào quên là vào năm 2000, công ty cà phê Trung Nguyên đã quyết định hợp tác với công ty Rice Field ở thị trường Mỹ. Tuy nhiên, khi chưa kịp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Mỹ thì công ty Trung Nguyên bất ngờ phát hiện ra phía đối tác Rice Field đã “nẫng tay trên” nhãn hiệu này. Mặc dù, đã thực hiện việc khiếu nại ngay lập tức song phải đến hai năm sau, công ty Trung Nguyên mới đòi lại được nhãn hiệu của mình. Để dàn xếp ổn thỏa, công ty Trung Nguyên vẫn phải chấp nhận để công ty Rice Field làm nhà phân phối sản phẩm cà phê của mình và đã phải tốn lượng tài chính khổng lồ mới lấy lại được nhãn hiệu tại Mỹ.

Với nhiều thiệt hại về thời gian và chi phí, trường hợp của Trung Nguyên - một trong những vụ việc đầu tiên về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp Việt Nam tại nước ngoài, đã trở thành bài học đắt giá cho nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, hơn 20 năm sau, việc doanh nghiệp “đánh mất” nhãn hiệu do không đăng ký bảo hộ tại các thị trường nước ngoài dường như vẫn là câu chuyện quen thuộc hiện nay.

Doanh nghiệp Việt cần nhận thức được rằng, nước Mỹ (Hoa Kỳ) không chỉ là cường quốc số 1 thế giới về kinh tế mà còn là thị trường xuất khẩu vô cùng quan trọng của Việt Nam trong nhiều năm qua. Việt Nam hiện đang được hưởng rất nhiều lợi ích trong quan hệ thương mại với Mỹ do luôn có giá trị xuất siêu lớn sang thị trường này. Do đó, việc tìm hiểu về quy trình, thủ tục hay các giấy tờ cần thiết để đăng ký nhãn hiệu tại Mỹ là vô cùng thiết thực, nhất là đối với các doanh nghiệp đang có ý định xuất khẩu sản phẩm mang nhãn hiệu Việt vào thị trường Mỹ.

Nhãn hiệu là  “linh hồn” của mỗi doanh nghiệp trong quá trình phát triển, bởi thế mất nhãn hiệu không chỉ mất đi lợi thế cạnh tranh mà còn mất uy tín, mất thị trường, khiến doanh nghiệp phải gánh chịu những hậu quả nặng nề. Vì vậy, trong khi nguồn lực hỗ trợ từ nhà nước còn có hạn thì các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu, song song với việc xây dựng nhãn hiệu thì cũng cần có chiến lược bảo vệ, giữ gìn nhãn hiệu ở cả thị trường trong và ngoài nước.

Thời gian thì không chờ đợi ai, nhưng cho đến bây giờ, câu chuyện bảo vệ nhãn hiệu gạo ST25 vẫn đang khiến cả doanh nghiệp và cơ quan chức năng lúng túng. Nếu các đơn đăng ký nhãn hiệu cho gạo ST25 trên được Cơ quan sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ (USTPO) chấp thuận thì hạt gạo thượng hạng nhất thế giới của Việt Nam sẽ chính thức phải bước vào hành trình "đòi lại tên mình" vô cùng gian nan mà không biết khi nào kết thúc.

Kỳ Anh

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.