Đăng ký nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý của nước ngoài ở Trung Quốc: Một số vấn đề cần lưu ý từ thực tiễn

Đinh Văn Chiến

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý, của Việt Nam ở Trung Quốc - thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới của Việt Nam – sẽ góp phần quan trọng để duy trì và tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu đối với hàng hóa của Việt Nam. Mất tài sản sở hữu tuệ có nghĩa là mất thị trường giống như nhiều bài học gần đây như chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc hay café Buôn Ma Thuột, nhãn hiệu nổi tiếng café G7, thuốc lá Vinataba, kẹo dừa Bến Tre bị chiếm đoạt ở Trung Quốc. Luật sư Lê Quang Vinh - người được Cục Sở hữu trí tuệ mời trình bày tại hội thảo diễn ra tại Hà Nội ngày 20/07/2023 “Đăng ký bảo hộ, quản lý và khai thác phát triển nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của Việt Nam tại Trung Quốc” có sự tham gia của các chuyên gia đến từ Cơ quan sở hữu trí tuệ Trung Quốc (CNIPA)- khái quát hóa pháp luật và thực tiễn ở Trung Quốc liên quan đến nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam có thêm hiểu biết và chuẩn bị tốt hơn khi đăng ký và bảo vệ tài sản vô hình của mình ở thị trường khổng lồ này.

I. Vài nét về hệ thống sở hữu trí tuệ của Trung Quốc

Trung Quốc là một trong năm cơ quan sở hữu trí tuệ lớn nhất thế giới (hay còn gọi là IP5).[1] Hệ thống sở hữu trí tuệ Trung Quốc được xem là phát triển nhanh và ngoạn mục nhất thế giới với bằng chứng là họ đạt được rất nhiều thành tựu lớn trong thời gian gần đây.[2] Lần đầu tiên vào năm 2020, Trung Quốc có tới 124 công ty - nhiều hơn so với 121 công ty của Mỹ - nằm trong bảng xếp hạng Fortune Global 500 trong khi còn nhớ rằng vào năm 1990 Trung Quốc không có một công ty nào thuộc bảng xếp hạng Fortune Global 500 lần đầu xuất hiện cùng năm đó.[3]

Trung Quốc nhiều năm liền giữ vị trí quán quân thế giới về sáng chế với 1,5 triệu đơn năm 2020 chiếm 45,7% tổng lượng đơn sáng chế toàn cầu, 9,3 triệu đơn nhãn hiệu so với 17 triệu đơn của thế giới. Pháp luật sở hữu trí tuệ của Trung Quốc liên tục được cập nhật sửa đổi cùng với việc tham tích cực của Tòa án tối cao hướng dẫn xét xử để theo kịp sự phát triển của khoa học và internet. Trung Quốc cũng là nơi tranh tụng sở hữu trí tuệ nhiều nhất thế giới, trong đó ghi nhận năng lực xét xử tốc độ cao và hiệu quả của hệ thống tòa án sở hữu trí tuệ (specialized IP courts) và tòa án đặc biệt về sở hữu trí tuệ (IP tribunals). Ví dụ, năm 2017 hệ thống tòa án Trung Quốc nhận được 237.242 vụ án sở hữu trí tuệ và đã giải quyết được 225.678 vụ so với 8.857 vụ án được xét xử bởi hệ thống tòa án Hoa Kỳ trong cùng năm 2017, hoặc so với 114.952 vụ được xét xử bởi hệ thống tòa án Liên minh Châu Âu (gồm tòa án 28 quốc gia thành viên và các tòa thuộc EU).[4]

Một điểm nhấn nữa rất đáng chú ý là năm 2020, Trung Quốc thể hiện quyết tâm rõ rệt hơn để chống hiện tượng chiếm đoạt nhãn hiệu của chủ thể quyền nước ngoài (bad faith) bằng việc bổ sung quy định từ chối bảo hộ nhãn hiệu xin đăng ký thiếu ý định sử dụng thực sự, và từ chối bảo hộ “đơn đăng ký bất thường”.

II. Nhu cầu và rủi ro pháp lý về bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc Việt Nam ở Trung Quốc

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (chỉ sau Mỹ) với kim ngạch xuất khẩu đạt 48,90 tỷ USD.[5] Các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam, trong đó chỉ tính riêng xuất khẩu rau quả có thể đạt kim ngạch xuất khẩu tới 5 tỷ đô Mỹ trong năm 2023, có thể đóng góp chủ lực cho kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Hiện nay không có nghiên cứu hoặc thống kê của Việt Nam về số lượng đơn đăng ký bảo hộ sáng chế, kiểu dáng, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc VIệt Nam ra nước ngoài gồm cả thị trường Trung Quốc. Nhưng nhìn chung theo quan sát của tôi, Trung Quốc có lẽ là nơi mà Việt Nam có nhu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (chủ yếu là nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý) đứng thứ 2 thế giới (sau Mỹ) vì theo báo cáo hàng năm của Cơ quan sở hữu trí tuệ Trung Quốc (CNIPA), chẳng hạn như năm 2019, Việt Nam có 488 đơn đăng ký nhãn hiệu ở Trung Quốc trong đó có 313 nhãn hiệu được cấp. Năm 2020, Việt Nam có 345 đơn đăng ký nhãn hiệu trong đó có 254 nhãn hiệu được cấp bảo hộ, và cùng trong năm này Việt Nam có 11 đơn sáng chế, 3 đơn giải pháp hữu ích và 5 đơn kiểu dáng công nghiệp nộp tại CNIPA.[6]

1. Năm thực tiễn đáng lưu ý về sở hữu trí tuệ ở Trung Quốc

Doanh nghiệp Việt Nam (cũng tương tự như các doanh nghiệp nước ngoài từ EU và Mỹ) có hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc đều có thể gặp rất nhiều rủi ro và thách thức về SHTT ở Trung Quốc như 5 tổng kết thực tiễn dưới đây:

1. Số lượng nhãn hiệu/thương hiệu bị chiếm đoạt (lợi dụng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên và nguyên tắc giới hạn quyền độc quyền theo lãnh thổ) dưới dạng đăng ký trái phép với CNIPA là rất lớn, thường chiếm 30% tổng số vụ việc hành chính được nộp tại CNIPA. Ví dụ, năm 2018 trong vụ Wuhan Zhong Jun Campus Services Co., Ltd vs. TRAB liên quan đến hủy nhãn hiệu “360安钱宝”theo đăng ký 13888086, Tòa án tối cao Trung Quốc (SPC) nhận định rằng chủ sở hữu đã nộp hơn 1.000 nhãn hiệu mà hầu hết trong số đó đều tương tự với các nhãn hiệu có danh tiếng của người khác.

2. Hệ thống phân loại phụ (sub-class) đối với sản phẩm tương tự làm căn cứ đánh giá khả năng gây nhầm lẫn ở Trung Quốc phức tạp nên dễ nhận thấy nhãn hiệu của doanh nghiệp Việt Nam có thể dễ dàng được CNIPA cấp bảo hộ vì lý do phân loại phụ đó không cùng loại với phân loại phụ mang nhãn hiệu đã đăng ký như minh họa ở Tình huống 3 dưới đây

3. CNIPA thường không từ chối bảo hộ nhãn hiệu chứa tên địa danh của Việt Nam ngay cả khi nhãn hiệu đó là tên địa danh cấp tỉnh vì Điều 10. Luật nhãn hiệu Trung Quốc quy định chỉ tên địa danh nước ngoài được biết tới bởi công chúng của Trung Quốc mới không đủ điều kiện đăng ký. Tình huống 5 dưới đây chứng minh cho thực tiễn này.

4. CNIPA cũng thường không thẩm định kỹ (do thẩm định viên bị sức ép yêu cầu đảm bảo tốc độ thẩm định chỉ còn 4 tháng) liệu nhãn hiệu xin đăng ký chứa hoặc có mang chỉ dẫn địa lý của nước ngoài hay không nên dễ dẫn sai lầm vẫn cấp bảo hộ cho nhãn hiệu xin đăng ký chứa chỉ dẫn địa lý được bảo hộ của Việt Nam vì Điều 16 Luật nhãn hiệu còn đòi hỏi bằng chứng chứng minh rằng hàng hóa mang tên địa lý đó không có nguồn gốc từ khu vực địa lý đó nên dẫn tới làm công chúng hiểu nhầm về nguồn gốc thì mới bị từ chối. Minh chứng nêu ở Tình huống 1 dưới đây là trường hợp chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột và Phú Quốc bị đăng ký làm nhãn hiệu thông thường ở Trung Quốc năm 2011.

5. Tiêu chuẩn và chứng cứ chứng minh nhãn hiệu không đăng ký hoặc đã đăng ký của doanh nghiệp Việt Nam được xem là nổi tiếng ở Trung Quốc là rất cao nên nhìn chung rất khó ngăn chặn đối thủ sử dụng và/hoặc đăng ký nhãn hiệu của doanh nghiệp Việt Nam cho các sản phẩm không tương tự với sản phẩm mang nhãn hiệu có yêu cầu công nhận là nổi tiếng của doanh nghiệp Việt ở Trung Quốc.

2. Sáu tình huống điển hình về mất tài sản sở hữu trí tuệ ở Trung Quốc

III. Pháp luật về bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở Trung Quốc

1. Hai hệ thống bảo hộ chỉ dẫn địa lý

Chủ thể quyền của nước ngoài (bao gồm của cả Việt Nam) có thể xem xét chọn một trong hai hệ thống bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở Trung Quốc để bảo hộ cho các chỉ dẫn địa lý của mình vì Trung Quốc có 2 khung pháp lý khác nhau về bảo hộ chỉ dẫn địa lý.[8] Hệ thống đầu tiên là bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo pháp luật nhãn hiệu dưới vai trò giám sát của CNIPA. Hệ thống thứ hai bảo hộ cho chỉ dẫn địa lý của sản phẩm nông nghiệp theo quy định của Bộ Nông nghiệp & Nông thôn (MARA).

2. Quy định chung về nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận

Trung Quốc định nghĩa nhãn hiệu đã đăng ký nghĩa là nhãn hiệu đã được phê duyệt và đăng ký bởi CNIPA gồm nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu dịch vụ, nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận.

Theo pháp luật Trung Quốc, nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể đều có thể chuyển nhượng cho tổ chức khác miễn là bên nhận chuyển nhượng cũng thỏa mãn các điều kiện về tư cách nộp đơn giống như người nộp đơn/người đăng ký ban đầu.

Tính đến năm 2020, Trung Quốc chấp thuận bảo hộ 2.391 chỉ dẫn địa lý và 6.085 chỉ dẫn địa lý đăng ký dưới dạng nhãn hiệu (tạm gọi tắt là “nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý”) nghĩa là chỉ dẫn địa lý được đăng ký dưới dạng nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận.[9]

Liên quan đến việc sử dụng, các thành viên tập thể của người nộp đơn/người đăng ký có thể sử dụng nhãn hiệu tập thể sau khi đáp ứng các điều kiện do quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể quy định. Đối với nhãn hiệu chứng nhận, bất kỳ bên thứ ba có thỏa mãn điều kiện quy định trong quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận đều được phép sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, và người đăng ký không được phép từ chối cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận. Tuy nhiên, cần lưu ý thêm rằng trong mọi trường hợp, người đăng ký nhãn hiệu không được phép sử dụng nhãn hiệu chứng nhận gắn với hàng hóa, dịch vụ được sản xuất hoặc cung ứng bởi chính mình.

Cần đặc biệt lưu ý CNIPA thẩm định rất chặt tư cách nộp đơn và quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận. Hơn nữa, pháp luật Trung Quốc quy định mọi sửa đổi được làm bởi người đăng ký nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận đối với quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận đều phải được nộp cho CNIPA xét nghiệm và phê duyệt, và chỉ khi sửa đổi được phê duyệt bởi CNIPA mới có hiệu lực. Như vậy, việc hiểu và chuẩn bị đầy đủ hồ sơ chứng minh thỏa mãn điều kiện, yêu cầu, nội dung bắt buộc phải có trong  quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận là tối quan trọng giúp đảm bảo khả năng đăng ký thành công ở Trung Quốc.

3. Bảo hộ chỉ dẫn địa lý dưới dạng nhãn hiệu tập thể

Nhãn hiệu tập thể có nghĩa là nhãn hiệu được đăng ký dưới tên của pháp nhân, hiệp hội hoặc tổ chức khác để được sử dụng bởi các thành viên của nó trong hoạt động thương mại nhằm chỉ dẫn tư cách thành viên của tổ chức đó.[10]

Về tư cách nộp đơn, CNIPA quy định bất kỳ bên nào xin đăng ký chỉ dẫn địa lý dưới dạng nhãn hiệu tập thể  phải cung cấp tài liệu chứng thực tư cách của người nộp đơn và nộp tài liệu thông tin và thiết bị thử nghiệm của mình hoặc ủy thác bên thứ ba chứng minh năng lực giám sát chất lượng hàng hóa mang chỉ dẫn địa lý đó. Người nộp đơn được xem là có tư cách nộp đơn thường phải là hiệp hội, hội hoặc các tổ chức phi lợi nhuận, và người nộp đơn cũng phải có thành viên thuộc khu vực địa lý gắn liền với chỉ dẫn địa lý.

Về quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể, CNIPA yêu cầu quy chế phải có các nội dung sau: (1) mục đích sử dụng nhãn hiệu tập thể; (2) chất lượng hàng hóa mang chỉ dẫn địa lý mà được đăng ký dưới dạng nhãn hiệu tập thể; (3) quy trình sử dụng nhãn hiệu tập thể; (4) quyền và nghĩa vụ gắn liền với việc sử dụng nhãn hiệu tập thể; (5) trách nhiệm của thành viên vi phạm quy chế; (6) hệ thống kiểm tra, giám sát của người nộp đơn/người đăng ký đối với hàng hóa mang nhãn hiệu tập thể.

Theo quy định mới được ban hành dưới dạng hỏi đáp bởi CNIPA ngày 23/04/2020,[11] liên quan đến chất lượng hàng hóa mang chỉ dẫn địa lý mà được đăng ký dưới dạng nhãn hiệu tập thể, CNIPA quy định chất lượng hàng hóa đề cập ở quy chế phải được nêu rõ là theo tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn ngành, tiêu chuẩn địa phương hoặc thâm chí cũng có thể là tiêu chuẩn do người đăng ký mô tả. CNIPA cũng giải thích thêm tiêu chuẩn quy định bởi người nộp đơn phải tuyên bố rõ ràng yêu cầu chất lượng của hàng hóa mang nhãn hiệu tập thể, chứ không thể quy định tiêu chuẩn không liên quan đến chất lượng của hàng hóa mang nhãn hiệu tập thể.

4. Bảo hộ chỉ dẫn địa lý dưới dạng nhãn hiệu chứng nhận

Nhãn hiệu chứng nhận nghĩa là bất kỳ nhãn hiệu nào được kiểm soát bởi tổ chức chịu trách nhiệm giám sát hàng hóa, dịch vụ và được sử dụng bởi bên thứ ba gắn liền với hàng hóa, dịch vụ của bên thứ ba để chứng nhận nguồn gốc, nguyên liệu, phương pháp sản xuất, chất lượng hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ.

Về quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, CNIPA yêu cầu quy chế phải có các nội dung sau: (1) mục đích sử dụng nhãn hiệu chứng nhận; (2) chất lượng hàng hóa đặc thù mang chỉ dẫn địa lý mà được đăng ký dưới dạng nhãn hiệu chứng nhận; (3) điều kiện sử dụng nhãn hiệu chứng nhận; (4) thủ tục sử dụng nhãn hiệu chứng nhận; (5) quyền và nghĩa vụ gắn liền với việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận; (6) trách nhiệm của người sử dụng nếu vi phạm quy chế; (7) hệ thống kiểm tra, giám sát của người nộp đơn/người đăng ký đối với hàng hóa mang nhãn hiệu chứng nhận.

Khác với tiêu chuẩn chất lượng của nhãn hiệu tập thể, CNIPA tuyên bố rằng việc tuân thủ tiêu chuẩn quốc gia không đủ thỏa mãn điều kiện sử dụng nhãn hiệu chứng nhận. Nghĩa là chất lượng hàng hóa mang nhãn hiệu chứng nhận phải cao hơn tiêu chuẩn quốc gia. Người nộp đơn phải mô tả chi tiết nguyên liệu, phương pháp sản xuất, chất lượng hoặc tiêu chuẩn chất lượng đặc thù một cách cụ thể để người sử dụng nhãn hiệu chứng nhận và người tiêu dùng biết thông qua quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận mà hàng hóa, dịch vụ có sử dụng nhãn hiệu chứng nhận khác biệt với hàng hóa, dịch vụ tương tự bằng sự vượt trội về tiêu chuẩn bắt buộc đó.

5. Bảo hộ chỉ dẫn địa lý của sản phẩm nông nghiệp theo Quy định MARA

Cần lưu ý rằng sản phẩm chỉ dẫn địa lý (GI products) được cấp bởi AQSIQ không bao gồm sản phẩm nông nghiệp vì sản phẩm nông nghiệp yêu cầu bảo hộ chỉ dẫn địa lý (GIs of agricultural products) được quy định ở Quy định về quản lý chỉ dẫn địa lý sản phẩm nông nghiệp được ban hành bởi MARA (“Quy định MARA”). Theo đó, sản phẩm nông nghiệp gồm sản phẩm có nguồn gốc từ nông nghiệp, cụ thể là thực vật, động vật, vi sinh vật và các sản phẩm thu được từ chúng.[12]

Theo Quy định MARA, chủ thể có tư cách nộp đơn là các tổ chức hợp tác kinh tế của nông dân hoặc các hiệp hội công nghiệp được phê duyệt bởi chính quyền địa phương nếu thỏa mãn các điều kiện:

  • Họ phải có năng lực giám sát, quản lý chỉ dẫn địa lý của sản phẩm nông nghiệp và các sản phẩm có nguồn gốc từ sản phẩm đó
  • Họ phải có năng lực cung cấp hướng dẫn, sản xuất, chế biến, tiếp thị sản phẩm nông nghiệp mang chỉ dẫn địa lý
  • Họ cũng phải có năng lực chịu trách nhiệm dân sự độc lập

Hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý của sản phẩm nông nghiệp gồm:

  • Tờ khai đăng ký
  • Giấy chứng nhận tư cách pháp lý của người nộp đơn
  • Mô tả đặc tính điển hình của sản phẩm và báo cáo thanh kiểm tra chất lượng sản phẩm
  • Điều kiện môi trường của khu vực sản xuất sản phẩm, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với việc sản xuất và tiêu chuẩn kỹ thuật đảm bảo an toàn chất lượng sản phẩm
  • Tài liệu xác định phạm vi địa lý và bản đồ phân bổ địa lý của sản phẩm
  • Mẫu sản phẩm hoặc ảnh chụp của sản phẩm
  • Tài liệu hoặc bằng chứng khác có liên quan chứng minh đặc tính của sản phẩm

Theo Quy định MARA, tương tự như thủ tục đăng ký sản phẩm chỉ dẫn địa lý, đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý của sản phẩm nông nghiệp trước hết được nộp cho sở nông nghiệp địa phương xét nghiệm sơ bộ và cũng phải được thẩm định tại chỗ trong vòng 45 ngày làm việc kể từ ngày đơn được chấp nhận. Sau đó, sở nông nghiệp phải gửi ý kiến đánh giá sơ bộ của mình cho MARA. Trong vòng 20 ngày làm việc, MARA phải đánh giá hồ sơ và tổ chức hội đồng chuyên gia thẩm định hồ sơ. Nếu được hội đồng chuyên gia chấp thuận, MARA sẽ công bố công khai chấp thuận đơn để bên thứ ba có thể phản đối trong vòng 20 ngày. Nếu không có phản đối hoặc phản đối không được chấp nhận, MARA sẽ cho đăng ký chỉ dẫn địa lý và công bố việc đăng ký chỉ dẫn địa lý kèm theo giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý của sản phẩm nông nghiệp cùng với thông tin tiêu chuẩn kỹ thuật của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý

  6. Phân biệt sự khác nhau giữa 2 phương thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý

Chỉ dẫn địa lý của Việt Nam có thể đăng ký ở Trung Quốc dưới một trong hai phương thức kể trên gồm nhãn hiệu chứng nhận/nhãn hiệu tập thể, và chỉ dẫn địa lý của sản phẩm nông nghiệp. Sự khác nhau giữa hai phương thức này có thể được tóm lược bằng các đặc trưng sau:

  • Về luật áp dụng, chỉ dẫn địa lý nếu được đăng ký dưới dạng nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận (hay còn gọi tắt là nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý) thì nó phải tuân thủ Luật nhãn hiệu Trung Quốc 2019. Chỉ dẫn địa lý xin đăng ký cho sản phẩm nông nghiệp (chỉ dẫn địa lý của sản phẩm nông nghiệp) thì phải tuân thủ Quy định MARA
  • Về cơ quan có thẩm quyền cấp bảo hộ, nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý phải được nộp đơn, thẩm định và phê duyệt bởi CNIPA trong khi chỉ dẫn địa lý của sản phẩm nông nghiệp muốn được bảo hộ phải nộp đơn đăng ký và được phê duyệt cấp bởi MARA.
  • Về thủ tục thẩm định đơn đăng ký, hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý được thẩm định theo Luật nhãn hiệu 2019 trong khi hồ sơ đăng ký sản phẩm chỉ dẫn địa lý và chỉ dẫn địa lý của sản phẩm nông nghiệp được thẩm định theo quy trình thủ tục được quy định bởi Quy định MARA tương ứng.
  • Về thời hạn bảo hộ, nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý được bảo hộ 10 năm như nhãn hiệu thông thường trong khi chỉ dẫn địa lý của sản phẩm nông nghiệp được bảo hộ vĩnh viễn.
  • Về phạm vi đối tượng yêu cầu bảo hộ, nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý chỉ có thể được cấp cho hàng hóa (không áp dụng cho dịch vụ). Chỉ dẫn địa lý của sản phẩm nông nghiệp chỉ áp dụng cho sản phẩm nông nghiệp.[13]

[1] Xem thêm: About IP5 co-operation | fiveIPoffices

[2] Tham khảo thêm: Sự phát triển ngoạn mục của hệ thống sở hữu trí tuệ Trung Quốc thông qua 7 cột mốc đáng lưu ý | Su phat trien ngoan muc cua he thong so huu tri tue Trung Quoc thong qua 7 cot moc dang luu y (bross.vn) hoặc Sự phát triển ngoạn mục của hệ thống sở hữu trí tuệ Trung Quốc thông qua 7 cột mốc đáng lưu ý - Lexology

[3] Nguồn: https://databank.worldbank.org/data/download/GDP.pdf 

https://fortune.com/2020/08/10/fortune-global-500-china-rise-ceo-daily/#:~:text=Walmart%20once%20again%20tops%20the%20list%2C%20followed%20by,Hong%20Kong%20than%20in%20the%20U.S.%E2%80%93124%20vs.%20121

[4] Nguồn: https://www.jdsupra.com/legalnews/china-ip-litigation-and-prosecution-20820/. Theo báo cáo năm 2020 của SPC, số lượng vụ án SHTT được hệ thống tòa án cả nước xét xử sơ thẩm tăng từ 101.000 vụ trong năm 2013 lên 467.000 vụ trong năm 2020 hay nói cách khác từ năm 2013 đến tháng 6/2021, hệ thống tòa án đã xử 2,06 triệu vụ án SHTT trong đó có 143.000 vụ sáng chế, 473.000 vụ nhãn hiệu, 1,316 triệu vụ quyền tác giả và 18.000 vụ liên quan đến hợp đồng chuyển giao công nghệ. Xem thêm:  http://www.npc.gov.cn/npc/c30834/202110/2adb18d160c945e989bc20df3641cffc.shtml

[5] Nguồn: https://vneconomy.vn/viet-nam-nhap-sieu-352-ty-usd-tu-trung-quoc-nam-2020.htm và Xuất khẩu rau quả “bùng nổ”, dự kiến sẽ đạt 5 tỷ USD ngay trong năm 2023 - Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới (vneconomy.vn)

[6] Nguồn: CNIPA annual report 2020

[7] Hành trình tranh chấp và kiện tụng kéo dài nhiều năm của Airbus ở Trung Quốc cuối cùng đã không mang lại kết quả như Airbus mong muốn là hủy bỏ hiệu lực của nhãn hiệu có sau nêu trên. Tòa Trung cấp Bắc Kinh số 1 nhận định rằng AIRBUS được phép bảo hộ với tư cách là nhãn hiệu nổi tiếng theo Công ước Paris và việc bảo hộ đó bao gồm cho các hàng hóa/dịch vụ không tương tự. Tuy nhiên, Tòa án đã bác quan điểm của Airbus Deutschland đồng thời cho phép đơn bị phản đối được chuyển sang giai đoạn đăng ký vì Tòa thấy rằng Airbus Deutschland đã không chứng minh được nhãn hiệu AIRBUS trở nên nổi tiếng ở Trung Quốc trước ngày nộp đơn của nhãn hiệu bị phản đối, cụ thể là tháng 7/1998, dù biết rằng AIRBUS đã sử dụng ở Trung Quốc trước tháng 7/1998 nhưng vấn đề là ở chỗ không có bằng chứng chứng minh nào chứng tỏ nhãn hiệu này được biết tới rộng rãi ở Trung Quốc đến mức trở thành nổi tiếng tính đến thời điểm đó. Xem thêm: http://bross.vn/newsletter/ip-news-update/AIRBUS-khong-duoc-cong-nhan-la-nhan-hieu-noi-tieng-va-lap-truong-ve-bao-ho-nhan-hieu-noi-tieng-cua-Trung-Quoc-trong-vu-Airbus-Deutschland-GmbH-vs-Shenyang-Yongfeng-Food-Co hoặc http://bross.vn/newsletter/ip-news-update/Giai-quyet-tranh-chap-lien-quan-den-Nhan-Hieu-Noi-Tieng-theo-phap-luat--va-thuc-tien-o-My-EU-Trung-Quoc-va-Viet-Nam:-giong-nhau-hay-khac-biet-du-cung-bi-rang-buoc-boi-Cong-uoc-Paris-va-Hiep-dinh-TRIPs-1914 

[8] Theo thông tin được các chuyên gia CNIPA cập nhật tại Hội thảo “Đăng ký bảo hộ, quản lý và khai thác phát triển nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của Việt Nam tại Trung Quốc” diễn ra ngày 20/07/2023 tổ chức tại Khu liên cơ Võ Chí Công, 258 Võ Chí Công, Hà Nội thì mới đây Trung Quốc đã hợp nhất chức năng bảo hộ chỉ dẫn địa lý được trao cho Tổng cục giám sát chất lượng, thanh tra và kiểm dịch (AQSIQ) trở thành thuộc thẩm quyền của CNIPA. Điều này có nghĩa Hệ thống số 2 trong 3 Hệ thống bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở Trung Quốc đã bị bãi bỏ. Ba Hệ thống bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo quy định cũ gồm: (1) bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo Luật nhãn hiệu dưới vai trò giám sát của CNIPA; (2) bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo Quy định của Tổng cục giám sát chất lượng, thanh tra và kiểm dịch (Quy định AQSIQ) áp dụng cho sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý; và (3) bảo hộ cho chỉ dẫn địa lý của sản phẩm nông nghiệp theo quy định của Bộ Nông nghiệp & Nông thôn (Quy định MARA)

[9] Chỉ dẫn địa lý đăng ký dưới dạng nhãn hiệu hay còn gọi là nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý (GI trademark) là thuật ngữ được sử dụng bởi CNIPA. Xem thêm báo cáo thường niên CNIPA năm 2020: down.jsp (cnipa.gov.cn)
[10] Xem Điều 3 Luật nhãn hiệu Trung Quốc sửa đổi năm 2019

[11] Nguồn: Chinese Trademark Office Issues FAQ on Collective and Certification Trademark Registration - China IP Law Update

[12] Xem “Measures for the Administration of Geographical Indications of Agricultural Products”: ncpgigl.pdf (mofcom.gov.cn)

[13] Nguồn: EU-CHINA IPR2 – Q&A Manual China Legislation on Geographical Indications

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.