Các sáng kiến số hoá đã giúp Việt Nam kiên cường hơn trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19. (Nguồn: ICT News)
Tại phiên họp Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử ngày 10/3 vừa qua, nguyên Thủ tướng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, các ứng dụng số đã được phát triển nhanh chóng để tham gia cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19; các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân đã tích cực sử dụng và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) trong mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội. Đây là chất xúc tác cho chiến lược chuyển đổi số quốc gia.
Những bước đi tiến bộ
Thời gian qua, chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể trong việc số hóa để phục vụ công tác truy vết, phổ biến thông tin và cung cấp dịch vụ công trong thời gian bùng phát dịch Covid-19.
Đầu tiên, chính phủ đã áp dụng số hóa trong việc điều tra, truy vết các ca bệnh trong cộng đồng bằng cách phát hành một số ứng dụng di động như Bluezone, NCOVI, và tờ khai y tế điện tử (VHD).
NCOVI là ứng dụng thu thập thông tin sức khỏe của người dân và lịch trình di chuyển còn Bluezone giúp truy vết tiếp xúc và cảnh báo người nhiễm Covid-19. Một hệ thống được sử dụng nhiều hơn cả là tờ khai y tế điện tử nhờ chức năng theo dõi lịch trình di chuyển hàng ngày mới được cập nhật.
Mới đây, Bộ Y tế cũng đã ban hành quyết định xử phạt người người sử dụng điện thoại thông minh nhưng không cài đặt ứng dụng ứng dụng khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần tại các điểm cộng cộng.
Chính phủ cũng đã đầu tư vào việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến để giảm thiểu sự tiếp xúc giữa cán bộ và người dân trong bối cảnh đại dịch. Một ví dụ điển hình là cổng dịch vụ công quốc gia (dichvucong.gov.vn). Trong suốt năm 2020, cổng dịch vụ đã được đưa vào sử dụng rộng rãi và đã ghi nhận hơn 100 triệu lượt truy cập sau một năm triển khai.
Thêm vào đó, Trung tâm quản lý, điều hành hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị Covid-19 cũng đã có những nỗ lực trong việc chẩn đoán và điều trị trực tuyến bệnh nhân Covid-19. Về tiêm chủng, Việt Nam cũng đã thành lập một cổng thông tin tiêm chủng quốc gia để tạo điều kiện cho người dân có thể chủ động trong việc đăng ký tiêm vaccine.
Ngoài ra, chính phủ cũng sử dụng tốt các công cụ truyền thông để thông báo cho người dân về tin tức và các hướng dẫn về cách phòng ngừa Covid-19. Trang Facebook chính thức của chính phủ Việt Nam có tên "Thông tin Chính Phủ" đã giúp cung cấp các tin tức và được cập nhật gần như hàng giờ. Zalo, một ứng dụng nhắn tin phổ biến đối với người dân, cũng đã trở thành một kênh truyền tải thông tin nhanh chóng từ chính quyền đến người dân.
Các sáng kiến số hoá này đã nhận được những phản hồi tích cực từ người dân, đóng góp không nhỏ cho cuộc chiến chống lại đại dịch của Việt Nam.
Trả lời The Diplomat, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết: “Việc ứng dụng CNTT có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam trong cuộc chiến chống lại Covid-19, cả về việc truy vết cũng như việc đánh giá rủi ro lây nhiễm. Các doanh nghiệp hiện có thể thực hiện nhiều thủ tục hành chính thông qua Internet hơn so với trước đây.”
Ông Nguyễn Thành Long, chuyên gia phân tích nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong nhấn mạnh: “Dịch Covid-19 đã kích hoạt nhu cầu ngày càng tăng về số lượng lớn khai báo thông tin, truy tìm thông tin nhanh chóng và chính xác. Do đó, số lượng người sử dụng CNTT-TT đã tăng lên trong các cơ quan nhà nước, công chúng và doanh nghiệp. Có thể nói, đại dịch Covid-19 là một cú hích đối với sự phát triển của chính phủ điện tử tại Việt Nam.”
Ngày 15/6/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 942/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. (Nguồn: VGP)
Đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử
Trong những năm gần đây, xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm và đã thu được những thành tựu nhất định.
Chính phủ số được định hướng mở để người dân, doanh nghiệp và tổ chức khác tham gia một cách phù hợp vào hoạt động của cơ quan Nhà nước, tương tác với cơ quan Nhà nước để cùng tăng cường minh bạch...
Chính phủ số bản chất là Chính phủ điện tử, bổ sung những thay đổi về cách tiếp cận, cách triển khai mới nhờ vào sự phát triển của công nghệ số. Vì vậy, khi nói phát triển Chính phủ số chính là nói phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số đã bao hàm Chính phủ điện tử.
Chính phủ điện tử, hiểu một cách đơn giản, là “bốn Không.” Đó là có khả năng họp không gặp mặt, xử lý văn bản không giấy, giải quyết thủ tục hành chính không tiếp xúc và thanh toán không dùng tiền mặt.
Chính phủ số là Chính phủ điện tử, thêm “bốn Có.” Đó là có toàn bộ hành động an toàn trên môi trường số, có khả năng cung cấp dịch vụ mới nhanh chóng, có khả năng sử dụng nguồn lực tối ưu và có khả năng kiến tạo phát triển, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, vị trí của Việt Nam trên bản đồ phát triển Chính phủ điện tử vẫn còn chậm được cải thiện. Phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số còn gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đặt ra. Vị trí của Việt Nam trong Bảng xếp hạng Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc vẫn ở mức trung bình.
Theo báo cáo về Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc năm 2020, Việt Nam đang xếp thứ 86 trong tổng số 193 quốc gia và lãnh thổ được đánh giá. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam chỉ được xếp hạng khiêm tốn ở vị trí thứ 6.
Ngày 15/6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 942/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm quốc gia, gồm: Hoàn thiện môi trường pháp lý; Phát triển hạ tầng số; Phát triển các nền tảng số và hệ thống quy mô quốc gia; Phát triển dữ liệu số quốc gia; Phát triển các ứng dụng, dịch vụ quốc gia; Bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia.
Mặc cho những khó khăn, Chính phủ vẫn đang từng bước khắc phục những thiếu sót của hệ thống, từ việc áp dụng kịp thời các công nghệ tiên tiến hơn đến việc tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác giữa Chính phủ và khu vực tư nhân.
QUANG HUYỀN (theo The Diplomat)