ChatGPT cũng như các ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo đang tạo ra 'cơn sốt' trên toàn cầu (ảnh minh hoạ).
Thời gian gần đây, việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong đời sống ngày càng phổ biến, cùng với đó các công nghệ mới ngày càng tiến bộ nhanh chóng. Điển hình như mới đây, hãng OpenAI vừa giới thiệu sản phẩm mới nhất, chatbot ChatGPT cho công chúng thử nghiệm từ ngày 30/11/2022. ChatGPT có thể trả lời các câu hỏi mà người dùng đưa ra, bên cạnh đó còn có thể làm thơ, viết báo cáo, làm tiểu luận,…
Cho đến nay, ChatGPT đã có trên 100 triệu người dùng trên thế giới và thực sự đang tạo ra một cơn sốt cho người dùng. Nhiều người thậm chí còn cho rằng chatbot này có thể thay thế công việc của con người trong lĩnh vực giáo dục, báo chí - truyền thông, hành chính,...
Tuy nhiên cùng với sự xuất hiện những sản phẩm công nghệ AI mới kéo theo nhiều vấn đề pháp lý liên quan, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ. Vậy pháp luật sở hữu trí tuệ các quốc gia quy định thế nào về AI.
Trí tuệ nhân tạo chưa được pháp luật sở hữu trí tuệ của nhiều nước điều chỉnh ?
Nghiên cứu dưới góc độ pháp luật sở hữu trí tuệ, hầu hết luật sở hữu trí tuệ của các quốc gia trên thế giới đều chưa công nhận trí tuệ nhân tạo là đối tượng của bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ hay nói cách khác những sản phẩm do AI tạo ra không được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Điển hình như tại Úc, luật pháp hiện không công nhận AI là tác giả đối với các tác phẩm do AI tạo ra. Mục 32 của Đạo luật Bản quyền 1968 (Cth) quy định:“quyền tác giả tồn tại trong một tác phẩm văn học, kịch, âm nhạc hoặc nghệ thuật gốc mà tác phẩm chưa được xuất bản và tác giả là công dân hoặc cư dân sinh sống tại Úc”. Nói cách khác, quyền sở hữu tài sản trí tuệ đối với các tác phẩm và sáng chế do AI tạo ra không được đề cập rõ ràng trong luật Sở hữu trí tuệ của Úc.
Cục bản quyền Hoa Kỳ đã từ chối tất cả đơn đăng ký quyền tác giả khi xác định được rằng các tác phẩm này không phải do con người sáng tạo ra. Bằng cách tiếp cận này, bất cứ tác phẩm nào được tạo ra từ AI cũng sẽ không được pháp luật về quyền tác giả tại Hoa Kỳ công nhận, đồng nghĩa với đó là các tác phẩm sẽ được sử dụng một cách “công cộng”.
Tuy nhiên, một số quốc gia như Ấn Độ, Hồng Kông, Anh, New Zealand hay Ireland, hệ thống Luật Sở hữu trí tuệ lại trao quyền tác giả cho lập trình viên – người tạo ra các chương trình AI.
Theo đó, tại Vương quốc Anh, khái niệm về bảo hộ các tác phẩm tạo ra từ AI đã được nhắc đến rất sớm, điều này đã được ghi nhận trong Đạo luật Bản quyền, Kiểu dáng và Bằng sáng chế năm 1988 (CDPA). Cụ thể, điều 9 (3) CDPA 1988 nêu rõ: “Trong trường hợp tác phẩm văn học, kịch, âm nhạc hay nghệ thuật được tạo ra từ máy tính, tác giả sẽ là người sắp xếp cần thiết cho việc tạo ra tác phẩm được thực hiện”, cách tiếp cận này hướng đến nội dung ghi nhận quyền tác giả cho người đã tạo nên các chương trình máy tính này (cụ thể là lập trình viên).
Bên cạnh đó, tác phẩm do máy tính tạo ra (computer-generated) được định nghĩa là “một tác phẩm được tạo ra bằng máy tính trong những trường hợp không có tác giả là con người” (điều 178 của CDPA 1988). Việc làm rõ khái niệm trên tạo ra tiền đề cho việc giải quyết các yêu cầu bảo hộ quyền tác giả đối với các tác phẩm được tạo ra bởi AI.
Có thể thấy rằng, cách tiếp cận quyền tác giả này của Vương quốc Anh là một cách tiếp cận khá rộng mở khi đã tạo ra một ngoại lệ để công nhận quyền tác giả đối với các tác phẩm được tạo ra bởi một loại “tác giả” không phải là con người.
Tuy nhiên, chính việc công nhận quyền tác giả đối với các tác phẩm này cũng đã khiến cho các chuyên gia trong lĩnh vực phải đặt ra nhiều câu hỏi hoài nghi. Với quan điểm cho rằng quyền tác giả là công cụ để bảo vệ giá trị sáng tạo của con người, giá trị sáng tạo lao động trí óc của nhân loại, việc công nhận quyền tác giả cho những sản phẩm được tạo ra bởi máy móc này có phải là một sự công bằng cho những tác giả khác hay không, khi họ đang sử dụng chính trí tuệ của mình để sáng tạo ra những tác phẩm thật sự…
Theo tìm hiểu phóng viên, từ năm 2019, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã bắt đầu thảo luận các ảnh hưởng của AI tới hệ thống sở hữu trí tuệ. Trong đó, WIPO đã định hình một số vấn đề nổi cộm và kêu gọi các quốc gia cùng tham gia thảo luận cho ý kiến, cụ thể là: (1) Việc quy định loại công nghệ AI nào là đối tượng được bảo hộ sáng chế; (2) Cách diễn giải và áp dụng ba tiêu chí đánh giá khả năng bảo hộ sáng chế khi thẩm định công nghệ AI; (3) Có nên sửa đổi, bổ sung pháp luật sáng chế để phù hợp với đặc điểm riêng biệt của công nghệ AI hay không?
Cho đến nay, chưa có bất kỳ quốc gia nào công nhận trí tuệ nhân tạo trực tiếp là tác giả của các tác phẩm (ảnh minh hoạ).
Trí tuệ nhân tạo dưới góc nhìn pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam
Tại Việt Nam, mặc dù AI đã bắt đầu được phát triển và ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau và được xem như một động lực quan trọng cho định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Minh chứng là, các công trình nghiên cứu và các sản phẩm, thực thể gắn liền với AI xuất hiện ngày càng nhiều. Chính phủ đã nhận định AI sẽ là công nghệ có tính đột phá trong 10 năm tới; đồng thời xác định đây sẽ là “mũi nhọn” cần được triển khai nghiên cứu nhằm tận dụng những cơ hội mà cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. Chính phủ cũng đã xây dựng chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp 4.0 với việc ưu tiên phát triển AI thông qua nhiều nhóm chính sách. Trong đó, nguồn nhân lực được ưu tiên, như đào tạo AI bậc đại học, hỗ trợ khu vực doanh nghiệp ứng dụng AI, ưu tiên đầu tư cho AI thông qua các quỹ, trung tâm đổi mới sáng tạo…
Tuy nhiên, cũng tương tự như nhiều nước, ngoài những chính sách phát triển AI, hệ thống pháp lý vẫn chưa tiếp cận rõ ràng cho AI . Hay nói cách khác, chưa có quy định cụ thể xác định tư cách pháp lý của AI khi tham gia vào các quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh.
Pháp luật dân sự ở Việt Nam quy định chủ thể phải là cá nhân hoặc tổ chức (BLDS 2015), chưa ghi nhận dạng chủ thể là máy móc hay chương trình máy tính, do vậy sẽ là không thể nếu xác định tư cách pháp lý của AI là những chủ thể trong pháp luật.
Như vậy, pháp luật hiện nay quy định chỉ có tổ chức, cá nhân hay con người mới là các chủ thể được nắm giữ quyền tác giả; các đối tượng như máy tính, robot, hay AI chưa thể là chủ thể được nắm giữ quyền tác giả.
Có thể thấy, vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ đối với những tác phẩm, sáng chế do AI tạo ra đang tạo nên những thách thức pháp lý, bởi theo quy định pháp luật của nước ta, quyền sở hữu trí tuệ chỉ được đặt ra đối với những tài sản trí tuệ do con người sáng tạo ra. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý khi phát sinh tranh chấp, đặc biệt là những tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ đối với những sản phẩm do AI tạo ra bị xâm phạm hay ở chiều ngược lại là những tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ mà AI xâm phạm…
Một số hàm ý chính sách pháp luật đối với Việt Nam
Mặc dù AI bắt đầu được quan tâm tại Việt Nam chưa lâu nhưng với những tiềm lực sẵn có, chắc chắn rằng AI sẽ phát triển rất nhanh tại Việt Nam trong tương lai. Nó sẽ mang lại những tác động to lớn về công nghệ, kinh tế và xã hội. Nhưng, đồng thời nó cũng kéo theo những vấn đề mới, những thách thức pháp lý đòi hỏi hệ thống pháp luật phải xây dựng hoàn thiện.
Trong những năm gần đây, nhiều quốc gia đang nỗ lực nghiên cứu và thảo luận các vấn đề và các câu hỏi pháp lý liên quan đến việc sử dụng AI để tận dụng được những lợi thế do AI mang lại cho sự phát triển của nền kinh tế.
Chúng ta cũng không thể đứng ngoài xu thế đó và việc dự báo những thách thức về pháp lý cũng như đề ra những giải pháp giải quyết thách thức là điều tất yếu mà các nhà lập pháp Việt Nam phải làm.
Do đó, đòi hỏi các nhà lập pháp cần nghiên cứu và xác định rõ tư cách pháp lý, bản chất pháp lý của AI hướng đến việc xây dựng khung pháp lý điều chỉnh các mối quan hệ pháp luật liên quan đến AI như quan hệ về tài sản, quyền sở hữu, sở hữu trí tuệ, quan hệ lao động, bồi thường thiệt hại…