Nhằm làm rõ hơn nội dung này cũng như những giải pháp để tận dụng tối đa lợi ích từ EVFTA, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương.
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương.
- Ông có thể cho biết những kết quả về thương mại, đầu tư mà EVFTA mang lại một năm qua?
- EVFTA có hiệu lực tròn 1 năm (ngày 1-8-2020), cũng là 1 năm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, song thương mại hai chiều của Việt Nam và EU vẫn tăng trưởng hơn 18% so với trước khi hiệp định có hiệu lực. Kết quả rõ nhất là 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - EU đạt 27,67 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2021 đạt 19,4 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU đều có tỷ lệ tận dụng C/O (giấy chứng nhận xuất xứ theo EVFTA) ở mức hai con số. Như điện thoại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, hàng giày dép (tỷ lệ tận dụng C/O là 99%), hàng dệt may (16,26%), thủy sản (73,5%), túi xách và ví (62,46%)…
Về nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ thị trường EU 6 tháng đầu năm 2021 đạt 8,2 tỷ USD, tăng 19,1% so với cùng kỳ năm 2020, với các mặt hàng chính là linh kiện, phụ tùng ô tô, ô tô nguyên chiếc, hàng điện gia dụng…
Tính đến tháng 6-2021, EU có 2.221 dự án đầu tư (tăng 142 dự án so với cùng kỳ năm 2020) từ 26/27 quốc gia thuộc EU còn hiệu lực tại Việt Nam. Tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 22,216 tỷ USD (tăng 449 triệu USD so với cùng kỳ năm 2020), chiếm 5,58% tổng vốn đầu tư đăng ký của các nước và vùng lãnh thổ vào Việt Nam và chiếm 6,57% số dự án.
- Một năm triển khai EVFTA chưa phải là dài nhưng đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Theo ông, thực tế có còn những hạn chế nào?
- Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, việc tận dụng các cam kết ưu đãi từ EVFTA chưa thực sự tương xứng với tiềm năng; doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm tới việc tìm hiểu và tận dụng cơ hội từ EVFTA; hoạt động phổ biến tuyên truyền về hiệp định chưa đạt được hiệu quả như mong đợi. Theo khảo sát gần đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có tới 45% doanh nghiệp xuất, nhập khẩu chưa biết đến cam kết thuế quan liên quan đến ngành hàng của mình.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc tận dụng EVFTA còn chưa được như kỳ vọng là do bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, khiến cho các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, chuỗi phân phối bị gián đoạn, đã ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam.
Giày da là ngành tận dụng nhiều lợi ích từ EVFTA.
- EVFTA tiếp tục mở ra những cơ hội, đồng thời thách thức cũng rất lớn. Ông có quan điểm ra sao về vấn đề này?
- Có thể khẳng định, cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường EU thời gian tới là rất lớn. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với áp lực cạnh tranh tại thị trường nội địa từ hàng hóa nhập khẩu của EU. Trong đó, một số lĩnh vực dịch vụ - đầu tư cũng phải mở cửa thị trường ở mức độ cao hơn cho các nhà đầu tư, cung cấp dịch vụ của EU vào hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Vì vậy, chúng ta càng cần có sự chuẩn bị chủ động, kỹ càng hơn để tận dụng tốt hơn những cơ hội, giảm thiểu những khó khăn, thách thức mà quá trình thực thi EVFTA mang lại.
- Trong giai đoạn tiếp theo, các cơ quan chức năng và doanh nghiệp cần làm gì để biến những cơ hội của hiệp định này thành hiện thực, thưa ông?
- Việc thực thi hiệu quả EVFTA cần sự chung tay của các bộ, ngành, địa phương cũng như doanh nghiệp. Trong đó, các bộ, ngành cần phối hợp thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường phối hợp với Bộ Công Thương, cơ quan đầu mối thực thi EVFTA, trong việc xây dựng và triển khai các hoạt động tuyên truyền, bảo đảm thiết thực, hiệu quả với các hình thức tuyên truyền, hội nghị sáng tạo, đổi mới.
Ngoài ra, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện, ban hành hệ thống văn bản pháp luật phù hợp với các cam kết đã có trong hiệp định; tăng cường định hướng các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu, tận dụng cơ hội từ thị trường các nước EU.
Các bộ, ngành, địa phương cũng cần chú trọng các biện pháp cải cách thủ tục hành chính, tăng cường các biện pháp hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng và doanh nghiệp, tạo điều kiện cho việc phát triển nguồn nguyên liệu trong nước giúp doanh nghiệp đáp ứng quy tắc xuất xứ của hiệp định.
Các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu các cam kết của EVFTA, chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng cao sức cạnh tranh; hợp tác, liên kết để tạo chuỗi cung ứng, thúc đẩy sản xuất, từ đó hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất, canh tác, chế biến, phân phối, nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm, đáp ứng được các yêu cầu của EVFTA và tiêu chuẩn cao của EU. Ngoài ra, cần nâng cao trách nhiệm xã hội, thực hiện các quy định của EVFTA như tiêu chuẩn về lao động, bảo vệ môi trường… Bên cạnh đó, cần chuẩn bị đối phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại thông qua việc theo dõi tình hình thị trường, giá cả, điều kiện giao thương.
- Trân trọng cảm ơn ông.
LAM GIANG