>> Pháp luật một số quốc gia về xử hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu và tham khảo cho Việt Nam (kỲ 1)
>> Góc nhìn pháp lý vụ Ecopark “tố” Crystal Bay và F.I.T xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp
>> Các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu và ví dụ minh họa
(Kỳ 2)
Các nội dung về thực thi quyền Sở hữu trí tuệ (SHTT) trong các điều ước quốc tế có ảnh hưởng mạnh mẽ đến pháp luật của Việt Nam, do chúng ta có nghĩa vụ thực hiện các cam kết quốc tế, tức là phải đảm bảo sự tương thích giữa pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế. Bên cạnh đó, việc học hỏi kinh nghiệm lập pháp cũng như thực tiễn áp dụng pháp luật trong xử lý hành vi xâm phạm Quyền sở hữu công nghiệp (QSHCN) đối với nhãn hiệu của nước ngoài là rất cần thiết, đặc biệt với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế, có thể rút ra những giá trị tham khảo cho quá trình hoàn thiện pháp luật về xử lý hành vi xâm phạm QSHCN đối với nhãn hiệu ở những nội dung:
Thứ nhất, hành vi xâm phạm QSHCN đối với nhãn hiệu trên môi trường số phải bị xử lý như đối với các hành vi xâm phạm thông thường và các nhà cung cấp dịch vụ internet cũng phải chịu trách nhiệm khi người sử dụng mạng có hành vi xâm phạm QSHCN đối với nhãn hiệu nếu những vi phạm đó không nằm trong nội dung được miễn trừ đối với nhà cung cấp dịch vụ internet.
Thứ hai, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi xâm phạm QSHCN đối với nhãn hiệu được thực hiện không chỉ với người trực tiếp thực hiện hành vi mà những người hỗ trợ, giúp sức, xúi bẩy, tạo điều kiện cho người khác thực hiện hành vi xâm phạm cũng phải chịu trách nhiệm đặc biệt là trong trường hợp giả mạo nhãn hiệu.
Thứ ba, trong bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm QSHCN gây ra phải phân hoá được trách nhiệm của người thực hiện hành vi
- Vi phạm có ý thức: cố ý vi phạm hoặc có căn cứ hợp lý để biết đã vi phạm
- Vi phạm vô tình: không biết hoặc không có căn cứ hợp lý để biết rằng đã vi phạm
Thứ tư, để giảm thiểu nguy cơ không thể khắc phục được thiệt hại do hành vi xâm phạm QSHCN đối với nhãn hiệu cũng như ngăn chặn việc tẩu tán hoặc tiêu huỷ tang vật xâm phạm cần cho phép áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi chủ thể quyền tiến hành các thủ tục tố tụng. Hiện nay, Việt Nam chỉ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khi và sau khi khởi kiện khiến chủ thể quyền gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập chứng cứ cũng như hàng hoá mang nhãn hiệu bị xâm phạm có thể bị tẩu tán.
Thứ năm, trong những trường hợp nhất định có thể áp dụng thay thế một số biện pháp xử lý người thực hiện hành vi xâm phạm QSHCN đối với nhãn hiệu bằng biện pháp bồi thường bằng tiền để bảo vệ quyền lợi của chủ sở hữu nhãn hiệu; việc quy định khoản tiền bồi thường luật định ở Hoa Kỳ (theo lựa chọn của nguyên đơn thay cho tiền bồi thường thiệt hại và lợi nhuận thu được do hành vi xâm phạm nhãn hiệu gây ra) là rất cần thiết để đỡ gánh nặng cho chủ thể quyền trong việc chứng minh thiệt hại cũng như xác định lợi nhuận bất hợp pháp của người có hành vi xâm phạm.
Thứ sáu, xu hướng tập trung thẩm quyền xét xử về SHTT vào một số tòa án là một trong những nỗ lực của các nước trong việc đẩy mạnh hiệu quả hoạt động xử lý xâm phạm QSHTT. Việc thành lập toà án chuyên trách SHTT như ở Nhật Bản và áp dụng thủ tục rút gọn trong xét xử những tranh chấp liên quan đến xâm phạm QSHCN đối với nhãn hiệu thể hiện rõ sự nhanh chóng, hiệu quả, chất lượng trong xử lý các hành vi xâm phạm nhãn hiệu.
Thứ bảy, việc quy định người thực hiện hành vi xâm phạm QSHCN đối với nhãn hiệu phải thực hiện những biện pháp nhằm khôi phục danh dự, uy tín cho chủ thể quyền là một kinh nghiệm hay vì một mặt khiến người thực hiện hành vi xâm phạm phải có trách nhiệm hơn đối với thiệt hại do mình gây ra, góp phần khắc phục những thiệt hại cho chủ thể quyền gây ra, mặt khác có tác dụng giáo dục, tuyên truyền nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm.
Thứ tám, việc xác định căn cứ để một vụ việc xâm phạm quyền bị xử lý hình sự là dựa vào giá trị của hàng hoá như ở Trung Quốc cũng là một vấn đề chúng ta có thể nghiên cứu học tập vì ở Việt Nam hiện nay việc xác định căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự tội xâm phạm quyền SHCN đối với nhãn hiệu theo Điều 171 Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi năm 2009 là thực hiện ở quy mô thương mại nhưng thực tế việc xác định thế nào bị coi là "quy mô thương mại" gặp rất nhiều khó khăn, bế tắc dẫn đến tình trạng các vụ việc xâm phạm nhãn hiệu khi xử lý hình sự thường áp dụng quy định về tội làm hàng giả. Việc thành lập các trung tâm khiếu kiện để tập trung đầu mối, tạo thuận lợi cho các chủ thể yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm QSHTT, thành lập toà chuyên trách SHTT ở một số trung tâm kinh tế để xét xử phúc thẩm các tranh chấp liên quan đến nhãn hiệu ở Trung Quốc cũng là một gợi ý đáng nghiên cứu cho Việt Nam trong quá trình hoàn thiện cơ chế thực thi quyền SHTT đối với nhãn hiệu.
Thứ chín, cơ chế hoà giải tiền tố tụng (dù không có giá trị pháp lý, không ràng buộc các bên liên quan) tại Ủy ban giải quyết tranh chấp SHTT ở Hàn Quốc nhằm tạo điều kiện cho các bên tự giải quyết vụ việc một cách nhanh chóng, hiệu quả, giảm tải cho các cơ quan xét xử cũng là một kinh nghiệm đáng tham khảo vì ở Việt Nam hiện nay các thẩm phán còn ít kinh nghiệm trong xét xử tranh chấp SHTT do có ít vụ việc được mang tới toà yêu cầu xử lý.
Nhãn hiệu là một loại quyền sở hữu trí tuệ đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của chủ sở hữu nhãn hiệu nói riêng và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia nói chung. Xử lý một cách hiệu quả hành vi xâm phạm QSHCN đối với nhãn hiệu chính là một công cụ hữu hiệu để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Trang Nhung