4 nhóm tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ có thể khởi kiện tại Tòa án

Đinh Văn Chiến

Nghiên cứu trên thực tế thì “tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ” rất đa dạng và phức tạp do quyền sở hữu trí tuệ bảo hộ cho các đối tượng quyền khác nhau được xác lập dựa trên các điều kiện pháp lý khác nhau nên nhiều tòa án khá lúng túng tìm cách giải quyết vụ án còn đương sự thì bối rối trong bảo vệ hoặc tự vệ.

 

1-1692197864.jpg

Quyền sở hữu trí tuệ: Không thể lơ là

Nhận diện các dạng tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ

Xét về thực chất tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ, hoặc xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp dân sự tại tòa án là rất đa dạng và khá phức tạp.

Lý do ở đây là vì quyền sở hữu trí tuệ không phải là một quyền mà là một tập hợp gồm nhiều loại quyền độc quyền pháp lý khác nhau được pháp luật bảo vệ, và các quyền độc quyền đó được xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt dựa trên các quy tắc khác nhau áp dụng cho các hình thức bảo hộ pháp lý khác nhau có đối tượng bảo hộ khác nhau.

 Ví dụ, quyền độc quyền khai thác sáng chế (thông qua bằng độc quyền sáng chế/pa-tăng) được cấp bảo hộ cho tổ chức, cá nhân có sáng tạo kỹ thuật mà đã được xem là có tính mới so với thế giới, có trình độ sáng tạo và có khả năng áp dụng công nghiệp; quyền độc quyền sử dụng nhãn hiệu (thông qua giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu) được cấp bảo hộ cho tổ chức, cá nhân sử dụng/dự định sử dụng chỉ dẫn thương mại có chức năng chỉ dẫn nguồn gốc thương mại của hàng hóa, dịch vụ mà đã được kết luận là có tính phân biệt.

Không nhận diện được, hoặc nhận diện không đúng đối tượng khởi kiện, hoặc nhầm lẫn đối tượng khởi kiện liên quan tới án sở hữu trí tuệ tất yếu sẽ dẫn tới tòa án khó thụ lý vụ án, hoặc vụ án có thể bị trì hoãn xét xử kéo dài, hoặc các bên tranh tụng không thu được hiệu quả như mong muốn khi sử dụng biện pháp dân sự trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hoặc tự vệ chống lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ.

4 nhóm tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ có thể khởi kiện ở Tòa án

Pháp luật tố tụng dân sự của Việt Nam không phân biệt tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ với xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ khi khởi kiện vụ án dân sự hoặc vụ án kinh doanh thương mại. Nói chung mọi hành vi xâm phạm hoặc tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ đều được xếp chung vào nhóm tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ.

Theo đó, pháp luật hiện hành phân chia tranh chấp, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thành 4 nhóm tranh chấp: (1) tranh chấp quyền tác giả có tính chất thuần túy liên quan quyền nhân thân và/hoặc thuần túy liên quan đến quyền tài sản; (2) tranh chấp quyền liên quan đến quyền tác giả (quyền kề cận); (3) tranh chấp quyền sở hữu công nghiệp; và (4) tranh chấp quyền đối với giống cây trồng

Nhóm 1: Tranh chấp quyền tác giả (thuần túy liên quan quyền nhân thân và/hoặc thuần túy liên quan đến quyền tài sản)

  1. Tranh chấp giữa các cá nhân xung quanh việc xác định ai là tác giả, đồng tác giả.
  2. Tranh chấp xung quanh quyền đặt tên, đứng tên tác phẩm, quyền công bố, quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm gồm ngăn cản người khác sửa chữa, cắt xén, xuyên tạc tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
  3. Tranh chấp liên quan đến xâm phạm quyền nhân thân của tác giả, đồng tác giả
  4. Tranh chấp giữa tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả liên quan đến vấn đề làm tác phẩm phái sinh
  5. Tranh chấp quyền sở hữu quyền tác giả giữa tác giả và tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí cho tác giả, đồng tác giả tạo ra tác phẩm theo quan hệ hợp đồng lao động hoặc hợp đồng thầu khoán
  6. Tranh chấp giữa chủ sở hữu quyền tác giả với người sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao vì lý do việc sử dụng làm ảnh hưởng tới việc khai thác bình thường tác phẩm, gây phương hại đến quyền tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.
  7. Tranh chấp giữa chủ sở hữu quyền tác giả với người sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao vì lý do người sử dụng không trả tiền nhuận bút, thù lao hoặc làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.
  8. Tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng, chuyển quyền sử dụng quyền tác giả hoặc tranh chấp về hợp đồng dịch vụ liên quan đến quyền tác giả.
  9. Tranh chấp phát sinh do hành vi xâm phạm quyền tác giả theo điều 28 Luật SHTT gồm các hành vi được thực hiện trái phép chẳng hạn như chiếm đoạt, sao chép, phân phối, bán, mạo danh, công bố, truyền đạt tác phẩm đến công chúng, vô hiệu hóa biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện.
  10. Tranh chấp về thừa kế, kế thừa quyền tài sản quy định tại Điều 20 và quyền nhân thân theo quy định tại khoản 3 Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ.
  11. Các tranh chấp khác về quyền tác giả

Nhóm 2: Tranh chấp quyền liên quan đến quyền tác giả (quyền kề cận)

  1. Tranh chấp giữa chủ đầu tư với người biểu diễn về quyền nhân thân và quyền tài sản đối với cuộc biểu diễn; tranh chấp giữa người biểu diễn với người khai thác sử dụng các quyền tài sản đối với cuộc biểu diễn về tiền thù lao
  2. Tranh chấp giữa nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình với người thực hiện các quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình về quyền lợi vật chất khi bản ghi âm, ghi hình của nhà sản xuất được phân phối đến công chúng
  3. Tranh chấp giữa tổ chức phát sóng với người sử dụng các quyền của tổ chức phát sóng về quyền lợi vật chất khi chương trình phát sóng của tổ chức đó được ghi âm, ghi hình, phân phối đến công chúng
  4. Tranh chấp giữa người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng với người sử dụng quyền liên quan không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao vì lý do việc sử dụng làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng và gây phương hại đến quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.
  5. Tranh chấp giữa tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng với người sử dụng quyền liên quan không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao, vì lý do người sử dụng không phải trả tiền nhuận bút, thù lao hoặc làm ảnh hưởng đến việc khai thác hình thường cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng và gây phương hại đến quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát song.
  6. Tranh chấp về quyền liên quan đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng (tranh chấp ai là chủ sở hữu đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đó...).
  7. Tranh chấp phát sinh do hành vi xâm phạm quyền liên quan.
  8. Tranh chấp về thừa kế, kế thừa quyền liên quan.
  9. Các tranh chấp khác về quyền liên quan
2-1692197878.jpg

 

Doanh nghiệp cần chú trọng bảo vệ các quyền sở hữu trí tuệ, bởi đây là tài sản vô hình đem lại giá trị rất lớn đối với doanh nghiệp.

 

Nhóm 3: Tranh chấp quyền sở hữu công nghiệp

  1. Tranh chấp về quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý
  2. Tranh chấp về quyền ưu tiên đối với đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu
  3. Tranh chấp về quyền tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí
  4. Tranh chấp về quyền nhân thân, quyền tài sản của tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí
  5. Tranh chấp về quyền tạm thời đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí giữa người có quyền nộp đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí với người đang sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp đó hoặc tranh chấp về khoản tiền đền bù giữa chủ văn bằng bảo hộ với người đã sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí
  6. Tranh chấp về quyền sử dụng trước sáng chế, kiểu dáng công nghiệp giữa chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp với người sử dụng trước sáng chế, kiểu dáng công nghiệp liên quan đến việc chuyển giao quyền đó cho người khác, mở rộng phạm vi, khối lượng sử dụng mà không được phép của chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp
  7. Tranh chấp về khoản tiền đền bù giữa chủ văn bằng bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp; thiết kế bố trí với người sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp; thiết kế bố trí trong khoảng thời gian từ ngày công bố đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ trên Công báo sở hữu công nghiệp đến ngày cấp văn bằng bảo hộ
  8. Tranh chấp về quyền của chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp (bao gồm cả tranh chấp về phần quyền của các đồng chủ sở hữu)
  9. Tranh chấp phát sinh từ các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp như quyền độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh bao gồm cả tên miền internet theo các điều 126, 127, 129 và 130 Luật SHTT
  10. Tranh chấp phát sinh từ các hành vi xâm phạm quyền của tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp; thiết kế bố trí
  11. Tranh chấp về trả thù lao cho tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí
  12. Tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp; hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp hoặc tranh chấp về hợp đồng dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp
  13. Tranh chấp về thừa kế, kế thừa quyền sở hữu công nghiệp, quyền tài sản của tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp; thiết kế bố trí
  14. Tranh chấp phát sinh từ các hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sở hữu công nghiệp
  15. Các tranh chấp khác về quyền sở hữu công nghiệp

Nhóm 4: Tranh chấp liên quan đến giống cây trồng

  1. Các tranh chấp về quyền đăng ký, quyền ưu tiên, quyền tác giả đối với giống cây trồng
  2. Tranh chấp về quyền tạm thời với người đang sử dụng giống cây trồng phát sinh từ ngày đơn công bố bảo hộ giống cây trồng được công bố đến ngày cấp bằng bảo hộ giống cây trồng theo điều 189 Luật SHTT
  3. Tranh chấp xung quanh các hành vi thuộc phạm vi hạn chế quyền của chủ bằng bảo hộ giống cây trồng theo điều 190 Luật SHTT, bao gồm: (i) sử dụng giống cây trồng phục vụ nhu cầu cá nhân và phi thương mại; (ii) sử dụng giống cây trồng nhằm mục đích thử nghiệm; (iii) sử dụng giống cây trồng để tạo ra giống cây trồng khác; (iv) hộ sản xuất cá thể sử dụng sản phẩm thu hoạch từ giống cây trồng để tự nhân giống và gieo trồng cho vụ sau trên diện tích đất của mình.
  4. Tranh chấp liên quan tới nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả giống cây trồng
  5. Tranh chấp liên quan tới nghĩa vụ của tác giả hỗ trợ chủ bằng bảo hộ duy trì vật liệu nhân giống của giống cây trồng được bảo hộ
  6. Tranh chấp liên quan tới hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng được bảo hộ giữa chủ bằng bảo hộ giống cây trồng với bên nhận chuyển giao quyền sử dụng, hoặc tranh chấp giữa các đồng chủ sở hữu giống cây trồng được bảo hộ liên quan đến việc thực hiện hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng được bảo hộ
  7. Tranh chấp liên quan tới hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu giống cây trồng được bảo hộ giữa chủ bằng bảo hộ hoặc đồng sở hữu giống cây trồng được bảo hộ với bên nhận chuyển nhượng bao gồm cả tranh chấp quyền sở hữu giống cây trồng được bảo hộ có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước
  8. Tranh chấp phát sinh từ các hành vi xâm phạm quyền đối với giống cây trồng được bảo hộ
  9. Các tranh chấp khác về quyền đối với giống cây trồng.

Lê Quang Vinh ( nguồn bross.vn)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.