Còn nhớ hồi tháng 3/2019, Ấn Độ đã gây chú ý cộng đồng doanh nghiệp quốc tế với chính sách khuyến khích liên kết sản xuất (PLI), có quy mô gói hỗ trợ khoảng 7,33 tỷ USD. Các công ty thuộc đối tượng hỗ trợ sẽ nhận được 4 - 6% doanh thu tăng thêm từ các sản phẩm được sản xuất tại Ấn Độ dưới hình thức trợ cấp. Năm 2020, nước này đã chi mạnh 20 tỷ USD để chiêu dụ các công ty nước ngoài chuyển sản xuất sang Ấn Độ. Đến tháng 10/2022, Thủ tướng Modi phê duyệt đề án “Pradhan Mantri Gati Shakti” với ngân sách 1.500 tỷ USD để đầu tư hạ tầng đón đầu các nhà máy dịch chuyển từ Trung Quốc. Từ đấy cho thấy, trong công cuộc đón đầu làn sóng chuyển dịch đầu tư trong khu vực, Ấn Độ đã nhanh chóng đưa ra các gói hỗ trợ rất mạnh tay.
Đặc biệt, đối với các công ty trong các ngành công nghệ cao như pin và chất bán dẫn, Chính phủ Ấn Độ thậm chí còn đưa ra các biện pháp hỗ trợ từ hàng chục triệu đến hàng trăm triệu USD, bao gồm hoàn trả lần lượt 40% và 50% chi phí xây dựng đối với các nhà đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất pin và bán dẫn tại đây. Đối với
các nhà máy sản xuất pin quy mô lớn với công suất sản xuất hàng năm từ 20GWh trở lên, theo ông Kumar Singh, Giám đốc Cơ quan Xúc tiến Thương mại Ấn Độ, Thứ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Ấn Độ, Chính phủ còn dự định hỗ trợ 40% chi phí xây dựng nhà máy và cung cấp các khoản trợ cấp trị giá 300 triệu USD cho việc sản xuất pin…
Năm ngoái, Ấn Độ ghi nhận GDP đạt 3.468,5 tỷ USD đứng thứ 5 trên thế giới, cùng với đó dân số của Ấn Độ khi đó tăng lên 1,37 tỷ người, đứng thứ hai thế giới sau Trung Quốc.
Pin và xe điện là các lĩnh vực tiêu biểu mà Ấn Độ mong muốn hợp tác trong tương lai với Hàn Quốc. Theo Reuters, tiềm năng xe điện ở quốc gia này còn rất lớn, năm 2023 các mẫu xe điện chỉ chiếm khoảng 2% doanh số bán ô tô của Ấn Độ. Trong khi đó, Chính phủ nước này đặt mục tiêu đạt 30% vào năm 2030 và hiện đang thực hiện chính sách thu hút các nhà sản xuất xe điện. Đó là sẽ hỗ trợ 40% chi phí xây dựng nhà máy sản xuất pin, bên cạnh đó, hỗ trợ bổ sung từ chính quyền các bang nơi đặt nhà máy sản xuất cũng đang được xem xét. Hãng xe điện VinFast của ông Phạm Nhật Vượng chắc chắn đã tìm thấy được sự ưu đãi này, trước khi đưa ra quyết định con số sẽ đầu tư 2 tỷ USD. Dự án của VinFast đặt mục tiêu phát triển tại Tamil Nadu thành trung tâm sản xuất xe điện hiện đại, tầm cỡ trong khu vực với quy mô sản xuất lên đến 150.000 xe điện/năm. Trong 5 năm đầu tiên, mức đầu tư là 500 triệu USD cho giai đoạn 1. Dự án sẽ bắt đầu trong năm nay, tạo ra khoảng 3.000 - 3.500 việc làm tại địa phương. Bên cạnh việc xây dựng cơ sở sản xuất tại Tamil Nadu, VinFast cũng có kế hoạch thiết lập mạng lưới đại lý phân phối và bán lẻ trên toàn quốc nhằm nhanh chóng tiếp cận khách hàng Ấn Độ…
Sự “hào phóng” trong chính sách thu hút đầu tư không chỉ hấp dẫn mà còn giữ chân được các “ông lớn” một khi đến với Ấn Độ. Có thể liệt kê các tên tuổi, như Apple, Google, Samsung Electronics, Foxconn Hong Hai, Rising Star, Wistron, Pegatron…. Đến nay đã có hơn 600 công ty Hàn Quốc đang đầu tư tại Ấn Độ (trong đó có những “ông lớn” như Samsung Electronics, LG Electronics, Hyundai Motor Company và Kia…), tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực vô cùng tiềm năng như như ô tô, pin, hóa chất và công nghiệp nặng. Gần đây Apple đã quyết định tăng sản lượng điện thoại thông minh ở Ấn Độ lên hơn 5 lần. Các chuyên gia dự báo, đến năm 2025, sẽ có khoảng 25% số iPhone mà Apple sản xuất được gắn nhãn “Made in India”, và nếu vậy, Ấn Độ sẽ trở thành trung tâm sản xuất iPhone toàn cầu trong vòng hai năm tới. Ngoài Apple, trong tháng 10 này, Google đã thông báo về kế hoạch sản xuất điện thoại di động ở Ấn Độ.
Trong cuộc đua cạnh tranh chất bán dẫn, Chính phủ Ấn Độ trải thảm bằng chính sách: Nếu các nhà đầu tư hợp tác với một công ty Ấn Độ xây dựng một nhà máy thì có thể nhận khoản hỗ trợ tối đa lên tới 10 tỷ USD. Chính phủ Ấn Độ dự kiến hỗ trợ 50% chi phí cần thiết trong việc xây dựng nhà máy như một khoản trợ cấp. Cùng với đó, Chính phủ cũng đang đầu tư 1.000 tỷ USD đến năm 2030 để xây dựng đường xá, bến cảng và sân bay nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghiệp sẵn sàng đón nhận các nhà đầu tư FDI. Hiện tại mỗi ngày đất nước này có hơn 30 km đường mới xây dựng và sắp tới là 72 sân bay mới sẽ triển khai đầu tư…
Hầu hết các “ông lớn” đầu tư tại Ấn Độ đều đánh giá cao sự hỗ trợ của chính sách “Make in India”, chính sách hàng đầu của Thủ tướng Narendra Modi, trong việc cung cấp thông tin kinh doanh nhanh hơn và khuyến khích tài chính cho hoạt động sản xuất hàng hóa trên lãnh thổ Ấn Độ. Công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint đã bình luận rằng: “Ấn Độ có một thị trường khổng lồ cùng với các ưu đãi của Chính phủ và lực lượng lao động giá rẻ dồi dào”. Và mặc dù các công ty nước ngoài đang vận hành tốt nhưng Chính phủ nước này vẫn không ngừng nghiên cứu và đưa ra các chính sách hấp dẫn nhằm giữ chân và thu hút đầu tư mới.
Cùng với đầu tư vào Ấn Độ, gần đây nhất vào tháng 11/2023, sau khi niêm yết thành công trên sàn chứng khoán Mỹ, VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã lên kế hoạch đầu tư đến 1,2 tỷ USD vào Indonesia “trong dài hạn”, mở ra mục tiêu mới về chinh phục xe điện vào thị trường Đông Nam Á không kém tiềm năng. Trong đó, dành từ 150 triệu đến 200 triệu USD cho một cơ sở sản xuất tại Indonesia, bắt đầu hoạt động vào năm 2026 với công suất 30.000-50.000 xe/năm – theo tài liệu F-1 gửi lên Ủy ban Chứng khoán và Sàn Giao dịch Mỹ (SEC).
Mới đây nhất vào ngày 13/01/2024, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam, Tổng thống Indonesia, Joko Widodo đã trực tiếp đến thăm Nhà máy sản xuất ô tô VinFast tại Hải Phòng với lời cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để VinFast sớm hoàn tất các thủ tục đầu tư sản xuất - kinh doanh tại thị trường Indonesia…
Tổng thống Indonesia tham quan Nhà máy sản xuất ô tô điện VinFast
Indonesia không chỉ là quốc gia có dân số đông thứ 4 thế giới với 277 triệu người, là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á; mà quan trọng hơn, thị trường xe điện tại quốc gia này vẫn trong giai đoạn khá “hoang sơ” nhưng được đánh giá là cực kỳ tiềm năng với khả năng tăng trưởng nhiều con số qua mỗi năm. Đặc biệt là nguồn nickel, nguyên liệu để sản xuất pin - linh kiện đắt nhất, chiếm đến 1/3 giá thành trên mỗi chiếc xe điện. Bất cứ ai nắm giữ được nguồn nguyên liệu này được xem là một trong những chìa khóa để mở rộng hoạt động sản xuất xe điện. Trong khi đó theo số liệu của Cục Khảo sát địa chất Mỹ, Indonesia chính là nước có trữ lượng nickel lớn nhất thế giới với 21 triệu tấn, chiếm 22% trữ lượng toàn cầu. Indonesia cũng là nhà sản xuất nickel lớn nhất toàn cầu, chiếm đến 39% sản lượng của toàn thế giới, xếp trên các quốc gia như Philippines, Nga hay Úc.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến hàng loạt các ông lớn ngành sản xuất ô tô điện xúc tiến việc mở nhà máy tại Indonesia. Đến nay các nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới như Toyota và Huyndai hay Tesla, BYD đều đã đầu tư hàng tỷ USD mở rộng cơ sở sản xuất xe điện ở Indonesia… Theo dữ liệu từ fDi Markets, năm 2022, quốc gia này đứng thứ 4 thế giới với 8 tỷ USD (xếp sau Mỹ, Hungary và Mexico) về thu hút FDI trong lĩnh vực xe điện. Tuy nhiên tiềm năng vẫn là tiềm năng, nếu như Chính phủ quốc gia này không có chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn.
Ngân hàng Thế giới đánh giá Indonesia là một trong những nước tích cực nhất nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư. Trước hết là giảm thuế. Tại Indonesia, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông là 25% từ năm 2021 giảm thuế về mức 23% năm, tương đương mức trung bình của ASEAN. Doanh nghiệp có doanh thu nhỏ hơn 4,8 tỷ rupi được áp dụng mức thuế suất 1% tính trên doanh thu năm. Doanh nghiệp có doanh thu từ 4,8 - 50 tỷ rupi được áp dụng mức thuế suất 12,5% đối với phần thu nhập chịu thuế tương ứng với mức doanh thu 4,8 tỷ rupi.
Sự đa dạng và cách biệt văn hóa của nhiều nhóm sắc tộc của đất nước vạn đảo đã đặt ra thách thức lớn đối với Chính phủ Indonesia trong thu hút đầu tư từ nguồn vốn FDI. Quá trình phát triển dựa vào nguồn vốn FDI có thể làm tăng khoảng cách phát triển giữa các vùng và tăng nguy cơ gây bất ổn, xung đột do nguồn vốn FDI có xu hướng tập trung vào một số địa phương ít có lợi thế về nguồn lực và tập trung đông dân. Để đảm bảo ổn định chính trị thì việc thu hút FDI đảm bảo phát triển đồng đều giữa các vùng là vấn đề hết sức quan trọng đối với Indonesia. Chính vì vậy mà bên cạnh việc giảm thuế, Indonesia đẩy mạnh phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng thuận lợi, kết nối các vùng miền với nhau. Các dự án FDI cần sử dụng nguồn lực giá rẻ có thể sẽ trải ra đều hơn trên các địa phương do tính kết nối về cơ sở hạ tầng gia tăng. Còn các dự án đầu tư sản xuất hàng tiêu dùng phục vụ thị trường nội địa thì sẽ tập trung sản xuất tại một địa phương, thay vì dàn trải nhiều địa bàn, vì họ có thể vận chuyển hàng hóa một cách thuận tiện đến mọi miền do giao thông đã thuận lợi.
Bên cạnh thách thức về phát triển đồng đều giữa vùng, miền, Indonesia cũng gặp thách thức về phân cấp quản lý nguồn vốn FDI từ trung ương đến địa phương. Trong giai đoạn đầu thực hiện phân quyền, khiến các nhà đầu tư FDI có phần lo ngại về sự không thống nhất về chính sách giữa chính quyền trung ương và địa phương. Thậm chí, Chính phủ còn bị chỉ trích là chia sẻ lợi ích từ trung ương xuống địa phương và củng cố thêm quyền lực của các nhóm lợi ích ở địa phương. Tuy nhiên Chính phủ Indonesia đã nhanh chóng khắc phục được sự bất cập này khi việc phân quyền đi kèm với nâng cao năng lực cán bộ của các địa phương và hoàn thiện các thể chế quản lý và nâng cao vai trò lãnh đạo liêm khiết…
Những nỗ lực kể trên đã giúp cho việc giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Indonesia trong năm 2022 đạt tới 45,6 tỷ USD (bất chấp dịch bệnh), mức cao nhất trong lịch sử của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này.
Câu chuyện của VinFast đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (Ấn Độ, Indonesia và trước đó là Hoa Kỳ) với sản phẩm xe điện đã làm thay đổi góc nhìn của người tiêu dùng trên toàn cầu đối với Việt Nam, không chỉ là sản phẩm nông nghiệp truyền thống như gạo, cà phê, hồ tiêu, cao su, hay khoáng sản thô… Ở một khía cạnh khác, câu chuyện của VinFast đã và đang truyền cảm hứng mạnh mẽ đối với các doanh nghiệp trong nước muốn lớn mạnh phải “bơi” ra biển lớn; và gợi mở cho Việt Nam những giải pháp thu hút đầu tư FDI nhìn từ tầm vĩ mô.
Phải nghiên cứu thật kỹ thị trường trước khi đưa ra quyết định
Để vươn ra biển lớn, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã dẫn dắt VinFat đi từng bước một, trên nền tảng của Vingroup. Một năm sau khi tổ hợp Nhà máy sản xuất ô tô, xe máy điện VinFast ra đời tại Cát Hải, Hải Phòng ra đời, Tập đoàn Vingroup đã tự tin mang 2 mẫu xe đến triển lãm ô tô quốc tế Paris (lớn nhất thế giới), gây sự chú ý với giới truyền thông. Sau tổ hợp này, tháng 6/2019, Vingroup tiếp tục khánh thành Nhà máy sản xuất ô tô tại Khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng) với dây chuyền sản xuất hàng loạt, đánh đấu sự tự chủ sản xuất ô tô mang thương hiệu Việt trên bản đồ ngành công nghiệp ô tô thế giới.
Tuy nhiên phải đợi đến năm 2021, khi Vingroup đặt trụ sở chi nhánh chính thức tại hạt Chatham, thành phố Sanford, Bắc Carolina (Mỹ) va đưa nhà máy sản xuất xe điện của VinFast đi vào hoạt động với công suất 150.000 xe/năm thì thương hiệu VinFast mới thực sự gây sự chú ý với người tiêu dùng trên toàn cầu. Quyết định bước vào thị trường Mỹ trong bối cảnh đã có hàng loạt nhà sản xuất xe điện sừng sỏ như Tesla, Volkswagen, Fod, Chevrolet, GM… không phải ông Vượng nhắm mắt làm liều. Trước đó vào tháng 8/2022, Tổng thống Biden ký ban hành Đạo luật Giảm lạm phát trị giá 430 tỷ USD để điều chỉnh việc cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong nước. Trong đó điểm nhấn nằm ở điều khoản đề xuất cung cấp một khoản tín dụng thuế lên tới 7.500 USD cho những người mua xe điện mới được sản xuất tại Mỹ, thời gian đến năm 2032. Thực tế khi VinFast xây dựng nhà máy đã nhận được khoản ưu đãi lên tới 1,2 tỷ USD…
Ngày 15/8/2023, giới kinh doanh xe điện toàn cầu tiếp tục chứng kiến bước đi táo bạo tiếp theo của tỷ phú Vượng. Đó là niêm yết thành công tại sàn giao dịch chứng khoán Mỹ, đánh dấu cột mốc quan trọng trong hành trình vươn ra biển lớn của VinFast, khẳng định tiềm lực và tầm nhìn của VinFast khi tham gia các sân chơi lớn. Từ đây, đã tiếp sức cho tỷ phú Phạm Nhật Vượng có thừa bản lĩnh để đặt chân vào bất cứ thị trường nào trên toàn cầu. Quyết định đầu tư 2 tỷ USD vào Ấn Độ và 1,2 tỷ USD vào Indonesia để mở rộng thị trường sản xuất và tiêu thụ xe điện mang thương hiệu VinFast cũng không nằm ngoài nhãn quan nhạy bén, nghiên cứu thị trường của ông. Đó là những gói hỗ trợ nghìn tỷ của chính phủ Ấn Độ; là quốc gia Indonesia - nơi có trữ lượng trữ lượng nickel (nguyên liệu chiếm 1/3 giá thành xe điện) lớn nhất thế giới…
Muốn kéo “đại bàng” về làm tổ cần phải xây tổ trước
Để thu hút FDI, Ấn Độ đã miễn giảm thuế cho các dự án đầu tư mới trên 100 triệu USD và dành ra hơn 460.000 ha đất “sạch” để thu hút các hãng sản xuất từ Trung Quốc dịch chuyển về. Diện tích đất “sạch” mà quốc gia này thiết lập có thể so sánh bằng 6 lần diện tích Singapore và gấp đôi diện tích của Luxembourg…
Việt Nam không gặp phải các vấn đề về gắn kết các nhóm cộng đồng rất khác biệt ở các vùng miền lại với nhau như Indonesia. Tuy nhiên kinh nghiệm từ đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng trong việc hỗ trợ gắn kết và phát triển vùng miền của của Indonesia có thể vận dụng vào chủ trương thu hút đầu tư FDI mà Việt Nam đang theo đuổi, đó là đẩy mạnh việc liên kết vùng miền, trong đó tập trung phát triển mạnh vào những ngành, lĩnh vực mà các tỉnh, thành có lợi thế để tạo động lực và tạo đà cho sự phát triển chung của toàn khu vực.
Ảnh minh hoạ
Thực tế cho thấy, thách thức lớn nhất trong thu hút FDI của Việt Nam là cơ sở hạ tầng còn chưa đồng bộ và yếu kém. Đây cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ giải ngân vốn thực hiện tại khu vực tương đối thấp, chưa đồng đều. Nhìn từ kết quả thu hút đầu tư FDI những năm gần đây cho thấy nguồn vốn tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế về cơ sở hạ tầng, nhân lực, môi trường đầu tư thuận lợi như TP HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Hà Nội, Bắc Ninh, Nghệ An, Bình Dương, Đồng Nai. 10 địa phương này đã chiếm tới 78,6% số dự án mới và 74,4% số vốn của cả nước trong năm 2023.
Chính sách thu hút đầu tư phải liên tục làm mới:
Ấn Độ không có luật chuyên biệt để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài như Việt Nam. Song nghiên cứu từ kết quả thu hút FDI của quốc gia này, cho thấy Chính phủ Ấn Độ có cách tiếp cận với các nhà đầu tư FDI rất đáng để Việt Nam tham khảo. Ngoài việc mạnh tay chi ra nhiều gói hỗ trợ và đầu tư với hàng nghìn tỷ USD để tạo ra chuỗi cung ứng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng đồng bộ, Chính phủ đất nước 1,3 tỷ dân này luôn cập nhật và làm mới các chính sách thu hút đầu tư. Các chính sách được công bố hàng năm của Chính phủ ngày càng tiệm cận với nhu cầu thực tế, ngày càng nhiều lĩnh vực được mở rộng cho đầu tư nước ngoài, phạm vi của hoạt động đầu tư cũng được mở rộng…